2010/11/25

Chuyến đi Việt Nam

Rolin Wavre

Ngày 11 tháng 10 năm 2010
JPEG - 35.2 kbÔng Rolin Wavre, Tổng Bí Thư đảng Cấp Tiến tại Geneva
Khởi hành
Từ Geneve đi Zurich, rồi sau đó là 12 giờ ngồi trong chiếc Airbus A380 rộng lớn thênh thang, khiến người ta không còn cảm giác là đang bay trên không trung. Đáp Singapore và chờ đợi thêm 4 tiếng tại phi trường. Nơi đây đúng là thiên đàng cho giới tiêu thụ. Đủ thứ mặt hàng ê hề tha hồ mua sắm, chủ yếu là đồ điện tử và quần áo. Trên máy bay, hành khách muốn xem một video thì sẽ có 2 hai phút quảng cáo, mà trong đó hơn một phần tư thời gian là để đề cao mọi ưu đãi trong vấn đề thuế má tại Thành phố kiêm quốc gia Singapore này: không đánh thuế trên tài sản, không có thuế thừa hưởng gia tài, không TVA … Đúng là một thiên đường hạ giới!
Đến Hà Nội
Từ trên phi cơ nhìn xuống, người ta thấy phong cảnh bằng phẳng và ngập nước, bây giờ là cuối mùa mưa. Hầu hết những mảnh ruộng vẫn còn bị ngập lụt xen lẫnvới các làng sát gần nhau nhưng phân chia rất rõ nét, rõ ràng là kết quả của việc thiết kế chặt chẽ của nhà nước, cho thấy sự chủ động của cá nhân không thể có tiếng nói.
Đối với một người châu Âu, không một câu hỏi nào được đặt ra khi đi qua quầy kiểm soát của sở di trú, nhưng đối với những người song tịch, thì bị hỏi lý do tại sao họ đến, họ sẽ gặp những ai. Sự khác biệt đối xử đầu tiên này không có gì ngạc nhiên vì người ta biết rằng Việt Nam không công nhận song tịch. Đối với chính quyền địa phương, chỉ có một quốc tịch là Việt Nam.
Thành phố Hà Nội
Nếu khu trung tâm tương đối thoáng mát, thì điều đáng chú ý là về mặt kiến trúc: chỉ có vài tòa nhà cao hơn ba tầng và còn rất nhiều vùng cây xanh, hoặc đất hoang. Rõ ràng là còn chỗ để phát triển đô thị theo mô hình châu Âu. Ngược lại, không khí ở đây nặng mùi khí thải và làm rát cổ. Người ta hít thở rất khó khăn. Các xe di chuyển một cách hỗn loạn nhưng rất hiệu quả, taxi, xe máy tràn ngập các đường phố. Hai phần ba số người đi xe hai bánh đeo khẩu trang và, một cách kỳ diệu, mũ bảo hiểm không phải luôn luôn được cài... Khoảng không gian còn lại dành cho xe taxi, rất ít xe hơi tư nhân.
Mục đích của chuyến đi
Chuyến đi của chúng tôi nhằm tiếp xúc với các nhà hoạt động trong nước bị chính quyền sách nhiễu và gia đình của ba người bị giam giữ vì lý do chính trị. Đối với những người đấu tranh ở trong nước, rất quan trọng là khi họ biết rằng có những người ở ngoài nước ủng hộ và hiểu biết được tình trạng mà họ đang sống. Trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do phát biểu, giới hữu trách Việt Nam cũng cần phải hiểu rằng họ luôn luôn bị theo dõi. Các cộng đồng người Việt xa xứ, đặc biệt là tại Thụy Sĩ, thường xuyên gây áp lực, buộc chính quyền VN phải tôn trọng nhân quyền, và tôn trọng ngay luật pháp quốc gia mà họ đặt ra.
Vấn đề an ninh
Công tác này đòi hỏi một số thận trọng, không quá nhiều đối với tôi, trên nguyên tắc, vì tôi được bảo vệ với tư cách là một người nước ngoài, nhưng đối với những người đi cùng với tôi thì không phải như thế. Ngược lại, đối với những người mà chúng tôi sẽ gặp gỡ, hậu quả thực sự nghiêm trọng hơn nhiều. Họ chấp nhận rủi ro nhưng cho rằng điều này rất tốt: đó là chuyện xảy ra hàng ngày đối với họ. Khi họ muốn gặp chúng tôi, tức là họ thấy thuận lợi nhiều hơn so với bất lợi trong trung hạn và dài hạn để thúc đẩy tiến trình dân chủ và tự do tại Việt Nam. Trong ngắn hạn, có thể tình hình của họ nghiêm trọng hơn. Họ biết điều này và họ có quyền tự do gặp chúng tôi hay không. Và dĩ nhiên đây là một trong số ít các quyền tự do họ còn có được: chấp nhận rủi ro hay không.
Sự thận trọng
Tại Geneva cũng như ở Singapore, chúng tôi kiểm lại giấy tờ: không mang theo bất cứ số điện thoại nào có thể gây hại cho những người mà chúng tôi liên lạc tại Việt Nam trong trường hợp bị lục soát kỹ lưỡng. Chúng tôi làm sạch ví, ổ đĩa cứng và các tài liệu. Trong thời gian đầu, các cuộc gặp gỡ sẽ được sắp xếp qua một trung gian ở ngoài nước. Quá ám ảnh lo sợ hay chỉ là một sự thận trọng cần thiết? Có lẽ chúng tôi không bao giờ biết được sự thật.
Các chế độ độc tài sống nhờ vào du lịch, thương mại, hoặc làm gia công cho các xí nghiệp ngoại quốc, thường rất nhạy cảm trong vấn đề hình ảnh của họ sẽ được đánh giá ra sao ở thế giới bên ngoài.

Thứ ba ngày 5 tháng 10


Tại một khách sạn lớn ngay ở thủ đô, tôi đã gặp hai đại diện của đảng Việt Tân. Họ đến từ xa. Họ có vẻ ngại ngùng, không thoải mái trong phòng khách rộng lớn của khách sạn. Sau khi chúng tôi tìm được một nơi yên tĩnh, cách xa những tai mắt tò mò, thì thấy họ có vẻ thoải mái hơn. Một trong hai người mở miệng cười để lộ những cái răng hư. Anh ta đưa ra một lý luận một cách rất chính trị thật tự nhiên: khi cuộc sống và tự do của mình bị đe dọa hàng ngày,việc chăm sóc răng trở thành thứ phụ... Rất sáng suốt!
Đánh giá sự hỗ trợ từ bên ngoài
Những người đến gặp chúng tôi rất hài lòng và ấn tượng khi biết chúng tôi đến từ xa để gặp họ và mang đến cho họ một thông điệp hỗ trợ từ Geneva của Đảng Cấp tiến. Chúng tôi giải thích rằng tự do là nền tảng hoạt động của chúng tôi ở Geneva kể từ năm 1847 khi một cuộc đấu tranh đã bắt đầu trên đường phố để rồi tiếp tục thông qua các tổ chức, cơ quan nhà nước. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp, mục đích của chuyến viếng thăm còn để tìm hiểu và tường thuật lại cho bên ngoài của Việt Nam biết đời sống của những người đang sống ngoài khuôn mẫu của đảng CS ở trong nước.
Những người bạn này nghĩ rằng nhà cầm quyền chưa biết đến họ, nhưng họ chờ đợi sẽ bị bắt một ngày nào đó. Gần như là chuyện không thể tránh. Cả hai đều làm việc độc lập vì họ không còn đủ thời gian để đi làm việc bình thường với những hoạt động chính trị của họ.
Chỉ đấu tranh bất bạo động
Trong suốt cuộc trao đổi, chúng tôi không yêu cầu họ tiết lộ những điều gì có thể gây nguy hiểm cho họ. Tên tuổi, địa danh, những con số... đã được nhắc đến một cách mơ hồ. Tuy nhiên, họ cũng tiết lộ cho biết có một biến cố mà chúng tôi không thể truyền đạt lại ở đây trong lúc này. Họ có thể dựa vào sự hỗ trợ của phần lớn cộng đồng người Việt ở nước ngoài với hàng ngàn thành viên của đảng đối lập này. Về phần tôi, tôi chỉ đưa ra một điều kiện: tôi chỉ có thể ủng hộ các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và nhân quyền. Họ đã khẳng định: đảng Việt Tân không tham gia vào các hành động bạo lực, chỉ thuần túy chính trị và nhắm vào việc huy động quần chúng.
Một Hiến pháp làm ra để áp đặt người dân
Về mặt chính trị, vấn đề đến từ Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 trong đó quy định rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và là đại diện trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân, của công nhân và của cả dân tộc, tôn trọng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo của chính quyền và của xã hội". Lối bao trùm nhập nhằng trong Hiến Pháp giữa quyền lợi của Tổ quốc và quyền lợi của Đảng đã cho phép vứt bỏ hết mọi sáng kiến hữu ích đến từ ngoài đảng.
Sự hiện diện song song của những cơ chế độc đảng ở mọi cấp trong cơ chế xã hội, báo chí, những tổ chức chuyên ngành, thể thao và văn hóa đã giúp cho đảng kiểm soát xã hội một cách toàn diện.
Những áp lực và cuộc biểu tình chống chế độ ở bên ngoài có ảnh hưởng nào không? Trong nước, người ta không biết gì hết nếu không truy cập được internet. Các phương tiện thông tin có thể đến với quảng đại quần chúng chỉ chuyển tải những gì nhà nước muốn phổ biến. Internet bị theo dõi, nhưng nhà chức trách không thể kiểm soát tất cả.
Người Việt Nam có thể hành đạo, nhưng bên trong những cơ chế đều bị kiểm soát bởi nhà nước (và Đảng). Từ quan điểm này, những người theo đạo Công giáo La Mã, hai người tôi gặp thuộc thành phần này, là một cái gai đối với nhà nước: giáo sĩ nhận được thông tin và hướng dẫn từ Rome, điều này làm cho việc kiểm soát của Nhà nước khó khăn hơn.
Tham nhũng tràn lan bên trong chính quyền nhưng không có sự khiếu nại kiện cáo nào mang lại hiệu quả, vì hệ thống tư Pháp cũng chịu chung một số phận!
Bảo vệ tổ quốc cũng có thể bị kết tội
Đôi khi ngay cả lòng yêu nước chân thành nhất cũng trở thành mâu thuẫn với Đảng: người dân không được phép xác nhận các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Với những lý do chiến lược, chính phủ Việt Nam tự cấm mình không được đặt vấn đề một cách chính thức về việc các đảo này bị Trung Quốc xâm chiếm. Đối với chính quyền, chính sách này đưa đến việc chế độ kết án người dân trong vùng và chấp nhận rằng họ không thể tự mình đứng lên bảo vệ lãnh thổ một cách hiệu quả.
Việc bảo vệ Tổ quốc được đặt lên hàng đầu trong bảng phân cấp các giá trị cần được bảo vệ và tội phản quốc được xem là tội ác nghiêm trọng nhất (Điều 76 của Hiến pháp). Có phải chăng đây là một sự tình cờ khi điều khoản này được ghi ngay sau điều khoản xác định nhiệm vụ của người Việt Nam sống ở nước ngoài? Người ta cảm nhận được hơi hướm đe dọa đối với cộng đồng người Việt sống tha hương.

Tự do phát biểu bị coi như phạm tội
Những người tôi gặp rất quan tâm đến việc làm sao để phản bác việc chính quyền kết án họ là «khủng bố». Chỉ cần làm một cái gì rất nhỏ là đủ để bị kết án tù thật nặng nề: các điều từ 78 đến điều 92 của bộ luật hình sự Việt Nam đã ghi rất nhiều tội danh như "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" (Điều 79), "Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội", "Tội phá hoại chính sách đoàn kết" (điều 86 và 87), và ngay cả tội "tuyên truyền chống CHXHCNVN" (Điều 88). Tất cả những hành động bị kết án là nguy hại đến nhà nước. Nếu xét theo luật pháp Thụy Sĩ thì đó chỉ là những lời phê phán về chính sách của nhà nước. Với kiểu kết án này thì phân nửa những gì được đăng tải trên báo chí của chúng ta tại Thụy Sĩ đều bị vướng vào những điều vi phạm của bộ luật hình sự, như vận đông tranh cử cũng là phạm pháp, kêu gọi ký tên vào một thỉnh nguyện thư, hay đề xướng một công tác quần chúng... sẽ được xem là tội phản bội nặng nề. Tất cả những điều này đều không có gì đáng ngạc nhiên khi ta đọc điều 1 của bộ luật hình sự Việt Nam: "Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc..."
Sau gần ba giờ trao đổi, những người tôi gặp trở về bằng xe buýt. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ này không đưa đến việc họ bị công an gọi lên thẩm vấn, hay tệ hơn, bị bắt hay bị giam giữ một thời gian ngắn hay dài. Vì lý do an ninh, chúng tôi không ghi lại tấm hình nào của cuộc gặp gỡ này.

Thứ Tư ngày 6 tháng 10


Trường hợp của bà Trần Khải Thanh Thủy
Trong một khách sạn lớn tại thủ đô Việt Nam, chúng tôi có hẹn với ông Đỗ Bá Tân, chồng của bà Trần Khải Thanh Thủy. Bà Thủy là một nhà báo, nhà văn, một nhà hoạt động cho dân chủ; bà là thành viên của PEN và được sự quan tâm của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Giống như ông Tân, bà Thủy vừa đúng 50 tuổi. Bị sách nhiễu, bị thẩm vấn nhiều lần hồi năm 2006, bà đã bị bắt giam và xử 9 tháng tù ở, nghĩa là vừa đúng thời gian bà bị tạm giữ. Tháng 9 năm 2009, chính quyền đã dàn dựng một sự cố trước cửa nhà bà, và bà đã bị một số người "lạ mặt" hành hung. Trong lúc tự vệ, bà đã bị kết tội gây thương tích cho đối phương và bị bắt giam ngay. Tháng Giêng 2010, bà đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam. Bà bị bệnh tiểu đường và ho lao. Cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ đã nhờ chúng tôi chuyển đến bà một ít thuốc, vì trong tù bà không được chăm sóc thuốc men.
JPEG - 84.2 kb
Ông Đỗ Bá Tân đọc bài báo về vợ của ông, bà Trần Khải Thanh Thủy trên tờ "Le Genevois".
Theo lời chồng của bà, chính quyền Việt Nam rất thành thạo trong việc dàn dựng những màn đấu tố kiểu này. Sau khi bà bị bắt giữ lần thứ nhất, Công an đã triệu tập một đám đông du đãng đến để đấu tố bà. Trong một quốc gia mà mọi sự tuyên truyền khích động hoàn toàn thuộc quyền nhà nước từ 8 chục năm nay, có lẽ tương đối dễ dàng để huy động những nhóm trẻ làm những điều Nhà nước rỉ tai, vì bọn này biết sẽ chẳng bị tội vạ gì!
Ông Đỗ Bá Tân đến điểm hẹn trễ hơn một giờ đồng hồ. Máy xe hư, hay đi lạc? hay chỉ đơn giản là phải quanh co để tránh những người theo dõi ông. Ông cho biết là vợ ông là do bộ Công an trực tiếp quản lý, trong khi trường hợp của ông thì ít quan trọng hơn, được giao cho công an địa phương khu vực. Đứng trong phòng tiếp khách rộng lớn của khách sạn, có vẻ ông hơi ngần ngại. Biết ý, chúng tôi mời ông lên sân thượng từng lầu 18 để nói chuyện. Tại đây ông cảm thấy thoải mái hơn, và có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố, đang chìm đắm trong bầu không khí ô nhiễm khủng khiếp.
JPEG - 67.3 kb
Ông Đỗ Bá Tân và ông Rolin Wavre
Tình hình biến chuyển rất chậm chạp dưới áp lực quốc tế.
Ông Tân đánh giá rằng các áp lực quốc tế và dư luận thế giới bất bình, và việc hậu thuẫn cho những trường hợp như của vợ ông, đã làm thay đổi tình hình. Trong 10 năm qua, ông cảm thấy có biến chuyển, sự đàn áp đã thuyên giảm đôi chút. Nhà nước Việt Nam không phải là không nhạy cảm với những gì thế giới nói về họ. Họ cần được Quốc tế chấp nhận để có thể thiết lập các liên kết thương mại. Họ không muốn bị thế giới liệt kê vào hàng ngũ các quốc gia "cùi hủi" bị xa lánh, như Bắc Triều Tiên, Turkmenistan... Từ quan điểm này, chúng ta thấy là tất cả những gì Hải ngoại đã làm để nói lên thực trạng xấu xa ở Việt Nam đều có ích lợi. Vì vậy, mặc dù có thể bị trả thù, ông Tân và vợ ông vẫn can đảm, sẵn sàng góp sức vào chuyện này, và cảm ơn chúng ta.
Về phần mình, ông Tân đã bị kết án hai năm tù treo sau những chuyện xảy ra trước cửa nhà ông vào tháng chín năm 2009. Bản án này được kèm theo một thời gian quản chế đặc biệt dài: gần 4 năm. Ở Việt Nam, có một phương tiện đặc biệt để theo dõi các cá nhân trong xã hội: những ủy ban đại diện trong hãng xưởng hoặc cơ quan. Dù chỉ là một giáo viên. Trường hợp của ông cũng bị theo dõi bởi một ủy ban của nhà trường, điều khiển bởi một thành viên của Đảng. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt, tùy theo "hạnh kiểm" của ông!
Một bản án đuợc dàn dựng trước.
Điều gì đã khiến ông Tân kết luận rằng vụ án của vợ ông đã được xếp đặt trước? Ông Tân đã thấy tận mắt bản án đã được viết ra, trước khi phiên xử tiến hành. Luật sư của ông đã nêu lên 15 điểm trong tiến trình biện hộ, thì tất cả đều bị bác bỏ không lý do. Trần Khải Thanh Thủy đã bị chuyển về trại giam hiện nay cách Hà Nội 180 km, ngay sau khi phiên tòa kết thúc, không cần chờ qua giai đoạn 15 ngày mà bị can có quyền kháng án. Dường như tất cả đã được sắp xếp chặt chẽ trước, ngay cả khi bản án chưa có hiệu lực. Vẫn chưa hết: trong nhà tù, Thủy còn phải đối đầu với sự hiềm khích của tất cả những tù nhân trong trại. Những người này đã nhận được những chỉ thị ngầm của Nhà nước, một điều quá dễ dàng thực hiện để đám "dân tù đầy" này sẵn sàng tuân theo.
Ông Đỗ Bá Tân có vẻ lúc buồn lúc vui. Ông buồn vì chỉ có thể gặp vợ ông mỗi tháng một lần, ngăn cách bằng một tấm kiếng, và chỉ có thể nói chuyện với vợ ông qua điện thoại. Nhưng vui khi biết chúng tôi sẽ tháp tùng ông trong chuyến đi thăm tháng 10. Do vậy ông đã xin dời lại ngày thăm 1 tuần. Hy vọng rằng sự hiện diện của chúng tôi lần này không khiến cho ông bị làm khó dễ trong chuyện thăm viếng sau này. Ông Tân ý thức và chấp nhận điều rủi ro này.
Điều nghịch lý: sự truy bức là một lý do mới để sống
Đôi lúc ông Tân cảm thấy vui. Lời giải thích sẽ nói sau, sau một lời quanh co: cuộc phiêu lưu bi thảm này đã cho ông ấy một lý do để sống, ông phát giác ra mình có khả năng bày tỏ tình cảm của mình. Ông đã trưởng thành trong thử thách. Khi nhìn ông Tân, người ta không thể hoài nghi, con chim nhỏ bé này được trang bị một sức mạnh nội tâm thật vững chắc.
Điều mà ông Tân hối tiếc là không thể tiếp đón những vị khách từ Âu châu đến một cách tốt hơn. Thấy rõ ông ấy bị xúc động, khi đi trong thang máy, ông lại tiếp tục nhìn quanh cảnh giác, điệu bộ điển hình của những người đang sợ. Không phải ông ấy sợ chuyện gì sẽ xảy đến cho ông vì ông đã chờ đợi từ lâu nhưng ông sợ cái thời điểm mà tất cả sẽ đảo lộn.
Chính tôi cũng có cảm giác này khi tôi đi Liban năm 1989, lúc ấy tôi là đại diện của Cơ quan quốc tế Hồng Thập Tự (CICR). Không phải sợ hậu quả của những trái phá mà là nỗi sợ đến từ một hành động nhỏ mà người ta đã dành sẵn cho mình.

Thứ Năm ngày 7 tháng 10: thành phố và các chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm


Chúng tôi phải hủy một cuộc hẹn, vì người chúng tôi muốn gặp bị trặc chân. Tôi lợi dụng cơ hội này để khám phá khu trung tâm thành phố. Thiên hạ chuẩn bị những chương trình bế mạc lễ kỷ niệm 1000 năm của Hà Nội sẽ chính thức diễn ra vào ngày Chủ nhật mùng 10 sắp tới với một cuộc diễn binh vĩ đại theo truyền thống của Liên Xô. Thành phố tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Cứ mỗi 10 thước là có một lá cờ, vì vậy mà mỗi khu phố được trang hoàng với hàng ngàn lá cờ.
Nên phô trương phù phiếm hay nên dùng công quỹ một cách có ích lợi?
Tất cả các cơ quan nhà nước đều có treo những biểu ngữ to tướng để tung hô chế độ, tung hô những thành tích. Trong các công viên, các quảng trường, người ta thấy hàng chục màn ảnh lớn chiếu đi chiếu lại cuốn phim nói về chiến thắng của thành phố và Bác Hồ, của đảng Cộng sản. Đảng (hay của nhà nước? Hết còn phân biệt được đâu là Đảng đâu là quốc gia!) dường như đã tiêu dùng đến 4,5 tỉ Mỹ kim cho việc chuẩn bị lễ lạc này. Người ta tự hỏi đây có phải là một sự phung phí khủng khiếp, vì gần như tất cả những gì được làm hay xây dựng đều không mang lại lợi ích gì cho người dân. Những dụng cụ tuyên truyền sẽ bị phế thải với thời gian, bị kéo xuống rồi phá hủy, không còn gì nữa. Nếu dành tiền này để đầu tư trong lãnh vực chuyên chở công cộng, thanh lọc không khí hay tu bổ đường xá, hoặc hệ thống điện, thì chắc chắn sẽ hữu ích cho nền kinh tế và sức khỏe của Người Dân mà chế độ vẫn thường leo lẻo đề cao! Nhân dịp này, một cuộn phim đặc biệt đã được thực hiện bởi người Tàu.
Nhưng người dân thực sự nghĩ gì?
Người ta thấy sự xâm nhập một cách kín đáo của chủ nghĩa tư bản, ở vài nơi có treo biểu tượng của một thương hiệu lớn cấp quốc gia hay cấp vùng. Các nghệ sĩ, ca sĩ, vũ công dường như vừa hài lòng khi thấy có vụ lễ lạc xảy ra nhưng cũng vừa bất mãn một cái gì đó. Họ biểu diễn nghệ thuật dưới sự giám sát chặt chẽ. Các chương trình lễ này được tổ chức với tầm vóc lớn, lễ hội lớn này của dân tộc vừa rất xúc cảm nhưng lại cũng rất máy móc làm cho tôi nhớ lại những lúc sống ở Uzbekistan hay ở Turkmenistan, ở mức độ kém hơn như ở Rwanda hay Syria. Ở đây chỉ thiếu sự tôn thờ cá nhân một c ách lộ liễu. Ngoài ông Hồ, không có khuôn mặt nào khác được chường ra.
Thế thì một câu hỏi được đặt ra: người công dân nghĩ gì trước tất cả những sự việc này? Mà thực sự họ có suy nghĩ gì không? Làm sao họ có được ý kiến gì, khi 80% dân chúng chưa hề biết đến nguồn thông tin nào khác ngoài sự tuyên truyền nặng nề quá trẻ con của nhà nước. Những người dân bình thường thì đã bị bưng bít m ọi thông tin, cẳng c òn có dịp nào để có thể có tư tưởng gì! Chính vì vậy mà tất cả những người tù chính trị đã bị bắt chỉ vì đã phổ biến thông tin, qua những biểu ngữ, những bài viết hay những trang blog. Mối đe dọa thực sự đối với chế độ chính là sự thông tin trong quần chúng (xem nội dung các cuộc gặp gỡ ngày thứ bảy).
Kinh tế đã được phát triển như thế nào?
Khởi đi từ mức độ rất thấp, Việt Nam đã thực sự trải qua giai đoạn phát triển kinh tế, nhưng dường như nhiều lúc bị khựng lại (bridé - ở đây không phải chỉ là một sự chơi chữ ác ý) và hoàn toàn hỗn loạn. Một cách chính thức, xã hội Việt Nam được khuyến khích tổ chức theo mô thức tập trung, thì ngược lại dường như nó đang nhường chỗ cho chủ nghĩa cá nhân tác hại nhất. Mọi người lừa dối nhau, lợi dụng bất cứ lúc nào có thể làm được. Người ta kể cho tôi nghe rằng những người già không còn ảnh hưởng gì thực sự đối với giới trẻ.

Thứ Sáu ngày 8 tháng 10: nhà tù


Đây là ngày ông Đỗ Bá Tân, chồng của bà Trần Khải Thanh Thủy, đi thăm bà đang bị giam tại ở Thanh Hóa từ một năm nay, cách Hà Nội 180 km. Là một giáo viên khiêm tốn, chồng bà thường thuê một chiếc xe có tài xế, một phương thức thông thường và cẩn thận khi người ta hiểu rõ tình trạng giao thông ở Hà Nội và tệ hơn nữa, trên những con đường đông nghẹt ở vòng ngoài.
Tình trạng giao thông kỳ lạ
Mọi thứ trộn lẫn nhau. Những cụ già đi xe đạp đội nón lá hay nón bộ đội màu xanh theo kiểu thực dân ngày xưa là vết tích sản xuất của quân đội miền Bắc hồi thời chiến tranh; xe taxi, xe buýt, xe nhà nước kiểu cao 4x4 dường như vẫn tìm được chỗ để chạy giữa giòng lũ của những xe máy của Nhật hay Trung quốc, mà người Việt Nam lái ẩu một cách lạ kỳ. Họ thường không đội mũ bảo hiểm, điện thoại đeo trên tai, những người đi xe máy chở từ một tới ba người phía sau, đôi khi phía trước. Không hiếm khi người ta thấy ông bố chở vợ với 1, 2 đứa con; đôi khi chở tới 3 đứa trên cùng chiếc xe. Từ đứa bé cho đến đứa lớn, chẳng lúc nào đội nón bảo hiểm. Những đứa trẻ từ 3 đến 6 tuổi thường ngồi phía trước người lái và bám chặt vào tay lái. Những đứa sơ sinh thì ngủ giữa hai người lớn. Người ta rùng mình khi nghĩ tới cảnh bị đụng xe thẳng vào người.
Ô nhiễm âm thanh
Hơn phân nửa người lái xe máy đeo khẩu trang để chống bụi. Nhưng cái gì mà người ta hít vào và dính vào cổ họng là không khí ô nhiễm, đầy khí thải từ hàng trăm ngàn chiếc xe máy điều chỉnh không đúng qui định. Tiếng ồn đến điếc tai vì tất cả những người lái xe bấm kèn gần như thường trực, tưởng chừng như họ không còn cố gắng quan sát những người đi trên đường mà chỉ chờ nghe tiếng kèn để biết có người tới. Với tình trạng như thế, nếu không nhấn kèn thì là tự sát. Vì vậy tất cả mọi thứ hoà điệu với nhau khá tốt. Sau khi cố gắng băng qua đường hai ba lần, tôi chỉ còn biết bám víu hoàn toàn vào đức tin của mình, niềm tin vào sự hiện hữu của Đấng trên cao hay số mệnh. Mọi suy nghĩ khác đều không chịu nổi.
Đi 180 km mất 8 tiếng đồng hồ!
Sáng hôm đó, người chồng của bà tù nhân không có tài xế và chính ông phải lái xe. Chúng tôi hẹn nhau 5 giờ 45 sáng ở ngoại ô. Khi chúng tôi biết khả năng lái xe của anh Tân rất giới hạn thì đã hơi trễ, may là anh cũng nghe lời chỉ dẫn. Sau 1 giờ lái xe, đến một khúc đường xấu, anh không vững tay lái và làm "cácte" của xe đụng mạnh vào một khối đá lồi lên trên mặt đường. Dầu chảy xối xả, gọi về Hà Nội. Chỗ thuê xe đã cho một bác tài lái một chiếc xe khác đến nơi 3 giờ sau đó, vì vậy khởi đi từ 6 giờ sáng nhưng chúng tôi chỉ tới được nhà tù sau hơn 8 giờ đồng hồ.
Thương lượng trước cửa trại giam
Trại giam ở một nơi rất kín đáo. Từ ngoài đường nhìn vào, người ta chỉ nhìn thấy cánh cửa nhỏ, một tòa nhà hành chánh và một lối đi đầy cây dẫn đến khu trại giam. Trong khu này có nhiều ao, hồ rất biệt lập, người ta tưởng tượng sự biệt lập này và sự kiểm soát làm cho việc giam giữ những người tù còn hữu hiệu hơn là những bức tường của nhà giam. Người chồng được phép vô thăm và chúng tôi bắt đầu thương lượng với người lính trách nhiệm trại giam. Chúng tôi giải thích với ông ấy về sự hiện diện của chúng tôi ở Việt Nam, từ đâu đến, sự quan tâm của đảng Cấp Tiến ở Geneva đến những quyền tự do ở Việt Nam, đặc biệt là đối với người tù Trần Khải Thanh Thủy, và chúng tôi xin gặp bà. Mục tiêu là để cho Việt Nam biết rằng có một sự quan tâm của thế giới về người tù này và những trường hợp khác. Nói về tình hình hoạt động của các đảng phái ở Thụy sĩ, có lẽ không cần kể cho họ nghe những điều hay điều tốt, cho nên chúng tôi chỉ tóm gọn Đảng Cấp Tiến ở Geneva là 1 trong 4 đảng thay phiên nhau cầm quyền ở Thụy Sĩ. Đôi lúc chúng tôi nhắc đến chức danh của tôi như chủ nhiệm tờ báo Le Genevois, hay chức vụ tổng bí thư, vì biết rằng những từ ngữ này rất có giá trị đối với người Cộng Sản.
Sau khi tham khảo với cấp trên, như chúng tôi đã tiên liệu, người ta trả lời rằng việc xin phép đi thăm tù của những người ngoại quốc phải được xin qua bộ ngoại giao các nước và gửi về trực tiếp cho chính quyền Việt Nam. Trong suốt 2 giờ đồng hồ ngồi chờ trước trại giam, chúng tôi quan sát thấy những người cai tù sử dụng những chiếc xe motor với phân khối rất lớn so với người bình thường. Từ đó người ta có thể rất dễ dàng suy ra là họ phải có mức lương bổng thật hậu hỹ!!
Báo cáo về cuộc thăm viếng
Lúc ông Tân trở ra, chúng tôi được biết là cuộc thăm viếng khá căng thẳng: khi được biết là có sự hiện diện của chúng tôi ở ngoài cửa để nói lên sự ủng hộ của quốc tế đối với mình, bà Trần Khải Thanh Thủy rất sung sướng và lên tinh thần, phản đối việc bắt giữ bà ấy, phản đối các nhân viên trại giam, phản đối bản án. Mỗi lần đi thăm là y như thế. Dường như cá tính mạnh của bà giúp cho bà có nghị lực để phấn đấu nhưng nó cũng làm cho bà sống khó khăn hơn.
Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh trong tiến trình buổi thăm viếng của gia đình: có 2 nhân viên ngồi nghe và ghi chép những trao đổi. Họ viết thành văn bản và yêu cầu người thăm và người tù ký tên. Hình thức thăm tù kiểu này tôi chưa từng thấy trong suốt thời gian 15 năm phục vụ trong chương trình thăm viếng tù nhân của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế (CICR).
Tầm quan trọng của sự ủng hộ từ bên ngoài
Bà Trần Khải Thanh Thủy rất biết ơn cộng đồng quốc tế, cộng đồng người Việt hải ngoại và những người đã đến thăm viếng để ủng hộ bà. Theo lời người chồng, điều này củng cố tinh thần để giúp bà phấn đấu. Cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp đã tặng cho bà một số dụng cụ y khoa và một ít thuốc mà bà không được nhận lúc ở tù.
Trên quãng đường trở về kéo dài 4 tiếng đồng hồ, chúng tôi còn được biết là tất cả những người tù đều có quyền nhận điện thoại, ngoại trừ 3 người phụ nữ tù chính trị. Lý do: quyền này liên quan tới hạnh kiểm tốt của người tù; theo định nghĩa của Việt Nam, thì điều này bao gồm việc thừa nhận mình có tội, điều mà những người tù chính trị không bao giờ chấp nhận.
Kể một chuyện nhỏ, ông Đỗ bá Tân đã mặc suốt ngày trên người chiếc áo thun polo có hàng chữ "les Radicaux de la ville de Genève" (đảng viên đảng Cấp Tiến tại thành phố Geneva) rất oai vệ, chiếc nón của đảng cũng dính liền trên đầu. Chắc chắn đây là lần đầu tiên trong đời của ông.

Thứ bảy ngày 9 tháng 10: gặp gỡ gia đình và cuộc mít tinh


JPEG - 101.1 kb
Cuộc gặp gỡ với thân nhân của các nhà dân chủ đang bị giam giữ
Vào ngày thứ Bảy chúng tôi có hẹn một lần nữa trong đại sảnh của một khách sạn lớn, nơi mà chúng tôi nghĩ rằng công an sẽ rất do dự nếu ra tay. Chúng tôi gặp 3 người phụ nữ và 1 người đàn ông, họ là thân nhân của những người bị bắt từ tháng 9 năm 2008. Ngày đó diễn ra một cuộc họp thượng đỉnh của các nước ASEAN. Bốn người gồm có: nhà văn, blogger, giáo viên, kỹ sư; những người này đã truyền bá thông tin gọi là "làm tổn hại cho Đảng, cho nhà nước và dân tộc Việt Nam", một cái tội rất nặng chiếu theo luật hình sự, vì vậy mà họ đã bị kết án từ 3 đến 6 năm tù, kèm theo nhiểu năm quản thúc tại gia. Họ cũng đã từng tham gia biểu tình phản đối đuốc Olympic Bắc Kinh ở Hà Nội trước khi diễn ra Thế vận hội. Chúng tôi đã gặp những người sau đây:
- Bà Nguyễn Thị Nga, vợ của ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà văn, hiện đang ở tù.
- Bà Lý Thị Tuyết Mai, vợ của ông Vũ Hùng, giáo viên, hiện đang ở tù.
- Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ của ông Phạm Văn Trội, kỹ sư, hiện đang ở tù.
- Ông Ngô Duy Quyền, anh trai của ông Ngô Quỳnh, sinh viên, hiện đang ở tù.
Lý do bị bắt
Những tội hình rất khắc nghiệt đã dành cho các nhà hoạt động này dù họ không vi phạm gì cả, không dùng bạo lực, không gây thương tích cho ai, không làm tổn hại tài sản của bất cứ ai. Còn hơn thế nữa, một cách cụ thể, 4 người tù này đã bị kết án vì họ đã nêu lên 3 điều quan trọng sau đây:
- "Lạm phát gia tăng làm khổ người dân"
- "Để mất quần đảo Trường Sa, là có tội với tổ tiên"
- "Phải thực thi một nền chính trị đa nguyên tại Việt Nam"
Những điều đòi hỏi này không có gì là nặng nề cả. Nhưng nếu nhìn kỹ, người ta hiểu lý do tại sao nhà cầm quyền phản ứng mạnh bạo. Thả một bóng đen phủ trùm lên sự phát triển kinh tế, cái mà họ huênh hoang cho là thắng lợi lớn, là một tội nặng. Trách nhà nước không bảo vệ lãnh thổ quốc gia, điều này vừa đặt cho chính quyển Việt Nam vào một thế khó xử đối với đàn anh Trung Quốc vừa vĩ đại vừa giàu có, vừa đặt lại vấn đề yêu nước, điều mà mỗi người dân đều quan tâm và qui tội chính quyền này là phản bội dân tộc. Và sau cùng, đòi hỏi đa đảng, tức là vô hiệu hóa điều 4 của hiến pháp Việt Nam, điều mà cho phép đảng Cộng Sản đứng đầu toàn hệ thống lãnh đạo, đứng trên cả luật pháp quốc gia.
Sau những cuộc trao đổi chung và riêng tư, chúng tôi được biết có hai tù nhân đã bị phạt biệt giam 3 tháng (24 trên 24) vì tội gây rối loạn trong nhà tù, chỉ vì họ đã phản đối việc phòng giam của họ ở sát cạnh lò nung gạch của trại, nóng thường xuyên 41 độ và thải ra nhiều chất độc làm cho mọi người đều ngả bệnh.
Những kiểu phá rối ngầm trong các phiên tòa.
Chúng tôi cũng được biết rằng, trên nguyên tắc chung, các phiên tòa được diễn ra với sự tham dự của 1 người, đôi khi 2 người trong gia đình của các nạn nhân. Các điện thoại di động đều bị thu giữ khi qua trạm khám xét lúc vào cửa tòa án. Điều này cũng không có gì lạ, nhưng đáng ngạc nhiên hơn, là có một số người tham dự phiên xử lại thường xuyên gọi điện trong suốt phiên tòa. Chán chường thay, chắc chắn họ là công an mặc thường phục nên không bị khám xét và tịch thu như mọi người. Những lời biện hộ của luật sư thường bị cắt ngang bởi những thành phần này. Thường xuyên hơn nữa là âm thanh trong tòa bị giảm xuống nhiều mỗi khi luật sư cất tiếng. Có một luật sư đã bỏ ngang phiên tòa vì không được quyền nói. Báo chí chính thức thì chỉ loan tải những kết quả bản án.
Các gia đình bị áp lực
Gia đình của các tù nhân bị theo dõi, có người đi theo sát. Một người con trai của một trong những gia đình này, sinh viên đại học khoa địa chất đã bị buộc phải ký giấy cam kết là sẽ không tham gia những cuộc biểu tình như bố của cậu ấy trong dịp lễ lạc vào tháng 10 năm 2010.
Thoạt đầu, họ rất lo sợ khi đến buổi hẹn này, nhưng sau một giờ trao đổi mọi người từ từ cảm thấy thoải mái; cả bốn người đều vui khi biết rằng có nhiều người khác ở hải ngoại vẫn tiếp tục ủng hộ họ. Nhiều món quà và tài liệu lưu niệm đã được trao cho họ, trong đó có số báo Le Genevois phát hành vào mùa xuân 2010 nhắc lại buổi khánh thành tấm bia tưởng niệm thuyền nhân với sự hiện diện của ông François Longchamp, Thủ tướng Chánh phủ Tiểu bang Geneve.
Cuộc hẹn lúc 12 giờ trưa
Chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ nước ngoài cho biết là chúng tôi nên tới một địa điểm ở trung tâm Hà Nội, gần những nơi đang chuẩn bị cho các buổi lễ diễn ra ngày hôm sau. Khoảng 12 giờ 5 phút, hàng chục bạn trẻ và vài người lớn đã lấy ra những chiếc áo thun màu xanh, màu của đảng đối lập Việt Tân, có in hàng chữ lớn màu trắng. Chúng tôi hòa lẫn vào đám người này và những người tò mò, tin chắc rằng công an sẽ tới rất nhanh. Chúng tôi có chụp hình với một số người tại chỗ, quay phim những gì đang diễn ra để phổ biến lại những điều gì đã thấy.
Cần chú ý rằng chủ đề được chọn lựa không thể bị phản đối: đảng Việt Tân tưởng niệm Hà Nội được ngàn tuổi và thông báo cho người dân về hiểm họa Trung Quốc trước sự toàn vẹn lãnh thổ (bảo vệ Hoàng Sa). Chúng tôi nhanh chân rời khỏi địa điểm sau khoảng 10 phút tham dự để mang đi giấu những hình ảnh đã chụp được. Những khuôn mặt chưa được xóa mờ, nếu bị công an lấy lúc này có thể sẽ gây ra nhiều tai hại cho những người tham dự và gia đình của họ.
JPEG - 30.5 kbÔng Wavre có mặt tại buổi xuống đường cảnh báo về hiểm hoạ Bắc triều.
Bên trong một cuộc xuống đường bất hợp pháp
Hàng chục cảnh sát mặc đồng phục và thường phục đã tới can thiệp, thu giữ các biểu ngữ và tất cả các phương tiện tuyên truyền. Hai phóng viên của các cơ quan thông tấn quốc tế có mặt đã nhanh chóng thực hiện những cuộc phỏng vấn. Lúc đó không thấy công an bạo hành hay bắt bớ. Nhưng chắc chắn họ sẽ ban hành một lệnh truy lùng sau khi các buổi lễ chấm dứt, khi mà các phóng viên nhà báo đã rút đi. Phần chúng tôi thì sẽ tìm hiểu thêm xem hậu quả đối với những người tham gia cuộc xuống đường này ra sao, trong những ngày sắp tới, qua hệ thống tin tức tại chỗ.
Thật là một cảm giác đặc biệt khi được sát cánh với những người can đảm, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, chỉ vì lý tưởng của mình. Người ta hiểu rằng cuộc sống của họ rất có thể bị đảo lộn một cách nhanh chóng. Chúng tôi cũng đánh giá được sự may mắn vô cùng lớn là cuộc sống ở Thụy Sĩ đã cho phép chúng ta tha hồ hoạt động chính trị, mà điều tệ hại nhất chỉ là sự thơ của mọi người đối với các hoạt động của chúng ta. Chúng ta phải nồng nhiệt tuyên dương những người đã can đảm chọn lựa hành động này, nhất là họ chỉ thực hiện theo phương pháp bất bạo động. Đây là điều kiện duy nhất mà chúng tôi đặt ra, khi chấp nhận tham gia, hiện diện tại nơi này: chúng tôi không tham dự vào những sinh hoạt đi ngược lại những điều đã được luật lệ quốc tế qui định, trong lãnh vực hành xử quyền tự do phát biểu. Chúng tôi sẽ không bảo trợ cho những hành động phá hoại và tệ hơn nữa là dùng vũ lực.
Để theo dõi sự kiện, xin vào xem trang web: http://viettan.org/
Chúng tôi được tin ngày chủ nhật là bà Võ Hồng, một đảng viên Việt Tân có quốc tịch Úc đã bị bắt giữ tại phi trường khi bà sắp lên máy bay.
Vì lý do an ninh, cuộc hẹn với một nữ luật sư trong tình trạng bị công an theo dõi sát sao đã bị hủy bỏ vào buổi tối hôm ấy. Và chúng tôi cũng quyết định không phổ biến bất cứ tin tức gì ra công chúng trước khi chúng tôi rời khỏi Việt Nam trong ngày chủ nhật.
Kinh tế và tham nhũng
Sống dưới chế độ mang tên Cộng Sản (XHCN), nhưng đa số người dân Việt lại theo con đường "mạnh ai nấy đi". Mỗi khi có thể làm được là giá cả căng phồng lên, không phải chỉ để lợi dụng người ngoại quốc giàu có và ngây thơ, mà điều này xảy ra khá thường xuyên. Ngay cả khi phải giúp đỡ người nào đó có chiếc xe bị hư nằm giữa đường, thì những người qua đường lại đòi tiền trả công trước khi ra tay giúp, dẹp chiếc xe qua bên đường. Họ còn đe dọa nếu không thỏa mãn với số tiền yêu cầu thì sẽ kéo chiếc xe trở về vị trí cũ!!
Giá phòng khách sạn và những giá biểu thông dụng như tiền mướn chỗ đậu cho một xe máy đã tăng vọt lên từ gấp 3 đến gấp 10 lần vào thời gian cuối tuần lễ lạc vừa qua. Xe taxi thì không nhận chở khách đi những tuyến đường ngắn. Theo những người quen biết ở địa phương, tham nhũng nuốt trọn hơn phân nửa tiền lời trong mọi lãnh vực hoạt động, điều mà nhiều nhà đối kháng đã lên tiếng tố cáo.

Chủ nhật ngày 10 tháng 10


Ở Hà Nội gần một tuần, chúng tôi không thấy một người ăn mày nào cả, không một đứa bé bụi đời, không có người vô gia cư, không một người đánh giày. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết là những người này biến đâu mất hết từ tuần trước. Đã thế, trưởng phòng công an đã hãnh diện khoe đó là món quà mà các cơ quan của ông đã dâng hiến cho thành phố Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm. Trong tuần lễ đó, dường như các du khách quốc tế cũng chẳng háo hức về thủ đô. Vịnh Hạ Long vẫn là nơi thu hút hơn đối với du khách quốc tế, Âu châu lẫn Á châu.
Một đại lễ đầy màu sắc, vĩ đại, phù phiếm và... bằng nhựa!
Chúng tôi theo dõi trên truyền hình một đoạn trực tiếp truyền hình đại lễ chính thức diễn ra sáng ngày chủ nhật 10 tháng 10 từ 7giờ 45 đến 9 giờ. Ngạc nhiên về giờ giấc lạ lùng quá sớm này, một người ở địa phương trả lời một cách tinh quái là "tương lai dành cho những người thức sớm". Lời giải thích đúng hơn có lẽ là vì sẽ rất khó tập trung hàng chục ngàn người vào khoảng giữa ngày, vì vấn đề giao thông, kẹt xe không thể cho phép thực hiện điều này. Cũng không phải là để giữ sự tươi tắn cho các biểu ngữ hay các xe hoa. Không có gì rủi ro về khía cạnh này, vì tất cả hoa lá đều làm bằng... nhựa!
Rolin Wavre
Tổng Bí Thư đảng Cấp Tiến tại Geneva
Hà Nội - Singapore - Geneva, 4-11/10/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét