Diễn Đàn Pal Talk "Tìm Hiểu và Thảo Luận Về Đấu Tranh Bất Bạo Động"
Bài 4: Tại sao quần chúng tuân phục chế độ và làm sao giúp quần chúng rút lại sự tuân phục, can đảm đối kháng lại chế độ độc tài. Ứng dụng vào hiện tình VN xuyên qua các cuộc đấu tranh giáo dân, dân oan, công nhân.
Diễn Giả:
Ông Đỗ Đăng Liêu (Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Bác sĩ Đặng Vũ Chấn (Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Ông Đỗ Đăng Liêu (Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Bác sĩ Đặng Vũ Chấn (Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân)
Kính chào toàn thể quý vị, (Đỗ Đăng Liêu)
Chúng tôi hy vọng là qua ba đề tài vừa rồi, quý vị đã phần nào đồng ý về nguyên lý căn bản là "Người cầm quyền sẽ không thể cai trị nếu người dân không tuân phục".
Áp dụng vào trường hợp một chế độ độc tài mà chúng ta muốn chấm dứt, nếu chúng ta làm cho người dân ngừng tuân phục thì người cầm quyền sẽ phải ra đi.
Tiến sĩ Gene Sharp, một chuyên gia về đấu tranh bất bạo động, đã nói "sự tuân phục" là cốt lõi của quyền lực chính trị. Tất cả những chiến lược và chiến thuật về đấu tranh bất bạo động được thiết lập nhắm vào điểm cốt lõi này.
Có rất nhiều lý do dẫn đến sự tuân phục. Tôi xin trình bày một số lý do cốt lõi.
Lý do thứ nhất: THÓI QUEN.
Trong xã hội mà chúng ta sinh sống, từ khi sinh ra, chúng ta được gia đình, xã hội rèn luyện thành một thói quen tuân phục rất nhiều thứ. Trước tiên là nghe lời cha mẹ, các anh các chị, sau đó nghe lời thầy cô, sau nữa thì tuân lệnh cấp trên, nghe lệnh cảnh sát, thậm chí răm rắp tuân theo những biểu tượng như luật đi đường, và luật pháp nói chung. Đây là những thói quen, và có thể nói đó là những thói quen mà người công dân tốt trong xã hội cần có.
Thói quen tuân phục đó được mọi người áp dụng một cách rất tự nhiên và máy móc đối với những người lãnh đạo độc tài cho dù ưa hay là không ưa họ.Sự tuân phục đã trở thành cái gì rất tự nhiên đối với họ.Muốn người dân bỏ đi thói quen tuân phục lãnh đạo độc tài thì trước tiên người đấu tranh bất bạo động phải thuyết phục được người dân xét lại thói quen đó.
Thuyết phục một người bỏ đi một thói quen là việc khó làm, đòi hỏi sự kiên trì từ người đi thuyết phục cũng như những lập luận vững chắc đủ làm cho đối tượng tin được những chuyện chưa từng thấy và chưa xẩy ra.
Lý do thứ hai: SỢ BỊ TRỪNG PHẠT:
Khi bắt đầu nghĩ đến chuyện bỏ đi một thói quen (ở đây là bỏ đi sự tuân phục lãnh đạo độc tài) thì yếu tố lớn và quan trọng nhất mà người ta nghĩ đến là những nguy hiểm đi kèm với việc bỏ đi thói quen đó. Nếu sự nguy hiểm hay hình phạt lớn quá sức chịu đựng thì việc bỏ thói quen đó sẽ không xẩy ra được.
Những biện pháp mà lãnh đạo độc tài dùng để trừng phạt những ai bất tuân họ đi từ nặng là giết chết, giam cầm, tra tấn thể xác tới những hình phạt nhẹ hơn như xách nhiễu, cắt điện thoại, v.v... Sợ hãi những biện pháp trừng phạt từ lãnh đạo độc tài là điều rất tự nhiên và là yếu tố quan trọng nhất cản trở ý định bất tuân nơi người dân Vì vậy, trừng phạt là biện pháp được các lãnh đạo độc tài xử dụng thường xuyên nhất để ép người dân tuân phục.
Trong giai đoạn đầu, chỉ những người có những động cơ thúc đẩy rất vững chắc và mãnh liệt như lý tưởng hay những lý do đặc biệt mới có thể can đảm chấp nhận những hình thức trừng phạt như kể trên. Tuy nhiên, khi số người tham gia đủ đông và nhất là hỗ trợ lẫn nhau, tác động của các biện pháp trừng phạt sẽ loãng và phai lạt dần.
Lý do thứ ba: VÌ TƯ LỢI:
Sau khi vượt qua được yếu tố nguy hiểm hay trừng phạt, đối tượng sẽ nghĩ đến yếu tố kế tiếp là quyền lợi, có nghĩa là xét xem việc ngừng tuân phục có gây nên một sự mất quyền lợi quá to lớn mà đối tượng không thể chấp nhận hay không. Chúng ta đều biết là "vì tư lợi" con người ta có thể làm nhiều điều, ngay cả những điều ngoài sức tưởng tượng. Vì vậy, việc một người dân tuân phục những người lãnh đạo độc tài, với nhiều quyền lực trong tay, có khả năng cung cấp cho họ mọi thứ quyền lợi, từ vật chất đến tinh thần, từ tiền bạc đến công danh,.v..v... thì không phải là điều lạ.
Chúng ta phải rất cẩn thận trước khi có ý định kết án những người vì tư lợi mà theo chế độ độc tài vì nhiều khi họ không có chọn lựa nào khác. Làm sao để giúp người dân quên đi tư lợi để ngừng tuân phục độc tài là bài toán hóc búa cho những người đấu tranh bất bạo động. Với khả năng rất giới hạn và phương tiện eo hẹp, những người đấu tranh bất bạo động khó có thể cung cấp cho người đang nhận quyền lợi một quyền lợi lớn hơn, nhất là những quyền lợi vật chất.
Chỉ có những người có lý tưởng cao đẹp và nhìn ra được những những cái hay cái đẹp to lớn cho đất nước và dân tộc, nhìn ra các hậu quả mà các thế hệ con cháu phải gánh chịu, thì mới có thể hy sinh quyền lợi cá nhân, và chấp nhận ngừng tuân phục lãnh đạo độc tài. Có lẽ chỉ có tình yêu tổ quốc, vì lý tưởng công bằng mà người ta có thể hy sinh và từ bỏ những quyền lợi cá nhân.
Bên cạnh đó, hầu như mọi người đều biết nhưng lại dễ quên rằng hầu hết các lợi nhuận trong một chế độ độc tài đều dồn về cho một thiểu số rất nhỏ ở thượng tầng. Đại khối dân chúng còn lại chỉ được chia nhau một phần rất nhỏ. Hơn thế nữa, khẩu hiệu tuyên truyền “Ổn định để phát triển” trong thực tế chỉ dẫn đến hệ quả “Che đậy để ung thối” đang tuột dốc trong mọi mặt xã hội.
Do đó, lập luận và những việc cần làm để thuyết phục phải là để trình bày cho người dân thấy được trước tiên là những quyền lợi họ đang có trong chế độ độc tài là không bền vững và bất công. Chính họ và con cháu họ có cơ hội thăng tiến cao hơn nhiều trong một thể chế tự do dân chủ, đảm bảo quyền bình đẳng cơ hội cho mọi công dân. Song song, cũng cần kêu gọi tinh thần hy sinh yêu nước thương nòi nơi mọi người để kêu gọi hy sinh trong giai đoạn hiện tại.
Lý do thứ tư: SỰ THỜ Ơ:
Sự thờ ơ mà chúng ta nhắc tới ở đây được hiểu là:
không quan tâm tới những lời kêu gọi thay đổi hiện trạng.
chấp nhận hiện trạng độc tài lãnh đạo
chấp nhận tiếp tục tuân phục lãnh đạo độc tài
không quan tâm tới những lời kêu gọi thay đổi hiện trạng.
chấp nhận hiện trạng độc tài lãnh đạo
chấp nhận tiếp tục tuân phục lãnh đạo độc tài
Nguyên do dẫn đến thái độ thờ ơ thường là vì người ta cho rằng nếu "ngưng tuân phục" thì sẽ phải nhận lấy những sự phiền phức, cho nên họ chọn lấy thái độ "tiếp tục tuân phục cho yên chuyện" ngay cả khi biết rằng hiện trạng không được tốt đẹp như ý muốn.
Một cách biểu hiện thái độ thờ ơ là việc chọn thái độ "phi chính trị". Mục tiêu của lãnh đạo độc tài là làm cho người dân càng thờ ơ càng tốt. Vì vậy họ thường tuyên truyền là "chỉ có những người gây rắc rối mới bị rắc rối" hay nói cách khác là "cứ ngoan ngoãn sống, đừng gây rắc rối thì được yên thân". Rất nhiều người đã rơi vào cái bẫy này của lãnh đạo độc tài.
Để kéo người dân ra khỏi tình trạng thờ ơ, phong trào đấu tranh bất bạo động cần phải giải thích để người dân thấy được là "phi chính trị" không thật sự là phi chính trị, không phải là "trung lập", không phải là "gây rắc rối" mà thật sự là đã vô tình chọn thái độ chính trị tiếp tay duy trì chế độ độc tài, dung dưỡng cho tội ác, làm hại đất nước, và tất cả những điều xấu xa do độc tài mang đến.
Một đặc điểm nữa cũng cần nêu lên là người Việt chúng ta thường được giáo dục là "một sự nhịn chín sự lành". Vì vậy, gặp chuyện không vừa ý thì hay nhịn, mãi rồi trở thành thụ động trước mọi bất công, mất đi khả năng phản kháng ngay cả trước những bất công to lớn.
Để giúp cho người dân thoát ra khỏi tình trạng thờ ơ, phong trào đấu tranh bất bạo động phải làm sao giúp người dân hiểu được và thấy được sự thật, tức là những điều hại mà sự thờ ơ mang lại, chứng minh cho họ thấy được là sự yên thân mà họ mong đợi thực ra không có, không thật, cho họ và nhất là cho con cái và những người họ thương yêu. Chỉ có thế mới mong họ bỏ đi thái độ thờ ơ và đóng góp vào tiến trình tạo thay đổi cho xã hội khá hơn lên.
Lý do thứ năm: MẤT SỰ TỰ TIN:
Sống lâu năm dưới chế độ độc tài, quen thuộc với sự đàn áp dưới mọi hình thức, người dân mất dần đi sự tự tin vào khả năng thay đổi chế độ. Chúng ta không lạ gì khi nghe những câu nói như "nó mạnh như thế, tôi làm gì được!" Lãnh đạo độc tài cũng thường nhồi nhét vào đầu dân chúng cái lập luận là họ là những người duy nhất có kinh nghiệm lấy quyết định về những vấn đề của đất nước và những nhà đấu tranh bất bạo động không có khả năng đó.
Chúng ta cần phải chứng minh là những kinh nghiệm và việc làm của lãnh đạo độc tài không ích nước lợi dân (thực ra là ngược lại, chỉ toàn là những quyết định lợi cho cá nhân họ mà thôi) và những người đấu tranh bất bạo động có thừa khả năng để lãnh đạo đất nước. Đảng CSVN đàn áp và hãm hại dân thì giỏi không ai bằng nhưng xây dựng đất nước thì không làm được. Đấu tranh bất bạo động là phương thức giúp người dân lấy lại sự tự tin, tin là mỗi người là một phần tử của cả một phong trào lớn mạnh, là sức mạnh thừa sức lật đổ bất cứ chế độ độc tài nào.
Lý do thứ sáu: YẾU TỐ "SIÊU NHÂN" "SIÊU PHÀM"
Các nhà độc tài thường tìm cách tạo cho mình hình ảnh của một siêu nhân với quyền năng vô tận để khiến người dân không dám nghĩ đến chuyện không tuân phục. Trong hoàn cảnh đó, thật khó cho người dân bình thường không tuân phục họ vì cảm thấy mình rất nhỏ bé. Trong một số trường hợp, các nhà độc tài còn xử dụng cả tôn giáo như là một phương tiện để dễ dàng hơn trong việc tạo sự tuân phục.
Lãnh đạo Đảng CSVN cho đến giờ vẫn bám víu vào hình ảnh của "Bác Hồ" cũng là với mục đích nói trên và cùng lúc cố gắng cột hình ảnh và việc làm của họ với hình ảnh "bác Hồ" mà họ cố tô vẽ cho thật đẹp mặc dù hoàn toàn sai sự thật. Thậm chí họ còn đưa “Bác Hồ”, một người suốt đời vô thần, lên hàng bồ tát ở một số chùa chiền. Để đối phó với tình trạng này, chúng ta phải nói lên sự thật là con người không có ai là siêu phàm cả, chẳng ai là "con trời" cả, kể cả những lãnh đạo tôn giáo. Có rất nhiều trường hợp cụ thể có thể dùng để chứng minh điều này.
Lý do thứ bảy: AI SAO TÔI VẬY
Bản tính con người đa số chẳng ai muốn rắc rối. Khi phải lấy quyết định làm một việc gì đi ra ngoài sự bình thường để một mình mình phải rắc rối thì ít ai chịu làm. Do đó, cách hành xử bình thường của con người là quan sát chung quanh mình trước, nếu thấy có nhiều người đã làm thì sẽ mạnh dạn làm theo, ngược lại, nếu không thấy ai làm thì cũng không làm để khỏi bị một mình rắc rối. Đó là cái tâm lý mà mình gọi nôm na là "ai sao tôi vậy".
Những hành động phản kháng chế độ độc tài là những việc làm đi ra ngoài khuôn khổ bình thường, lợi thì chưa thấy nhưng hại thì ngay trước mắt, do đó, nếu không có nhiều người xung phong làm trước thì khó có người dám làm.
Trong đấu tranh bất bạo động, những người lãnh đạo cần phải xung phong làm trước để làm gương, để chứng minh cho thấy là làm việc đó nó không nguy hiểm hay gây ra nhiều thiệt hại như người ta vẫn hiểu sai.
Ngoài ra cũng còn một số lý do khác như yếu tố tâm lý tự đồng hoá mình với hình ảnh của lãnh đạo từ đó nẩy sinh ra tâm lý phải bảo vệ lãnh đạo độc tài, như yếu tố tâm lý vì quyền lợi chung đưa đến quan niệm phải tuân phục lãnh đạo độc tài chỉ vì quyền lợi chung mặc dù thấy họ sai trái.
Về nhận thức là đất nước cần thay đổi, chế độ độc tài CSVN cần phải ra đi thì tình hình cũng đã khá rõ. Chỉ trừ một thiểu số chóp bu đang được hưởng những đặc quyền đặc lợi to lớn và những thành phần tay sai ăn bám sẽ kiên trì bám trụ, bám víu lấy quyền lực để hưởng lợi, thì phần còn lại là tuyệt đại đa số dân Việt đều đã nhìn thấy nhu cầu phải thay đổi, và việc chấm dứt sự cai trị độc tài của thiểu số lãnh đạo đảng CSVN là điều nên làm, cần làm và phải làm.
Nhưng làm sao để cho dân chúng rút lại sự tuân phục lãnh đạo độc tài đảng CSVN? Chúng ta ứng dụng những điều kể trên vào hiện tình Việt Nam ra sao?
Kính thưa quý vị, (Đặng Vũ Chấn)
Chúng ta biết là bất kỳ chế độ nào cũng đều tựa trên những trụ cột quyền lực để vừa duy trì quỵền uy cai trị vừa điều hành các sinh hoạt quốc gia. Trong các chế độ độc tài, đặc biệt là đối với chế độ Hà Nội, đảng CSVN đã dựa trên ba trụ cột chính là công an, truyền thông, quân đội để duy trì sự tồn tại.
Không có bộ máy công an dày đặc trong xã hội và sẵn sàng đàn áp, đánh đập người dân thì chế độ không thể dùng yếu tố trừng phạt làm nản chí những ai muốn tạo sự thay đổi xã hội.
Không có bộ máy quân đội để dựa lưng thì chế độ cũng không biết mất còn lúc nào.
Trụ cột truyền thông, với thủ đoạn thông tin một chiều sai sự thật, giúp chế độ củng cố các yếu tố siêu phàm, sự chính danh, và loan truyền quảng bá, đề cao tinh thần thờ ơ vô trách nhiệm, ai sao tôi vậy. Hơn nữa, truyền thông còn cố tạo cho người dân cảm tưởng là không có ai có khả năng thay thế chế độ.
Đương nhiên, ngoài ba trụ cốt chính nói trện, CSVN còn sử dụng những trụ khác như pháp lý, hành chánh, giáo dục…. như là những bộ phận phụ thuộc để kiểm soát người dân với vẻ bề ngoài chính danh trong tinh thần kẻ nâng người đập.
Tóm lại, chế độ độc tài CSVN tận lực xử dụng tất cả những trụ cột quyền lực để duy trì nguyên trạng, hoặc ít ra là kéo dài tối đa tình trạng thống trị hiện nay. Trong tình hình như vậy chúng ta làm sao giúp cho quần chúng giảm thiểu sự tuân phục hay nói cách khác là giúp quần chúng can đảm đứng lên tạo sự thay đổi tốt đẹp cho chính họ và cho đất nước.
Từ tình trạng người dân đang tuân phục vô điều kiện các mệnh lệnh, nhất là cảm thấy bất lực và sợ hãi trước những đòn trấn áp của công an, chuyển sang tình trạng sẵn sàng đối đầu với chế độ không phải là việc dễ làm.
Trong quá khứ và ngay cả hiện nay ở nhiều nơi tại Việt Nam, những cuộc phản kháng của dân chúng thường không được định trước và chủ yếu là do tình thế đưa đẩy. Những cuộc đấu tranh tự phát như vậy mang tính tích cực và biểu hiện phần nào sự không sợ sệt của số đông; nhưng kết quả của nó thường rất tai hại vì không lường được phản ứng trù dập và đàn áp sau đó của bộ máy công an.
Trong đấu tranh bất bạo động, để giúp cho người dân rút lại sự tuân phục và can đảm chống lại những áp bức chung quanh mình, phải đi theo bốn nguyên tắc cản bản.
Thứ nhất là phải tăng cường thông tin và hướng dẫn để giúp khối quần chúng bị áp bức thấy rằng họ có khả năng thay đổi hiện trạng bằng chính sự quyết tâm, niềm tin và những cách thức phản kháng ôn hòa, bất bạo động qua những việc làm đơn giản trong tầm tay mà ai cũng làm được.
Thứ hai là khuyến khích mọi người dân tham gia hay lập ra những nhóm, hội đoàn phù hợp với sở nguyện của mình về văn hóa, thể thao, giải trí, âm nhạc, nghệ thuật, tôn giáo hay những định chế xã hội như hội những người lái Taxi, hội phụ huynh học sinh, hội khuyến học… không nằm trong khuôn khổ kiểm soát của chế độ, tạo thành một mạng lưới giúp đỡ nhau.
Thứ ba là để khởi đầu vận động bày tỏ sự bất tuân phục một vấn đề nào đó, ta chỉ nên chọn những phản đối mà người tham gia thấy có độ rủi ro thấp, ai tham gia cũng được và nhất là mang tính gầy dựng lòng tự tin để lần sau họ tiếp tục trong tương lai.
Thứ tư là không nên vận động người dân tấn công thẳng vào hệ thống quyền lực của chế độ độc tài khi chưa có những chuẩn bị lực lượng qua nhiều đợt thao dợt
Bây giờ, chúng ta cùng nhìn lại cuộc đấu tranh của giáo dân Thái Hà vào năm 2008 như là một ví dụ. Cuộc đấu tranh này đã cho chúng ta rất nhiều bài học liên quan đến đấu tranh bất bạo động.
Kính thưa quý vị,
Trên căn bản, cuộc tranh đấu ở Thái Hà là việc giáo dân đòi lại những đất đai của giáo hội đã bị nhà nước CSVN cướp đoạt từ năm 1962. Cơ sở tôn giáo của Dòng Chúa Cứu Thế được xây dựng trên đất Thái Hà từ năm 1929. Nhà nước CSVN cướp đất bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1960.
Nhưng cuộc đấu tranh quyết liệt dưới hình thức bất bạo động có thể nói là đã diễn ra trong thời gian gần 2 tháng kể từ ngày 14/8/2008 và coi như tạm kết thúc vào ngày 8/10/2008 khi Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội cho khánh thành công viên 1/6 trên linh địa Đức Bà trong khu đất của Dòng Chúa Cứu thế.
Mặc dầu mục tiêu tiên khởi là đòi đất chưa thành công, nhưng cuộc đấu tranh của Thái Hà đã đạt được một số thắng lợi. Trước tiên, cuộc đấu tranh đòi đất đã được nâng cấp thành một cuộc đấu tranh đòi công lý và sự thật nói chung. Kết quả quan trọng khác là qua cuộc đấu tranh này, một thành phần, một lực lượng quan trọng của dân tộc là các giáo dân Công Giáo đã đạt được rất nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh bất bạo động, từ chiến lược chiến thuật cho tới lãnh đạo, thi hành, tạo thành một đội ngũ kỷ luật, một lực lượng có sức mạnh thật sự cho những bước đấu tranh bất bạo động kế tiếp dẫn đến chiến thắng cuối cùng mai này là chấm dứt độc tài.
Hình ảnh các giáo dân, những con người hiền hoà, tay cầm những nhành thiên tuế, biểu tượng cho sự ôn hoà, hoàn toàn trái ngược lại với hình ảnh của những công an đủ loại với dùi cui, khiên chắn, mũ sắt lựu đạn cay sẵn sàng đánh đập người dân nói lên cốt lõi của đấu tranh bất bạo động là ôn hoà cảm hoá và trói tay bạo lực.
Hình ảnh hàng ngàn ngàn ngọn nến đồng loạt lặng lẽ thắp lên ở Thái Hà và hàng ngàn ngàn những ngọn nến khác được thắp lên ở nhiều nơi khác trên toàn thế giới đã nói lên yếu tố số đông của đấu tranh bất bạo động.
Đó là, bất chấp tất cả những đòn phép, mánh khoé của nhà nước CSVN như khiêu khích bạo động, vu khống bóp méo sự thật, đàn áp bằng bạo lực, tạo chia rẽ,... giáo dân Thái Hà vẫn từ đầu đến cuối áp dụng những nguyên tắc của bất bạo động một cách nghiêm túc qua việc trước tiên là tạo được số đông, mỗi ngày một đông hơn.
Các giáo dân đã nghiêm chỉnh giữ kỷ luật trong hàng ngũ, thống nhất lãnh đạo, tuyệt đối không có một hành động bạo động nào dù bị đàn áp dã man.
Vận dụng truyền thông quốc tế để quảng bá chính nghiã của cuộc đấu tranh, và kêu gọi được sự hiệp thông rộng rãi của mọi giới đồng bào kể cả của các tôn giáo khác là một việc mà cuộc đấu tranh tại Thái Hà cũng đã rất thành công.
Trở lại với vấn đề cốt lõi là sự tuân phục, chúng ta hãy lược qua những yếu tố cốt lõi qua cuộc đấu tranh tại Thái Hà.
Yếu tố thói quen. Qua cuộc đấu tranh này ta thấy rõ giáo dân Thái Hà đã từ từ bỏ đi cái thói quen tai hại là nhịn nhục, ép mình, bỏ qua, và nhất định không chấp nhận những điều quá vô lý và bất công nữa, và nhất quyết đứng lên để đòi lại sự công bằng và quyền lợi chính đáng của mình.
Cùng lúc, người ta thấy là giáo dân Thái Hà đã không còn thờ ơ nữa. Không còn nữa tình trạng "không gây rắc rối để được yên thân", không còn tình trạng "phi chính trị".
Sự tự tin mãnh liệt của giáo dân Thái Hà cũng đã được biểu lộ thật rõ rệt qua suốt cuộc đấu tranh.
Yếu tố sợ bị trừng phạt. Hình ảnh những giáo dân sẵn sàng đưa thân chịu những đòn thù của công an đến vỡ đầu đổ máu, bị bắt bớ, giam cầm, tù tội đã cho thấy là người dân không còn sợ hãi tới bất động như trước nữa. Hình ảnh các linh mục trực tiếp đối mặt với công an vạch ra cái sai của họ đã nói lên rất rõ là sự sợ hãi đã không còn nữa và được thay thế bằng một sự quyết tâm mãnh liệt để đòi công lý cho bằng được.
Rõ ràng là giáo dân Thái Hà đã biết dẹp sang một bên quyền lợi cá nhân của mình, sẵn sàng hy sinh cho quyền lợi chung. Không còn nữa tình trạng trốn tránh trách nhiệm, chờ người khác hy sinh thay thế cho mình.
Qua cuộc đấu tranh của Thái Hà, chúng ta nhận ra được rằng không phải mọi công an viên đều đã trở thành những động vật mất hết nhân tính sẵn sàng bắn giết đồng bào của họ. Hình ảnh một anh công an trẻ cúi đầu nghe lời khuyên nhủ của một bà mẹ Việt Nam đã nói lên rất rõ điều này và cho thấy trong cuộc đấu tranh này sự cảm hoá có chỗ đứng của nó, đồng thời cũng đã làm nổi bật yếu tố "kéo chứ không đẩy" của đấu tranh bất bạo động.
Chúng ta có thể tin được là trong lực lượng công an chắc chắn có nhiều người vẫn giữ được bản chất tốt của con người Việt Nam, biết thương nước thương dân. Có thể trong hoàn cảnh bó buộc họ phải ép mình làm theo một số chỉ thị bất nhân. Tuy nhiên, sự ép mình của họ cũng có giới hạn. Đến một mức nào đó thì lương tâm của họ sẽ trỗi dậy và họ sẽ không làm theo lệnh nữa.
Những công an này sẽ không lộ diện trong hiện tại nhưng khi thời điểm chín mùi thì họ sẽ xuất hiện, và lúc đó là lúc lực lượng công an bất tuân phục chế độ và là lúc chế độ sụp đổ.
Trong tinh thần đó, phong trào đấu tranh bất bạo động phải nỗ lực nhắm vào thành phần này trong lực lượng công an. Việc phải làm là thông tin tối đa những điều sai trái của chế độ, quảng bá những điều lợi lâu dài cho đất nước một khi dân chủ được thiết lập, cắt nghĩa sự an toàn bản thân của họ khi chế độ thay đổi, kêu gọi lòng thương nước thương dân, đánh thức tính thiện nơi họ.
Trên đây là một số nhận định và góp ý sơ lược của chúng tôi về chủ đề sự tuân phục của quần chúng, cũng như làm thế nào để quần chúng rút lại sự tuân phục.
Trong phần thảo luận chúng ta sẽ cùng nhau đào sâu vào chủ đề này.
Xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.
— -
Ông Đỗ Đăng Liêu
Ông Đỗ Đăng Liêu đi du học tại Bỉ và Pháp trước năm 1975. Tốt nghiệp Cử Nhân Kinh Tế và Cử Nhân Quản Trị Xã Hội. Mang ước vọng canh tân Việt Nam từ thời còn còn cắp sách đến trường, Ông Liêu đã thành lập, tham gia và sinh hoạt trong các hội sinh viên Quốc Gia tại Bỉ và Pháp, kể cả Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris, là lực lượng người Việt Quốc Gia hoạt động tích cực và mạnh mẽ trong những năm trước và sau 1975. Ông Liêu tham gia Đảng Việt Tân năm 1989 với ước mong góp phần vào việc giải thể chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản Việt Nam để mở lối cho việc canh tân đất nước. Ông Liêu là Ủy Viên Trung Ương Đảng từ năm 2001 tới nay.
Ông Đặng Vũ Chấn
Ông Đặng Vũ Chấn là Bác sĩ chuyên khoa hành nghề tại vùng Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, đã từng tham gia tổ chức nhiều sinh hoạt lớn nhỏ trong cộng đồng từ sinh hoạt đấu tranh cho dân chủ nhân quyền đến các sinh hoạt văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế liên tục từ 1984 tới nay.
Bác sĩ Đặng Vũ Chấn tham gia đảng Việt Tân từ năm 1985. Ông là Ủy viên Trung Ương Đảng từ năm 2001.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét