2011/01/27

Tại sao Hồ Cẩm Đào xuống giọng?

Đoàn Hùng

Trước khi viếng thăm Hoa Kỳ trong 4 ngày từ ngày 18 đến 21 tháng 1 năm 2011, Bắc Kinh đã gây ra hàng loạt những hành động có vẻ coi thường công luận thế giới, khác với điều mà ông Đặng Tiểu Bình đã dặn dò vào năm 1990 là Trung Quốc phải luôn luôn theo đuổi chính sách “Thao Quang Dưỡng Hối” cho đến năm 2025. Đó là chính sách “ẩn mình – chờ thời” với các đặc điểm mà họ Đặng đã nói với ông Giang Trạch Dân và Lý Bằng: phải bình tĩnh quan sát, bình tĩnh đối phó, che giấu khả năng, chờ đợi thời thế, duy trì ẩn mình và không bao giờ nắm vị trí dẫn đầu. Cụ thể là không nên đi trước Mỹ. Có lẽ ông Hồ Cẩm Đào không nghe trực tiếp lời dặn nói trên của họ Đặng nên dưới triều đại của ông và nhất là trong hai năm 2009 và 2010, đã có một số hành xử theo kiểu thách thức thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng:
Thứ nhất là Bắc Kinh đã hung hãn tấn công Ủy ban Nobel Hòa Bình Na Uy khi Ủy ban này chọn nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba để trao giải trong lúc bị Bắc Kinh kết án và bỏ tù 11 năm vì đã soạn thảo và công bố bản Hiến Chương 2008 đòi tự do dân chủ cho nhân dân Trung Quốc. Không chỉ chống đối suông, Bắc Kinh còn lôi kéo hơn 10 quốc gia tẩy chay không cử đại diện tham dự buổi lễ trao giải cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba tại Thủ đô Oslo. Đồng thời Bắc Kinh còn vội vã lập ra giải Hoà Bình Khổng Tử và trao cho ông Liên Chiến, một thủ lãnh của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan để gián tiếp phủ nhận giải Nobel Hòa Bình.
Thứ hai là Bắc Kinh đã cho công bố kết quả chế tạo thành công đầu đạn nguyên tử mang tên Đông Phong 21D có khả năng tấn công các chiến hạm và nhất là các Hàng không mẫu hạm. Hoa Kỳ đã gọi đây là đầu đạn “sát thủ tàu sân bay”. Với sự chế tạo thành công đầu đạn nguyên tử này, Trung Quốc đã có khả năng tấn công các Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ ở từ xa và rất khó cho Hoa Kỳ phòng thủ khi bị tấn công.
Thứ ba là Bắc Kinh vừa cho bay thử một loại máy bay tàng hình J 20. Đây là loại máy bay giống y hệt máy bay tiêm kích F22 của Hoa Kỳ. Việc sản xuất thành công máy bay J 20, loại máy có khả năng tấn công chớp nhoáng vào các mục tiêu chiến lược, đã làm cho Hoa Kỳ quan ngại. Hoa Kỳ lo ngại không phải vì Trung Quốc chế tạo được máy bay tàng hình mà là qua sự kiện này, Trung Quốc hiện còn giữ kín bao nhiêu loại vũ khí mà họ đã nghiên cứu hay đánh cắp từ phương Tây. Điều này đã đặt cho Hoa Kỳ và một số quốc gia phải quan tâm theo dõi về khả năng nghiên cứu và ăn cắp các vũ khí chiến lược của Bắc Kinh trong 10 năm tới.
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc 2 ngày từ 11 đến 12 tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã biết được tin Bắc Kinh cho thử máy bay tàng hình J 20. Thế nhưng khi ông Gates hỏi ông Hồ Cẩm Đào là đã có hay biết gì về vụ thử nghiệm máy bay J 20, thì ông Hồ Cẩm Đào đã trả lời rằng ông ta không biết và không được báo cáo về các cuộc thực tập quân sự. Ông Robert Gates tỏ ra nghi ngờ về câu trả lời của họ Hồ vì ông Hồ Cẩm Đào không chỉ là Chủ tịch nước, Tổng bí thư đảng mà còn là Bí thư quân ủy trung ương. Chính phản ứng bất thường nói trên của họ Hồ, đa số dư luận Hoa Kỳ đã cho rằng Bắc Kinh không thành thật trong các quan hệ với Mỹ, luôn luôn tìm cách che dấu, giữ bí mật để qua mặt Hoa Kỳ.
Với tâm lý nói trên, Hoa Kỳ đã đón ông Hồ Cẩm Đào trong tâm trạng “không vui” và có những phát biểu dằn mặt trước khi họ Hồ đến Mỹ. Bà Hillary Clinton đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ không hài lòng về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đã chỉ trích mạnh mẽ về những vi phạm nhân quyền, vụ kiềm chế không chịu tăng hối xuất đồng nhân dân tệ, vụ không tích cực kiểm soát về bản quyền của một số công ty Mỹ như GE, Boeing, Microsoft vân, vân… Người ta chờ đợi là phái đoàn Trung Quốc do ông Hồ Cẩm Đào dẫn đầu khi đến Mỹ sẽ có những thái độ hung hăng và bất chấp các chỉ trích từ phía chính phủ Mỹ. Dư luận chung cũng nghĩ rằng hai phía sẽ có những đụng độ lớn trên mặt quan điểm về quốc phòng, kinh tế và nhân quyền vì Hồ Cẩm Đào muốn chứng tỏ mình ở thế mạnh trong lần gặp gỡ sau cùng, trước khi giã từ quyền lực vào năm 2012.
Tuy nhiên mọi diễn tiến đã xảy ra trái ngược. Phía Hoa Kỳ, Tổng thống Obama tuy vẫn giữ thái độ thẳng thắn qua các phát biểu về hồ sơ nhân quyền, tiền tệ và Tây Tạng; nhưng đã dành một nghi thức đón tiếp rất long trọng dành cho ông Hồ Cầm Đào. Phía Trung Quốc, Hồ Cầm Đào đã xuống giọng và lần đầu tiên thú nhận rằng Bắc Kinh phải xem lại vấn đề nhân quyền. Hai chữ nhân quyền xưa nay là điều cấm kỵ đối với Trung Quốc nhưng lần đầu tiên ông Hồ Cầm Đào nhắc đến và nói rằng đó là những thiếu sót mà chính phủ ông chưa làm đủ. Ngoài ra, trong lần thăm viếng này, ông Hồ Cẩm Đào đã mang đến một món quà rất lớn cho Tổng thống Obama khi Bắc Kinh ký với các công ty Mỹ một số hợp đồng lên đến 45 tỷ Mỹ Kim, tạo ra khoảng 250 ngàn công ăn việc làm tại Hoa Kỳ.
Tại sao ông Hồ Cầm Đào xuống giọng?
Thứ nhất là Thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc đã phải lượng định lại cách ứng xử của họ trong hai năm vừa qua trước khi họ Hồ đến Mỹ. Nếu tiếp tục hung hăng với Mỹ có thể sẽ bị cô lập cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng vùng Đông Á trong lúc chuẩn bị thay đổi lãnh đạo từ Hồ Cẩm Đào qua Tập Cận Bình vào năm 2012 nên Bắc Kinh đã yêu cầu họ Hồ phải xuống giọng. Mặc dù Tập Cận Bình đang là phó chủ tịch nước kiêm phó chủ tịch quân ủy trung ương nhưng tên tuổi chưa được thế giới biết đến và không có nhiều kinh nghiệm cầm quyền. Do đó nếu xảy ra những xung đột với Hoa Kỳ, bất lợi sẽ nằm về phía Bắc Kinh và có thể dẫn đến hậu quả là rối loạn ở Hoa Lục.
Thứ hai là tuy Trung Quốc phô diễn tiềm năng chế tạo một số vũ khí chiến lược nhưng khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc còn thua xa Hoa Kỳ cỡ 30 năm. Đó là chưa nói đến sự hợp lực “bao vây” của Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan - những đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ khi xảy ra cuộc chiến toàn diện. Chính vì nhìn thấy viễn cảnh đen tối nếu tiếp tục hung hăng với Mỹ, Bắc Kinh đã phải yêu cầu họ Hồ dừng lại những thái độ thù nghịch trước khi quá trễ.
Tuy nhiên, như lời dặn của họ Đặng là “ẩn mình - chờ thời”, sự xuống giọng của Hồ Cẩm Đào chỉ là chiến thuật giai đoạn đối với Mỹ trong lúc này mà thôi. Với tham vọng bá quyền của dân tộc Đại Hán, Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách bành trướng để trước mắt là loại các ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi vùng Á Châu Thái Bình Dương và kế đến là tóm thu thiên hạ vào trong tay.
Trung Quốc có thành công trong tham vọng nói trên hay không chưa biết, nhưng các bước đi của Bắc Kinh hiện nay chắc chắn ảnh hưởng lên sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nuớc chúng ta khi họ được sự tiếp tay của nhóm Lê Chiếu Thống trong đảng CSVN. Do đó, chúng ta phải luôn cảnh giác mọi hành xử của Trung Quốc và tích cực tham gia vào cao trào dân chủ hóa để giành lại quyền làm chủ đất nước thật sự thì mới ngăn chận được hiểm họa Bắc thuộc lần thứ V.
Đoàn Hùng
Ngày 26/1/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét