Thomas Việt - VRNs
VRNs (17.12.2011) - Sài Gòn – Đây là cuộc phỏng vấn giữa Thomas Việt, VRNs, với Ông Lý Thái Hùng, một thuyết trình viên tại Hội Nghị Dân Chủ Á Châu, lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản vào ngày 25-26.11 sau nhiều năm Nhật không lên tiếng trước tình trạng vi phạm nhân quyền và không có tự do dân chủ tại một số nước độc tài tại Á Châu.
Qua cuộc phỏng vấn này chúng ta sẽ biết được nội dung của hội nghị, các hoạt động hỗ trợ cho phong trào dân chủ tại Á Châu của chính giới và 8 triệu thành viên của nghiệp đoàn tại Nhật. Sự cộng tác của các dân tộc đang bị áp bức. Những việc làm cụ thể của các tổ chức, đảng phái, sinh viên, tu nghiệp sinh, công nhân và trí thức cho công cuộc dân chủ hóa và sau đó là cùng sống chung trong hòa bình là như thế nào sau khi các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Miến Điện, Mông Cổ, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ có được tự do dân chủ.
Mời quý vị lắng nghe hay xem bài phỏng vấn sau:
Thomas Việt: Hội Nghị Dân Chủ cho Á Châu diễn ra ngày 25 và 26 tháng 11 vừa qua chưa có đại diện của các nước dân chủ tại Á Châu và các nước lớn khác, Ông Lý Thái Hùng có thể cho biết là đã mời mà họ ngại không đến hay chưa tới lúc phải mời họ?
Lý Thái Hùng: Thưa anh, Ban Tổ Chức Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu vừa qua tại Tokyo đã đặt ra ba mục tiêu chính: Thứ nhất là muốn lắng nghe nguyện vọng và quan điểm của các dân tộc tại một số quốc gia độc tài ở Á Châu. Thứ hai là hiểu biết rõ hơn về những nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ của các dân tộc đang bị áp bức. Thứ ba là người Nhật Bản có thể làm gì để hỗ trợ những cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức hầu giành lại tự do dân chủ.
- Thành phần lãnh đạo Hội Đồng Liên Đới Tự Do Dân Chủ Á Châu Từ Hội Nghị Dân Chủ Hóa Á Châu 26/11/2011 tại Tokyo. Từ trái qua phải: ông Ihman Mahimut (Uyghur), Lý Thái Hùng (Việt Nam), ông Tin Win (Miến Điện), Tiến sĩ Pima Gyalpo (Tây Tạng) và 3 thành viên Ban tổ chức Hội Nghị.
Vì chỉ gói ghém trong ba mục tiêu chính như vậy, Ban Tổ Chức đã chỉ mời đại diện của một số lực lượng thuộc các dân tộc đang bị chế độ độc tài áp bức như Miến Điện, Việt Nam, Trung Quốc, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Bắc Triều Tiên tham dự mà không mời những quốc gia dân chủ tại Á Châu hay các nước khác như Hoa Kỳ, Pháp, Úc tham dự là vì vậy.
Theo như phát biểu của bình luận gia Kasei, Chủ tịch ủy ban Dân chủ hóa Á Châu thì những người Nhật Bản trong Ủy Ban này, muốn tự mình tìm đến và cùng với các dân tộc bị độc tài áp bức để tranh đấu cho tự do dân chủ. Đồng thời họ muốn qua đó, dấy lên một làn sóng trên toàn quốc Nhật Bản hỗ trợ các phong trào dân chủ hóa Á Châu. Điều này cho thấy là hiện nay nguời Nhật chỉ muốn giới hạn khuôn khổ ở trong nước Nhật và chưa muốn làm lan rộng ra các quốc gia dân chủ khác.