Ngô Thiện Khải
Tháng chạp năm Cọp
6 tháng 1. Viện cớ dân địa phương chiếm đóng đất đai trái phép, một lực lượng đông đảo do công an dẫn đầu đã tiến hành việc phá nổ Thánh Giá lâu đời trên Núi Chẻ, thuộc giáo xứ Đồng Chiêm.
20 tháng 1. Thầy Nguyễn văn Tặng dòng Chúa Cứu Thế, giáo phận Hà nội, bị một đám đông công an chìm nổi đánh đập dã man, gây trọng thương trong khi đang viếng thăm mục vụ giáo xứ bị phong toả tại Đồng Chiêm.
21 tháng 1. Luật sư Lê Công Định và 3 người khác bị kết án tù giam với những bản án nặng nhất đến 16 năm. Ls Định là người đã từng nhận lời bào chữa cho những người bị giam và kết án của giáo xứ Thái Hà vì tham dự các buổi cầu nguyện tập thể để yêu cầu nhà nước trả lại đất đai và cơ sở lâu đời của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị trưng dụng từ sau Cách mạng Tháng 8.
2 tháng 2. Trong một cuộc họp kín với Thứ trưởng bộ Công an, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Marciel nêu quan ngại về tình trạng nhân quyền đã trở nên tệ hại hơn tại VN.
5 tháng 2. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, một nhà tranh đấu cho nhân quyền từng được trao giải Hellman-Hammet, bị kết án 3 năm rưỡi tù với cáo trạng được nhà nước dàn dựng là đã chống đối việc bắt bớ bằng bạo lực.
tháng 3. Bản tường trình về tự do tôn giáo tại VN năm nay của bộ Ngoại giao Mỹ nhắc đến trường hợp một người ngoại quốc bị công an tạm giam, hạch hỏi ngay sau khi viếng thăm Hoà thượng Thích Quảng Độ, đại diện chính thức HPGVNTN, người từng bị giam giữ tại gia trong nhiều năm qua.
9 tháng 3. Luật sư Lê thị Công Nhân bị công an bắt trong khi đang đi mua hàng với chị. LS Lê Thị Công Nhân đã bị giam lỏng từ khi được thả, sau khi mãn hạn bản án 3 năm tù giam từ năm 2007 vì đã là tiếng bênh vực cho quyền lợi của người lao động.
24 tháng 3. Linh mục Nguyễn văn Lý, người từng bị giam tổng cộng 13 năm, được ra tù vì lý do sức khoẻ suy kiệt, nhưng vẫn bị cấm cố tại gia và không được phép thực hiện nhiệm vụ tôn giáo tại giáo xứ cũ của ngài.
30 tháng 3. Các công ty Google và an ninh mạng McAfee của Mỹ đưa ra bằng chứng không thể chối cãi rằng, các cuộc tấn công vào các trang mạng của người Việt có nội dung đấu tranh cho cự do nhân quyền và chủ quyền lãnh thổ lãnh hải trong thời gian qua xuất phát từ Việt nam. Phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Việt nam chối bỏ mọi cáo buộc nhà nước Việt nam có liên hệ với tin tặc.
16 tháng 4. Bà Trần Khải Thanh Thủy bị đưa ra toà kháng án tại Hà nội. Mặc những lời kêu gọi trả tự do cho bà từ cộng đồng quốc tế vì chứng cớ giả tạo được giàn dựng của công an, nhà cầm quyền Hà Nội không cho đại diện nào của các cơ quan thông tấn quốc tế hay toà đại sứ nước ngoài được phép tham dự phiên toà.
26 tháng 4. UBND thành phố Hà nội đưa ra quyết định kiểm soát mọi thông tin internet, đặc biệt trong đó có mục ngăn cấm sử dụng internet để chống đối nhà nước. Đồng thời quy định các quán café internet phải thiết kế một phần mềm điều hợp trung ương dưới sự kiểm tra của nhà nước trên mọi máy tính công cộng. Từ thủ đô quyết định này cũng sẽ được đem áp dụng khắp nơi trên toàn quốc trước cuối năm nay.
4 tháng 5. Công an đánh đập và bắt giữ ít nhất 11 người nhằm giải tán một đám tang tại một nghĩa trang của người Công giáo ở Cồn Dầu, gần Đà Nẵng, trung phần VN. Chính quyền địa phương lấy lý do để giao đất cho nhà thầu xây dựng khu công nghiệp, và đã trưng dụng mảnh đất vốn thuộc quyền sở hữu của giáo xứ tại đây từ bao đời nay.
5 tháng 5. Tại một hội nghị toàn quốc của ngành Thông tin dưới sự chủ trì của ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Trung tướng Công an Vũ Hải Triều khoe công an đã lập thành tích đánh sập trên 300 trang mạng và blog "có nội dung xấu" (tức chống đối đảng và nhà nước CSVN).
22 tháng 6. Hơn 30 dân oan khiếu kiện nguyên đơn trong vụ giải toả đất để xây khu công nghiệp tại Bình Dương, nam Việt nam, không được tiếp tại văn phòng tiếp dân khiếu kiện.
18 tháng 7. Công an bắt giam anh Phạm Văn Thông, một dân oan tại Bến Tre từng khiếu kiện nhiều năm không kết quả.
13 tháng 8. Công an bắt giam Giáo sư Phạm Minh Hoàng, giảng viên tại Đại Học Bách Khoa và cũng là một nhà dân báo. Cùng thời gian đó, Mục sư Tin Lành Dương Kim Khải, và hai dân oan là chị Trần thị Thủy và ông Nguyễn thành Tâm cũng bị bắt giam, vì họ đã tranh đấu cho việc giải quyết công bằng các đất đai bị nhà nước trưng dụng. Cả 4 người vừa kể đều là đảng viên Việt Tân.
2 tháng 9. Nhiều trang mạng trong và ngoài nước có nội dung phê phán các chính sách và tệ trạng tại VN bị đồng loạt tấn công. Một số trang mạng bị tê liệt mấy ngày liên tiếp. Các nhà phân tích về an ninh internet cho rằng, những cuộc tấn công này đều có xuất xứ hoặc được điều hợp từ Việt Nam, đặc biệt là để nhắm vào các trang mạng có nội dung chỉ trích việc nhà nước cho phép Trung Quốc khai thác bauxite trên vùng cao trung phần tại VN.
22 tháng 9. 2 đảng viên Tân Dân Chủ Gia nã Đại gia nhập nhóm các dân biểu và hội yểm trợ nhân quyền. Các dân biểu này đã lên tiếng và viết thư cho Thủ tướng VN để kêu gọi trả tự do cho các đảng viên Việt Tân vừa bị bắt trong thời gian qua.
29 tháng 9. 2 dân biểu Anh quốc nêu vấn đề về các vụ vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt nam trước Quốc Hội Cộng Đồng Kinh Tế Âu châu.
9 tháng 10. Dân Biểu Pháp Daniel Boisserie viết cho Ngoại trưởng Pháp để đặt vấn đề về vụ bắt giữ các đảng viên VT.
10 tháng 10. Bà Võ Hồng, một trợ tá xã hội tại Úc, bị bắt giam sau khi tham gia một cuộc họp mặt ôn hoà do đảng Việt Tân thực hiện tại Hà nội, để gióng lên lời cảnh cáo về hiểm hoạ xâm lược của Bắc kinh với sự đồng lõa của đảng Cộng sản và nhà nước VN.
19 tháng 10. Một số dân biểu Úc viết cho Ngoại trưởng nước này, kêu gọi can thiệp trả tự do cho đảng viên Việt Tân.
20 tháng 10. Chị Võ Hồng được tự do, nhiều xác suất là do sự can thiệp trực tiếp của chính phủ Úc.
26 tháng 10. Một toà án tại Trà Vinh đã kết án từ 7 đến 9 năm tù giam đối với anh Đoàn Huy Chương, Đỗ thị Minh Hạnh, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng. Ba người này là những nhà vận động cho công đoàn độc lập, đã từng phân phát truyền đơn yểm trợ cho quyền của người lao động tại một nhà máy.
27 tháng 10. Một toà án xử tù 6 giáo dân Cồn Dầu, những người này đã bị bắt giam trong vụ công an giải tán một đám tang hồi tháng 5. Cùng ngày một nhóm Dân biểu Hoa Kỳ cùng bà Loretta Sanchez và Thượng nghị sĩ Barbara Boxer, đã gừi thư kêu gọi Ngoại trưởng Clinton đặt vấn đề nhân quyền với nhà nước VN trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới tại Hà nội.
28 tháng 10. 17 dân cử Thuỵ Sĩ lên tiếng đòi trả tự do cho 4 thành viên Việt Tân bị bắt giam trái luật từ tháng 8.
4 tháng 11. Luật sư Lê thị Công Nhân bị công an mặc thường phục cưỡng chế đem về đồn công an. Cô bị thẩm vấn và hạch sách cả ngày vì cô đã làm một bài thơ mang nội dung chỉ trích chính sách nhà nước và trả lời những cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông ngoại quốc.
5 tháng 11. Công an bắt giam tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong một vụ án đầy mâu thuẫn. Đầu tiên họ viện cớ ông Cù Huy Hà Vũ vi phạm thuần phong mỹ tục; sau đó lại đổi là tuyên truyền chống chế độ. Ông Cù Huy Hà Vũ là người nổi tiếng bênh vực cho nhân quyền cũng như tố cáo nhà nước Việt Nam vi phạm luật pháp và hiến pháp. Đặc biệt là những vụ kiện Thủ tướng CSVN ban hành các văn bản trái luật liên quan đến việc khai thác beauxite Nguyên và cấm công dân không được tham gia khiếu kiện tập thể những vụ tranh chấp đất đai đã bị nhà nước trưng dụng.
10 tháng 12. Công an triệu tập và thẩm vấn các Linh mục dòng Chúa Cứu Thế Sài gòn về trang mạng bị họ cho là vi phạm luật của nhà dòng, cũng như các buổi cầu nguyện, các bài giảng và bài viết có nội dung bị coi là chỉ trích đường lối và chính sách của nhà nước.
11 tháng 12. Dân Công giáo tại Thái Nguyên tập hợp trước UBND tỉnh để kêu gọi giải quyết những tranh chấp đất đai và cơ sở Giáo Hội từng bị nhà nước chiếm đóng.
13 tháng 12. Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị gia hạn “tạm giam” thêm 4 tháng.
14 tháng 12. Công an đập phá và san bằng văn phòng Giáo Hội Tin Lành Menonite tại Sài gòn. Đánh đập và bắt giam Mục sư Nguyễn Hồng Quang cùng cộng sự viên và sinh viên. Các chủng sinh bị ép buộc phải hồi hương.
17 tháng 12. Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết HR-20 đề nghị đưa Việt nam trở vào danh sách Các nước Cần Quan tâm Đặc Biệt (CPC) vì vi phạm quyền tự do tôn giáo.
18 tháng 12. Cụ bà Trần thị Chuốt, 76 tuổi, qua đời trong bệnh viện, nơi cụ được đưa đến điều trị sau những xô xát trong vụ công an đập phá Hội Thánh Tin Lành ngày 14 vừa qua.
19 tháng 12. Công an đàn áp dã man một buổi họp mặt cầu nguyện của gần 2,000 giáo dân Tin Lành tại Hà nội.
20 tháng 12. Công an đánh bất tỉnh 3 người trong khi giải tán các dân oan tụ tập phản đối việc đất đai đất bị nhà nước cưỡng chiếm tại Nam Định để xây khu công nghiệp.
4 tháng 1. Tại lễ bế mạc Năm Thánh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam kiêm Đại hội hành hương Đức Mẹ La Vang, các giáo dân mang dòng chữ cầu nguyện Đức Mẹ bị công an và một số thành phần “đắc lực” trấn lột.
5 tháng 1. Ông Christian Marchant, tùy viên sứ quán Hoa Kỳ, bị công an hành hung và ngăn chận khi ông đến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Huế.
7 tháng 1. Dân biểu Luke Simpkins của nước Úc cũng bị công an ngăn cản khi ông đến thăm Linh mục Lý. Nhưng một ngày sau, với sự giúp đỡ của nhiều người Việt, ông Simpkins đã đến thăm được Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ và Hội Thánh Chuồng Bò tại Sài Gòn.
Chỉ khi khẳng định “Không một ai có thể nhân danh bất kỳ điều gì để tước đoạt các quyền con người đương nhiên của dân tộc Việt Nam” lan đủ rộng trong quần chúng và hằn đủ sâu trong từng người, các con Cọp của bạo hành hôm qua mới biến thành những chú Mèo trong năm tới.
Nguồn: http://radiochantroimoi.wordpress.com/2011/01/11/cho-tet-ta-da-diet-chuyen-nha/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét