Nguyễn Quang Duy
Mọi tập thể, mọi xã hội, mọi dân tộc đều tồn tại những bất đồng, những tranh chấp cần được hòa giải.
Mỗi tập thể, mỗi xã hội, mỗi dân tộc có phương cách gỉai quyết bất đồng và tranh chấp khác nhau.
Người Việt từ ngàn xưa đã xây dựng một quan niệm sống bao dung, hoà đồng dân tộc. Quan niệm này dựa trên tình cảm, tránh bất đồng, tránh tranh chấp. Theo truyền thống cha ông để lại người quốc gia luôn chủ trương “lấy tình thương xóa bỏ hận thù” và “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Chủ trương này đã gặt hái nhiều kết quả hết sức tốt đẹp. Như chỉ trong vòng mười năm Chính sách Chiêu Hồi của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đón nhận trên 200 ngàn cán binh cộng sản buông súng tìm về tổ ấm quốc gia. Thật khó mà tính hết những tang thương cho dân tộc nếu các cán binh này vẫn tiếp tục cầm súng chống lại quân đội quốc gia và tàn sát dân lành vô tội.
Tại các quốc gia dân chủ, người lãnh đạo quốc gia không phải chỉ đại diện cho đa số mà là đại diện cho tòan dân. Vì vậy những người lãnh đạo quốc gia được đa số bầu lên luôn cố gắng hòa giải dân tộc. Nhất là hòa giải các khác biệt từ quá khứ.
Cũng tại các quốc gia dân chủ, luật pháp công bằng là phương tiện hòa giải mọi tranh chấp cá nhân hay tập thể. Các tổ chức quốc tế cũng nhận lãnh vai trò hòa giải giữa các dân tộc và quốc gia trên thế giới.
Hòa giải dân tộc có thể xem là một quá trình chấp nhận sự thật để giảm thiểu phân hóa xã hội và cùng hướng về tương lai. Tiến trình hòa giải dân tộc thường được liên tục thực hiện qua nhiều giai đọan.