2011/01/13

Đại Hội Đảng CSVN XI: Tiếp tục sống trong khẩu hiệu

Trung Điền

Đại hội đảng CSVN đã khai mạc vào sáng ngày 12 tháng 1 năm 2011 tại Hà Nội, sau gần 2 năm 4 tháng chuẩn bị, tuy có một vài sóng gió vào giờ cuối như việc một số cựu lãnh đạo Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải… đã khẩn cấp đề nghị giữ Nguyễn Minh Triết ở lại làm Tổng bí thư không cho Nguyễn Phú Trọng giữ ghế này vì quá yếu; hoặc Nguyễn Tấn Dũng bị tấn công kịch liệt, xém mất ghế Thủ tướng vì đã để cho Tập đoàn đóng tàu Vinashin phá sản thiệt hại gần 5 tỷ Mỹ Kim. Đại hội XI diễn ra trong 8 ngày từ ngày 12 đến 19 tháng 1, với sự tham dự của 1.377 đại biểu, được chọn từ 67 đảng bộ trực thuộc trung ương (gồm 63 đảng bộ Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương và 4 đảng bộ Quân Đội, Công An, Khối Doanh nghiệp trung ương và Khối hành chánh trung ương).
Theo như thông báo của ban Thông tin đại hội thì đại hội XI sẽ bầu ra 175 tân Ủy viên trung ương đảng và 25 ủy viên dự khuyết, nhiều hơn khóa X là 20 người. Qua những sắp xếp hậu trường thì Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Tổng bí thư, Trương Tấn sang làm Chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng và Nguyễn Sinh Hùng sẽ làm chủ tịch Quốc hội. Nói chung, thành phần nhân sự không có gì thay đổi so với 5 năm trước đây, dù ông Mạnh và ông Triết không còn làm nữa vì ở tuổi về hưu. Những nhân sự lãnh đạo mới như ông Trọng, ông Sang, ông Dũng và ông Hùng đều nằm trong Bộ chính trị của nhiệm kỳ trước, do đó cung cách lãnh đạo sẽ không có gì thay đổi. Các ông này sẽ tiếp tục thỏa hiệp trong vị trí mới để giữ chặt quyền lực vào trong tay. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chi gần 20 triệu Mỹ Kim cho việc chuẩn bị đại hội XI trong gần 2 năm qua, trong đó chi phí 8 ngày đại hội là 11 triệu Mỹ Kim.
Như thông lệ của các kỳ đại hội, đảng CSVN đưa ra khá nhiều văn kiện cho các đại biểu thảo luận và biểu quyết. Trước đó cả nửa năm, những văn kiện này đã được gửi đến các đoàn thể, tổ chức gọi là “tiếp thu ý kiến” của các giới trí thức, tôn giáo, đảng viên. Đọc trên báo chí thì có rất nhiều ý kiến đóng góp như ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc hội, cựu Ủy viên bộ chính trị khóa X đã cho rằng đảng CSVN đang vận hành một hệ thống sai lầm cần phải thay đổi, trước hết là phải tôn trọng dân chủ. Cựu phó Thủ tướng Trần Phương thì nói rằng muốn đổi mới đảng từ gốc rễ thì phải loại bỏ chủ thuyết Mác-Lênin vì đây chính là tư tưởng hoang đường, phản khoa học. Tiến sĩ Trần Nhơn, 40 tuổi đảng đã cho rằng “độc đảng là nguyên nhân tạo ra bè phái, tham nhũng”, do đó để cứu đảng phải chấp nhận đa nguyên đa đảng. Đại đa số các góp ý cho những văn kiện nói trên đều có chung một số nhận định là phải có dân chủ từ trong đảng ra đến ngoài xã hội thì công cuộc đổi mới của đảng CSVN mới mang lại thực chất.
Tuy nhiên, những góp ý của các giới trí thức, cựu cán bộ lãnh đạo đều bị lãnh đạo đảng CSVN bỏ ngoài tai. Cụ thể là trong cuộc họp báo thông báo về đại hội XI vào sáng ngày 10 tháng 1; trả lời câu hỏi của phóng viên AP về: “Việt Nam có chấp nhận đa nguyên, đa đảng hay không?”, Định Thế Huynh, ủy viên Trung ương đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân đã nói rằng: “Việt Nam không có nhu cầu đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Điều đơn giản là Việt Nam đã có lúc đa đảng; tức là vào năm 1946 khi chúng tôi Tổng tuyển cử lần đầu tiên thì cũng đã có mấy đảng tham gia. Nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược… thì chỉ có đảng CSVN lãnh đạo …kháng chiến để bảo vệ tổ quốc. Và bây giờ thì đảng CSVN đang tiếp tục lãnh đạo… trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Câu trả lời của Định Thế Huynh khá dài, sáo ngữ và nguỵ biện nhưng nếu tóm lại chỉ có một ý duy nhất : “đảng CSVN mãi mãi độc quyền mọi thứ”.
Phát biểu của Định Thế Huynh đã xác định một điều là những ai chờ đợi đảng CSVN tự thay đổi, tự đổi mới để có dân chủ hơn, nhất là chấp nhận những ý kiến khác đóng góp vào các chương trình hành động của họ là điều viễn mơ, không bao giờ có. Từ chủ trương độc quyền độc đảng nói trên, ta sẽ thấy rõ hơn sự “lố bịch” của lãnh đạo đảng CSVN khi đưa ra câu khẩu hiệu cho đại hội XI. Đó là “tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa”. Để thực hiện khẩu hiệu này, Nông Đức Mạnh đã nói trong đại hội XI rằng: “Đảng sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, lấy hiệu quả công tác và tín nhiệm nhân dân làm thước đo chủ yếu; có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền”.
Câu nói của ông Mạnh có lẽ đã trở thành câu khẩu hiệu chung cho những thành viên trong bộ chính trị lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần vào những dịp như thế này. Họ chỉ nói cho sướng miệng và “động viên” tinh thần đàn em trong những buổi lễ lớn… rồi thôi. Lý do là những phát biểu của ông Mạnh đã không đi đôi với thực tế. Cụ thể nhất là Tập đoàn Vinashin sụp đổ làm thiệt hại đất nước đến 5 tỷ Mỹ kim mà chỉ có 5 cán bộ bị bắt giữ và còn trong vòng điều tra. Nguyễn Trường Tô, chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Giang, dụ dỗ chơi gái vị thành niên khi chuyện đổ bể, hai nạn nhân bị đi tù 7 năm, trong khi Tô chỉ bị cách chức mà không bị truy tố hình sự. Những vấn nạn này xảy ra là do sự bao che, khỏa lập tội ác lẫn nhau giữa các cấp cán bộ. Chính thành phần cán bộ đảng vừa là thủ phạm, vừa là công tố, vừa là quan tòa thì còn ai để xử lý nghiêm chỉnh những vụ chạy chức, chạy quyền và chạy tội như ông Mạnh đề cập.
Ngay trong bản cáo về sự lãnh đạo của bộ chính trị, ban bí thư đọc trong đại hội XI, Trương Tấn Sang đã tự thú như sau: “Nhiều cán bộ để xảy ra một số sai phạm, tiêu cực, mất đoàn kết nội bộ hoặc thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống hoặc để vợ, con, cấp dưới lợi dụng chức quyền thu vén lợi ích cá nhân, phải xử lý kỷ luật, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng. Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước còn nhiều hạn chế, cổ phần hoá Doanh nghiệp nhà nước còn để thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời việc quản lý hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn nhiều yếu kém. Từ đó, hoạt động của một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước thấp. Cũng theo Trương Tấn Sang, Hà Nội vẫn chưa ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội. Đó là chưa nói đến tình trạng xử lý sai phạm sau thanh tra, kiểm tra, điều tra ở một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, một số doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, gây rối loạn hệ thống quản trị. Bài phát biểu của Trương Tấn Sang đã bị ban tuyên giáo trung ương cấm không cho phổ biến công khai trên các diễn đàn Internet.
Ai cũng nhìn thấy rõ chính sự độc tài độc đảng là nguyên nhân sâu xa làm cản trở mọi bước tiến của Việt Nam. Đảng CSVN đã khoe khoang rằng sau 20 năm đổi mới, họ đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói khi GDP của Việt Nam lên đến 100 tỷ Mỹ Kim/ năm và Lợi tức bình quân đầu người đạt 1.200 Mỹ Kim. Quả là 20 năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi về mặt vật chất, hàng hóa nhiều hơn, cuộc sống người dân tương đối thoải mái. Tuy nhiên, nếu so sánh về trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay với những quốc gia lân bang thì phải nói là còn rất nhiều thua kém, vì lý do là đảng CSVN rất sợ người dân làm ăn và phát triển giỏi hơn đảng, chưa kể đến việc so sánh mức phát triển hiện tại so với tiềm năng của dân tộc NẾU mọi người đều được đóng góp bình đẳng, công bình và tự do phát triển thì Việt Nam còn có thể lớn mạnh tới đâu!
Thật vậy, đảng CSVN không chỉ duy trì sự chủ đạo các công ty quốc doanh để chèn ép tư doanh vươn lên trong phạm vi kinh tế; mà ngay cả trong lãnh vực giáo dục, y tế, nghệ thuật… họ đều tìm cách đặt mọi sự vận hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Khi đảng cầm quyền lo sợ người dân làm việc giỏi hơn mình thì chính quyền đó không phải là chính quyền của dân, vì dân và do dân mà là của một nhóm quyền lực tìm cách khống chế xã hội theo những ý đồ riêng tư. Đây là lý do vì sao đảng CSVN không chấp nhận đa nguyên đa đảng.
Với bản chất yếu kém của lãnh đạo đảng CSVN như vậy, chúng ta đã nhìn thấy ngay kết quả của 10 năm tới sau đại hội XI này. Đó là cho đến năm 2020, nếu đảng CSVN tiếp tục độc quyền thống trị như hiện nay, Việt Nam cũng sẽ loay hoay với chủ trương công nghiệp hóa thêm 10 năm nữa, trên một đất nước phá sản toàn diện do những bất cập hiện nay như nợ công chất chồng, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo cách biệt quá lớn. Ngược lại, nếu phong trào dân chủ tại Việt Nam lớn mạnh, tạo những chuyển đổi dân chủ trong thời gian ngắn trước mặt, Việt Nam có thể đạt được thành quả công nghiệp hóa vào năm 2020 với những phát triển năng động qua sự đóng góp tích cực và đa dạng của người dân.
Là một người giáo điều, ôm cứng chủ nghĩa Mác–Lênin và thuần phục Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng có lên thay Nông Đức Mạnh ghế Tổng bí thư thì cũng sẽ chỉ làm cho tình hình Việt Nam ngày thêm tồi tệ. Vì trong 10 năm tới đây, Trung Quốc sẽ không còn “ẩn mình để chờ thời” mà sẽ bung ra thao túng thiên hạ và nhất là cạnh tranh với Hoa Kỳ trên vùng Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ “ôm lấy” Việt Nam vì là cửa ngõ tỏa ra biển Đông và thọc xuống Đông Nam Á. Trong gọng kềm đó, lãnh đạo đảng CSVN sẽ phải phục vụ quyền lợi Trung Quốc để được bảo hộ. Đây là tai họa cho dân tộc.
Khi thấy tai họa nguy khốn như vậy, chúng ta không nên chờ Hà Nội tự thay đổi mà chính chúng ta phải vùng lên thay đổi. Có như vậy, dân tộc ta có được vận hội mới, tươi sáng hơn những gì mà lãnh đạo đảng CSVN hô hào bằng những câu khẩu hiệu hôm nay.
Trung Điền
13/1/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét