2009/05/20

Dân tộc Việt Nam đã đạt được một thắng lợi lớn trước nguy cơ tàn phá Tây Nguyên

Hoàng Cơ Định



Từ nhiều năm qua, chưa bao giờ nước ta lại phải đối diện với một nguy cơ to lớn như việc nhà cầm quyền CSVN quyết định để Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác quặng bô-xít, biến Tây Nguyên thành nơi cung cấp Alumina cho Trung Quốc.

Vào tháng 2/2009, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố “Khai thác bô-xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước (của đảng CSVN)”. Cũng từ đó, mặc dầu sự lên tiếng của hàng ngàn người Việt Nam, là những nhà khoa học, kinh tế, văn hóa, quân sự, truyền thông vv… Lãnh đạo CSVN vẫn một mực khăng khăng phải tiếp tục lao tới, không cần nghe, không cần nhìn và chắc chắn là chẳng cần cân nhắc, chỉ cần nói lấy được rằng đây là quyết định nhất quán của chúng tôi từ Đại Hội Đảng (của chúng tôi) kỳ trước… Thế rồi mặc cho sự ưu lo phẫn uất của hàng ngàn con người, đoàn xe cơ giới và hàng đoàn công nhân Trung Quốc đã tới cầy nát những ngọn đồi xanh mướt của Tây Nguyên, họ tàn phá Tây Nguyên như vào chỗ không người… Đây mới chỉ là giai đoạn xây cất nhà máy chuẩn bị cho giai đoạn phá rừng xẻ núi một cách triệt để và vĩ đại hơn, để rồi những nơi trước đây là nương trà, cà phê hay những đồi thông nên thơ sẽ trở thành mảnh đất hoang đầy hầm hố chỉ còn loại cây dại có thể mọc nổi sau khi lớp quặng bô-xít được moi đi và lớp đất thịt bị nước mưa cuốn trôi.

Nguy cơ to lớn này đến gần mỗi ngày và bắt đầu trở thành hiện thực. Quang cảnh tại chỗ buộc người ta phải kết luận: Cường quyền đang thắng lẽ phải! Tuy nhiên, kết luận này chỉ phản ánh một cái nhìn ngắn hạn. Trong cuộc tranh đấu này một yếu tố mới chưa hề thấy từ nhiều thập niên qua đã phát sinh, đó là mối đồng thuận dân tộc, và đó là thắng lợi chúng ta đã đạt được trước nguy cơ tàn phá Tây Nguyên. Với thắng lợi này, nhất quyết dân tộc Việt Nam sẽ thành công bảo vệ vùng đất Tây Nguyên của chúng ta.

Mối đồng thuận dân tộc đã phát sinh ngay từ khi tin tức và nhận định về các kế hoạch khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, từ quốc nội lan ra hải ngoại vào cuối tháng 10 năm 2008. Hải ngoại là môi trường của người Việt tỵ nạn chống cộng, nhưng lần này dư luận đồng bào khắp nơi đều quan tâm theo dõi mà không bị ảnh hưởng bởi mầu sắc chính trị. Những chi tiết như tờ báo đó, trang web đó có phải là của Việt cộng hay không, nhân vật đó là dân thường hay viên chức Nhà Nước, không phải là những gì đồng bào quan tâm; mọi người chỉ đánh giá nội dung và giá trị lời phát biểu xem có hữu lý hay không và dụng tâm là bảo vệ núi đồi Tây Nguyên hay a dua hùa theo thâm ý lãnh đạo Đảng nhằm thoả mãn ý đồ của Trung Quốc. Những bài viết của TS Nguyễn Thành Sơn đã được giới truyền thông và đồng bào chống cộng tại hải ngoại phổ biến và đón đọc mặc dầu ông thẳng thắn tuyên bố: “Bản thân tôi là một Đảng viên ĐCSVN (tôi được kết nạp tại chi bộ Vụ Kế hoạch Bộ Mỏ và Than từ 1983), tôi luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đúng lương tri, phục vụ suốt đời cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, chứ không phải chỉ biết làm theo ý đồ và phục vụ cho lợi ích của một nhóm người. Bố đẻ tôi là Đảng viên, cán bộ tiền khởi nghĩa, Huân chương kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, Huy hiệu các chiến sỹ bị địch bắt tù đầy đã giáo dục tôi hiểu rõ thế lực phản động là ai và mình cần phải làm gì?” Giữa TS Nguyễn Thành Sơn và những người Việt chống cộng chẳng hề có sự tiếp xúc hay thương thảo gì, chẳng bên nào hứa hẹn hợp tác với bên nào, nhưng cùng một mục tiêu: Bảo vệ Tây Nguyên và cùng một đối thủ: Nhà cầm quyền độc tài coi thường quyền sống của dân tộc. Vì vậy mà thành công của phía này cũng là thành công của phía kia…

Một nhân sự khác, thuộc diện đảng viên CS, lão thành hơn đảng viên Nguyễn Thành Sơn, đó là ông Dương Danh Dy, một cán bộ kỳ cựu trong ngành ngoại giao, nguyên Tổng Lãnh Sự CSVN tại Quảng Châu, mới đây đã trả lời phái viên RFA như sau:

“Vấn đề của ta với Trung Quốc,… muốn giải quyết vấn đề này (thì) không có cách gì khác là phải dựa trên sức mạnh dân tộc. Sức mạnh dân tộc đây tôi nói là cả trong và ngoài nước chứ không phải là chỉ có trong nước đâu. Ngoài nước cũng là sức mạnh rất đáng kể mà trước đây tôi đã rất chú ý vấn đề này nhưng mà gần đây thì người trong nước mới chú ý đến họ. Thế thì đấy là sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại. Sức mạnh của thời đại đây tức là cái công khai hoá, cái quốc tế hoá, cái đa phương hoá để tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của những người đồng tình với chúng ta.”

Khi ông Dương Danh Dy đề cập tới khối người Việt ngoài nước, và ông còn nhấn mạnh là phải công khai hóa, đa phương hóa thì đó là sự xác định rõ rệt là để đối phó với áp lực của Trung Cộng thì cần có sự góp sức của cộng đồng người Việt không cộng sản và phải có một chế độ dân chủ đa nguyên ở trong nước. Đây là một phát biểu can đảm và thẳng thắn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, khó có thể có được nếu người Việt chúng ta không bị đe dọa tại Tây Nguyên.

Một nhân vật thứ ba đã góp phần to lớn trong việc thể hiện sự đồng thuận dân tộc là giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Cách đây hơn 10 năm GS Nguyễn Huệ Chi và GS Hoàng Ngọc Hiến, trong vụ William Joiner Center tại Đại Học Boston, đã là nạn nhân của lối chống cộng quá đà trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Mặc dầu cả 2 vị đều thuộc thành phần trí thức dân chủ ở trong nước, nhưng chỉ vì là họ là những người sống trong chế độ CSVN, họ đã bị chống đối kịch liệt khi tham gia vào một dự án nghiên cứu văn hóa liên hệ tới cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại. Ngày hôm nay, khi GS Nguyễn Huệ Chi là một trong 3 nhà trí thức chủ xướng kiến nghị phản đối việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, kiến nghị của ông đã được sự hỗ trợ của hàng chục ngàn người Việt ở trong và ngoài nước trong đó không thiếu gì những người Việt chống cộng đã phản đối ông mười năm trước đây. Trong danh sách 600 người đầu tiên ủng hệ kiến nghị bảo vệ Tây Nguyên của GS Nguyễn Huệ Chi có sự tham dự của mọi thành phần dân tộc, đa phần là những nhà trí thức hoạt động trong các lãnh vực khoa học, văn hóa, truyền thông, luật pháp, kinh tế vv… Có những nhân sự đã từng hay đang ở chức vụ cao cấp như Dân Biểu hay Thứ Trưởng, Vụ Trưởng trong chế độ và cũng có những nhân vật vừa bị án tù vì tranh đấu dân chủ như Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân. Ngoài các nhân vật ký tên trong kiến nghị, còn vô số người khác đã bầy tỏ quan điểm bảo vệ Tây Nguyên, chống sự lấn chiếm của Trung Quốc qua các bài viết, đặc biệt là giới quân sự như các Tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Lê Văn Cương, Đồng Sĩ Nguyên. Trước sự lên tiếng của cả ngàn người với những dẫn chứng cụ thể và khoa học trong hàng ngàn trang tài liệu, phản ứng của phía nhà cầm quyền CSVN chỉ quanh quẩn những luận điệu hàm hồ, nói lấy được như tuyên cáo của Bộ Công Thương đã chụp cho toàn bộ quan điểm của những ai không đồng ý với việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên là: “Rất kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, trầm trọng hóa, thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng, cố tình xuyên tạc sự thật, mang tính kích động làm ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và Nhân dân hai nước”…

Cuộc phản đối việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên đã lớn rộng với sự góp phần của nhiều tầng lớp dân chúng tới mức không một tổ chức chống đối nào, mà nhà cầm quyền CSVN vẫn gán cho danh xưng là “tổ chức phản động”, dám nhận công là do mình khởi xướng. Trái lại, dư luận báo ngoại quốc còn cho rằng cuộc chống đối này chủ lực là từ chính nội bộ đảng CSVN.

Yomiuri là tờ báo lớn của Nhật, vào ngày 14/05/2009 đã dành gần một phần tư trang báo ở mục tin thế giới để đăng tin về những cuộc phản đối của người dân Việt Nam liên quan đến chuyện Trung quốc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên do ký giả Sato Masahiro từ Hà Nội gởi về. Theo bài báo này thì có thể nói việc phản đối này bắt đầu lan rộng khắp cả nước kể từ khi có lá thư của ông tướng Võ Nguyên Giáp gởi cho đương kim Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng vào đầu tháng giêng năm nay để yêu cầu ngưng không cho các hãng thầu Trung quốc khai thác bô-xít ở Tây nguyên vì nhiều lý do trong đó nổi bật nhất là vấn đề ô nhiễm môi sinh và quốc phòng bởi cao nguyên Trung phần là vị trí chiến lược rất quan trọng. Sau khi tướng Giáp công khai nội dung bức thư gởi cho ông Dũng thì đã có nhiều đảng viên từng giữ các chức vụ cao trong chính quyền cũng như các trí thức, học giả, khoa học gia… lên tiếng hưởng ứng hay tiếp tay lời ông Giáp yêu cầu. Một nhân vật chính trong những người phản đối đã nói với ký giả Sato rằng chúng tôi hết sức cảnh giác vì Trung quốc có thể xâm lược đất nước Việt Nam lúc nào không hay.

Nhìn từ khía cạnh nào người ta cũng phải công nhận đây là lần đầu tiên, việc chống đối sự cấu kết của lãnh đạo CSVN với Trung cộng trong việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, đã có sự góp phần của mọi thành phần quần chúng trong và ngoài đảng CS, từ hải ngoại tới quốc nội. Cuộc chống đối này chưa đạt được kết quả mong muốn và việc xây cất cơ xưởng, đào xới khắp nơi vẫn tiếp tục tiến tới trong vùng Lâm Đồng & Đắk Nông, mặc dầu vì tình trạng suy thái kinh tế chung trên thế giới, Alumina đang trở nên dư thừa, giá bán còn thấp hơn giá sản xuất và nhiều cơ sở khai thác bô-xít tại chính Trung Quốc đã phải đóng cửa…

Để giải thích tình trạng này, căn cứ vào lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng, rằng: “Khai thác bô-xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng” thì không đủ. Với những ai quen thuộc với nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thì có một giải thích dễ hiểu hơn, đó là “Có hợp đồng thì có Ăn Chia”, cho nên công tác xây cất nhà máy phải tiếp tục tiến tới vì đang mang lại lợi nhuận cho một số khá đông viên chức nhà nước. Còn về phía Trung Cộng, khi đã biến được lãnh đạo CSVN thành một tập đoàn tay sai khiếp nhược thì lợi tức khai thác dầu lửa Trung Cộng chiếm đoạt được ngoài khơi Biển Đông của nước Ta sẽ dư dả để bù đắp cho việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Họ sẽ tiếp tục có nguồn cung cấp Alumina mà khỏi bị ô nhiễm tại đất nước của họ.

Ý đồ và hành động xâm lấn của Trung Quốc không phải ngày hôm nay mới có, thái độ nhu nhược của chế độ CSVN đối với Trung Quốc không phải ngày hôm nay mới lộ rõ, nhưng sự khác biệt sẽ làm thay đổi tình thế là trước những nguy cơ to lớn về nhiều mặt trong việc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên, chưa bao giờ chúng ta kết hợp được một sự đồng thuận dân tộc rộng rãi như hiện nay. Sự kết hợp này không phải là một thoả hiệp có được bằng thương thuyết giữa các phe phái mà do sự ý thức mọi người cùng nhìn thấy, vì vậy sự hợp tác sẽ bền vững và ngày một mở rộng. Ngày hôm nay người ta chống lại việc lãnh đạo CSVN để cho Trung Quốc khai thác bô-xít tại Tây Nguyên là vì những nguy cơ mà với chút thông minh ai cũng phải thấy trước. Khi kế hoạch này tiếp tục, số người mất việc vì các đồn điền trà và cà phê bị phá hủy sẽ ngày một gia tăng, rồi những trận lụt khủng khiếp sẽ xẩy ra vì mưa lũ trên cao nguyên không còn bị ngăn cản bởi lớp thảo mộc tại các đồn điền và cây rừng, rồi những tai nạn do lượng bùn đỏ chất chứa lại bắt đầu gia tăng… Lúc đó cuộc tranh đấu của người dân Việt Nam sẽ còn bội phần quyết liệt hơn ngày hôm nay, đó là một cuộc tranh đấu cho sự sống còn mà không một cường quyền nào có thể áp chế được.

Thắng lợi vì vậy, với thời gian, nhất quyết sẽ về phía dân tộc Việt Nam.

Hoàng Cơ Định
(
hoangcodinh@jps.net)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét