2010/11/19

Bản án chung thân Huỳnh Ngọc Sĩ trước thềm Đại hội XI

Ngô Văn

Việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị xử án tù chung thân vì đã nhận hối lộ 2,6 triệu mỹ kim từ công ty Tư vấn Đầu tư Thái Bình Dương (PCI) của Nhật, khi ông ta là Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây, thì có lẽ chẳng ai xem là oan ức cả. Vấn đề là, ngay từ đầu, khi vụ tai tiếng về ông Hỳnh Ngọc Sĩ nổ ra, nhà nước VN, hay nói đúng hơn là cánh lãnh đạo bao che cho ông Sĩ, đã tìm mọi cách cho vụ hối lộ này chìm xuồng, mặc dù phía Nhật Bản đưa ra nhiều bằng chứng về hành vi hối lộ của đương sự. Thực vậy, thông qua bộ ngoại giao Nhật, viện Kiểm sát Tokyo đã hai lần chính thức gởi văn thư yêu cầu Việt Nam hợp tác điều tra, nhưng Hà Nội làm ngơ không phúc đáp, với hy vọng lâu ngày rồi Nhật sẽ quên.
Ngày 25/08/2008, khi công tố viện Tokyo quyết định truy tố 4 viên chức PCI ra tòa về tội đưa tiền hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ để được trúng các gói thầu, Hà Nội vẫn rất ngang nhiên tuyên bố là không có hành vi tiêu cực trong vụ đấu thầu đại lộ Đông-Tây như công tố viện Tokyo và truyền thông Nhật đã đưa ra. Báo đài ở Việt Nam lập tức hùa theo, đưa tin theo đúng như những gì nhà nước CSVN đã tuyên bố. Nghĩa là không có dấu hiệu nào cho thấy ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhận tiền hối lộ của công ty PCI.
Phải đợi đến khi Đại sứ Nhật tại Hà Nội cho biết sẽ tạm ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam, thì Hà Nội mới bắt đầu phân bua rằng không phải họ từ chối hợp tác điều tra, mà chỉ vì phía Nhật Bản chưa cung cấp đầy đủ chi tiết, và gởi văn thư không đúng đường dây ngoại giao. Và khi Tokyo gia tăng áp lực quá cao, Hà Nội đành ra lệnh tạm bắt ông Huỳnh Ngọc Sĩ để điều tra. Tuy nhiên, nhà nước chỉ khởi tố ông về tội ’’lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ’’, qua việc tự ý lấy mấy phòng trong trụ sở cơ quan cho công ty PCI thuê để thu 70 ngàn mỹ kim chia nhau bỏ túi. Nghĩa là đã cố gắng kéo tội từ 2 triệu 6 mỹ kim rút xuống chỉ còn 7 vạn đô la, mà số tiền này không phải là tiền hối lộ. Ngày 8/02/2010, tòa án Nhân dân phúc thẩm tối cao tại Sài Gòn đã quyết định đình hoãn việc đem ông Huỳnh Ngọc Sĩ ra xử theo đề nghị của luật sư bào chữa, vì tình trạng sức khỏe của ông Sĩ không khả quan.
Ngày 03/03/2010, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội, ông Sakaba, Đại sứ Nhật tại Việt Nam (*) chẳng những phản đối việc Hà Nội muốn dây dưa kéo dài vụ xử, mà còn đề nghị phải xử phạt ông Sĩ đúng theo luật Phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Ông Sakaba cũng yêu cầu không thể viện lẽ ông Huỳnh Ngọc Sĩ có ’’nhân thân tốt’’ hay vì gia đình đương sự đã góp nhiều công lao cho đảng CSVN, mà xử nhẹ. Trước sự phản đối đó, phía Hà Nội vẫn tiếp tục chiến thuật kéo dài vụ án để thời gian xóa nhòa.
Bỗng nhiên vào sáng ngày 18/10/2010, ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị lôi ra tòa xử thật nhanh, với bản án tù chung thân. Lần này thì báo dài ở Việt Nam lại quay 180 độ, đua nhau nêu ra những bằng chứng về việc ông Sĩ nhận hối lộ từ công ty PCI. Thực ra những bằng chứng này chẳng có gì mới lạ, vì phía Nhật đã công khai thông tin từ lâu, nhưng báo đài ở Việt Nam ém nhẹm không loan tải.
Qua bản án vừa nêu đối với ông Huỳnh Ngọc sĩ, phải chăng nhà nước CSVN thực lòng muốn chống tham nhũng nên ra tay xử phạt quan chức cao cấp? Câu trả lời của câu hỏi này nằm trong nội dung trao đổi giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng Nhật trong cuộc họp tay đôi tại Brussel (Bỉ quốc) vào ngày 04/10/2010. Trong cuộc gặp gỡ này, Thủ tướng Nhật đã cho ông Nguyễn Tấn Dũng biết rằng, nếu Việt Nam cứ kéo dài không giải quyết vụ tham nhũng PCI thì chỉ làm cho người dân Nhật thêm bực bội, và chính phủ Nhật khó mà giải ngân nhiều khoản viện trợ ODA khác cho Việt Nam. Với thông điệp đó ông Nguyễn Tấn Dũng trở về Việt Nam, và chỉ 2 tuần sau ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị lôi ra xử khẩn với án chung thân.
Ở đây cũng cần điểm lại một số dữ kiện để hiểu được tại sao ông Kan, thủ tướng Nhật, lại để ý đến vụ PCI kỹ như vậy ? Trước đây, khi còn là dân biểu đối lập trong quốc hội Nhật, ông Kan là người đã ráo riết đòi đem vấn đề công ty PCI hối lộ cho quan chức đảng CSVN ra trước Quốc hội Nhật để truy đảng cầm quyền. Vì vậy, nay đã trở thành Thủ tướng, ông Kan có trách nhiệm trước công luận Nhật không để cho nhà nước Việt Nam xóa mờ vụ xử ông Sĩ. Trên cương vị thủ tướng, tức người đứng đầu ngành hành pháp, lẽ ra ông Nguyễn Tấn Dũng phải sang Tokyo để giải thích và nếu cần thì xin lỗi chính phủ Nhật về vụ PCI. Đây là tập tục trong chính giới Nhật. Nhưng có lẽ ông Dũng cho rằng những kẻ khác đã “ăn ốc” trong vụ này nên ông không muốn làm người “đổ vỏ”. Vì vậy ông Nguyễn Minh Triết phải đi thay. Điều này chứng tỏ ô dù của ông Huỳnh Ngọc Sĩ không phải là Nguyễn Tấn Dũng, mà nhiều phần là những nhân vật chóp bu khác.
Với những dữ kiện nêu trên, rõ ràng vụ đem ông Huỳnh Ngọc Sĩ ra xử không phải để phòng chống tham nhũng. Vì ai cũng biết một mình ông Sĩ không thể nào nuốt nổi hay nuốt hết một lúc 2 triệu 6 đô la Mỹ, nhưng nay được dùng làm dê tế thần để khỏi lây lan các tên tuổi khác ra ánh sáng trước thềm đại hội đảng lần thứ 11. Nhưng quan trọng hơn nữa, việc xử khẩn ông Sĩ với bản án chung thân là để khai mở nguồn tiền cho nhiều người khác đang chờ đợi. Các quan chức Hà Nội hy vọng Tokyo chóng giải ngân những khoản viện trợ ODA khác để họ tiếp tục rút ruột các dự án từ số tiền viện trợ này.
Thế nhưng, phía Nhật còn một điều kiện nữa trước khi tháo khoán viện trợ trở lại. Trong cuộc hội đàm ở Brussel nêu trên, Thủ tướng Kan còn đề nghị Việt Nam ủng hộ Nhật trong việc nước này tố cáo Bắc Kinh đang âm mưu xâm lăng hòn đảo Senkaku (Điếu Ngư) của Nhật. Lời yêu cầu này đã khiến ông Nguyễn Tấn Dũng rơi vào thế kẹt. Chuyện Trung quốc xâm lăng biển đảo của Việt Nam mà toàn bộ lãnh đạo CSVN còn im lặng tuyệt đối, thì làm gì có chuyện Hà Nội dám lên tiếng tố cáo Bắc Kinh xâm lăng đảo Nhật.
Không biết có phải vì không thể đáp ứng yêu cầu phản đối Bắc Kinh này, mà cánh ông Nguyễn Tấn Dũng đã nâng bản án Huỳnh Ngọc Sĩ lên tối đa để làm quà không?
(*) Ông Sakaba đã mãn nhiệm kỳ đại sứ Nhật tại Việt Nam vào cuối tháng 10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét