2011/01/14

Khi Công an đánh nhà ngoại giao

Văn Chu

Ngày 5-1-2011, Ông Christian Marchant, tuỳ viên chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bị công an CSVN tại Huế hành hung khi ông này đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, người hiện đang được tạm hoãn thi hành án tù để dưỡng bệnh tại Nhà Chung, Huế.
Theo lời một quan chức giấu tên ở Washington hé lộ chi tiết cho hãng thông tấn AP thì ông Marchant đã bị "đập cánh cửa xe hơi vào chân nhiều lần" trước khi bị chở đi. Tuy nhiên, ông không bị thương và "sẽ sớm hồi phục hoàn toàn".
Linh mục Lý cho rằng những người tấn công ông Marchant là công an. Cha Lý nói ông chứng kiến cảnh ông Christian Marchant bị một nhóm người bao vây, giằng co và ép khiêng lên xe trong tiếng la hét cãi cọ của cả hai bên.
Ông Christian Marchant là người đã được đề cử giải thưởng về Nhân quyền và Dân chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ và sẽ về Washington để nhận giải từ tay Ngoại trưởng Hillary Clinton vào tháng tới.
Một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết là ông Marchant được "tuyên dương vì các đóng góp xuất sắc trong việc gia tăng sự hợp tác để ngăn chận các hành vi tra tấn, giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu đất đai, củng cố cuộc Đối Thoại về Nhân Quyền, thiết kế một lộ đồ về Tự Do Internet và bênh vực các quyền của những nhà đối kháng Việt Nam giữa lúc đang có các cuộc đàn áp rộng lớn đối với quyền tự do ngôn luận”.
Thông cáo báo chí cũng ghi là ông Marchant “là người hỗ trợ đắc lực cho các nhà đối kháng đang bị bao vây tại Việt Nam. Ông nhận làm người liên lạc không mệt mỏi giữa những nhà đối kháng trong tù ngục với gia đình họ và với thế giới bên ngoài”.
Đã có lần ông lấy thân mình đứng chắn giữa một nhóm công an và một nhà đối kháng tại Hà Nội, bà Trần Khải Thanh Thủy, khi ông thấy họ sắp đánh và bắt bà. Ông cũng đã tham dự cuộc xử án tám giáo dân bị kết tội "làm rối loạn trật tự công cộng" vì đã dựng tạm một tượng đài trên phần đất tranh cãi. Dù bị công an cản trở nhưng ông vẫn tiếp tục thăm viếng các linh mục Công Giáo và giáo dân để tìm hiểu tận mắt cách giải quyết của nhà nước đối với vấn đề tranh chấp đất đai tại Hà Nội. Ông cũng hay gặp gỡ gia đình của những nhà đối kháng bị cầm tù và đã nộp những kháng thư liên quan đến việc đối xử tệ hại đối với tù nhân.
Trước việc hành hung nhân viên ngoại giao của mình kể trên, bộ ngoại giao Mỹ đã phản ứng mau lẹ, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, ông Michael Michalak, người vừa kết thúc nhiệm kỳ, nói trong cuộc họp báo chia tay hôm thứ Năm rằng Hoa Kỳ đã gửi lời "phản đối mạnh mẽ" tới chính phủ Việt Nam về vụ việc này. Tại Washington, bộ ngoại giao Mỹ đã triệu tập đại sứ CHXHCN Việt Nam là Lê Công Phụng đến bộ để nghe sự phản đối mạnh mẽ này.
Người ta không khỏi ngạc nhiên tự hỏi lý do gì mà công an lại có thái độ hành xử côn đồ với một nhân viên ngoại giao nước ngoài, bất chấp quy ước ngoại giao quốc tế?
Phải chăng là thái độ tự phát của công an Huế trong lúc thi hành chỉ thị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là phải tuyệt đối bảo đảm ổn định an toàn cho Đại Hội Đảng CSVN kỳ 11? Với cách vận hành kiểm soát chặt chẽ trong hệ thống chế độ, thì đây khó phải là việc làm tự ý của công an Huế mà phải có sự chấp thuận từ cấp cao trung ương, nhất là khi hơn một tuần đã trôi qua, mà Hà Nội vẫn im tiếng không khiển trách hành động sai trái phi ngoại giao đó mà còn đổ lỗi cho ông Mỹ gây rối trước.
Vậy phải chăng Hà Nội muốn dằn mặt Mỹ để khỏi can thiệp quá nhiều vào lãnh vực nhân quyền tại Việt Nam? Trong bối cảnh tình hình bang giao Việt-Mỹ hiện nay, ta không thấy Hà Nội có nhu cầu cố tình tạo nên một sự cố ngoại giao. Hàng năm CSVN có hai kỳ đối thoại nhân quyền với Mỹ và qua đó có nhiều dịp để phản đối, than phiền về sự can thiệp nhiều vào vấn đề nhân quyền, mà không cần phải gây biến cố, nhất là khi họ đang muốn ve vãn Mỹ.
Lý do còn lại là CSVN đang muốn cách ly cha Lý bất chấp tai tiếng ngoại giao. Quả thế, hai ngày sau sự cố nói trên, dân biểu Luke Simpkins của nước Úc cũng dự định tới Nhà Chung thăm cha Lý và Ông cũng đã bị nhân viên an ninh cản trở, với lời cảnh báo của chính bộ ngoại giao tại Hà Nội rằng “họ không bảo đảm an ninh cho tôi nếu tôi vào Huế thăm cha Lý”, theo lời ông dân biểu Úc này. Ngoại trừ bị cản trở khi thăm cha Lý, ông Luke Simpkins sau đó đã được để cho thăm Hội Thánh Chuồng Bò và Hoà Thượng Thích Quảng Độ, là những đối tượng đang bị CSVN trù dập.
Như thế rõ ràng là CSVN đang sợ Cha Lý, một người có những bản lãnh cao cường về đấu tranh bất bạo động, với nhiều kỹ thuật sáng tạo để đẩy cầm quyền trấn áp vào thế tiến thoái lưỡng nan, ví dụ như lời kêu gọi xuống đường mặc áo trắng, vẽ khẩu hiệu “Dân Là Chủ”, kiện lãnh đạo Đảng vì tội bán nước v.v… Bắt Cha Lý trở lại vào tù lúc này, Cha bệnh chết trong tay họ thì cũng khó ăn nói với thế giới, nên họ nhất định phải cách ly kiểu côn đồ bắt tù tại gia. Điều này cũng cho thấy CSVN bắt đầu thấm sợ phong trào Đấu Tranh Bất Bạo Động đang nhanh chóng đâm chồi lan tỏa khắp nơi. Họ sợ vì biết các chế độ độc tài tại Đông Âu và các nước Liên Xô cũ đã xem thường đấu tranh bất bạo động ở giai đoạn khởi đầu thế nào và đã lãnh hậu quả ở đoạn kết ra sao. Họ sợ và mất sự tự tin rằng mình có lẽ phải, đến độ phải dở thói côn đồ làm càng bất chấp lý lẽ biện minh. Đến độ không cần phải che dấu bản chất độc tài tham quyền cố vị của mình mà huỵch toẹt nói thẳng với công cụ bạo lực bảo vệ mình rằng “Công An Còn Đảng Còn Mình”! Không cần nhân dân, không cần núp sau mỹ từ giả dối “Công An Nhân Dân” như từ trước đến nay.
Trước sự kiện trên người ta không khỏi đặt ra câu hỏi là có thật là Còn Đảng thì mới còn Công An không? Ta còn nhớ công an Nguyễn Minh Tân trong lúc cúc cung tận tụy bảo vệ Đảng, đã bịt mồm cha Lý trong phiên tòa, chặn họng không cho Cha thốt lên lời lên án Đảng, và hành động đó đã bị chụp quả tang trong một bức hình lịch sử. Trước áp lực lên án của dư luận thế giới làm Đảng mất mặt, công an Tân bị đem ra làm dê tế thần để cho cấp trên đổ lỗi. Đúng là ra sức cho Còn Đảng nhưng chẳng còn mình!
Trong khi đó, kinh nghiệm các nước Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô cho thấy khi Đảng CS tan rã, đại đa số công an vẫn được lưu nhiệm để phục vụ bảo vệ nhân dân một cách thật đúng nghĩa, ngoại trừ những cấp lãnh đạo của họ phải mất chức về vườn hay ra tòa để trả lời trước công lý về những tội ác của mình khi quá tay với nhân dân trong lúc ra sức tận tụy bảo vệ Đảng.
Hy vọng những công an Việt Nam đang tin rằng còn Đảng còn mình, sẽ sớm nhận ra rằng cứ tiếp tục tận tụy hăng say bảo vệ Đảng, sẽ có ngày như Nguyễn Minh Tân mà thành Cứu Đảng Còng Mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét