2009/05/29

Khai Thác Bauxite: Một Dự Án Không Tưởng

Lý Thái Hùng

Trước sức ép khá mạnh mẽ của dư luận từ sau khi các nhà trí thức tại Việt Nam gửi kiến nghị yêu cầu quốc hội Cộng sản Việt Nam cho ngưng tiến hành dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, Bộ Công Thương – cơ quan chỉ đạo dự án khai thác Bauxite – đã gửi đến các đại biểu quốc hội Cộng sản Việt Nam một bản báo cáo mang số 91/BC-CP, gọi là tường trình về việc khai thác các dự án Bauxite, ngày 22 tháng 5 năm 2009. Bản báo cáo dài 13 trang chia làm năm phần:

Phần đầu tóm lược về những kế hoạch thăm dò và những dự tính khai thác Bauxite trong hai thời kỳ 2007 đến 2015 và từ 2016 đến 2025.

Phần hai tóm lược về tiến trình thực hiện dự án khai thác Bauxite bao gồm các dự án xây dựng nhà máy, tuyến đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận và cảng Kê Gà – Bình Thuận.

Phần ba tóm lược về những góp ý liên quan đến việc khai thác Bauxite từ các giới trí thức, chuyên gia trong thời gian qua trên mặt báo chí.

Phần bốn tóm lược về những quan điểm của Bộ Công Thương liên quan đến các góp ý ở phần ba nói trên và những nhận định của Bộ Công Thương về hiệu quả kinh tế, vấn đề lựa chọn sản phẩm, kế hoạch sản lượng dự án, hiệu quả xã hội – giữ gìn bản sắc Tây Nguyên, an ninh quốc phòng…

Phần sau cùng và cũng là phần quan trọng nhất của bản báo cáo vẫn là núp dưới chủ trương lớn của đảng, để cương quyết tiến hành và kêu gọi quốc hội hãy thường xuyên giám sát quá trình thực hiện dự án Bauxite.

Ấn tượng chung của dư luận về 13 trang báo cáo của Bộ Công Thương về việc đưa dự án khai thác Bauxite trở thành một ngành công nghiệp lớn như Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố tại Hải Phòng vào đầu tháng 5 vừa qua là hoàn toàn không tưởng.

Thứ nhất là không tưởng về hiệu năng kinh tế. Bản báo cáo đã không cho thấy toàn bộ số tiền đầu tư mà nhà nước sẽ bỏ vào dự án gồm lập các nhà máy Alumin tại Tân Rai, Nhân Cơ, xây dựng các tuyến đường sắt, cảng Kê Gà, các hồ nước chứa bùn đỏ, tốn phí về sự tái tạo lại đất sau khi khai thác, cái giá phải trả cho sự ô nhiễm môi trường và nhất là sự phá huỷ nền văn hóa và bản sắc Tây Nguyên là bao nhiêu để rồi từ đó so sánh với lợi nhuận trên từng tấn Alumin thu được. Trong bản báo cáo, Bộ Công Thương chỉ nói đến vấn đề lợi nhuận từ việc khai thác Bauxite rồi luyện thành Alumin và cho đó là hiệu quả kinh tế là một sự gian trá. Ngay cả Chủ tịch Tập đoàn than – khoáng sản là công ty chính lo việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên còn phải đánh giá 50 ăn – 50 thua và tuyên bố trong Hội thảo về Bauxite ngày 9 tháng 4 năm 2009 tại Hà Nội, cho thấy là bản cáo của Bộ Công Thương hoàn toàn với chủ đích đánh lừa dư luận và chỉ làm trò cười cho dư luận khi cố tình “lấy vải thưa che mắt thánh”. Một dự án có hiệu quả kinh tế đúng nghĩa phải được tính toán toàn bộ những chi phí của các dự án chính, dự án phụ thuộc, những cái giá phải trả trong ngắn hạn cũng như dài hạn của hệ quả ô nhiễm môi sinh, và phải đối chiếu với những kế hoạch khai thác khác trong vùng rồi mới có thể kết luận về thành quả kinh tế có hay không của việc khai thác Bauxite.




Theo nhà nước CSVN, bùn đỏ của Bauxite Tây nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường !

Thứ hai là không tưởng về tác động môi trường. Bản báo cáo đã khẳng định rằng bùn đỏ của Bauxite Tây nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm, vì thế Bộ Công Thương cho rằng chỉ cần quan tâm mặt quản lý, kiểm tra kỹ lưỡng thì sẽ không nguy hại. Đây là mấu chốt của sự không tưởng khi: 1/ Chỉ dựa trên một vài thử nghiệm phân chất bùn đỏ không đủ để phủ nhận kinh nghiệm chung của hầu hết các quốc gia khai thác Bauxite, đó là bùn đỏ chứa lượng kiềm lớn rất có hại cho các nguồn nước; 2/ Dù Bộ Công Thương có hứa là sẽ kiểm soát chặt chẽ và giải quyết bằng những kỹ thuật tối tân; nhưng thực tế của Tây Nguyên cho thấy là nhà nước CSVN không đủ khả năng để thích ứng cái gọi là “những công nghệ xử lý hiện đại” vì hai lý do: quá đắt đỏ, do đó không đáp ứng hiệu quả kinh tế và nhất là các hồ nước chứa bùn đỏ dễ bị mưa cuốn đi rất nhanh sau mỗi đợt mưa lớn bởi cây rừng đã bị đốn đi gần hết. Không thể nào một báo cáo cấp chính phủ khi đề cập đến việc bảo vệ môi trường mà lại chỉ nói rằng “Bộ tài nguyên và môi trường sẽ chủ trì phối hợp các ban ngành để lo”; đây là lề thói làm việc kiểu “đánh trống bỏ dùi”, tuyên bố lấy lệ kiểu lấp liếm sự thật.



Nhân Công Trung Quốc tại Việt Nam

Thứ ba là không tưởng về an ninh – quốc phòng. Bản báo cáo nói rằng việc nhân công Trung Quốc đưa sang làm việc tại Tây Nguyên chỉ nằm trong phần xây dựng nhà máy luyện alumin do nhà thầu Chinalco của Trung Quốc đưa sang hiện có khoảng 600 lao động, còn bao nhiêu thì sẽ do công nhân Việt Nam đảm trách. Qua cách trình bày, Bộ Công Thương muốn cho dư luận hiểu là số công nhân Trung Quốc làm việc ở Tây Nguyên không bao nhiêu, chỉ vài ngàn người và họ sẽ rời Việt Nam sau khi số công nhân Việt Nam có thể đảm trách hoàn toàn. Bộ Công Thương đã không cho biết là số công nhân Trung Quốc sẽ rời Việt Nam vào lúc nào trong quá trình khai thác Bauxite kéo dài đến năm 2025 cũng như không cho biết về kế hoạch chuyển giao kỹ thuật được thực hiện ra sao giữa công nhân Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng điều tai hại mà Bộ Công Thương che giấu là số lao động Trung Quốc hiện không phải 600 mà lên đến hằng nhiều ngàn người. Tuy nhiên sự đe dọa an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên, không chỉ ở số lượng công nhân Trung Quốc mà chính là những cán bộ tình báo trà trộn vào công nhân để sang hoạt động tại Việt Nan. Với bản chất bá quyền của Bắc Kinh qua vụ Biển Đông hiện nay, chỉ cần sau 10 năm hoạt động, cho đến năm 2025, Trung Quốc sẽ nắm toàn bộ Tây Nguyên.

Thứ tư là không tưởng về việc biến Tây Nguyên thành nơi phát triển công nghiệp Bauxite. Bản báo cáo viết rằng để phát triển Tây Nguyên không thể chỉ dựa vào phát triển cây công nghiệp như cà phê, chè và cao su mà phải tận dụng và phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Tây Nguyên, đặc biệt là về thủy điện và khoáng sản (chủ yếu là Bauxite). Đúng là Tây Nguyên có hai lợi thế về Thuỷ điện và Bauxite, nhưng trong vòng 50 năm trước mặt, lợi thế đó không mang lại những lợi nhuận to lớn cho Tây Nguyên so với việc trồng cây công nghiệp vì khả năng của con người và đất nước Việt Nam chưa thể biến Thủy điện và Bauxite thành lợi thế của mình. Do đó khi khả năng không có và chưa nắm vững toàn bộ những kinh phí mà phải dựa vào sức người để khai thác thì sẽ trở thành hoang tưởng với những dự án chấp vá như Bộ Công Thương đã báo cáo.

Nói tóm lại, dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên không có tính thuyết phục về mặt kinh tế, tài chánh, xã hội, an ninh. Nó sẽ trở thành một gánh nặng tai hại cho dân tộc Việt Nam nếu Bộ Công Thương nói riêng và đảng Cộng Sản Việt Nam nói chung vẫn cứ tiếp tục với những dự tính không tưởng nói trên.

Lý Thái Hùng
Ngày 28 tháng 5 năm 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét