Ngô Văn
Hàng năm, buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình sẽ được tổ chức tại Olso (thủ đô Na Uy) vào ngày 10 tháng 12, đúng vào ngày bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời. Năm nay, người được chọn để trao giải thưởng cao quý này là ông Lưu Hiểu Ba, một nhà đấu tranh cho Dân chủ & Nhân quyền đang bị chế độ Cộng sản Trung quốc giam giữ. Bắc Kinh đã áp lực mạnh lên chính phủ Na Uy cũng như Ủy ban Nobel Hòa Bình để yêu cầu không trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba, nhưng bị thất bại, nên bèn đổi chiêu thức, kêu gọi các quốc gia có liên hệ ngoại giao với Na Uy không gửi Đại sứ đến tham dự lễ trao giải; và lẽ đương nhiên Bắc Kinh cũng không cho bất cứ một thân nhân nào của ông Ba sang Olso nhận giải thay thế.
Theo thông lệ, trước ngày trao giải thưởng khoảng 1 tháng, Ban tổ chức đã gửi thiệp mời tất cả đại sứ các quốc gia tại Na Uy tham dự. Bình thường thì không ai từ chối vì đây cũng là một vinh dự cho họ. Tuy nhiên, theo đài truyền thanh và truyền hình NRK của Na Uy thì năm nay một vài người, trong đó có ông Vũ Văn Lưu, đại sứ Cộng Sản Việt Nam đã từ chối không dự, do sự yêu cầu của Bắc Kinh. Còn Trung Quốc thì đương nhiên là sẽ chẳng gửi Đại sứ đến, mà còn lớn tiếng chỉ trích Ủy ban Nobel Hòa Bình đã phạm một sai lầm lớn vì đã chọn Lưu Hiểu Ba để trao giải, và sự chọn lựa này đã làm hoen ố giá trị của giải, vì Trung Quốc coi Lưu Hữu Ba là “tên phá rối trật tự xã hội, chứ chẳng có một tâm ý hòa bình nào”. Cũng theo các hệ thống truyền thông vừa kể thì chính phủ Trung quốc đã gửi thư đến các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Na Uy kêu gọi tẩy chay buổi lễ trao giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay. Sau khi gửi thư đó, thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải của Trung Quốc tuyên bố rằng buổi lễ trao giải chắc chắn bị nhiều nước tẩy chay, và sau này Na Uy sẽ bị trả đũa trên thương trường, mà đầu tiên sẽ đến từ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, đây là cái giá mà Na Uy phải trả do quyết định sai lầm của mình. Lời tuyên bố của Thôi Thiên Khải được xem như một hình thức đe dọa; nhưng chưa hết, báo chí ở Hoa lục còn viết rằng, trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba là chính quyền Na Uy đã coi 1 tỷ 3 người dân Trung Quốc là thù địch. Tờ Hòan Cầu Thời Báo còn đề nghị Trung Quốc thành lập giải thưởng Khổng Tử về Hòa Bình & Nhân Quyền để cạnh tranh ảnh hưởng với giải Nobel Hòa Bình của Na Uy.