2010/11/22

Cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng

Hà Sĩ Phu

Khi nhận được quà tặng, ta cảm ơn. Nhưng được nghe một lời nói thẳng chắt lọc, quý báu, còn hơn mọi thứ quà, càng đáng cảm ơn lắm.
Bài viết về Kiến nghị dừng khai thác bauxite của ông Lê Hiếu Đằng có gì mới?
- Trước hết, ông đề cập một thiếu sót trong nội dung bản kiến nghị: “Tôi muốn xin nhấn mạnh thêm về mặt an ninh quốc gia mà tôi nghĩ có thể vì sự “tế nhị” nào đó đã chưa được đề cập thỏa đáng trong Kiến nghị” (hiện nay cứ tập trung vào tác hại đối với môi trường và hiệu quả kinh tế, ấy là một thiếu sót căn bản rất nguy hiểm).
- Lấy tư cách một người đã ký tên rất sớm vào hai lần Kiến nghị (lần thứ nhất do Gs Nguyễn Huệ Chi và toàn nhóm BVN khởi xướng, lần thứ 2 có 13 người khởi xướng vì ngoài nhóm BVN còn có 10 vị thuộc nhóm IDS cũ), ông đặt câu hỏi tại sao không có báo nào đăng nguyên văn Bản Kiến nghị ấy với danh sách 13 người khởi xướng? Ông viết: “Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên?”
“Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội?”
Tôi xin thêm: Ngay bài phỏng vấn Gs Chu Hảo và nhà giáo Phạm Toàn rất có ích trong vấn đề Bauxite đang nóng bỏng cũng không một tờ báo chính thức nào đăng tải.
- Ông nhắn nhủ những nhà lãnh đạo tối cao “Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên”
- Ông thúc giục tính tích cực và phê phán tính tiêu cực trong mỗi chúng ta: “Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, Đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc.
- Nhưng cuối cùng, điểm nhấn giá trị nhất của bài viết là chỉ ra cái điểm nút, giải thích hiện tượng vì sao CÁI TỐT CỨ CHỊU THUA CÁI XẤU. Tiêu điểm ấy là nỗi SỢ! “Chúng ta không có gì phải sợ, vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp!”
Ông tự liên hệ bản thân: “[…] tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: khi bị Toà án Vùng 3 Chiến thuật Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?”
Trước kia không sợ kẻ thù, mỉm trước cái chết, nhưng “cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?” Trước đây can đảm, bây giờ sợ sệt đã là điều lạ. Nhưng sợ ai, sợ chính “các đồng chí của mình” thì lạ quá, đau quá! Phải giải đáp cho ra ngọn nguồn là gỡ được cái nút của sự trì trệ.
Mình sợ hãi các đồng chí của mình, nhưng có đồng chí nào bắt mình phải sợ đâu? Trái lại đồng chí nào cũng giơ cả hai tay ca ngợi sự dũng cảm, phải nhìn thẳng vào sự thật, nói hết sự thật, ghét nhất sự dối trá! Té ra đây là một nỗi sợ không văn bản! Không văn bản nhưng có hiệu lực bao trùm. Bí mật nằm ở đây.
Từ lâu trong mỗi người Việt Nam đã hình thành cái bản năng “tự kiểm duyệt”: Cứ thính tai thính mũi, ngửi trong gió xem thực chất người cầm quyền muốn gì, yêu gì, ghét gì để chiều theo, chớ dại nghe lời nói công khai bởi đã quá hiểu “nói dzậy chứ không phải dzậy”, phần lớn trường hợp cứ làm ngược lại là trúng “đáp số”!
Ông Lê Hiếu Đằng kết thúc bài viết bằng một câu hỏi day dứt “cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?”. Cớ gì? Cớ gì? Cớ gì?
Câu trả lời không khó, nhưng lời đáp là dành cho mỗi cá nhân. Tùy theo câu trả lời sáng sủa hay ấp úng mà mỗi người chúng ta tự xác định mình bằng sự hiểu biết, lòng trung thực và nhân cách!
11/11/2010
H.S.P.
Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2010/11/cam-on-ong-le-hieu-ang.html

Kiến nghị dừng khai thác bauxite do các nhà trí thức khởi xướng phải được công bố cho toàn dân và Quốc hội

Lê Hiếu Đằng
Theo dõi hoạt động của Quốc hội những ngày qua, tôi rất đồng tình với việc vụ Vinashin đã được đưa ra nghị trường, nhiều đại biểu đã quy rõ và quy đúng trách nhiệm: chính Thủ tướng Chính phủ, người trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải chịu trách nhiệm cuối cùng về con tàu sắp chìm này.
Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn vì có hai vấn đề chưa được Quốc hội đề cập thỏa đáng: việc cho thuê đất rừng đầu nguồn và đại dự án bauxite. Mà đây lại là hai vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Nếu sụp đổ Vinashin chỉ là chuyện mất tiền, dù là tiền tỷ (đô la), thì hai vấn đề sau là chuyện môi trường sinh thái, tác hại lâu dài, và nghiêm trọng nhất, là chuyện an ninh quốc phòng, an nguy quốc gia.
Hôm nay tôi thấy cần phải lên tiếng thêm về vụ bauxite.
1/ Là một trong những người ký tên rất sớm vào Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở cả hai lần, lần đầu do ba nhà trí thức Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, lần hai do 13 nhà trí thức thuộc tổ chức IDS cũ và nhóm Bauxite Việt Nam khởi xướng, tôi thấy nội dung kiến nghị, đặc biệt là Kiến nghị lần hai gồm 5 điểm rất rõ ràng, thuyết phục. Kiến nghị này được đăng tải công khai, minh bạch, cho đến nay đã thu được gần 3000 chữ ký, trong đó có nhiều nhà khoa học, trí thức đầu đàn, nhiều bậc lão thành cách mạng, quan chức, tướng lĩnh, nguyên lãnh đạo cấp cao, có Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, có nhà toán học Ngô Bảo Châu – niềm vinh dự của trí tuệ Việt Nam, người vừa được Thủ tướng tiếp và đặc biệt cấp nhà (ông Ngô Bảo Châu không những đã ký tên cả hai lần, mà còn gửi một lá thư riêng cho các vị lãnh đạo đất nước đề nghị ngưng dự án).
Một Kiến nghị quan trọng như thế phải được công bố rộng rãi để mọi đại biểu Quốc hội và toàn dân biết. Như thế là cung cấp thông tin đa chiều để các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân lựa chọn. Đại biểu và nhân dân phải có điều kiện đối chiếu những luận điểm bênh vực khai thác bauxite của Bộ Công Thương và tập đoàn TKV với những luận điểm phản biện của các trí thức trong Kiến nghị để suy nghĩ và rút ra kết luận.
Tôi xin thẳng thắn đặt câu hỏi: Có ai đã ngăn cản các phương tiện truyền thông công bố kiến nghị trên? Nếu có, thì đó là tước quyền được thông tin của nhân dân – quyền được hiến pháp và pháp luật bảo hộ, như thế người ngăn cản đã vi phạm pháp luật của nước CHXHCNVN. Nếu không phải như thế, thì tôi xin hỏi giới nhà báo nước ta: Tại sao các bạn phải sợ mà không dám đăng tải một kiến nghị có tầm quan yếu đến vận mệnh dân tộc, đã được lưu truyền khá lâu trên nhiều mạng, đã được chính thức gửi tới Quốc hội? Như thế có phải các bạn đã từ bỏ cái quyền quan trọng nhất của mình và cũng là yêu cầu cao nhất của nhân dân với các bạn: thông tin trung thực những gì liên quan đến lợi ích của người dân? Tôi tin rằng tờ báo nào mạnh dạn đăng tải Kiến nghị nói trên sẽ chẳng bị ai bắt tù, ngược lại sẽ được nhân dân quý trọng.
2/ Bản kiến nghị đã nêu rõ mối lo về hiệu quả kinh tế, tác hại môi trường của Dự án Bauxite. Tôi muốn xin nhấn mạnh thêm về mặt an ninh quốc gia mà tôi nghĩ có thể vì sự “tế nhị” nào đó đã chưa được đề cập thỏa đáng trong Kiến nghị. Nhất là khi liên kết chuyện khai thác bauxite với việc cho thuê đất rừng đầu nguồn.
Trong việc xây dựng các nhà máy bauxite, ta thấy nhân công Trung Quốc vào rất đông. Thậm chí có hiện tượng hình thành “làng Trung Quốc” ở Tân Rai. Chúng ta không thể không đặt những câu hỏi: Trong số nhân công đó, có bao nhiêu quân nhân mặc áo dân sự? Họ làm gì ở đấy chúng ta có kiểm soát được không? Các chuyên gia Trung Quốc xây dựng nhà máy liệu có đủ thiện chí đảm bảo an toàn lâu dài cho việc khai thác bauxite, hay biết đâu họ không “gài” một khuyết tật nào đó để khi “có chuyện” nó sẽ trở thành một áp lực chính trị cho nhà nước ta? Đặt những câu hỏi như trên không phải là quá đa nghi, mà xuất phát từ tinh thần cảnh giác có cơ sở. Vâng, lịch sử quan hệ Việt – Trung buộc chúng ta phải cảnh giác. Bản chất, mưu toan bá quyền của người hàng xóm khổng lồ không hề thay đổi. Những tư liệu gần đây được công bố chỉ ngày càng cho ta thấy rõ hơn bản chất đó. Và ngay trước mắt là vấn đề Biển Đông. Chưa nói đến hiểm họa về sông Mê Kông không xa. Tất cả đều nằm trong âm mưu bá quyền.
Tôi tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh, tâm tư các vị rất không yên, các vị rất lo lắng cho sự an nguy của đất nước trước âm mưu xâm thực tinh vi của nước ngoài qua con đường kinh tế. Và cả những người dân bình thường, hầu như ai cũng lo ngại, cũng cảnh giác. Trong khi đó, hình như tinh thần cảnh giác của các vị lãnh đạo lại khá hời hợt, cho nên mới để lọt những chủ trương nguy hiểm như khai thác bauxite, cho thuê rừng đầu nguồn.
Tại sao có thể như thế? Tôi không sao trả lời được câu hỏi này. Có phải các vị chỉ chạy theo lợi ích kinh tế mà quên mối lo an nguy lâu dài của đất nước? Có phải các vị bị chi phối bởi các tập đoàn kinh tế? Đây là lúc các vị phải trả lời rõ ràng để giải tỏa những băn khoăn chính đáng của người dân.
3/ Tôi mong mỏi các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ hai vấn đề nghiêm trọng nhất: bauxite và cho thuê rừng đầu nguồn, đừng để bị lạc hướng vì những chuyện khác.
Nhân đây tôi cũng xin qua mạng Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ những đồng chí đã từng sát cánh chiến đấu với tôi ở nội thành Sài Gòn – Gia Định, các chiến trường miền Đông Nam Bộ, ven Sài Gòn… Đó là các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải. Mong các đồng chí lên tiếng đấu tranh để ngăn chặn những nguy cơ cho đất nước như Dự án Bauxite và việc cho thuê rừng đầu nguồn nói trên.
Tôi cũng muốn nhắn với đoàn đại biểu Quốc hội của TPHCM là tôi rất buồn vì trong đoàn không có ai lên tiếng thẳng thắn về những chuyện nghiêm trọng như trên. Thử hình dung nếu bùn đỏ bauxite đổ xuống thì cả vùng Đông Nam Bộ, TPHCM sẽ nguy ngập thế nào? Tương lai con cháu chúng ta sẽ ra sao?
4/ Đã đến lúc tất cả chúng ta, cán bộ, Đảng viên, nhân dân, phải có ý kiến, không thể nhân nhượng, không thể dĩ hòa vi quý với cái sai, cái nguy hại cho đất nước, cho dân tộc. Chúng ta không có gì phải sợ, vì chúng ta trong sáng, chúng ta thực tâm yêu nước thương nòi, chúng ta làm đúng theo luật pháp, hiến pháp.
Bản thân tôi cũng có những lúc hơi e ngại khi cần lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải. Những lúc ấy tôi tự nhắc mình: khi bị Toà án Vùng 3 Chiến thuật Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt, mình vẫn coi khinh, vẫn mỉm cười và dấn thân chiến đấu, thì cớ gì bây giờ mình phải sợ hãi các đồng chí của mình?
L.H.Đ.
Nguồn: http://boxitvn.wordpress.com/2010/11/11/ki%E1%BA%BFn-ngh%E1%BB%8B-d%E1%BB%ABng-khai-thc-bauxite-do-cc-nh-tr-th%E1%BB%A9c-kh%E1%BB%9Fi-x%C6%B0%E1%BB%9Bng-ph%E1%BA%A3i-d%C6%B0%E1%BB%A3c-cng-b%E1%BB%91-ch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét