2011/01/21

Vẫn cố tuyên truyền Tư Bản giãy chết

Ngô Thiện Khải

Có lẽ để chuẩn bị cho mấy cái “kiên định” trong đại hội đảng XI, trong đó có sự kiên định “tiếp tục nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, dưới đề tựa “Năm 2010: Chủ nghĩa tư bản tiếp tục sụp đổ”, (*) báo điện tử Đảng CSVN ngày 29 tháng 12 đã làm một bản tổng kết cuối năm với nội dung vẽ lên chủ nghĩa tư bản (CNTB) đang sụp đổ vì đủ thứ khủng hoảng. Người đọc bài này không khỏi có cảm giác đang chứng kiến một cảnh tượng u ám, tan tác của buổi chợ về chiều của nền kinh tế tư bản từ Âu sang Á, nhưng chủ yếu là Mỹ. Bài báo với xuất xứ mơ hồ là ’mạng thông tin trực tuyến châu Âu’, viện dẫn đôi ba vấn đề thời sự lớn trên thế giới để dự đoán về “sự tan vỡ khó có thể cứu vãn được của Liên Hiệp Âu châu”, cũng như “hy vọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị ’chìm xuồng"’, và “những thông tin mà Wikileaks tiết lộ còn khích lệ cho các phong trào phản kháng trỗi dậy”... Tóm lại, Mỹ, Âu, Hàn, v.v… đang dãy chết và... phải chết tới nơi!
Nếu không đọc ngày tháng, người đọc không khỏi có ý nghĩ đây là một bài viết trong men chiến thắng từ hơn 30 năm trước, khi CSVN vừa thôn tính toàn bộ bán đảo Đông Dương và chủ nghĩa cộng sản (CBCS) rầm rộ thắng thế khắp châu Phi và châu Mỹ La-tinh. Với những chi tiết thiếu vắng dữ kiện và con số cụ thể, nhưng nặng tính xã hội và nồng nặc mùi chính trị, bài này có lẽ là sản phẩm của một Đảng viên nếu chưa đến tuổi lẩm cẩm thì ắt cũng là người đã quá quen nếp nghĩ của một nền thông tin bưng bít trong một hệ giáo dục tuyên truyền một chiều, và nay vẫn đang quả quyết “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ và Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” (dù rằng Liên Xô đã xụp đổ ), nhưng lại quên câu nói:“Thực tiễn là thước đo kiểm định mọi giá trị của chân lý” của Lênin . Vì rõ ràng cả bài báo đều cho thấy tham vọng “cố nói lấy được” để biện minh cho con đường cộng sản sai lầm; để tiếp tục bịt mắt quần chúng và tập thể đảng viên về một thực tế đã quá hiển nhiên trên cả trái đất; một thực tế đã khiến nhiều đảng viên, trong đó có những người đã từng là thành viên của bộ chính trị hoặc trung ương đảng, lên tiếng kêu gọi cải cách và huỷ bỏ nền kinh tế tập trung theo kiểu xã hội XHCN, vốn đã thất bại hoàn toàn, và đã bị nhân loại đào thải ngay từ khi nó tưởng đã leo được tới đỉnh cao trí tuệ loài người.

Không thấy tác giả giải thích lý do tại sao nếu CNTB đang sụp đổ mà thầy trò Trung Cộng và Việt Cộng lại nối đuôi nhau gia nhập thị trường quốc tế của đám tư bản dãy chết, lại theo nhau mở cửa kêu mời tư bản Âu Mỹ đầu tư, để cùng nhau hồ hỡi làm kinh tế thị trường trong mô hình được đảng sáng tạo thêm cái đuôi XHCN. Tác giả đề cập về nạn thất nghiệp ’phi mã’ và xem đó là sự thất bại của CNTB, thì đúng một tuần sau, nước XHCN anh em Cuba, nước ở tuyến đầu hiên ngang chống lại nền kinh tế thị trường, lẳng lặng sa thải nửa triệu công nhân viên nhà nước, đồng thời xoá bỏ hạn chế trên doanh nghiệp tư nhân, như một lời thú nhận mô hình kinh tế quốc doanh đã phá sản, tuy cố biện minh là vẫn xây dựng CNXH. Mà thực ra thì trước đó không lâu chính lãnh tụ râu xồm Fidel Castro của xứ Cuba XHCN cũng đã than thở kinh tế XHCN thất bại ở nước ông.
Tuy các nước tư bản tại Âu Mỹ đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 không phải là lần đầu, và trong lịch sử cận đại các cuộc khủng hoảng rồi cũng đi qua trong nền kinh tế dựa trên căn bản của cấu trúc hạ tầng vững chắc, của dân chủ pháp trị bình đẳng, và của nguyên tắc tư hữu. Chính vì dựa vào những nguyên tắc đó mà nền kinh tế của các quốc gia tây phương phát triển đồng thời với những tiến bộ về xã hội. Trong khi đó những nước theo phe XHCN đều là nghèo đói, chậm phát triển, khổ hết đời nọ sang đời kia; để cuối cùng hoặc là phải vứt bỏ cái gọi là XHCN để ngóc đầu lên được, hoặc là tiếp tục nghèo đói nếu vẫn miễn cưỡng đi theo nền kinh tế định hướng sai lạc như Đảng CSVN đang cố bám víu.
Tại những quốc gia dân chủ, các khó khăn hay thất bại về kinh tế không thể bị khoả lấp, hay bị lờ đi. Nhờ vậy có thể được sửa chữa với sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp trong xã hội. Trái lại, trong một nước độc tài, ngay cả khi những thất bại bị phanh phui, bị nhiều người lên tiếng chỉ trích, nhưng nhà nước vẫn cứ ung dung tiếp tục “đường ta ta đi”. Cùng lắm là có vài con dê tế thần, hay lãnh đạo “nhận khuyết điểm” qua quýt cho xong, thì cơ nguy lập lại lỗi lầm sẽ tăng lên mãi.
Bên cạnh đó, chỉ có cơ chế dân chủ đa nguyên mới có thể tạo điều kiện để thay đổi một nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ được xã hội giao cho, hay không có khả năng lãnh đạo. Nhiều thí dụ điển hình tại các nước Tây phương cho thấy, sự thay đổi toàn bộ một nội các chính phủ, hay quyền hành pháp được trao cho một đảng khác với bộ máy nhân sự khác, hoặc khi có đề nghị cải cách triệt để trong chính sách, cũng đủ đem lại tự tin và phấn khởi cho toàn xã hội, để từ đó dần dần khắc phục những khó khăn nhất thời và rồi tìm lại được thế phát triển.
Tóm lại, bài viết về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản trong báo Đảng nêu trên thêm một lấn nữa cho thấy sự u tối của lãnh đạo đảng trong thời buổi thông tin không còn dễ dàng bị bưng bít như mấy chục năm trước. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, có lẽ họ không còn là những con ếch ngồi đáy giếng, và có thể họ cũng biết chẳng ai trong bọn họ nhận thức và biết được XHCN là cái gì, như thế nào;...(**) Việt Nam vì giả vờ đi theo cái mục tiêu ảo đó mà thực trạng hiện nay đang ra sao; nhưng họ vẫn phải cố nói lấy được rằng “XHCN là ưu việt, còn tư bản chủ nghĩa đang dãy chết “, vì mục tiêu của họ là cố bảo vệ chế độ và chiếc ghế của họ, chứ không phải là thực hiện những khẩu hiệu vốn không đi vào thực tế, như “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng , văn minh, v.v...”, mà họ đã từng rêu rao từ hàng chục năm nay.
Ghi chú:
(*) http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30257&cn_id=440760
(**) Trong bài “Phấn đấu ký số 33: Nói chuyện trực tiếp với ’lực lượng thù địch”. Blogger Tô Hải đã vạch ra sự mâu thuẫn và khôi hài trong nhận thức về XHCN của những người trong hàng ngũ cán bộ cao cấp trong đại hội đảng XI như sau: “Mà cái tớ phát hiện vô cùng quan trọng đó là: NHẬN THỨC VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI HIỆN NAY Ở NGAY CÁC VỊ CÓ QUYỀN LỰC CAO CŨNG CHƯA THỐNG NHẤT! Thế có chết không cơ chứ!
Chỉ cần nêu ra hai quan niệm giữa hai ông Võ Hông Phúc, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê hữu Nghĩa, Giám đốc Viện Chính Trị Quốc gia Hồ Chí Minh, thì thấy hai quan niệm xã hội chủ nghĩa là cái gì? là thế nào? Nó khác nhau hoàn toàn như nước với lửa.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét