2009/05/30

Sách Trắng — Vì quá ít ý

Vũ Thạch




Ngày 8 tháng 5 năm 2009, đến hạn nhà cầm quyền Việt Nam phải ra trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để điều trần về tình hình tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam. Để chuẩn bị dư luận cho việc này, hai tuần trước đó Nhà Nước CSVN đã cho phát hành một tài liệu với tựa đề “Sách Trắng về Nhân Quyền tại Việt Nam”.

Chữ Sách Trắng, hay Bạch Thư, được thế giới quen dùng với hàm ý tài liệu này sẽ nói thật và nói hết những dữ kiện liên hệ đến một sự việc lớn. Có lẽ vì ấn tượng này mà Bộ Ngoại Giao CSVN, tác giả trực tiếp của tài liệu, đã tung ra hơn 16 000 chữ, trên 45 trang giấy, với 6 bảng và biểu đồ, 4 chương chính và ít là 15 tiểu mục.

Một điểm khá mới lạ của Sách Trắng này là toàn bộ tài liệu không hề đề cập đến vai trò của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mặc dù tại Việt Nam ngày nay, quyền lãnh đạo được ghi vào hiến pháp là vĩnh viễn thuộc về Đảng và không chia với ai khác; mọi chính sách quốc gia đều do Bộ Chính Trị ĐCSVN quyết định; mọi phương tiện quốc gia đều là công cụ của Đảng; hay nói cách khác, Đảng kiểm soát và chi phối mọi mặt sinh hoạt trong xã hội Việt Nam. Thế mà “Sách Trắng về Nhân Quyền” lại bỏ quên vai trò của Đảng trong việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam!

Nhưng ngoài điều lạ nêu trên, sau khi bỏ công đọc hết tập tài liệu này, không chỉ người Việt Nam, mà cả đại diện các chính phủ đều thất vọng — như người ta đã thấy qua thái độ của nhiều chính phủ tại buổi điều trần về nhân quyền ở Genève — vì Bạch Thư này còn quá trắng, nghĩa là chứa quá ít chất liệu đáng đọc.

Thật vậy, nội dung 45 trang giấy được dùng chỉ để chống đỡ, dẫn chứng và biện bạch cho 3 ý chính. Đó là:

- Nhân quyền không thể đi ngược với nhu cầu độc lập, tự do, và tự quyết của dân tộc Việt Nam.

- Việt Nam chắc chắn có nhân quyền vì chính “Bác Hồ” nói thế.

- Việt Nam chắc chắn có nhân quyền vì hiến pháp và luật pháp đã ghi và ghi rất nhiều như vậy.

Đối với thế giới, đặc biệt là những chuyên gia quốc tế về nhân quyền, thì việc phân tích các lý do tại sao 3 ý trên không “ăn khách” quả là không cần thiết, vì mỗi năm họ đều nghe vài chục nước độc tài hoặc bán độc tài đưa ra 3 lý do đó. Hiển nhiên, không phải nước nào cũng có “Bác Hồ” như Việt Nam và Trung Quốc, nhưng thế giới còn nhiều bác tương tự được đưa ra làm bảo chứng nhân quyền, như Bác Mugabe của Zimbabwe, Bác Al-Bashir của Sudan, Bác Kim của Bắc Hàn, Bác Shwe của Miến Điện, v.v. Và hầu như luôn luôn theo sau 3 lý do đó là lời than vãn “vì nước em còn nghèo …” (nên em có quyền ác chăng?).

Tuy không cần cho giới quan sát nhân quyền quốc tế, nhưng bài này có lẽ vẫn cần được gởi đến các quan chức Hà Nội để xác quyết một lần nữa là cả người Việt lẫn thế giới đều đã biết và biết rất rõ các sai trật trong lối ngụy biện của họ. Do đó, lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN phải sớm ý thức được rằng: họ chỉ có 2 chọn lựa, hoặc tôn trọng nhân quyền thực sự để hòa nhập với nhân loại. Hoặc bị cả thế giới khinh bỉ như các chế độ độc tài khác trên thế giới. Các vở kịch họ trình diễn tại các diễn đàn quốc tế chỉ thêm tốn công vô ích; và các kiểu nói lấy được chỉ tốn thêm “sách trắng” mà không còn lừa bịp được ai nữa.

1. Nhân quyền có làm thiệt hại nền độc lập, sự tự do, hay quyền tự quyết của dân tộc không?

Luận điểm này được viết ngay tại các trang đầu nên người đọc dễ có cảm giác ngay rằng đây là một tài liệu rất cũ mà Ban Tuyên Huấn Trung Ương lục tủ lấy ra và chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao thêm thắt cho có vẻ cập nhật. Cũng có thể Bộ Ngoại Giao sao chép thẳng từ các bài viết về vấn đề nhân quyền của Hội Đồng Lý Luận Trung Ương trong Tạp Chí Cộng Sản. Đây là luận điểm được lập đi lập lại trong nhiều năm qua mỗi khi CSVN bị thế giới phê phán vi phạm nhân quyền. Suốt 60 năm qua tại miền Bắc và hơn 30 năm qua trên cả nước, các quyền con người của dân tộc luôn luôn bị hy sinh nhân danh độc lập, tự do và quyền tự quyết. Nhưng ngày nay, với các phương tiện thông tin ngoài luồng, càng lúc lãnh đạo đảng CSVN càng phải đối diện với những câu hỏi nền tảng:

Hiện nay, theo như Đảng khẳng định, chẳng có ngoại xâm nào chực chờ xâm lấn đất nước thì tại sao các quyền tự do của người Việt Nam còn thua cả thời sống dưới chế độ thực dân Pháp? và lại càng thua xa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, một chế độ mà lãnh đạo Đảng cho là vô cùng áp bức, và cứ nhất định phải “giải phóng” nhân dân ra khỏi chế độ đó cho bằng được?

Và có lẽ cái quyền quan trọng nhất trong các quyền con người đã bị đảng chôn vùi là quyền tự quyết vận mạng của đất nước. Ngày nay, vì lý do gì mà tất cả mọi vấn đề quan trọng của quốc gia đều chỉ do 15 người thuộc Bộ Chính Trị độc quyền quyết định? Trong khi Bộ Chính Trị là một cơ chế hoàn toàn không do dân bầu, và cũng không hề được quy định trong hiến pháp.

Và khi càng nhắc lại những bài bản “phải hy sinh tất cả cho độc lập dân tộc”, người Việt Nam càng phải hỏi lãnh đạo Đảng về các vấn đề đang bốc lửa hiện nay. Tại sao lãnh đạo đảng luôn tự xưng là những người hiến thân cho đất nước, nhưng lại cứ từng bước cố ý làm thiệt hại nghiêm trọng nền độc lập và sự toàn vẹn của quốc gia? Tại sao 50 năm trước, ông Hồ, ông Đồng ký nhượng không chỉ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn hầu hết thềm lục địa Việt Nam cho cái “Lưỡi Bò” Trung Quốc? Tại sao trong các năm qua các ông Mười, ông Phiêu, ông Anh, ông Kiệt cứ liên tục ký dâng đất, dâng biển, dâng cá, dâng khoáng sản cho Trung Quốc? Tại sao ngày hôm nay, vì lý do gì mà các ông Mạnh, ông Dũng tiếp tục bắt dân thờ lạy 16 chữ vàng, và nhất định phải rước hàng ngàn người Trung Quốc vào Tây Nguyên, một vùng có tính hệ trọng chiến lược của Việt Nam? v.v…

Tất cả các câu hỏi này đều dẫn đến một điểm cốt lõi là: lãnh đạo đảng CSVN, từ xưa đến nay, có yêu nước không? hay chỉ lợi dụng đất nước làm mũi nhọn cho phong trào cộng sản quốc tế? Lãnh đạo đảng CSVN, từ xưa đến nay, có yêu dân tộc không hay chỉ lợi dụng dân tộc làm công cụ để xây dựng và duy trì nền toàn trị của riêng họ?

Hơn thế nữa, ngay cả khi đất nước bị đe dọa ngoại xâm, người ta phải thấy được giá trị nhân phẩm của con người Việt Nam, thì từ đó mới thấy nhu cầu phải bảo vệ văn hoá, bảo vệ dân tộc, và bảo vệ đất nước Việt Nam. Đó là điều hiển nhiên không chỉ riêng cho một dân tộc nào mà cho cả nhân loại. Vì vậy, đề cao và bảo vệ nhân quyền KHÔNG BAO GIỜ là điều đi ngược lại sự độc lập, tự do, hay quyền tự quyết của bất kỳ dân tộc nào. Ngược lại, một dân tộc mà sự tự hào và nhân phẩm con người được tôn trọng luôn là một dân tộc MẠNH. Và chỉ những dân tộc mạnh mới có khả năng duy trì độc lập, tự do, và quyền tự quyết lâu dài.

1. Chắc chắn có nhân quyền vì chính “Bác Hồ” nói thế?

Tên tuổi ông Hồ Chí Minh, các câu viết và các câu nói của ông được trích dẫn không dưới 5 lần trong 45 trang của cuốn Sách Trắng, như một bằng chứng vững chắc về quyết tâm đề cao nhân quyền của giới cầm quyền tại VN. Đây cũng là một cái gạch nối khó hiểu.

Có thể đầu óc của Ban Tuyên Huấn Trung Ương vẫn ngừng lại ở thời thập niên 1960, 1970, và nghĩ rằng chỉ cần nhắc thế giới về mối thiện cảm mà một thời họ đã có, và coi “Bác Hồ” là nhân vật gắn liền với nền độc lập của Việt Nam, thì đuơng nhiên họ sẽ có thiện cảm, và tin là các thế hệ lãnh tụ tiếp nối ông Hồ chắc chắn đang cung cấp nhân quyền cho dân tộc Việt — vì nếu không thì có độc lập để làm gì.

Điều mà Ban Tuyên Huấn Trung Ương quên mất là Liên Sô đã xụp đổ và văn khố Liên Sô đã được mở ra cho thế giới vào đọc. Và họ cũng quên mất các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, đã chọc thủng quá nhiều lỗ trên bức màn bưng bít thông tin của mọi chế độ, kể cả chế độ CSVN. Nhiều mảng huyền thoại về ông Hồ, do chính ông hoặc chế độ của ông tạo ra, nay đã rơi rụng và để lại nhiều loang lổ.

Ngày nay nhân loại đã có đủ chứng cớ để biết:

1. Ông Hồ không vì dân tộc mà đi tìm đường chống Pháp cứu nước. Internet đã giúp truyền bá rộng rãi bức thư ông xin vào trường thuộc địa và hứa sẽ phục vụ chế độ hết lòng nếu được chấp nhận [1]. Rồi đến bức thư ông xin cho thân phụ được làm việc cho chính quyền thuộc địa, v.v….

2. Sau đó, suốt cuộc đời làm cách mạng, ông Hồ được huấn luyện và luôn bày tỏ lòng khâm phục các cách tẩy rửa xã hội theo quan điểm giai cấp và các cách kiểm soát xã hội tuyệt đối của Lênin, Stalin, và Mao Trạch Đông. Đây là điều chính ông Hồ khẳng định… nhưng bằng tiếng Việt. Và vì thế mà vào thời 1960, 1970 thế giới không mấy ai hay biết. Ngày nay, nhiều học giả quốc tế, đặc biệt là sử gia Sophie Quinn-Judge, đã trả lại vị trí đích thực cho ông Hồ. Ông là một cán bộ cộng sản quốc tế ưu việt, luôn biết quấn vào mình lá cờ “dân tộc” như Lênin căn dặn.

3. Chính vì thế mà ông Hồ đã cho tiến hành các chiến dịch đấu tố phú nông, diệt trừ trí thức, đàn áp tôn giáo trên toàn miền Bắc trong gần 2 thập niên ông cầm quyền. Lá thư của ông Hồ gửi Stalin để xin phép khởi động chiến dịch cải cách ruộng đất tại Việt Nam, vừa được văn khố Liên Sô cũ công bố vào năm ngoái, đã xác nhận điều này [2].

Do đó, đối với thế giới đầy đủ thông tin ngày nay, Ban Tuyên Huấn Trung Ương cần biết một thực tế rất khách quan là: việc viện dẫn tên tuổi ông Hồ Chí Minh như một bảo chứng cho thái độ tôn trọng nhân quyền thì chẳng khác gì nêu tên ông Joseph Stalin và ông Mao Trạch Đông như những tấm gương về lòng nhân bản.

3. Chắc chắn có nhân quyền vì hiến pháp và luật pháp đều có ghi và ghi rất nhiều?

Hầu hết các chế độ độc tài còn lại trên trái đất đều tận dụng lý lẽ đã quá bạc màu đó suốt mấy chục năm qua. Có chế độ còn chứng minh bằng các chữ “nhân dân”, “dân chủ” ghi rõ trong tên nước, hoặc các chữ “công bằng”, “công lý”, “hạnh phúc” ghi rõ trong quốc hiệu của họ. Thế giới cũng đã quá nhàm với các tủ sách luật hoành tráng chỉ để trang trí văn phòng các quan chức lớn mà chẳng ai mở ra bao giờ. Các cơ quan giám sát nhân quyền quốc tế đã đủ kinh nghiệm để chỉ đo tình trạng nhân quyền tại mỗi nước bằng những hành động cụ thể.

Ngoài việc viện dẫn hiến pháp và luật pháp, giới cầm quyền Việt Nam còn đi xa hơn một bước. Họ phải tin tưởng lắm vào việc thế giới không đọc được tiếng Việt thì mới có thể khoe rằng các điều khoản nhân quyền không chỉ nằm trong hiếp pháp và các bộ luật mà còn qua 13 000 văn bản pháp luật các loại kể từ năm 1986 đến nay. Nếu biết đọc tiếng Việt, thế giới sẽ thấy hầu như tuyệt đại đa số cả 13 000 văn bản đó chỉ nhằm 1 mục tiêu duy nhất là vô hiệu hóa các điều khoản nhân quyền đã ghi trong hiến pháp và luật pháp. Đó là những pháp lệnh, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, và ngay cả cảnh cáo lớn nhỏ để cai trị mọi mặt xã hội, bất cần sự hiện diện của hiến pháp hay luật pháp — từ những chỉ thị cấm báo chí nói đến Hoàng Sa-Trường Sa, Bauxite, đến những quyết định cấm dân tụ tập quá 5 người, hay bản nghị quyết 31/CP lừng danh thế giới về quản lý hành chánh vô thời hạn, không cần xét xử, v.v…

Ban Tuyên Huấn Trung Ương cần biết một thực tế khách quan nữa là hầu hết sứ quán các nước lớn hiện nay tại Hà Nội đều có công chức từ nước họ biết nói, đọc, và viết tiếng Việt, kể cả một số công chức là con em của thế hệ thuyền nhân tỵ nạn khắp thế giới mấy chục năm trước. Chính vì vậy mà đại diện nhiều nước đã nêu lên tại buổi điều trần nói trên về cái khoảng cách giữa các khoản luật trên giấy tờ và thực tế thi hành tại Việt Nam không những không ngắn lại, mà ngày càng gia tăng. Chính các tổ chức nhân quyền quốc tế vạch ra các điều hiển nhiên sau đây:

- Về quyền tự do báo chí, hiện nay trong số hơn 700 báo và đài phát thanh, phát hình, vẫn KHÔNG CÓ 1 tờ báo hay đài tư nhân nào. Tất cả mọi cơ quan truyền thông đều được đảng CSVN công khai tuyên bố là công cụ của riêng họ. Tình trạng này còn tệ hại hơn cả thời Pháp thuộc, khi dân tộc Việt Nam bị người ngoại quốc cai trị.

Dưới sự điều động của đảng CSVN, truyền thông tiếp tục được dùng để dựng chuyện, sỉ vả bất cứ ai không đồng ý với chế độ, bất kể các điều khoản ngăn cấm trong luật báo chí, luật hình sự.

Báo chí Đảng cũng đuợc dùng để kết tội bất cứ ai, bất cần các thủ tục về điều tra, xét xử trong luật tố tụng. Các khiếu nại của các nạn nhân không những không được giải quyết, mà nạn nhân còn bị trả thù nặng hơn nữa.

- Về quyền an toàn bản thân, trước sự theo dõi của thế giới, công an hiện nay đang chuyển dần sang thủ thuật dùng các khoản luật không liên hệ đến chính trị để làm lý cớ giam cầm các tiếng nói đấu tranh cho nhân quyền. Blogger Điếu cày bị công an giam về tội “trốn thuế”, trong lúc cả thế giới đều biết ông bị tù vì đã lên tiếng phản đối Trung Quốc chiếm đất, lấn đảo của Việt Nam; Luật sư Lê Trần Luật bị công an đóng văn phòng, tịch thu tài sản vì tội “lừa bịp”, trong lúc cả thế giới đều biết ông bị xách nhiễu như vậy chỉ vì đã tranh đấu cho dân oan và các nạn nhân Thái Hà; v.v…

Trước sự theo dõi của thế giới, công an cũng gia tăng việc dùng các đoàn thể dân sự ngoại vi của họ để đàn áp biểu tình vào ban ngày, và dùng du đảng, đầu gấu để gây sự, đập phá, ném đồ dơ bẩn vào nhà các nạn nhân lúc ban đêm. Tất cả xảy ra ngay trước mắt các công an mặc đồng phục đang đứng tại các hiện trường. Cảnh tượng này không chỉ xảy ra tại những nơi đông người như giáo xứ Thái Hà, mà cả tại nhà riêng của các nhà đấu tranh cho Nhân Quyền.

- Về quyền lập hội, hiện nay vẫn không có một công đoàn lao động độc lập nào tại Việt Nam. Tất cả những ai vận động thành lập công đoàn độc lập đều bị giam cầm. Cụ thể là nhóm của anh Nguyễn Tấn Hoành tại miền Trung.

Lệnh cấm tụ tập trên 5 người không giấp phép vẫn còn hiệu lực và công an vẫn có thể viện dẫn quyết định này bất kỳ lúc nào.

Không một hội đoàn hay đảng phái chính trị độc lập nào được phép hoạt động. Người dân chỉ được phép bầu những người đã được đảng CSVN chọn sẵn để đưa vào Quốc Hội.

- Về các nỗ lực bảo vệ xã hội, nạn tham nhũng cửa quyền tràn ngập gây khổ sở cho người dân trong đời sống hàng ngày vẫn được chế độ dung túng. Đặc biệt trong năm qua, một số ký giả và công chức can đảm phanh phui các vụ tham nhũng lớn, đều bị đem ra trừng phạt; trong lúc các quan chức đang ngồi tù vì tội tham nhũng lại được tha bổng. Báo chí được chỉ thị phải im tiếng trước các vụ tham nhũng lớn và chỉ được nói đến các vụ nhỏ ở cấp phường xã.

Trong lúc công an Việt Nam đủ phương tiện để theo dõi, và ngay cả bắt cóc các nhà dân chủ Việt đang trốn tránh tại Miên, thì tệ nạn trẻ em Việt, từ 5 tuổi trở lên, bị bán vào các ổ mãi dâm vẫn gia tăng. Các đường giây buôn trẻ em từ Việt Nam vẫn diễn ra trước mắt các công an tham nhũng.

Trong lúc giới cầm quyền CSVN lớn tiếng ủng hộ các nỗ lực chống buôn bán phụ nữ, thì các đường giây buôn bán “cô dâu” tại các thành phố lớn tiếp tục được Nhà Nước hợp pháp hóa. Đây là những dịch vụ buộc nhiều thiếu nữ phải loã lồ để các khách ngoại quốc chọn lựa.

Có lẽ tiêu biểu hơn cả về khoảng cách giữa lời nói và việc làm là hiện tượng những người cai trị Việt Nam ngày nay vẫn không dám phổ biến bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà họ đã công khai ký kết; và ngăn chận mọi nỗ lực của người dân truyền tay nhau tài liệu này.

Chính ông Phạm Đình Minh, đại diện phái đoàn CSVN tại buổi điều trần đã xác nhận: “cán bộ lãnh đạo các cấp chưa thấu hiểu những công ước quốc tế như: Công Ước về Quyền Dân Sự Chính Trị, Công Ước về Quyền Tự Do Tôn Giáo kể cả Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền…” Lý do đơn giản là họ có bao giờ được nhận, được cầm, được đọc các văn bản cấm kỵ đó đâu mà có thể thấu hiểu.

Khi biết quá rõ thực tế nhân quyền tại Việt Nam, không mấy ai tại buổi điều trần ngày 8 tháng 5 ngạc nhiên khi phái đoàn Hà Nội bác bỏ hầu hết các đề nghị cải sửa cần thiết (cho phù hợp với những gì mà CSVN đã cam kết) từ các nước Canada, Na Uy, Hà Lan, Pháp, v.v… Đây là những nước đã và đang viện trợ cho Việt Nam, và không thể liệt họ vào loại “các thế lực thù địch” hay chỉ đưa ra những đề nghị để “chống phá Nhà Nước”.

Một kết luận quan trọng được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế và đại diện nhiều nước đồng ý là: Hầu hết các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày nay đều phát xuất từ chính nhà cầm quyền và việc chặn đứng các vi phạm này hoàn toàn nằm trong tầm tay của họ. Chưa cần Nhà Nước làm điều tốt mà chỉ cần họ ngưng làm điều xấu, thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã được cải thiện rất lớn rồi.

Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN cũng không còn có thể nêu lý do “nước nghèo” thiếu phương tiện nên không thể ngưng làm điều xấu. Viện dẫn ngụy biện đó có lẽ cũng quái dị như câu: “Vì nuớc em còn nghèo… nên em có quyền ác!”.

Vũ Thạch

---

Ghi chú

[1]




Thư xin nhập trường thuộc địa gửi tổng thống Pháp của Nguyễn Tất Thành

Tạm dịch:

Marseille ngày 15 tháng chín 1911

Kính gởi ông Bộ Trưởng bộ Thuộc Ðịa

Kính thưa ông Bộ Trưởng,

Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng tốt của ông ban đặc ân cho tôi được nhận vào nội trú trường Thuộc địa.

Tôi hiện làm công nhân trong công ty Chargeurs Réunis để mưu sinh (trên tàu Amiral Latouche-Tréville).

Tôi hoàn toàn không có tài sản và khao khát được học hỏi. Tôi mong ước trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời có thể làm cho họ hưởng được lợi ích giáo hóa.

Tôi gốc tỉnh Nghệ An, xứ An Nam.

Trong lúc chờ đợi sự trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi, xin ông Bộ Trưởng nhận nơi đây lòng tôn kính và tri ân trước của tôi.

Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892 , con của ông Nguyễn sinh Huy, Phó Bảng. Học sinh pháp văn, quốc ngữ, chữ hán.

[2]




Tam dịch (Thanh Nam):

Số tài liệu 86

Đồng chí Stalin kính mến

Tôi đã bắt đầu soạn thảo đề án cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam, và sẽ giới thiệu với đồng chí trong thời gian tới.

- Tôi gửi tới đồng chí một số yêu cầu, và hi vọng sẽ nhận được chỉ thị của đồng chí về những vấn đề này.

1. Cử một hoặc 2 đồng chí Liên Xô tới Việt Nam để làm quen và tìm hiểu thực trạng ở đó. Nếu như các đồng chí đó biết tiếng Pháp đủ để có thể giao tiếp với nhiều người. Từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi đi đường mất khoảng 10 ngày.

2. Chúng tôi muốn gửi tới Liên Xô 50-100 du học sinh, với trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam, trong số họ có người là Đảng viên và cũng có người chưa phải là Đảng viên, độ tuổi của họ từ 17-22. Đồng chí nhất trí về vấn đề này chứ.

3. Chúng tôi muốn nhận từ phía các đồng chí 10 tấn thuốc kí ninh (thuốc sốt rét-thanhnam) cho quân đội và dân thường, có nghĩa rằng 5 tấn trong nửa năm

4. Chúng tôi cần những loại vũ khí sau

(a) Pháo cao xạ 37 li cho 4 trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo.

(b) Pháo trận địa 76,2 li cho 2 trung đoàn, tất cả là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu

(c) 200 khẩu súng phòng không 12,7 li và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu

Sau khi nhận chỉ thị của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định vào ngày mùng 8 hoặc là mùng 9 tháng 11 sẽ rời khỏi Moscow.

Gửi tới đồng chí lời chào cộng sản và lời chúc túc đẹp nhất

Hồ Chí Minh
30-10-1952
(đã kí)




Tạm dịch (Thanh Nam):

Số tài liệu 88

Đồng chí Stalin kính mến !

Tôi gửi cho đồng chí đề án cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam. Đề án này tôi đã hoàn thành với sự giúp đỡ của 2 đồng chí Liu Shaoshi và Van Szia-Sian. Đề nghị đồng chí tìm hiểu và đưa ra chỉ thị về đề án này.

Gửi tới đồng chí lời chào cộng sản.

Hồ Chí Minh
(đã kí)
31-10-1952

2009/05/29

Khai Thác Bauxite: Một Dự Án Không Tưởng

Lý Thái Hùng

Trước sức ép khá mạnh mẽ của dư luận từ sau khi các nhà trí thức tại Việt Nam gửi kiến nghị yêu cầu quốc hội Cộng sản Việt Nam cho ngưng tiến hành dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, Bộ Công Thương – cơ quan chỉ đạo dự án khai thác Bauxite – đã gửi đến các đại biểu quốc hội Cộng sản Việt Nam một bản báo cáo mang số 91/BC-CP, gọi là tường trình về việc khai thác các dự án Bauxite, ngày 22 tháng 5 năm 2009. Bản báo cáo dài 13 trang chia làm năm phần:

Phần đầu tóm lược về những kế hoạch thăm dò và những dự tính khai thác Bauxite trong hai thời kỳ 2007 đến 2015 và từ 2016 đến 2025.

Phần hai tóm lược về tiến trình thực hiện dự án khai thác Bauxite bao gồm các dự án xây dựng nhà máy, tuyến đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận và cảng Kê Gà – Bình Thuận.

Phần ba tóm lược về những góp ý liên quan đến việc khai thác Bauxite từ các giới trí thức, chuyên gia trong thời gian qua trên mặt báo chí.

Phần bốn tóm lược về những quan điểm của Bộ Công Thương liên quan đến các góp ý ở phần ba nói trên và những nhận định của Bộ Công Thương về hiệu quả kinh tế, vấn đề lựa chọn sản phẩm, kế hoạch sản lượng dự án, hiệu quả xã hội – giữ gìn bản sắc Tây Nguyên, an ninh quốc phòng…

Phần sau cùng và cũng là phần quan trọng nhất của bản báo cáo vẫn là núp dưới chủ trương lớn của đảng, để cương quyết tiến hành và kêu gọi quốc hội hãy thường xuyên giám sát quá trình thực hiện dự án Bauxite.

Ấn tượng chung của dư luận về 13 trang báo cáo của Bộ Công Thương về việc đưa dự án khai thác Bauxite trở thành một ngành công nghiệp lớn như Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố tại Hải Phòng vào đầu tháng 5 vừa qua là hoàn toàn không tưởng.

Thứ nhất là không tưởng về hiệu năng kinh tế. Bản báo cáo đã không cho thấy toàn bộ số tiền đầu tư mà nhà nước sẽ bỏ vào dự án gồm lập các nhà máy Alumin tại Tân Rai, Nhân Cơ, xây dựng các tuyến đường sắt, cảng Kê Gà, các hồ nước chứa bùn đỏ, tốn phí về sự tái tạo lại đất sau khi khai thác, cái giá phải trả cho sự ô nhiễm môi trường và nhất là sự phá huỷ nền văn hóa và bản sắc Tây Nguyên là bao nhiêu để rồi từ đó so sánh với lợi nhuận trên từng tấn Alumin thu được. Trong bản báo cáo, Bộ Công Thương chỉ nói đến vấn đề lợi nhuận từ việc khai thác Bauxite rồi luyện thành Alumin và cho đó là hiệu quả kinh tế là một sự gian trá. Ngay cả Chủ tịch Tập đoàn than – khoáng sản là công ty chính lo việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên còn phải đánh giá 50 ăn – 50 thua và tuyên bố trong Hội thảo về Bauxite ngày 9 tháng 4 năm 2009 tại Hà Nội, cho thấy là bản cáo của Bộ Công Thương hoàn toàn với chủ đích đánh lừa dư luận và chỉ làm trò cười cho dư luận khi cố tình “lấy vải thưa che mắt thánh”. Một dự án có hiệu quả kinh tế đúng nghĩa phải được tính toán toàn bộ những chi phí của các dự án chính, dự án phụ thuộc, những cái giá phải trả trong ngắn hạn cũng như dài hạn của hệ quả ô nhiễm môi sinh, và phải đối chiếu với những kế hoạch khai thác khác trong vùng rồi mới có thể kết luận về thành quả kinh tế có hay không của việc khai thác Bauxite.




Theo nhà nước CSVN, bùn đỏ của Bauxite Tây nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường !

Thứ hai là không tưởng về tác động môi trường. Bản báo cáo đã khẳng định rằng bùn đỏ của Bauxite Tây nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm, vì thế Bộ Công Thương cho rằng chỉ cần quan tâm mặt quản lý, kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ không nguy hại. Đây là mấu chốt của sự không tưởng khi: 1/ Chỉ dựa trên một vài thử nghiệm phân chất bùn đỏ không đủ để phủ nhận kinh nghiệm chung của hầu hết các quốc gia khai thác Bauxite, đó là bùn đỏ chứa lượng kiềm lớn rất có hại cho các nguồn nước; 2/ Dù Bộ Công Thương có hứa là sẽ kiểm soát chặt chẽ và giải quyết bằng những kỹ thuật tối tân; nhưng thực tế của Tây Nguyên cho thấy là nhà nước CSVN không đủ khả năng để thích ứng cái gọi là “những công nghệ xử lý hiện đại” vì hai lý do: quá đắt đỏ, do đó không đáp ứng hiệu quả kinh tế và nhất là các hồ nước chứa bùn đỏ dễ bị mưa cuốn đi rất nhanh sau mỗi đợt mưa lớn bởi cây rừng đã bị đốn đi gần hết. Không thể nào một báo cáo cấp chính phủ khi đề cập đến việc bảo vệ môi trường mà lại chỉ nói rằng “Bộ tài nguyên và môi trường sẽ chủ trì phối hợp các ban ngành để lo”; đây là lề thói làm việc kiểu “đánh trống bỏ dùi”, tuyên bố lấy lệ kiểu lấp liếm sự thật.



Nhân Công Trung Quốc tại Việt Nam

Thứ ba là không tưởng về an ninh – quốc phòng. Bản báo cáo nói rằng việc nhân công Trung Quốc đưa sang làm việc tại Tây Nguyên chỉ nằm trong phần xây dựng nhà máy luyện alumin do nhà thầu Chinalco của Trung Quốc đưa sang hiện có khoảng 600 lao động, còn bao nhiêu thì sẽ do công nhân Việt Nam đảm trách. Qua cách trình bày, Bộ Công Thương muốn cho dư luận hiểu là số công nhân Trung Quốc làm việc ở Tây Nguyên không bao nhiêu, chỉ vài ngàn người và họ sẽ rời Việt Nam sau khi số công nhân Việt Nam có thể đảm trách hoàn toàn. Bộ Công Thương đã không cho biết là số công nhân Trung Quốc sẽ rời Việt Nam vào lúc nào trong quá trình khai thác Bauxite kéo dài đến năm 2025 cũng như không cho biết về kế hoạch chuyển giao kỹ thuật được thực hiện ra sao giữa công nhân Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng điều tai hại mà Bộ Công Thương che giấu là số lao động Trung Quốc hiện không phải 600 mà lên đến hằng nhiều ngàn người. Tuy nhiên sự đe dọa an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, không chỉ ở số lượng công nhân Trung Quốc mà chính là những cán bộ tình báo trà trộn vào công nhân để sang hoạt động tại Việt Nan. Với bản chất bá quyền của Bắc Kinh qua vụ Biển Đông hiện nay, chỉ cần sau 10 năm hoạt động, cho đến năm 2025, Trung Quốc sẽ nắm toàn bộ Tây Nguyên.

Thứ tư là không tưởng về việc biến Tây Nguyên thành nơi phát triển công nghiệp Bauxite. Bản báo cáo viết rằng để phát triển Tây Nguyên không thể chỉ dựa vào phát triển cây công nghiệp như cà phê, chè và cao su mà phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Tây Nguyên, đặc biệt là về thủy điện và khoáng sản (chủ yếu là Bauxite). Đúng là Tây Nguyên có hai lợi thế về Thuỷ điện và Bauxite, nhưng trong vòng 50 năm trước mặt, lợi thế đó không mang lại những lợi nhuận to lớn cho Tây Nguyên so với việc trồng cây công nghiệp vì khả năng của con người và đất nước Việt Nam chưa thể biến Thủy điện và Bauxite thành lợi thế của mình. Do đó khi khả năng không có và chưa nắm vững toàn bộ những kinh phí mà phải dựa vào sức người để khai thác thì sẽ trở thành hoang tưởng với những dự án chấp vá như Bộ Công Thương đã báo cáo.

Nói tóm lại, dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên không có tính thuyết phục về mặt kinh tế, tài chánh, xã hội, an ninh. Nó sẽ trở thành một gánh nặng tai hại cho dân tộc Việt Nam nếu Bộ Công Thương nói riêng và đảng Cộng Sản Việt Nam nói chung vẫn cứ tiếp tục với những dự tính không tưởng nói trên.

Lý Thái Hùng
Ngày 28 tháng 5 năm 2009

2009/05/21

Khía Cạnh Chính Trị Trong Việc Khai Thác Bauxite Tại Tây Nguyên

Lý Thái Hùng



Nếu như dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên được tiến hành trong khuôn khổ pháp lý và bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tuyên bố, có lẽ vấn đề Bauxite đã không tạo ra sự bức xúc khó chịu trong hầu hết những ai có dịp biết và nghe đến nó. Hơn thế nữa, càng ngày những nhà nghiên cứu khoa học và xã hội càng phát hiện ra nhiều dữ kiện mập mờ trong việc lập dự án khai thác chung với Trung Quốc, bao gồm các khía cạnh về hiệu quả kinh tế, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng, về tái tạo môi trường Tây Nguyên sau khi khai thác… đã cho thấy, toàn bộ dự án là một trái bom nổ chậm. Chỉ có một thiểu số quan chức có liên hệ đến những phe nhóm đang ăn chia trong vụ khai thác Bauxite mới che tai tuyên bố những giọng điệu lưỡi gỗ: Khai thác Bauxite là chủ trương lớn của đảng, nhà nước. Do đó, vấn đề khai thác Bauxite tại Tây Nguyên đã trở thành một biến cố chính trị quan trọng trong dư luận của người Việt và quốc tế hiện nay.

Vấn đề cộng tác với Trung Quốc để khai thác Bauxite đã được đảng Cộng sản Việt Nam thảo luận từ đại hội đảng kỳ IX (2001) và kỳ X (2006), tức là kéo dài trong 8 năm dưới thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đảng. Để tiến hành việc thảo luận này, ông Mạnh đã cùng với ông Hồ Cẩm Đào – lúc đó là Phó chủ tịch nước Trung Quốc – ký tắt vào bản Tuyên bố hợp tác khai thác chung vào năm 2001. Trong suốt 8 năm qua, Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam cho biết là 15 nhân vật cao cấp của đảng đã nhiều lần bàn và ra nghị quyết kết luận để lãnh đạo việc xây dựng ngành công nghiệp khai thác Bauxite; nhưng trong thực tế thì dư luận chỉ mới biết đến dự án khai thác Bauxite từ tháng 6 năm 2008 khi vấn đề này được chính thức nêu ra trong bản Tuyên bố chung giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, nhân chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 5 năm 2008 của ông Nông Đức Mạnh. Nói cách khác, dự án khai thác Bauxite đã được lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam bàn thảo và tính toán với Bắc Kinh cả 8 năm nay; nhưng hoàn toàn được giữ bí mật, không ai hay biết.

Từ cuối năm 2008, dự án khai thác Bauxite được công khai hóa với tin tức dự án Tân Rai tại Lâm Đồng chính thức làm lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18 tháng 11 năm 2008, và sau đó là hàng loạt những bài phân tích về nguy cơ khai thác Bauxite của nhiều nhà khoa học, xã hội ở trong nước, nhất là sự lên tiếng của Tướng Võ Nguyên Giáp thì dư luận mới biết và quan tâm hơn về dự án này. Nếu chỉ đọc bản báo cáo về dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên của Tập đoàn công nghiệp than–khoáng sản Việt Nam hợp tác với Tổng công ty sản xuất nhôm CHINALCO của Trung Quốc khai thác Bauxite tại hai công trường Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) từ năm 2007 đến 2015 và từ 2015 đến 2025, người ta sẽ chỉ thấy màu hồng của những khoản tiền to lớn do mỏ Bauxite mang lại cho Tây Nguyên. Theo tờ trình của Tập đoàn công nghiệp than–khoáng sản Việt Nam cho Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng (883/TT-HĐQT) vào tháng 2 năm 2007 thì khả năng khai thác Bauxite, luyện alumin tại Tây Nguyên kéo dài đến 100 năm, tận dụng hết tài nguyên khoáng sản nằm sâu dưới mặt đất với 5,4 tỉ quặng thô, chế biến thành 2,4 tỉ tấn quặng tinh và sẽ luyện thành 1 tỉ tấn Alumin nhôm.

Bên dưới hình ảnh màu hồng của tiềm năng khai thác Bauxite tại Tây Nguyên đứng hàng thứ ba thế giới, các nguy cơ về hủy hoại thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, chấn động lòng đất, hủy diệt nền văn hóa lâu đời của các sắc dân Tây Nguyên, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng khi hợp tác với Trung Quốc đã không được Tập đoàn công nghiệp than–khoáng sản Việt Nam và cả nhà nước Cộng sản Việt Nam nghiên cứu và báo cáo nghiêm chỉnh. Để trấn an dư luận, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cho tổ chức hai cuộc Hội thảo khoa học với sự tham dự nhiều quan chức đảng, nhà nước và một số nhà khoa học tại tỉnh Đắk Nông (tháng 12 năm 2007) và tại Hà Nội (tháng 4 năm 2009) nhưng chỉ là biểu kiến. Tất cả những phản biện của nhiều nhà khoa học, kể cả những cảnh báo sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, một thành viên nghiên cứu cao cấp trong Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, về mức độ an toàn, hiệu quả kinh tế yếu kém và kỹ thuật lạc hậu của Trung Quốc đã không được chú ý. Ngoài ra, sự lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc trên địa bàn Tây Nguyên của một số cựu tướng lãnh Cộng sản Việt Nam cũng không được Hà Nội quan tâm.

Ngày 3 tháng 3 năm 2009, hơn 100 trí thức, khoa học gia ở trong nước đã gửi thư lên quốc hội và chính phủ Cộng sản Việt Nam để yêu cầu cho trưng cầu dân ý về việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Chỉ năm ngày sau khi lá thư này được công bố, đã có hàng ngàn trí thức, thanh niên, dân chúng tham gia ký tên hưởng ứng. Trước sự kiện này, Ban bí thư cho phổ biến bản kết luận của Bộ Chính Trị liên quan đến việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng Bauxite trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2015 và 2005 đến năm 2025 vào ngày 24 tháng 4. Bản kết luận cũng chỉ nêu ra những điều chung chung như “Tây nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa”. Lợi dụng bản kết luận mang tính chung chung của Bộ chính trị, Bộ công thương Cộng sản Việt Nam đã tấn công lại bản kiến nghị của các trí thức, khoa học gia và đã phổ biến một bản thông cáo báo chí ngày 29 tháng 4, quy chụp rằng những người ký tên trong kiến nghị hay phản đối dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên là “hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện… thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.

Ngày 7 tháng 5 năm 2009, các trí thức, khoa học gia Việt Nam đã phản bác lại những quy chụp mang tính hàm hồ của Bộ Công Thương trong lá thư ngỏ số 2 và ngày 17 tháng 5 năm 2009, nhân kỳ họp quốc hội khóa 12, các trí thức, khoa học gia Việt Nam gửi lá thư ngỏ số 3 yêu cầu quốc hội mang vấn đề Bauxite ra thảo luận và yêu cầu chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác Bauxite, sản xuất alumin hiện đang có với mọi đối tác.

Với một số những diễn tiến quanh vụ khai thác Bauxite tại Tây Nguyên cho thấy là ông Nông Đức Mạnh và một số thành viên trong Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001 đến nay là tác nhân chính của trái bom nổ chậm này. Chính ông Mạnh và Bộ chính trị đã đi đêm với Trung Quốc trong gần 8 năm để mặc cả về việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Không ai biết rõ những mặc cả này là gì nhưng ít ra người ta có thể suy đoán rằng những quyền lợi mà phía Bắc Kinh trả cho Bộ chính trị và đảng Cộng sản Việt Nam phải cao hơn những thiệt hại mà người dân Việt Nam tại Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung phải hứng chịu qua vụ khai thác này. Nếu Hà Nội coi việc khai thác Bauxite là chủ trương lớn của đảng và nhà nước thì ông Mạnh và bộ chính trị không thể coi thường những thiệt hai về hai mặt: ô nhiễm môi trường và an ninh quốc phòng khi hợp tác với Trung Quốc qua dự án Bauxite.

Rõ ràng là quyết định khai thác Bauxite tại Tây Nguyên chỉ nằm trong tay một thiểu số quyền lực ở Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Những bộ phận chuyên môn đảm trách các công đoạn khai thác hay kiểm tra chỉ giải quyết về mặt kỹ thuật, không có quyền hạn quyết định, nên vì thế mà ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khi đi điều tra tại Bảo Lâm chỉ dám đề nghị bảo vệ môi trường, còn có làm hay không thì tùy theo chủ đầu tư. Nhìn như vậy, chúng ta mới thấy rằng ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư cho phổ biến bản kết luận của Bộ chính trị hôm 24 tháng 4, hai tuần lễ sau khi hàng trăm trí thức, khoa học gia công bố bản kiến nghị về Bauxite mang một dụng ý chính trị.

Thứ nhất, Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam gián tiếp cho biết là họ không thể rút lại dự án khai thác Bauxite mà đã bỏ tới 8 năm đi đêm với Bắc Kinh. Nghĩa là cả nước có chống gì đi nữa thì chủ trương khai thác này vẫn tiến hành với phía Trung Quốc.

Thứ hai, Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra ba quan tâm: 1/ an ninh quốc phòng; 2/ bán cổ phần cho nước ngoài; 3/ sử dụng lao động trong nước, cùng với việc úp úp mở mở xét lại việc tiến hành dự án khai thác tại Nhân Cơ trong bản kết luận chỉ là tìm cách câu giờ, hướng dư luận vào chuyện đã rồi.

Lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam vốn đã dựa vào Trung Quốc để sống còn từ năm 1991 cho đến nay, và họ đã luôn tỏ ra khiếp nhược trước Bắc Kinh về các vấn đề cốt lõi như biên giới phía Bắc, vịnh Bắc Việt, quần đảo Hoàng sa và Truờng sa, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 Hải lý trên Biển Đông. Nay với vấn đề khai thác Bauxite sau 8 năm đi đêm, làm sao mà Cộng sản Việt Nam dám tuyên bố ngưng dự án. Do đó vấn đề khai thác Bauxite tại Tây Nguyên không còn thuần tuý ở khía cạnh hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường như nhiều người đề cập mà chính là thái độ chính trị của Cộng sản Việt Nam đối với Bắc Kinh.

Đây là sự tủi nhục của dân tộc ta hiện nay! Mỗi chúng ta đều có bổn phận giải quyết sự tủi nhục này, ngay bây giờ, bằng những hành động tích cực.

Lý Thái Hùng
20 tháng Năm, 2009

2009/05/20

Dân tộc Việt Nam đã đạt được một thắng lợi lớn trước nguy cơ tàn phá Tây Nguyên

Hoàng Cơ Định



Từ nhiều năm qua, chưa bao giờ nước ta lại phải đối diện với một nguy cơ to lớn như việc nhà cầm quyền CSVN quyết định để Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác quặng bô-xít, biến Tây Nguyên thành nơi cung cấp Alumina cho Trung Quốc.

Vào tháng 2/2009, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố “Khai thác bô-xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước (của đảng CSVN)”. Cũng từ đó, mặc dầu sự lên tiếng của hàng ngàn người Việt Nam, là những nhà khoa học, kinh tế, văn hóa, quân sự, truyền thông vv… Lãnh đạo CSVN vẫn một mực khăng khăng phải tiếp tục lao tới, không cần nghe, không cần nhìn và chắc chắn là chẳng cần cân nhắc, chỉ cần nói lấy được rằng đây là quyết định nhất quán của chúng tôi từ Đại Hội Đảng (của chúng tôi) kỳ trước… Thế rồi mặc cho sự ưu lo phẫn uất của hàng ngàn con người, đoàn xe cơ giới và hàng đoàn công nhân Trung Quốc đã tới cầy nát những ngọn đồi xanh mướt của Tây Nguyên, họ tàn phá Tây Nguyên như vào chỗ không người… Đây mới chỉ là giai đoạn xây cất nhà máy chuẩn bị cho giai đoạn phá rừng xẻ núi một cách triệt để và vĩ đại hơn, để rồi những nơi trước đây là nương trà, cà phê hay những đồi thông nên thơ sẽ trở thành mảnh đất hoang đầy hầm hố chỉ còn loại cây dại có thể mọc nổi sau khi lớp quặng bô-xít được moi đi và lớp đất thịt bị nước mưa cuốn trôi.

Nguy cơ to lớn này đến gần mỗi ngày và bắt đầu trở thành hiện thực. Quang cảnh tại chỗ buộc người ta phải kết luận: Cường quyền đang thắng lẽ phải! Tuy nhiên, kết luận này chỉ phản ánh một cái nhìn ngắn hạn. Trong cuộc tranh đấu này một yếu tố mới chưa hề thấy từ nhiều thập niên qua đã phát sinh, đó là mối đồng thuận dân tộc, và đó là thắng lợi chúng ta đã đạt được trước nguy cơ tàn phá Tây Nguyên. Với thắng lợi này, nhất quyết dân tộc Việt Nam sẽ thành công bảo vệ vùng đất Tây Nguyên của chúng ta.

Mối đồng thuận dân tộc đã phát sinh ngay từ khi tin tức và nhận định về các kế hoạch khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, từ quốc nội lan ra hải ngoại vào cuối tháng 10 năm 2008. Hải ngoại là môi trường của người Việt tỵ nạn chống cộng, nhưng lần này dư luận đồng bào khắp nơi đều quan tâm theo dõi mà không bị ảnh hưởng bởi mầu sắc chính trị. Những chi tiết như tờ báo đó, trang web đó có phải là của Việt cộng hay không, nhân vật đó là dân thường hay viên chức Nhà Nước, không phải là những gì đồng bào quan tâm; mọi người chỉ đánh giá nội dung và giá trị lời phát biểu xem có hữu lý hay không và dụng tâm là bảo vệ núi đồi Tây Nguyên hay a dua hùa theo thâm ý lãnh đạo Đảng nhằm thoả mãn ý đồ của Trung Quốc. Những bài viết của TS Nguyễn Thành Sơn đã được giới truyền thông và đồng bào chống cộng tại hải ngoại phổ biến và đón đọc mặc dầu ông thẳng thắn tuyên bố: “Bản thân tôi là một Đảng viên ĐCSVN (tôi được kết nạp tại chi bộ Vụ Kế hoạch Bộ Mỏ và Than từ 1983), tôi luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đúng lương tri, phục vụ suốt đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, chứ không phải chỉ biết làm theo ý đồ và phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Bố đẻ tôi là Đảng viên, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Huy hiệu các chiến sỹ bị địch bắt tù đầy đã giáo dục tôi hiểu rõ thế lực phản động là ai và mình cần phải làm gì?” Giữa TS Nguyễn Thành Sơn và những người Việt chống cộng chẳng hề có sự tiếp xúc hay thương thảo gì, chẳng bên nào hứa hẹn hợp tác với bên nào, nhưng cùng một mục tiêu: Bảo vệ Tây Nguyên và cùng một đối thủ: Nhà cầm quyền độc tài coi thường quyền sống của dân tộc. Vì vậy mà thành công của phía này cũng là thành công của phía kia…

Một nhân sự khác, thuộc diện đảng viên CS, lão thành hơn đảng viên Nguyễn Thành Sơn, đó là ông Dương Danh Dy, một cán bộ kỳ cựu trong ngành ngoại giao, nguyên Tổng Lãnh Sự CSVN tại Quảng Châu, mới đây đã trả lời phái viên RFA như sau:

“Vấn đề của ta với Trung Quốc,… muốn giải quyết vấn đề này (thì) không có cách gì khác là phải dựa trên sức mạnh dân tộc. Sức mạnh dân tộc đây tôi nói là cả trong và ngoài nước chứ không phải là chỉ có trong nước đâu. Ngoài nước cũng là sức mạnh rất đáng kể mà trước đây tôi đã rất chú ý vấn đề này nhưng mà gần đây thì người trong nước mới chú ý đến họ. Thế thì đấy là sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại. Sức mạnh của thời đại đây tức là cái công khai hoá, cái quốc tế hoá, cái đa phương hoá để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của những người đồng tình với chúng ta.”

Khi ông Dương Danh Dy đề cập tới khối người Việt ngoài nước, và ông còn nhấn mạnh là phải công khai hóa, đa phương hóa thì đó là sự xác định rõ rệt là để đối phó với áp lực của Trung Cộng thì cần có sự góp sức của cộng đồng người Việt không cộng sản và phải có một chế độ dân chủ đa nguyên ở trong nước. Đây là một phát biểu can đảm và thẳng thắn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, khó có thể có được nếu người Việt chúng ta không bị đe dọa tại Tây Nguyên.

Một nhân vật thứ ba đã góp phần to lớn trong việc thể hiện sự đồng thuận dân tộc là giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Cách đây hơn 10 năm GS Nguyễn Huệ Chi và GS Hoàng Ngọc Hiến, trong vụ William Joiner Center tại Đại Học Boston, đã là nạn nhân của lối chống cộng quá đà trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Mặc dầu cả 2 vị đều thuộc thành phần trí thức dân chủ ở trong nước, nhưng chỉ vì là họ là những người sống trong chế độ CSVN, họ đã bị chống đối kịch liệt khi tham gia vào một dự án nghiên cứu văn hóa liên hệ tới cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại. Ngày hôm nay, khi GS Nguyễn Huệ Chi là một trong 3 nhà trí thức chủ xướng kiến nghị phản đối việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, kiến nghị của ông đã được sự hỗ trợ của hàng chục ngàn người Việt ở trong và ngoài nước trong đó không thiếu gì những người Việt chống cộng đã phản đối ông mười năm trước đây. Trong danh sách 600 người đầu tiên ủng hệ kiến nghị bảo vệ Tây Nguyên của GS Nguyễn Huệ Chi có sự tham dự của mọi thành phần dân tộc, đa phần là những nhà trí thức hoạt động trong các lãnh vực khoa học, văn hóa, truyền thông, luật pháp, kinh tế vv… Có những nhân sự đã từng hay đang ở chức vụ cao cấp như Dân Biểu hay Thứ Trưởng, Vụ Trưởng trong chế độ và cũng có những nhân vật vừa bị án tù vì tranh đấu dân chủ như Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân. Ngoài các nhân vật ký tên trong kiến nghị, còn vô số người khác đã bầy tỏ quan điểm bảo vệ Tây Nguyên, chống sự lấn chiếm của Trung Quốc qua các bài viết, đặc biệt là giới quân sự như các Tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Văn Cương, Đồng Sĩ Nguyên. Trước sự lên tiếng của cả ngàn người với những dẫn chứng cụ thể và khoa học trong hàng ngàn trang tài liệu, phản ứng của phía nhà cầm quyền CSVN chỉ quanh quẩn những luận điệu hàm hồ, nói lấy được như tuyên cáo của Bộ Công Thương đã chụp cho toàn bộ quan điểm của những ai không đồng ý với việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên là: “Rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng, cố tình xuyên tạc sự thật, mang tính kích động làm ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và Nhân dân hai nước”…

Cuộc phản đối việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên đã lớn rộng với sự góp phần của nhiều tầng lớp dân chúng tới mức không một tổ chức chống đối nào, mà nhà cầm quyền CSVN vẫn gán cho danh xưng là “tổ chức phản động”, dám nhận công là do mình khởi xướng. Trái lại, dư luận báo ngoại quốc còn cho rằng cuộc chống đối này chủ lực là từ chính nội bộ đảng CSVN.

Yomiuri là tờ báo lớn của Nhật, vào ngày 14/05/2009 đã dành gần một phần tư trang báo ở mục tin thế giới để đăng tin về những cuộc phản đối của người dân Việt Nam liên quan đến chuyện Trung quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên do ký giả Sato Masahiro từ Hà Nội gởi về. Theo bài báo này thì có thể nói việc phản đối này bắt đầu lan rộng khắp cả nước kể từ khi có lá thư của ông tướng Võ Nguyên Giáp gởi cho đương kim Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng vào đầu tháng giêng năm nay để yêu cầu ngưng không cho các hãng thầu Trung quốc khai thác bô-xít ở Tây nguyên vì nhiều lý do trong đó nổi bật nhất là vấn đề ô nhiễm môi sinh và quốc phòng bởi cao nguyên Trung phần là vị trí chiến lược rất quan trọng. Sau khi tướng Giáp công khai nội dung bức thư gởi cho ông Dũng thì đã có nhiều đảng viên từng giữ các chức vụ cao trong chính quyền cũng như các trí thức, học giả, khoa học gia… lên tiếng hưởng ứng hay tiếp tay lời ông Giáp yêu cầu. Một nhân vật chính trong những người phản đối đã nói với ký giả Sato rằng chúng tôi hết sức cảnh giác vì Trung quốc có thể xâm lược đất nước Việt Nam lúc nào không hay.

Nhìn từ khía cạnh nào người ta cũng phải công nhận đây là lần đầu tiên, việc chống đối sự cấu kết của lãnh đạo CSVN với Trung cộng trong việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, đã có sự góp phần của mọi thành phần quần chúng trong và ngoài đảng CS, từ hải ngoại tới quốc nội. Cuộc chống đối này chưa đạt được kết quả mong muốn và việc xây cất cơ xưởng, đào xới khắp nơi vẫn tiếp tục tiến tới trong vùng Lâm Đồng & Đắk Nông, mặc dầu vì tình trạng suy thái kinh tế chung trên thế giới, Alumina đang trở nên dư thừa, giá bán còn thấp hơn giá sản xuất và nhiều cơ sở khai thác bô-xít tại chính Trung Quốc đã phải đóng cửa…

Để giải thích tình trạng này, căn cứ vào lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng, rằng: “Khai thác bô-xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng” thì không đủ. Với những ai quen thuộc với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì có một giải thích dễ hiểu hơn, đó là “Có hợp đồng thì có Ăn Chia”, cho nên công tác xây cất nhà máy phải tiếp tục tiến tới vì đang mang lại lợi nhuận cho một số khá đông viên chức nhà nước. Còn về phía Trung Cộng, khi đã biến được lãnh đạo CSVN thành một tập đoàn tay sai khiếp nhược thì lợi tức khai thác dầu lửa Trung Cộng chiếm đoạt được ngoài khơi Biển Đông của nước Ta sẽ dư dả để bù đắp cho việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Họ sẽ tiếp tục có nguồn cung cấp Alumina mà khỏi bị ô nhiễm tại đất nước của họ.

Ý đồ và hành động xâm lấn của Trung Quốc không phải ngày hôm nay mới có, thái độ nhu nhược của chế độ CSVN đối với Trung Quốc không phải ngày hôm nay mới lộ rõ, nhưng sự khác biệt sẽ làm thay đổi tình thế là trước những nguy cơ to lớn về nhiều mặt trong việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, chưa bao giờ chúng ta kết hợp được một sự đồng thuận dân tộc rộng rãi như hiện nay. Sự kết hợp này không phải là một thoả hiệp có được bằng thương thuyết giữa các phe phái mà do sự ý thức mọi người cùng nhìn thấy, vì vậy sự hợp tác sẽ bền vững và ngày một mở rộng. Ngày hôm nay người ta chống lại việc lãnh đạo CSVN để cho Trung Quốc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên là vì những nguy cơ mà với chút thông minh ai cũng phải thấy trước. Khi kế hoạch này tiếp tục, số người mất việc vì các đồn điền trà và cà phê bị phá hủy sẽ ngày một gia tăng, rồi những trận lụt khủng khiếp sẽ xẩy ra vì mưa lũ trên cao nguyên không còn bị ngăn cản bởi lớp thảo mộc tại các đồn điền và cây rừng, rồi những tai nạn do lượng bùn đỏ chất chứa lại bắt đầu gia tăng… Lúc đó cuộc tranh đấu của người dân Việt Nam sẽ còn bội phần quyết liệt hơn ngày hôm nay, đó là một cuộc tranh đấu cho sự sống còn mà không một cường quyền nào có thể áp chế được.

Thắng lợi vì vậy, với thời gian, nhất quyết sẽ về phía dân tộc Việt Nam.

Hoàng Cơ Định
(
hoangcodinh@jps.net)


2009/05/19

Phản đối việc trục xuất một thành viên Đảng Việt Tân khỏi Việt Nam



Ngày 18 tháng 5 năm 2009

Thông Cáo Báo Chí
v/v CSVN trục xuất Ông Nguyễn Văn Bé, thành viên Đảng Việt Tân ra khỏi Việt Nam

Ngày 18/05/2009 công an CSVN đã trục xuất ông Nguyễn Văn Bé và người vợ ra khỏi Việt Nam với tội danh quy chụp là vi phạm luật pháp. Hệ thống báo chí CSVN cũng đã đi tin này với những điều thêu dệt, dựng đứng về vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé cũng như xuyên tạc việc làm của Đảng Việt Tân.

Ông Nguyễn Văn Bé là công dân Úc và là thành viên Đảng Việt Tân. Vợ chồng ông về thăm Việt Nam ngày 9/4/2009. Mặc dầu chuyến đi thuần túy là do nhu cầu gia đình nhưng trong thời gian ở Việt Nam, ông Bé đã chứng kiến nhiều cảnh bất công của xã hội Việt Nam, cảnh dân oan biểu tình đòi công lý. Với lòng nhân bản và tính tích cực của một đảng viên Việt Tân, ông đã giúp đỡ hỗ trợ một số người và chụp hình dân oan biểu tình. Sau hơn 3 tuần, vợ chồng ông rời Việt Nam ngày 2/5/2009. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, công an cửa khẩu đã giữ lại không cho xuất cảnh, và tịch thu máy ảnh, điện thoại cùng các vật dụng cá nhân khác.

Khi khám xét máy ảnh, công an đã truy bức ông Bé về những tấm hình chụp cảnh dân oan biểu tình. Công an nói là ông đã vi phạm hành chánh vì đã chụp hình ở « khu vực cấm chụp hình ». Đây là một sự quy chụp tùy tiện của công an CSVN. Suốt hơn 2 tuần lễ sau đó, công an CSVN đã cách ly hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé, đã thẩm vấn, hăm dọa khủng bố tinh thần hai vợ chồng ông Bé.

Với sự can thiệp của tòa lãnh sự Úc tại Sài Gòn, ngày 18/5/2009 công an CSVN buộc phải trả tự do cho ông bà Nguyễn Văn Bé để rời khỏi Việt Nam.

Trước sự việc nêu trên, Đảng Việt Tân bác bỏ tất cả những luận điệu xuyên tạc chụp mũ vô căn cứ của nhà cầm quyền CSVN lên các hoạt động của đảng Việt Tân và việc làm của ông Nguyễn Văn Bé. Việc ông Nguyễn Văn Bé chụp hình và thăm hỏi những dân oan khiếu kiện đòi công lý là việc làm nhân bản không thể bị gọi là « vi phạm luật pháp Việt Nam ».

Đảng Việt Tân cực lực phản đối hành vi khủng bố của công an CSVN đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Bé, cũng như đã đối xử thô bạo đối với các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam, đặc biệt là ngăn chận không cho họ đi gặp Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ trong tháng 5/2009 vừa qua. Việc Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc lượng duyệt tình trạng nhân quyền tại Việt Nam vào ngày 8/5/2009 đã cho thấy thực chất của hành vi khủng bố tinh thần và đàn áp nhân quyền của chế độ CSVN.

Hôm nay, vợ chồng Ông Nguyễn Văn Bé đã rời Việt Nam về lại Úc. Nhưng những người mà ông Bé đã hỗ trợ giúp đỡ trong thời gian ở Việt Nam, những nhà dân chủ, những vị bất đồng chính kiến, những người tranh đấu cho quyền lợi của đất nước vẫn còn đó và vẫn còn đang bị trù dập bởi nhà cầm quyền CSVN. Đảng Việt Tân lên tiếng kêu gọi dư luận khắp nơi trên thế giới hãy quan tâm đến những người này, những nạn nhân của chế độ khủng bố Cộng Sản Việt Nam hiện nay.

****

Mọi chi tiết xin liên lạc: Hoàng Tứ Duy: +1 (202) 470-1678

Ngày 18 tháng 5 năm 2009
Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng

2009/05/18

Giành Lại Quốc Hội Về Tay Nhân Dân (2): Đã Đến Lúc…

Đặng Vũ Chấn



Bây giờ, xin bạn hãy đặt mình vào vị trí của một Đại Biểu Nhân Dân tại Quốc Hội Việt Nam. Xin hình dung ra cảnh tượng như sau: hằng ngày, mình với tư cách Đại Biểu Nhân Dân nhận được hàng trăm thư từ cử tri của mình, nội dung yêu cầu mình lên tiếng tại QH đòi nhà nước ngưng ngay vụ khai thác Bauxít, ngưng để cho công nhân Tàu qua đóng trụ tại Tây Nguyên, đòi nhà nước phải công bố toàn bộ những hiệp ước biên giới và lãnh hải với Trung Quốc để xem nước Việt ta còn và mất bao nhiêu đất biển. Hằng ngày mình với tư cách đại biểu cũng nhận được hàng trăm đơn khiếu kiện của dân oan nhờ mình can thiệp bênh vực quyền lợi cho họ. Đồng thời cũng hằng ngày mình cũng nhận được hàng chục hàng trăm cú điện thoại của cử tri gọi thúc giục mình, hỏi thăm mình đã làm gì để đáp ứng nguyện vọng trên của họ. Và cũng hằng ngày ra khỏi cửa nhà (hay văn phòng đại biểu của mình), là thấy ngay hàng chục hàng trăm cử tri dân oan của mình đang chờ chực xếp hang đòi gặp mình để nhờ mình nói giùm lên tiếng nói oan khiên của họ đối với các cơ quan nhà nưóc đã xử ức hiếp họ.

Người đại biểu như bạn sẽ có cảm giác ra sao, và sẽ phải hành xử như thế nào? Bạn có thể sẽ thấy phiền hà nhưng bạn có thể né tránh các cử tri trên mà mình đại biểu cho họ được không?

Và bây giờ thử đặt mình vào vị trí từng loại đại biểu khác nhau :

Trường hợp thứ nhất, Bạn là một trong số rất ít đại biểu ngoài Đảng, có chút lý tưởng, thực sự muốn đại diện bênh vực cho người dân cử tri của mình. Nhưng từ trước tới giờ chưa dám lên tiếng trong Quốc Hội vì thấy rằng mình thân cô thế cô trong cả cái cơ chế Quốc Hội Đảng biểu này. Bây giờ có nhiều phần bạn sẽ có tự tin hơn khi thấy có cả một khối cử tri làm điểm tựa sau lưng mình khi mình nói lên tiếng nói của người dân như họ. Trường hợp bạn là một đại biểu Đảng viên có lý tưởng, tin rằng người Đảng viên Cộng Sản phải là người tiên phong đại diện cho người dân, đúng nghĩa là một cán bộ của dân, vì dân, do dân. Trước những kêu rên của nhân dân cử tri đến trực tiếp với mình như vậy, bạn sẽ khó mà còn có thể vẫn tự ru ngủ mình trong hoang tưởng là cái Đảng CSVN của mình đang làm tốt vai trò đại diện nhân dân. Là người vào Đảng vì lý tưởng, bạn sẽ thấy khó mà ngồi yên mà không làm cái gì đó cho nhân dân cử tri của mình, và từ đó bạn sẽ dễ trở về với nhân dân, thanh thản tâm hồn hơn và tự tin hơn khi dựa vào nhân dân như trường hợp 1.

Trường hợp bạn là người chỉ muốn được yên ổn sướng thân trong chức danh đại biểu nhân dân ngon lành được một số đặc quyền nho nhỏ hơn người dân bình thường, dù bạn ở trong hay ngoài Đảng. Bạn sẽ phải đối diện với sự cân nhắc: mình còn có thể được sướng thân yên ổn như trước đây không, trước áp xuất hằng ngày như trên từ cử tri nhân dân của mình. Những đặc quyền lợi bổng từ Đảng nếu tiếp tục theo Đảng có đáng để trả giá cho áp xuất từ cử tri của mình không. Giữa việc bị Đảng răn đe kiểm điểm cắt đứt mọi bổng lộc nếu mình nói lên tiếng nói của dân mình, và việc mình bị dày vò tinh thần trước áp xuất của cử tri mình nếu mình không làm tròn vai trò đại biểu nhân dân đúng nghĩa, cái nào nặng hơn? Giữa Đảng ở trên xa vời và nhân dân cử tri gần sát bên mình, nên chọn phía nào?

Trường hợp tệ nhất, bạn là một đảng biểu trung thành với Đảng, vì quyền lợi riêng nên phải bảo vệ Đảng bằng mọi giá trong vai trò đại biểu Quốc Hội, bạn cùng lắm có thể làm gì? Trốn chạy tránh né cử tri? Mà đâu có dễ khi phải dọn đi khỏi địa phương của mình và mất đi luôn tư cách đại biểu địa phương mình? Có nên gọi cảnh sát cơ động đến dẹp đám cử tri của mình với lý do họ phiền hà quấy nhiễu mình? Mà càng làm thế thì Đảng của bạn càng thua kiểu khác, vì với phương tiện thông tin toàn cầu xuyên thủng mọi bưng bít hiện nay, hình ảnh đại biểu Quốc Hội Việt Nam gọi cảnh sát công an đến xua đuổi dẹp chính các cử tri nhân dân của mình càng làm lộ rõ bản chất cơ chế dân chủ bịp bợm của chế độ CSVN. Thực tế ngay cả việc gọi cảnh sát công an đến dẹp dân oan, trù dập cử tri cũng không phải dễ, vì bạn không phải là ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên bộ Chính Trị, chủ tịch cơ chế Quốc Hội, nên bạn không phải là ưu tiên bảo vệ của công an.

Là một cá nhân đại biểu QH bình thường, bạn là cái mắt xích thấp nhất và lỏng yếu nhất vì ít được bảo vệ nhất của chế độ độc tài CS. Vì bạn là cấp gần với nhân dân nhất, vốn là thành phần bị trị và là công cụ rẻ rúng nhất của chế độ độc tài.

Với sự hình dung các trường hợp trên, người dân ta sẽ thấy mình không có gì để mất thêm nếu chuyển hướng tranh đấu, tập trung vào hướng qua các đại biểu Quốc Hội của mình. Mà cái được là triển vọng giành lại Quốc hội về tay mình để gia tăng phương tiện tranh đấu cho quyền lợi của mình một cách ôn hòa bất bạo động.

Đã đến lúc, ta tự đứng lên giành lại quyền làm chủ tập thể đúng nghĩa của mình.

Đã đến lúc, thay vì ngồi than van chửi rủa tính dân chủ bịp bợm của chế độ, người dân ta biến lộng giả thành chân, từng bước từng bước nhỏ tự xây dựng dân chủ đích thực cho đất nước và dân tộc mình.

Đã đến lúc, mỗi người dân nên tìm hiểu ai là người đại biểu Quốc Hội tại địa phương mình, địa chỉ, số điện thoại của người này để mình liên lạc tiếp xúc cho họ thực hiện đúng chức năng đại biểu quy định trong hiến pháp.

Đã đến lúc, ta phải thấy rằng chính ta có thể (yes, we can) mang dân chủ lại trong tầm tay của mình.

Đặng Vũ Chấn

2009/05/14

Ngập Ngừng Miễn Cưỡng Xác Định Chủ Quyền

Lê Vĩnh & Nguyễn Thanh Văn



Trong hai ngày 6 và 7 tháng 5 vừa qua, Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã đệ nạp 2 hồ sơ về thềm lục địa Việt Nam cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục địa Mở rộng của Liên Hiệp Quốc (viết tắt là CLCS). Như vậy nhà cầm quyền Hà nội đã hoàn tất việc đăng ký này trước thời hạn 13/5/09 theo Công Ước về Luật Biển 1982 (viết tắt là UNCLOS), mà họ đã ký kết năm 1994. Công ước này qui định mỗi nước ven biển có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở (tức bờ biển) của nước này. Công Ước về Luật Biển cũng ấn định nếu thềm lục địa kéo dài hơn 200 hải lý, thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.

Nếu chỉ đọc mẩu tin vừa kể, người ta có thể cho rằng đây là một nỗ lực đáng khen của Nhà Nước. Tuy nhiên, đi vào chi tiết của hai hồ sơ đó, người ta dễ dàng nhận ra ngay rằng các lãnh đạo Đảng và Nhà Nước CSVN chỉ làm việc này để xoa dịu sự bức xúc và hy vọng nhờ đó sẽ làm giảm áp lực từ nhân dân Việt Nam, cùng lúc tránh né đụng chạm Bắc Kinh; chứ không nhằm mục đích để Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục địa Mở rộng Liên Hiệp Quốc xác định thềm lục địa mở rộng của Việt Nam. Hậu quả của sự tính toán này có thể sẽ khiến Việt Nam bị mất hầu hết vùng Biển Đông. Tại sao?

Trước khi phân tích hai hồ sơ nói trên, cần phải nhắc lại ở đây một quy định mang tính cách thủ tục của CLCS như sau: “Trong trường hợp có sự tranh chấp lãnh hải hay đất liền, ủy ban sẽ không xét và chấp nhận tính hợp lệ lá đơn đệ trình của bất cứ nước nào liên quan đến chuyện tranh chấp này,” vì Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa Mở rộng (CLCS) không đóng vai trò như tòa án quốc tế để giải quyết chuyện tranh chấp lãnh hải giữa các quốc gia.

Trong hồ sơ về thềm lục địa phía nam, nộp chung với Mã Lai hôm 6 tháng 5, điều 4.1 ở trang 2, Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam ghi rõ: “Vẫn còn có những vùng đang trong vòng tranh chấp, chưa giải quyết” (1). Như vậy, dù không hoàn toàn tuân thủ quy định thủ tục của CLCS, Nhà Nước CSVN vẫn làm đúng bổn phận tuyên nhận chủ quyền quốc gia trong hồ sơ quốc tế.

Nhưng đến hồ sơ thềm lục địa phía bắc, tức vùng thềm lục địa liên quan đến Trung Quốc, được nộp ngày 7 tháng 5, thì Hà Nội ghi ở trang 3, điều 4, là không có sự tranh chấp trong vùng này (2). Tuy nhiên, ở phần giới thiệu mở đầu cuả bản văn dài 8 trang, viết bằng Anh ngữ của hồ sơ thứ hai họ lại ghi rằng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Kiểu xác định nhập nhằng này làm bật lên nhiều câu hỏi:

Trong vùng thềm lục địa phía bắc, đối tác chính có vấn đề với Việt Nam là Trung Quốc. Nếu bảo rằng không có tranh chấp thì các vụ hải quân Trung Quốc ngang nhiên bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt trong vùng này không hề xảy ra sao? Việc Trung Quốc xua đuổi các tàu thăm dò dầu khí ký kết với Việt nam cũng trong vùng này không hề xảy ra sao? Và nếu coi như không có, thì quả đúng là các lời tuyên bố phản đối của đại diện Nhà Nước CSVN về các vụ việc này suốt mấy năm qua chỉ là chuyện “nói cho có lệ”. Nhà Nước chẳng có ý định bảo vệ sinh mạng nhân dân hay tài sản đất nước.

Với sự xác nhận là không có tranh chấp nào đối với Trung Quốc, người ta cũng có thể hiểu rằng Hà Nội đã đồng ý và thoả thuận với những đòi hỏi của Bắc Kinh nên không còn tranh chấp nữa. Nếu đúng vậy thì câu xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam cũng lại là một câu “nói cho có lệ” khác. Vì trong thực tế Trung Quốc đang chiếm đóng cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa; mà Hà Nội lại không “tranh chấp” gì chuyện đó.

Hơn thế nữa, trong bản đồ đính kèm hồ sơ về thềm lục địa phía Bắc, Nhà Nước CSVN chỉ vẽ thềm lục địa Việt Nam đến gần 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rồi ngừng lại. Và họ khỏa lấp sự thiếu sót có chủ ý đó bằng giòng chữ “sẽ cung cấp sau”. “Sau” là bao giờ? Tại sao một hồ sơ ở cấp quốc gia lại thiếu phần quan trọng nhất, phần cần xác định nhất như vậy? Và đến khi bổ túc “sau”, liệu hồ sơ còn giá trị gì không khi thời hạn đăng ký theo quy định của Liên Hiệp Quốc đã hết?!

Mặc dù đã né tránh tới mức đó, cả hai lần Nhà Nước CSVN nộp hồ sơ về thểm lục địa vừa kể, Trung Quốc đều lập tức gửi công hàm phản đối và yêu cầu UNCLOS không cứu xét các hồ sơ đệ nạp của Hà Nội. Bắc Kinh cho rằng hồ sơ Việt Nam “bất hợp pháp và không có giá trị”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Mã Triều Húc tuyên bố hồ sơ của Việt Nam là “xâm phạm trắng trợn chủ quyền Trung Quốc” và tái khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo ở Nam Hải, gồm Tây Sa và Nam Sa và vùng biển lân cận.”

Trước thái độ cực kỳ trịch thượng đó của Bắc Kinh, ông Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng vụ Biển thuộc Ban Biên giới Quốc gia, đã giải thích rằng, báo cáo mà các nước nộp lúc này chỉ có tính khoa học thuần túy về địa chất, địa mạo để làm cơ sở cho các liên quan về sau, chứ không có giá trị phân định ranh giới. Điều ông Nguyễn Quang Vinh giải thích mang đầy nét một lời xin lỗi đối với Bắc Kinh và càng tự xóa giá trị 2 hồ sơ thềm lục địa mà Nhà Nước của ông vừa đệ nạp.

Ngoài các quyền lợi chính trị khiến các lãnh đạo Đảng CSVN hiện nay không dám làm mất lòng Trung Quốc, công hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng xác nhận vùng biển của Trung Quốc bao gồm hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa, cũng khiến Hà Nội “há miệng mắc quai” và đang là nền tảng cho các hành động lấn chiếm của Bắc Kinh tại biển Đông.

Tóm lại, với thái độ ngập ngừng, miễn cưỡng và tự xóa giá trị việc xác định thềm lục địa Việt Nam, 15 thành viên Bộ Chính Trị Đảng CSVN một lần nữa lại đặt các quyền lợi chính trị của riêng họ lên trên các giá trị và quyền lợi của cả quốc gia. Dân tộc Việt Nam cứ mất dần và có xác suất sẽ mất trắng những vùng đảo, vùng biển truyền đời của cha ông, một khi CLCS công nhận những gì Trung Quốc đòi hỏi trong hồ sơ của họ. Đứng trước viễn cảnh này, người Việt Nam cần phải làm những gì? Đâylà điều sẽ được đề cập đến trong bài kế tiếp.

Lê Vĩnh – Nguyễn Thanh Văn

----

Ghi chú:
(1) Hồ sơ thềm lục địa phía Nam (ngày 6/5):
http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_mysvnm_33_2009.htm
có đoạn:
4.1 The two coastal States wish to inform the Commission that there are unresolved disputes in the Defined Area of this Joint Submission. This Joint Submission……”

(2) Hồ sơ thềm lục địa phía Bắc (ngày 7/5):
http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submission_vnm_37_2009.htm
có đoạn:
“4. Absence of disputes
In accordance with Paragraph 2(a) of Annex I to the Commission’s Rules of Procedures, Vietnam wishes to inform the Commission that there is a common understanding that the area of continental shelf which is the subject of this Submission is of overlapping interests expressed by relevant coastal States. Nevertheless, subject to the provisions of UNCLOS 1982, Vietnam is of the view that the area of continental shelf that is the subject of this Submission is not a subject of any overlap and dispute. Further, Vietnam wishes…….”

2009/05/06

Giành Lại Quốc Hội Về Tay Nhân Dân

Đặng Vũ Chấn



Điều 83
trong Hiến Pháp nước CHXHCNVN hiện nay quy định:

‘Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân.

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.’

Điều này có nghĩa Quốc Hội là cơ chế quyền lực mẹ của nhà nước và từ dân, do dân và vì dân như Hiến Pháp khẳng định trong phần mở đầu qua Điều 2.

Thế nhưng trên thực tế hiện nay Quốc Hội lại không thuộc về nhân dân mà là của Đảng, do Đảng, và cho Đảng. 90% đại biểu là đảng viên Đảng CSVN trong khi Đảng viên CSVN chưa đầy 2.5% dân số cả nước. Các ứng viên Đại Biểu QH là do Đảng thanh lọc và đề cử qua Mặt Trận Tổ Quốc và nhân dân chỉ bầu cho có hình thức chuẩn nhận cho những người Đảng Cử này thành Đảng biểu chính thức. Cho nên từ trước đến nay Quốc Hội thành một cơ chế bù nhìn làm cảnh cho Đảng lãnh đạo. Vì thế, Đảng cứ tự tiện ký kết những hiệp định nhường đất và biển cho Trung Quốc mà không cần thông qua sự bàn thảo tại Quốc Hội và Quốc Hội cứ thế mà phê chuẩn.

hiện nay Quốc Hội lại không thuộc về nhân dân mà là của Đảng, do Đảng, và cho Đảng

Tình trạng Quốc Hội VN là cơ chế đảng cử đảng biểu này sẽ tiếp tục kéo dài chừng nào mà nhân dân VN vẫn mặc nhiên chấp nhận nó, coi đó là số kiếp của mình, không thể làm gì khác hơn. Một vài nỗ lực của một số nhà đấu tranh cho dân chủ để chen chân vào Quốc Hội đã không lọt qua được màng lưới lọc loại của Mặt Trận Tổ Quốc, một vài lên tiếng dò dẫm của một số đại biểu Quốc Hội ngoài đảng, rón rén thể hiện chức năng đại biểu Quốc Hội đúng nghĩa của mình, vẫn chưa đủ để mang Quốc Hội trở về tay nhân dân. Nhưng nếu phân tích lại cho kỹ, thì việc nhân dân giành lại Quốc Hội về tay mình theo đúng Hiến Pháp là điều khả thi nằm trong tầm tay của người dân.

Nếu nhìn Quốc Hội như là một cơ chế vô hồn do Đảng lãnh đạo khống chế, thì quả là khó thay đổi. Vì một phần lớn sức mạnh của chế độ CS là sự ràng buộc trong cơ chế, và một trong những nguyên nhân khiến chế độ này làm bao nhiêu điều sai trái, một cách vô trách nhiệm chính cũng là ở cơ chế. Con người CS từ bộ chính trị sang Quốc Hội, xuống đến cấp địa phương đều núp sau cơ chế để không ai nhận lãnh một trách nhiệm cá nhân nào cả. Cơ chế là bình phong, là cha chung không ai khóc khi sai trái. Và cứ thế các đại biểu Quốc Hội sẽ vẫn là đảng biểu an toàn sau cơ chế Quốc Hội, chừng nào mà nhân dân cứ vẫn để họ yên ổn đằng sau cơ chế này, và cứ vẫn đương nhiên coi họ là đảng biểu bù nhìn cho Đảng, nên không thèm liên hệ làm chi cho mất thì giờ vô ích.

Từ trước đến nay, các dân oan khiếu kiện đã tranh đấu ròng rã bao năm trời trong bế tắc vì nhắm hướng vào bức tường vô cảm của cơ chế nhà nước. Có biểu tình trước văn phòng Quốc Hội chung chung kêu réo chủ tịch Quốc Hội chung chung thì cũng thế thôi, vì cứ chỉ nhắm vào cơ chế mà đòi hỏi. Thử tưởng tượng, nếu dân oan ta chuyển đối tượng, nhắm ngay vào từng cá nhân đại biểu Quốc Hội, đại diện cho địa phương mình. Tức là những người gần gũi trực tiếp với mình nhất (trên nguyên tắc), họ sẽ không thể né tránh được. Mang đơn khiếu kiện đến tận nhà, tận tay họ; tạo áp xuất để họ phải thể hiện chức năng đại biểu nhân dân đúng nghĩa, nói lên nguyện vọng của cử tri của họ. Đây cũng là cung cách hành xử của cử tri các xứ dân chủ văn minh. Cá nhân những đại biểu Quốc Hội này sẽ phải thấy họ đứng trước sự lựa chọn: một bên là áp lực từ Đảng, bên kia là áp xuất từ bao cử tri trực tiếp hằng ngày, hằng giờ. Một bên là chỗ dựa vào Đảng và bên kia là chỗ dựa vào người dân sát chung quanh họ, trực tiếp gần gũi với đời sống hằng ngày của họ; cộng với chỗ dựa trên văn bản chính thức là Hiến Pháp như qua Điều 97:

“Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó….”

Trong sự tranh giành như trên với Đảng về ảnh hưởng lên từng đại biểu Quốc Hội của mình, người dân có nhiều cơ may thắng thế hơn. Những đại biểu dù có là đảng viên trung thành với quyền lợi Đảng, sẽ khó mà cảm thấy yên ổn lương tâm, bình thản trong ghế đại biểu của họ khi phải đi ngược lại quyền lợi và nguyện vọng của cử tri hằng ngày kêu rên bên mình, nhất là khi họ thấy những đồng nghiệp giác ngộ sớm, đứng bên nhân dân được cử tri càng thêm tin tưởng thương yêu. Những ứng viên đại biểu Quốc Hội sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn xem mình có chịu nổi áp xuất của chức năng đại biểu thực sự không, trước khi nhận cho đảng cử. Từ đó, quy trình đảng cử dân bầu sẽ dần dần mất tác dụng gạn lọc cho Đảng.

Khi có nhiều đại biểu trở về với nhân dân, thực hiện đúng chức năng đại biểu quốc hội của mình, tích cực bênh vực tiếng nói của cử tri mình, thì sẽ dễ tạo một làn sóng lây lan trong Quốc Hội, để Quốc Hội mau trở về với nhân dân, giành lại quyền quyết định những chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại (Điều 83 Hiến Pháp), quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (Điều 84). Như thế Đảng sẽ không còn có thể tuỳ tiện bán đất, nhường biển, dâng Tây Nguyên cho đàn anh Cộng sản Trung quốc.

Mầm dân chủ như thế sẽ thăng hoa. Khi người dân có tâm thức và hành xử dân chủ, đòi hỏi từng đại biểu của mình làm đúng chức năng hiến pháp quy định. Cơ chế cũng sẽ phải dần chuyển hướng theo [chiều dân chủ]; thay vì chiều ngược lại, cứ phải chờ đợi có cơ chế dân chủ rồi mới xây tâm thức và hành xử dân chủ.

Đặng Vũ Chấn