2011/01/14

Từ Tây Nguyên Đến Đại Hội Đảng lần thứ…

Thái Nguyễn

Trong những ngày đầu năm này, đi đâu người ta cũng thấy băng rôn và khẩu hiệu treo đầy đường, đầy tường, đầy cây, đầy cột, màu đỏ chót; đâu đâu cũng thấy toàn là “Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ...”. Cả nước phủ đầy một màu “lễ hội đỏ”. Bất chợt, tôi tự hỏi, thế còn cái dự án Bôxit “khả thi” kia, nó đang triển khai ồ ạt - bất chấp những lời can ngăn của các nhà khoa học, trí thức, đông đảo tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề về quân sự, văn hóa, kinh tế..., của cả dân tộc Việt Nam nói chung, và bất chấp nỗi thống khổ của người dân Tây Nguyên nói riêng vì bị dồn vào bước đường cùng - có lập được nhiều “thành tích” để kịp dâng lên Đại hội Đảng kỳ này hay không? Hỏi thì cũng để mà hỏi cho “đau lòng con quốc quốc” thế thôi, cũng như khẩu hiệu chỉ để trưng cho “rác” mắt và tốn tiền của dân nghèo, chứ ai lại ngây thơ, ngờ nghệch quá mức đi tin vào mấy cái băng rôn, khẩu hiệu của mấy ông Đảng và Nhà nước trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay. Giống như chuyện bầu bán nguyên thủ quốc gia trong kỳ đại hội sắp tới này là chuyện của mấy ông cầm quyền trên cao, vừa lăm le, vừa cầm chắc tay súng, vừa nói chuyện Việt Nam tôn trọng nhân quyền, Việt Nam phát triển kinh tế vững mạnh, Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc..., chứ đâu phải là chuyện của quần chúng nhân dân tay không tấc sắt, suốt đời “côi cút làm ăn, toàn lo nghèo khó” thì làm gì có búa, có liềm mà cầm?

JPEG - 32.6 kbCác ngôi nhà tan hoang vì chủ đã bị đuổi đi. Ảnh: Thái Nguyễn
Tôi vừa có chuyến đi du ngoạn ở Tây Nguyên về. Lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa trong tim khi nhìn thấy hàng trăm khu nhà nơi đây tan hoang. Cả hàng chục cây số không có một bóng người. Ra đến tận đầu đường, mới nhìn thấy lác đác vài ba hộ dân còn ở lại để bám giữ cái cổng chào to đùng cách mạng: “Quyết tâm giữ vững danh hiệu thôn văn hóa”. Ai? Ai đã đuổi dân lành đi khỏi vùng đất đã gắn bó với cơ nghiệp từ bao đời nay của họ, để còn lại một số người “ngoan cố” còn giữ vững quyết tâm để xây dựng thôn văn hóa, như quyết tâm của cả dân tộc ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ trước đây? Riêng câu hỏi này thì không rơi tõm vào thinh không đâu nhá, và ai cũng có thể trả lời vanh vách nếu được hỏi.
JPEG - 30.8 kbCông an canh gác các lối vào dự án các biển cấm quay phim chụp hình xung quanh nhà máy Tân Rai Ảnh: Thái Nguyễn
Tôi lại đi lảng vảng vào khu vực khai thác dự án. Nếu đường đường chính chính mà đi, thì đến tận thế, may chi mới được vào. Lòng tôi thắt nghẹn khi nghĩ rằng, trên đất của quê hương mình, người dân phải sống như một kẻ lưu vong. Chao ôi, mật độ công an ở đây dày đặc, sẵn sàng tịch thu máy ảnh của bạn vì đã có quy định cấm quay phim, cấm chụp hình (dự án khả thi, khỉ tha gì mà lén lén, lút lút thế không biết). Còn nếu bạn chỉ cần có một hành động tỏ ra “khác thường” thì... có Chúa mới biết được mọi chuyện. Và, công an ở đây, dù vị trí địa lí, địa hình có hiểm trở bao nhiêu đi chăng nữa, dù khó khăn chồng chất khó khăn, thì họ vẫn “hoàn thành rất xuất sắc” nhiệm vụ được giao, là không để dân ở đây biểu tình, “quan tâm” đặc biệt đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân, canh phòng cẩn mật khu dự án, đồng thời đảm bảo an ninh cho “quân” Tàu ở đây. Nhưng nếu bạn quan tâm, rốt cuộc, bọn Tàu đổ bộ vào đây có đông không thì đi mà hỏi người dân địa phương cho nó nhanh. Đừng có tưởng là người dân địa phương ở đây không biết tí gì nhé. Họ biết đủ chuyện mà cánh nhà báo “lề phải” ở ta chưa chắc đã biết, mà nếu biết thì cũng còn lâu mới dám đưa tin, ví dụ như chuyện bọn Tàu đi làm lúc nào cũng có ô tô đưa đón hẳn hoi và chúng hiếm khi mới đi lẻ tẻ, hay chuyện bọn chúng chơi gái như điên nhưng vẫn được pháp luật nước ta bảo vệ hẳn hoi chứ không phải như chuyện ông Cù Huy Hà Vũ gặp bạn trong khách sạn rồi bị tra hỏi, bị khám nhà, lại còn bị bắt giam vì tội lật đổ chính quyền nhân dân đâu nhé! Cần phân biệt sự khác nhau này của dân ta với “quân” Tàu để khỏi “bị” ngạc nhiên. Sống ở đâu phải quen với môi trường ở đó. Đừng có “dại dột” thắc mắc mà rước họa vào thân, khổ mình, thêm khổ người !!!
JPEG - 19 kbToàn cảnh cái được gọi là “hồ chứa bùn đỏ” ở Tân Rai. Ảnh:Thái Nguyễn
“Miệng kẻ sang có gang có thép”, còn “miệng” của “nhà khó” thì “vừa nhọ vừa thâm”. Miệng nào mà chẳng là miệng. Nhịn cái gì còn dễ, chứ ai lại đi nhịn... miệng bao giờ. Thế nên, mới có chuyện khẩu hiệu: “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Người dân ở đây “biết” là biết rằng, hàng trăm nghìn hécta đất của họ bị nhà nước cộng sản cưỡng chiếm trắng trợn để đẻ ra cái dự án bauxite Tây Nguyên vừa ngu xuẩn lại vừa nguy hại kia.
Họ cũng biết rằng, tương lai con em của họ sẽ không còn những ngày gọi nhau í ới vui vẻ mỗi ngày trên nương rẫy. Cả nền văn hóa của Tây Nguyên rồi sẽ bị chà đạp, hủy diệt không thương tiếc. Họ biết, rồi đây, “lệnh tập trung” của Đảng và Nhà nước sẽ “dồn” họ về vùng trũng của khu dân cư đầy lau lách, sát bên cạnh mấy cái hồ chứa chất thải bùn đỏ độc hại cạn hơn cả ao tù nước đọng, có nguy cơ tràn và tàn phá lan rộng không biết đến đâu, nhưng mỗi 6lần lên ti vi hay lên mặt báo thì thay mặt nhân dân, Đảng và Nhà nước lúc nào cũng xoen xoét: “công nghệ... của ta tốt hơn, hiện đại hơn công nghệ của Hunggari”. Lạ! Cứ mở mồm ra toàn những thứ vừa đen, vừa bốc mùi như: giai cấp tư bản đang giãy chết, vật chất quyết định ý thức, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, dân tộc anh hùng, thủ đô văn hiến..., kiểu như “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ. Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng Mỹ”. Đã biết thì phải “bàn” bạc. Rồi người dân bàn nhau thu hoạch nốt vụ cà phê, chè lần cuối cùng mà nước mắt rơi lã chả như từng giọt mồ hôi, như biết bao giọt mồ hôi và máu họ đã đổ xuống nơi đây để ngày ngày cho ta, những người sành thưởng thức đồ ăn, thức uống trầm trồ khen ngợi, hương cà phê thơm, vị chè ngon ngọt của vùng đất Tây Nguyên. Rồi họ bàn nhau về lại quê cũ tìm kế sinh nhai hay xuống Sài Gòn bắt đầu một cuộc sống mới. Những người dân tộc thì ngơ ngác chưa biết đi đâu. Đủ thứ đề tài mà dân ở đây đưa ra bàn luận. Tôi ghé vào một quán nước bên đường. Có nhiều người dân ở đây kể cho tôi nghe rằng, trước khi hàng trăm hộ dân sống ở đây phải bỏ làng mà đi, họ ngậm ngùi “kiểm tra” lại mọi đồ đạc tư trang của mình, rồi cứ thế tiến lên hàng đầu. Tiến lên hàng đầu, dù không biết đi về đâu nhưng vẫn cứ phải tiến lên hàng đầu. Đó là một vài đơn cử nhỏ về việc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra mà tôi có dịp chứng kiến khi đến Tây Nguyên. Còn nhà nước 4000 năm văn hiến này, dĩ nhiên là của dân, do dân và vì dân rồi. Đại hội nào mà chẳng ra rả, nghe đinh tai nhức óc chuyện Đảng và Nhà nước lo cho dân, lo cho nước, trồng cây gì, nuôi con gì..., tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo phát triển như ông Nguyễn Thiện Nhân huyênh hoang, bịp bợm trong ngày lễ bế mạc tại Đại hội Công giáo hành hương La Vang vừa rồi.
7Buổi chiều, trước khi rời Tây Nguyên, tôi đi lang thang qua những đồi tiêu, những vườn điều của người dân đã bỏ lại nơi đây. Tôi nhìn những đồi cà phê vào mùa thu hoạch chi chít, trĩu nặng trái chín, đỏ cả cây mà người dân phải thu hoạch chóng vánh, dù vụ mùa năm nay rất bội thu. Nhìn những đồi chè xanh trải dài ngút ngàn trước mắt tôi. Nhìn các em học sinh hồn nhiên cười vui trên đường đi học về. Nhìn cái nhà máy mọc lên nham nhở và quá nguy hiểm, treo lủng lẳng giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Bất chợt, lòng tôi vang vọng hai câu thơ đã lâu lắm rồi của thi sĩ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ Đất nước: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu. Giây thép gai đâm nát trời chiều...”
Quê hương, ngày 11 tháng 01 năm 2011
Thái Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét