Trung Điền
Ngay sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội CSVN gửi thư cho đại biểu Nguyễn Minh Thuyết thuộc đoàn đại biểu Tỉnh Lạng Sơn, cho biết là không lập Ủy ban điều tra vụ Vinashin, thì trên trang web chính phủ đã cho đăng liên tục ba bài viết công kích một số đại biểu quốc hội cho là phát ngôn hồ đồ, gây hoang mang dư luận. Tuy không nêu tên, nhưng cả ba bài viết đều nhằm tấn công đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và các đại biểu khác như ông Lê Văn Cuông, bà Phạm Thị Loan, ông Huỳnh Ngọc Đáng, đã đồng tình với ông Thuyết trong việc yêu cầu quốc hội cho thành lập ủy ban điều tra lâm thời Vinashin và bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng và các cán bộ liên hệ vào cuối kỳ họp.
Bài đầu tiên viết bởi ông Đinh Thế Cường có hàm tiến sĩ, đã cho rằng những đại biểu quốc hội nói trên là “lạm dụng” diễn đàn, đưa những ý kiến cá nhân chủ quan với các dữ kiện không kiểm chứng. Định Thế Cường cho rằng các đại biểu nêu con số mà Tập đoàn Vinashin vay nợ 86.031 tỷ đồng và nguồn vốn này hoàn toàn mất là không đúng. Theo báo cáo của Hội đồng quản trị Vinashin cho Bộ tài chánh thì vào thời điểm 30 tháng 6 năm 2010, nợ của Vinashin là 86 tỷ đồng, nhưng tài sản trên sổ sách là 103.744 tỷ đồng; như vậy nguồn vay đang nằm trong các tài sản, các dự án. Tuy nhiên Định Thế Cường đã không cho biết là tài sản và các dự án của Vinashin hiện nay ra sao sau khi bị ông Nguyễn Tấn Dũng cho phân thây Vinashin thành nhiều mảnh, giao cho các tập đoàn khác như tập đoàn dầu khí, tập đoàn công nghiệp “xử lý” những số nợ sau khi phá sản.
Bài thứ hai viết bởi ông Nguyễn Chính tự nhận là nhà báo, đã cho rằng một số đại biểu đã lợi dụng “dân chủ” phát biểu theo kiểu bới lông tìm vết, chiều theo một xu hướng đang có ác cảm với những tiêu cực của xã hội để kích lên những chống đối. Nguyễn Chính còn phê phán cả một số cơ quan thông tin của chế độ là đã hùa theo những phát biểu giật gân của các đại biểu để câu khách, thu hút thị hiếu vào những bài phóng sự của mình để kiếm ăn. Nguyễn Chính đòi hỏi là những đại biểu phải biết tự chế và không thể tiếp tục phát biểu kiểu nói lấy được.Bài thứ ba ký tên Việt Hà thuật lại những suy nghĩ của ông Vũ Duy Thông có hàm tiến sĩ, phó giáo sư, đã cho rằng các đại biểu phải cẩn thận và cân nhắc những phát biểu để không tạo ra hoang mang trong dư luận quần chúng như vừa qua. Việc cho truyền thanh, truyền hình những phát biểu, chất vấn tại quốc hội cần phải coi lại những gì liên hệ đến “bí mật” quốc gia. Ông Thông khuyên đại biểu quốc hội nên “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Việc phe Nguyễn Tấn Dũng dùng ngay diễn đàn chính phủ để đăng những bài viết bênh vực cho chính họ trước những công kích của các dân biểu là sự kiện mới. Điều này cho thấy là những phát biểu của các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông hay bà Phạm Thị Loan không thể đến từ sáng kiến của chính họ mà phải là sự sắp xếp có chỉ thị của một phe nhóm nào đó ở đàng sau. Chính vì thế mà khi phản luận, phe Nguyễn Tấn Dũng cũng đã dùng nhiều người ở những vị thế khác nhau để tấn công vào ba chủ điểm: 1/ Các dữ kiện của ông Thuyết đưa ra là sai lạc không kiếm chứng; 2/ Lợi dụng dân chủ để phát biểu kích động thị hiếu; 3/ Cảnh báo phải cân nhắc các phát biểu trong tương lai.
Những phản luận của phe Nguyễn Tấn Dũng quá yếu, nếu không nói là không đủ tính thuyết phục công luận. Phe ông Dũng không thể nào phủ nhận một sự thật là các hoạt động của ông Dũng và các bộ trong chính phủ nằm trong sự giám sát của quốc hội. Trong sự giám sát đó, các đại biểu có quyền đặt vấn đề mà họ cảm nhận được, dù có chủ quan. Chính vì thế mà sự phản công của phe ông Dũng qua ba bài viết hiện nay sẽ chỉ làm nguy hại thêm uy tín của Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc chạy đua tại đại hội đảng kỳ XI.
Khi một số đại biểu quốc hội dám đặt vấn đề trách nhiệm của ông Dũng và một số cán bộ liên hệ về vụ Vinashin tại diễn đàn quốc hội, thì 1.200 đại biểu được chọn từ các điạ phương đi tham dự đại hội đảng kỳ XI vào giữa tháng 1 năm 2011 không ngồi yên, mà sẽ có phần chất vấn ngay sau báo cáo chính trị của trung ương đảng nhiệm kỳ X do Nông Đức Mạnh đọc trong ngày khai mạc. Một số vấn đề sau đây người ta dự kiến sẽ gây lùng bùng trong ngày khai mạc đại hội XI: 1/ Vấn đề khai thác tại Tây Nguyên; 2/ Vấn đề khai thác rừng đầu nguồn; 3 /Vấn đề Biển Đông; 4/ Vấn đề phá sản của Tập đoàn Vinashin. Tất cả những vấn đề này nằm trong lãnh vực trách nhiệm của Nguyễn Tấn Dũng.
Theo nhận định chung của nhiều nhà phân tích thì so với nhiều kỳ đại hội đảng trước đây, vấn đề nhân sự của đại hội đảng XI vô cùng phức tạp, nhất là nhân sự ở ba vị trí Tổng bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước. Bình thường ra, 1 tháng trước khi đại hội đảng khai diễn người ta đã biết ai sẽ ở vào các trách vụ Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội. Sự sắp xếp nhân sự chưa ngã ngũ cho thấy là nội bộ đảng CSVN hiện nay có hai vấn đề:
Một là giữa các phe quyền lực, hiện chưa có phe nào vượt trội để có thể cầm chịch vị trí quyền lực, giữ ghế Tổng Bí Thư thay thế Nông Đức Mạnh. Tình trạng này còn tồi tệ hơn hiện tượng “cá mè một lứa” trong suốt hai thập niên vừa qua. Tức là các phe đang ngáng cẳng lẩn nhau trong việc chọn nhân sự đứng đầu đảng.
Hai là so với nhiều năm trước đây, yếu tố Mỹ đang có ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề chọn nhân sự lãnh đạo. Sự đồng lòng ngã theo Trung Quốc như nhiều năm qua đã không còn đồng nhất trong nội bộ khiến cho xu hướng thân Trung Quốc khó có thể thao túng dễ dàng mà sẽ phải tranh thắng ngay trong đại hội.
Tình hình nội bộ như vậy, người ta nhìn thấy cái gọi là ‘đoàn kết” và “nhất trí” ở trong đảng không còn nữa. Dù Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang hay Nguyễn Phú Trọng lên nắm vị trí Tổng Bí Thư đi chăng nữa, sự thống nhất ở trong đảng bị soi mòn rất lớn kể từ đại hội XI trở đi. Những dấu hiệu này đã là biểu hiện giai đoạn cuối của hầu hết các đảng Cộng sản mà chúng ta đã từng mục kích xảy ra tại Đông Âu, Liên Xô cách nay hơn 20 năm.
Trung Điền
Ngày 18/11/2010
Ngày 18/11/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét