2011/01/21

Tiến thoái lưỡng nan trong nền kinh tế Trung Quốc

Ngô Văn

Nhìn vào nền kinh tế của Trung quốc hiện nay, nếu chỉ đọc những con số được công bố, thì ai cũng phải thừa nhận rằng nền kinh tế này ngày càng phát triển mạnh. Khó có nước nào có mức tăng trưởng từ 7% đến 10% trong suốt 2 thập niên liền. Theo các con số do Bắc Kinh công bố tháng 8 năm 2010 thì sản lượng kinh tế hàng năm của Trung quốc (GDP) đã đạt đến 1330 tỷ mỹ kim, tăng 8,3% so với năm trước. Con số này cũng vượt qua mặt Nhật Bản - chỉ tới 1280 tỷ mỹ kim - để đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Có người còn cho rằng cứ theo đà này thì trong vòng 15 đến 20 năm nữa Trung Quốc sẽ đứng đầu thế giới về kinh tế.
Thế nhưng trong mấy năm gần đây nhiều kinh tế gia nổi tiếng thế giới lại bắt đầu so sánh Trung Quốc hôm nay với thời cực thịnh của Nhật Bản thời thập niên 1980. Họ còn quả quyết rằng kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy thoái vì những trái bom nổ chậm và nổ chùm trong cả guồng máy kinh tế mà Bắc Kinh không có cách nào tháo gỡ. Cách chống đỡ duy nhất của họ là tìm cách làm chậm lại ngày phát nổ.
Chỉ dấu đầu tiên nổi lên bề mặt là nạn lạm phát. Dù nắm độc quyền truyền thông, Bắc Kinh đã không còn dấu giếm được thực tế lạm phát quá mạnh trong năm 2010. Nhiều mặt hàng nhu yếu tăng đến 31% so với cùng thời kỳ năm trước (2009). Một thí dụ điển hình mà người Trung Quốc ai cũng biết là hình ảnh dân chúng chạy tứ tán mua trữ dầu ăn (dầu thảo mộc dùng để nấu nướng) vì giá dầu tiếp tục tăng nhanh suốt từ đầu năm 2010.
Giữa tháng 10/2010, trong Đại hội Trung ương đảng Cộng sản Trung quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chánh Trung ương đảng là bà Ngô Hiểu Linh không chỉ thừa nhận tình trạng lạm phát mà còn chỉ ra nguyên nhân. Bà nói: “Chúng ta đang gặp tình trạng lạm phát rất nặng mà một trong những nguyên nhân chính là do việc phát hành tiền tệ quá nhiều để tung vào thị trường nhằm phát triển kinh tế theo con đường tắt.”
Nói như vậy không có nghĩa là bà Linh và các cố vấn kinh tế cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo không biết. Họ quá rõ qui luật phát hành tiền nhanh hơn vận tốc gia tăng sản xuất chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát, nhưng không có chọn lựa nào khác, vì duy trì độc quyền cai trị của Đảng CSTQ luôn là mục tiêu tối thượng.
Để đảm bảo mục tiêu tối thượng đó, nhà nước Trung Quốc phải tìm mọi cách duy trì số công ăn việc làm cho hơn 800 triệu nhân công hiện có, và hàng chục triệu nhân công tới tuổi lao động mỗi năm. Khi các động cơ lý tưởng đã biến mất cùng với sự đào thải chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới và với kinh nghiệm quá thương đau của những thập niên xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa dưới thời Mao Trạch Đông, các lãnh tụ Bắc Kinh ngày nay biết rõ lý do duy nhất còn lại để biện minh cho chế độ độc tài hiện hữu là cung cấp quyền lợi kinh tế. Ngày nào dân chúng thiếu công ăn việc làm, ngày ấy chiếc ghế cầm quyền bắt đầu lung lay vì không lý do để người dân tiếp tục chịu đựng nữa.
Nhưng trong suốt năm 2010, hầu như mọi nước phát triển lẫn đang phát triển từ Tây sang Đông đều phản đối kịch liệt hiện tượng Bắc Kinh cố tình giữ giá trị đồng nhân dân tệ thấp. Mục tiêu là để hàng hóa Trung Quốc rẻ, dễ xuất cảng, và đè bẹp hàng sản xuất ở các nơi khác. Thế giới cho đó là tình trạng cạnh tranh không công bằng và vi phạm các hiệp ước với Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Họ hăm dọa sẽ phản công bằng nhiều cách. Trước tình trạng một trận chiến mậu dịch có thể nổ lớn, Bắc Kinh đành chấp nhận tăng giá trị đồng nhân dân tệ, tuy làm bằng nhiều đợt. Hàng xuất cảng của Trung Quốc do đó tăng giá thành và số người mua giảm bớt. Cùng lúc đó, tình hình kinh tế toàn cầu bắt đầu chậm lại tại Mỹ năm 2008, tại Âu năm 2009, và toàn cầu năm 2010. Tại các nước này, số lượng hàng nhập từ Trung Quốc đã giảm dần. Một yếu tố phụ khác là tin tức và hình ảnh về mức nguy hại, mất vệ sinh của thực phẩm sản xuất tại Trung Quốc đang lan tràn khắp thế giới, khiến giới tiêu thụ né tránh. Hệ quả tổng hợp là một số đông người lao động tại Trung Quốc đã mất việc và chiều hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nhiều triệu người đã hết hy vọng kiếm việc tại các khu thành thị, lên đường về lại ruộng rẫy.
Trước tình hình đó, nhà nước Bắc Kinh cho tung vào nền kinh tế 800 tỉ mỹ kim với hy vọng “kích hoạt” các hãng xưởng loại nhỏ và giới tiêu thụ nội địa để duy trì số công ăn việc làm, cùng lúc chấp nhận một mức lạm phát vừa phải. Tuy nhiên, với guồng máy cán bộ đầy tham nhũng, hầu hết số tiền “để cho dân vay” đó lại trở thành tiền làm ăn của các gia đình cán bộ trung và cao cấp. Từ đó, nhiều loại “bong bóng đầu tư” nổi lên. Có lẽ điển hình cho kiểu đầu tư sai chỗ trong 2 năm qua là cơn dịch cán bộ mượn tiền nhà nước đi trồng tỏi vì tiên đoán sẽ thiếu tỏi trầm trọng trong mùa cúm. Nhưng cái bong bóng phình to hơn cả vẫn là lãnh vực đầu tư địa ốc. Hầu hết dân chúng không còn khả năng cạnh tranh trong lãnh vực này, vì nay chỉ còn các hệ thống làm ăn của gia đình các cán bộ cấp trung và cao mới có thể với tới các ngân hàng nhà nước để tiếp tục vay các món nợ khổng lồ. Điều lạ và khác với giới đầu tư Tây phương là bong bóng địa ốc càng to, giới cán bộ lại càng an tâm và tin là nhà nước không dám để bong bóng bể. Sự có mặt của gia đình các quan chức thượng tầng cũng góp phần gia tăng sự tự tin ấy.
Kết quả là mức lạm phát gia tăng nhanh khi cơn lũ 800 tỉ mỹ kim tràn vào thị trường, nhưng số công ăn việc làm lại không tạo thêm được là bao vì hầu hết số tiền bị kéo vào sai chỗ, để mặc cho tình trạng lạm phát hiện nay tiếp tục gia tăng sẽ dẫn đến bất ổn chính trị vì dân nghèo khó sống. Đặc biệt là những bức xúc về khoảng cách giàu nghèo sẽ bùng nổ trong xã hội. Hầu hết của cải toàn quốc hiện nay dồn vào cho giai cấp tư bản đỏ chỉ bằng 4,7% dân số. Nếu so mức thu nhập trung bình của giai cấp này với đại khối dân chúng còn lại, con số lên đến 70 lần ở Thượng Hải, 74 lần ở Quảng Châu. Nơi có mức bất công thấp nhất như tỉnh Trọng Khánh thì con số vẫn ở mức 27 lần. Có thể nói sự uất hận của đại khối dân chúng Trung Quốc là một bong bóng khác nữa đang lớn dần và dễ nổ.
Nhưng ngược lại, nếu lãnh đạo Bắc Kinh muốn giảm mức lạm phát hiện nay bằng cách siết lại chính sách tiền tệ, giảm số tiền lưu hành, kiểm soát giá cả, và nhất là thu lại một số lớn tiền cho vay, cái giá họ phải trả là chắc chắn một số bong bóng kinh tế sẽ nổ, đặc biệt là cái bong bóng địa ốc. Khi một vài hay nhiều bong bóng này bùng vỡ, trước hết chính gia đình các quan chức thượng tầng bị thiệt hại. Quan càng lớn, gia đình càng làm ăn to, và nay lỗ càng nặng. Hệ quả thứ hai là hầu như toàn bộ dàn cán bộ sẽ bị thiệt hại và ý chí bảo vệ chế độ của họ sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng hệ quả đen tối nhất là có thể làm xụp đổ toàn bộ hệ thống ngân hàng, vốn đã đứng bên bờ vực từ lâu vì số nợ xấu chằng chịt từ bao năm nay từ các hãng xưởng quốc doanh. Theo giới phân tích kinh tế thế giới, chính Bắc Kinh cũng không biết nổi tổng số nợ xấu hiện giấu bên dưới hệ thống ngân hàng là bao nhiêu.
Đó là hiện tượng tiến thoái lưỡng nan trong nền kinh tế Trung Quốc — bên cạnh các quốc nạn khổng lồ khác về môi sinh, về các nghiêng lệch giới tính và tuổi tác trong dân số, v.v…— mà nguyên nhân phát sinh ra chúng lẫn sự bế tắc giải quyết đều đến từ đặc tính của hệ thống cầm quyền hiện nay (hay nếu dùng chữ của ông Nguyễn Văn An, chúng đều mang tính “lỗi hệ thống”).
Chính vì vậy mà trong lúc dư luận tán tụng “con rồng” Trung Quốc, một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo thế giới về nguy cơ một anh khổng lồ đang ngất ngưỡng nhưng không biết lúc nào thì ngã.
Đối với chúng ta, điều đáng lo là vẫn có những kẻ đang ép buộc dân tộc Việt Nam buớc đi lót ngót dưới gót chân anh khổng lồ phương Bắc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét