2011/01/17

Lòng dân và cuộc Cách Mạng Hoa Lài tại Tunisia

Mohamed Bouazizi

Lý Thái Hùng

Không ai ngờ ngày 17 tháng 12 năm 2010 đã là ngày khởi đầu một biến chuyển lịch sử tại Tunisia, Bắc Phi, khi sinh viên Mohamed Buoazizi, 26 tuổi đã đem thân xác mình làm ngọn đuốc dẫn dắt hàng triệu người dân Tunisia vùng dậy, giật sập chế độ độc tài của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, 74 tuổi, sau 3 tuần lễ biến động. Sinh viên Mohamed Bouazizi tốt nghiệp đại học nhưng đã không tìm ra công việc làm. Anh đã phải đi bán rau và trái cây để kiếm sống từng ngày, nhưng cảnh sát đã tịch thu sạp bán hàng của anh vì không có giấy phép và nhất là không có tiền để hối lộ. Trong sự tuyệt vọng đó, Mohamed Bouazizi đã chọn ngày nói trên, châm lửa tự thiêu để phản đối hành động ngăn cấm của chính quyền.
Cái chết bi thảm của Mohamed Bouazizi đã như tiếng sét, xé tan sự im lặng vốn bao trùm 23 năm dài dưới sự trấn áp thô bạo của công an và đã thôi thúc nhiều giới quần chúng Tunisia phải làm một cái gì đó để thay đổi nguyên trạng. Lịch sử đã không hẹn mà gặp khi hàng trăm, rồi hàng ngàn, hàng chục ngàn và đến ngày 22 tháng 12 đã có non 1 triệu người, đa số là giới trẻ, túa ra đường phố khởi đi từ thành phố Sidi Bouzid, nơi mà sinh viên Mohamed Bouazizi tự thiêu, nhanh chóng lan rộng đến thành phố Jendouba, Sousse, Sfax và thủ đô Tunis. Sinh viên và quần chúng hòa nhập nhau thành biển người và đã hô to: “Ben Ali, chúng tôi hết sợ rồi”. Đặc biệt giới trẻ đã tự động chuyển khẩu hiệu “Chúng tôi hết sợ rồi” lên Twitter và Facebook tạo thành một vết dầu loang lan rộng trên toàn quốc.
Để ngăn chận làn sóng chống đối của người dân và nhất là không cho các lực lượng chống đối liên kết tạo thành thế đối trọng với chính quyền trong tình trạng rối loạn của đất nước, nhà độc tài Ben Ali đã một mặt ra lệnh thiết quân luật, đưa quân đội vào trấn giữ một số địa điểm trọng yếu để bảo vệ chế độ, mặt khác tung chính sách “bánh vẽ” hầu chiêu dụ đám đông ngưng chống đối. Tổng thống Ben Ali đã xuất hiện nhiều lần trên đài truyền hình hứa là sẽ tạo ra 50 ngàn công ăn việc làm và tuyển dụng 300 ngàn sinh viên vào làm việc tại các cơ quan chính quyền, bãi bỏ kiểm duyệt Internet, tôn trọng tự do báo chí… Thay vì chờ đợi Ben Ali thực hiện những điều hứa, dân chúng đã thay đổi nội dung khẩu hiệu, lần này họ đòi Ben Ali và toàn bộ chính quyền Tunisia phải từ chức và tổ chức tổng tuyển cử tự do.
Đầu năm 2011, làn sóng đấu tranh bùng nổ lớn làm tệ liệt mọi sinh hoạt tại thủ đô và nhiều thành phố lớn. Ben Ali đã cho phép quân đội và công an sẵn sàng bắn vào dân để ngăn cấm các cuộc tụ tập. Hơn 60 thường dân vô tội đã bị giết chết trong các cuộc biểu tình, nhưng Ben Ali đã không ngăn được làn sóng chống đối. Các quốc gia Âu Châu đã lên tiếng chỉ trích những hành động sát hại người dân và đòi hỏi Ben Ali phải xúc tiến các cuộc đối thoại với lực lượng chống đối. Để xoa dịu sự phẫn nộ của công luận, Ben Ali đã ra lệnh cách chức Bộ trưởng nội vụ Rafix Behaj Kacem, người chỉ huy lực lượng công an đàn áp sự chống đối của quần chúng, như con dê tế thần vào sáng ngày 13 tháng 1 năm 2011. Việc Ben Ali cách chức Bộ trưởng nội vụ đã là tín hiệu cho thấy chế độ độc tài Tunisia đang bị lung lay tận gốc rễ.
JPEG - 39 kb
Khi tin Rafix Behaj Karen bị cách chức, hàng chục ngàn người đã tụ tập trước trụ sợ Bộ nội vụ đòi trả tự do cho những nhà báo, trí thức, sinh viên và thường dân bị công an bắt giữ trong suốt 3 tuần vừa qua. Trước áp lực này, tối ngày 13 tháng 1, Ben Ali đã lên đài truyền hình tuyên bố rằng ông sẽ không ra tranh cử Tổng thống vào năm 2014 và cho giảm giá một số mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, sữa và bánh mì. Linh tính đã cho Ben Ali thấy rằng những cam kết vào tối 13 tháng 1 không có hiệu quả và không thể ngăn chận làn sóng chống đối, nên sáng hôm sau, 14 tháng 1, Ben Ali đã phải xuất hiện một lần nữa tuyên bố giải tán chính phủ và tổ chức bầu cử quốc hội trong vòng 6 tháng tới.
Sáng ngày hôm sau, 15 tháng 1 năm 2011, thay vì Ben Ali xuất hiện trên truyền hình, Thủ tướng Mohamed Ghannouchi đã lên tuyên bố rằng ông sẽ là người trực tiếp lãnh đạo đất nước Tunisia kể từ giờ phút này. Ghannouchi là cựu tổng trưởng tài chánh được đề cử giữ chức Thủ tướng từ năm 1999. Trong lúc Thủ tướng Ghannouchi tuyên bố quyền lãnh đạo quốc gia lâm thời, máy bay chở nhà độc tài Ben Ali và gia đình chạy trốn đã đáp xuống Jeddah, thuộc Á Rập Saudi.
Mặc dù Tunisia còn phải trải qua một số những cải tổ chính trị như thay đổi nội các, bầu cử quốc hội và tổng thống để thiết lập chế độ dân chủ, nhưng sự sụp đổ chế độ độc tài dẫn đến sự lưu vong của tổng thống Ben Ali sau 23 năm cai trị sắt máu, bởi sức ép đấu tranh của quần chúng trong 3 tuần lễ vừa qua, dư luận chung đã gọi đây là cuộc cách mạng Màu hay còn gọi là Cách Mạng Hoa Lài là loại hoa biểu tượng của xứ du lịch Tunisia có khoảng 10 triệu dân.
Tunisia là một thuộc địa của Pháp ở vùng Bắc Phi và được trao trả độc lập vào năm 1956. Ben Ali lên cầm quyền sau cuộc đảo chánh Tổng thống Habib Bourgulia vào năm 1987. Ben Ali đã áp dụng chính sách cai trị độc tài sắt máu, khống chế tối đa về mặt chính trị: không chấp nhận đa đảng, đặt các đảng phái ra ngoài vòng luật pháp, kiểm duyệt báo chí và cấm mọi phát biểu có nội dung chống lại chính quyền. Ben Ali muốn làm tổng thống muôn đời nên đã cho sửa hiến pháp để có thể ra ứng cử và đắc cử, mỗi năm năm một lần với tỷ lệ bầu cử từ 90 đến 98%. Những ai có manh nha muốn ra ứng cử để dành ghế tổng thống, Ben Ali cho đàn em đến uy hiếp, dọa thủ tiêu nếu không chịu rút lui. Để duy trì quyền lực cai trị, Ben Ali áp dụng hệ thống mafia, không tin dùng những người bên ngoài mà chỉ phân phối chức vụ cho người thân trong gia đình và tộc họ. Vợ và con cái của Ben Ali nắm trong tay những cơ sở kinh tế, tài chánh và biến nó trở thành nơi ban phát quyền lợi cho những ai trung thành với gia đình Ben Ali.
Tunisia là quốc gia sống về du lịch nhờ có một bãi biển thơ mộng có nhiều di tích lịch sử nằm phía Nam Địa Trung Hải. Ngành công nghiệp của Tunisia còn rất thô sơ không đủ cung ứng công ăn việc làm cho số sinh viên ra trường hàng năm, trong khi chính quyền lại có những bất công trong việc phân bố việc làm. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2008 đã làm cho nền kinh tế Tunisia suy sụp, nạn thất nghiệp gia tăng và cuộc sống của người dân trở nên khốn khó. Tuy kinh tế khó khăn đã là nguyên nhân dẫn đến những bất mãn ngấm ngầm trong dân chúng, nhưng chính sự kiềm hãm về chính trị, kiểm soát báo chí và mạng Internet đã làm sự bất mãn gia tăng và trở thành đột biến khi vụ tự thiêu của sinh viên Mohamed Bouazi xảy ra.
Biến cố Tunisia vừa rồi cũng đã làm cho Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phương Tây bật ngửa vì không ngờ bề ngoài hiền hòa của xứ du lịch, giao thương tốt đẹp với mọi quốc gia lại ẩn chứa bên trong những ruỗng nát của bộ máy cai trị mafia, tham nhũng cùng cực. Chính vì nhìn bề ngoài “phát triển thành công và chính trị ổn định”, các nước phương Tây đã làm ngơ trước những cảnh báo của các tổ chức nhân quyền quốc tế trong những năm qua về tình trạng đàn áp chính trị khốc liệt ở Tunisia. Người ta cho rằng nếu các quốc gia tự do quan tâm sớm hơn tình trạng cai trị độc tài của chính quyền Ben Ali thì đã không xảy ra vụ tàn sát hơn 60 thường dân vô tội trong 3 tuần lễ biến động vừa qua.
Cuộc cách mạng Hoa Lài tại Tunisia, thêm một lần nữa, đã cho chúng ta tin tưởng rằng mọi chế độ độc tài đảng trị đi ngược lại nguyện vọng của số đông quần chúng trước sau gì cũng bị sụp đổ, bởi những cuộc đột biến xảy ra từ sự căm phẫn tột cùng của người dân. Những hy sinh và những nỗ lực tranh đấu của các nhà dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua, đã và đang tạo những chuyển động lớn mà chính chế độ Hà Nội đang rất lo sợ. Trong đó, việc Linh Mục Nguyễn Văn Lý đưa ra Lời Kêu Gọi đồng bào trong và ngoài nước, cùng nhau mặc áo trắng xuống đường tranh đấu, giành lại quyền dân làm chủ đất nước thật sự từ cuối năm 2010 đã là một sự trùng hợp lịch sử. Vấn đề là người Việt Nam có tạo được lịch sử nhanh chóng như Tunisia hay không, tùy thuộc vào quyết tâm và sự tự nguyện đóng góp của từng mỗi người trong chúng ta, quốc nội cũng như hải ngoại.
JPEG - 37.3 kb
Lý Thái Hùng
Ngày 16/1/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét