2011/12/26

Nhớ Phạm Thanh Nghiên (tiếp)

Trần Khải Thanh Thủy

Tính ngày tính tháng thì Nghiên còn phải ở lại trong tù 7 tháng 25 ngày nữa (14-8-2008). Tám tháng ở ngoài như một cái chớp mắt, như một giấc ngủ ngày. Còn trong tù thì lê thê ghê rợn làm sao, xung quanh lúc nào cũng là những bộ mặt nhàu nát, thê thảm của bạn tù — phản ánh trung thành nỗi đau ngút trời mà họ vô cớ phải chịu, không phải một năm, hai năm mà 18, 20, 30 năm hoặc tù chung thân luôn. Bên cạnh đó là những bộ mặt cau có của cai ngục, quản giáo, chính xác hơn là của những con thú có bộ lông đẹp đẽ, luôn quay mặt trước nỗi thống khổ của tù hình sự, càng không đếm xỉa gì đến cái gọi là nhân cách lương tri, lý tưởng của những tù chính trị. Những kẻ này chỉ cần biết có tiền, vì vậy phải giẫm chân lên nhân cách mình hay cởi truồng về nhân cách như những quan thầy của chúng. Cụ thể một tên cán bộ hồn nhiên nói với hai chị em mình, trước đông đảo “đồng nghiệp, đồng chó” của chúng:
- Chúng tôi được đảng và nhà nước đào tạo cho ăn học thì phải bảo vệ đảng, bảo vệ bác, không cần biết đúng hay sai, cứ ai chống đảng, nói xấu bác Hồ là chúng tôi bắt. Nếu sau này, thời thế thay đổi, các chị lên làm lãnh đạo, trả lương cho chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo vệ các chị đến cùng, bắt giam những kẻ chống lại các chị, kể cả người đó là người thân thiết ruột thịt đi chăng nữa...
Thật là miệng lưỡi của những công cụ, của những cỗ máy giết người không ghê tay, tự đánh tuột hết cả tư duy tối thiểu là phân biệt phải, trái đúng sai, cũng không cần biết thế nào là đại nghĩa nữa, vậy mà hễ mở miệng ra là hô khẩu hiệu: “đại nghĩa diệt thân”.
Gần 1000 ngày trong tù, trải đủ cả 4 mùa xuân hạ thu đông, chị thấm thía cái lạnh của mùa đông đất Bắc, rét quắt tai, cứng hàm, tê buốt các đầu ngón tay, ngón chân, thở cả ra đằng mũi... Lúc này năm hết, tết đến rồi, nơi trại 5 đang lạnh lẽo lắm, nằm co ro trên bệ xi măng giá lạnh, những tấm chăn của trại phát có đủ ấm cho em không, Nghiên ơi? Chị tuy đã là người của tự do, sống trong một bầu không khí khác hẳn, tự tạo ra được sự thăng bằng, hoàn hảo cũng như các yếu tố vật chất năng lượng bên trong để thích nghi cao độ với môi trường mới rồi, nhưng lúc nào cũng nghĩ tới em. Trải qua bao kỷ niệm gắn bó, bao khổ ải, oan nghiệt cay đắng trong trại, nên dù điều kiện sống có thay đổi thế nào chăng nữa, tất cả tình cảm của chị đối với em không thể chai mòn, thui chột được.
Chế độ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nổi tiếng là làm láo, báo cáo hay, không biết sơ múi được gì mà liên tục có các đoàn thanh tra từ bộ, sở ngành, thành phố, trung ương xuống. Cứ mỗi lần thanh tra là một lần loạn trại, đặc biệt là phòng thi đua của chị, cả phòng có 61 người thì có 60 người là giúp việc cho cán bộ — trừ chị là tội phạm nguy hiểm chuyên sử dụng bút nói xấu trại và chống phá đảng nên bị đưa vào để 60 chị em tù cải tạo hộ tư tưởng lập trường, quan điểm. Dẫu không tẩy não, thay đổi được gì thì cũng là 60 đôi tai, cặp mắt theo dõi 24/24 giờ để cảnh giới, báo cáo cán bộ, nhằm chặn đứng “ý đồ xấu” mỗi khi chị sử dụng ngòi bút.
Cũng bởi là phòng “ VIP”, toàn cánh tù có máu mặt, dây mơ rễ má với cán bộ nên gi gỉ gì gi, cái gì cũng nhất. Phòng gọn gàng, ngăn nắp nhất, chỗ ở gần cổng ra vào nhất, khách đến tham quan nhiều nhất... vì thế tha hồ mà chạy...hơn chạy giặc. Hễ đoàn vào là đội trưởng đội thi đua đích thân chạy xuống đốc thúc nhắc nhở, bắt trực buồng phải “nhấc chân động tay”, nào khuân đống ghế ngồi xuống dãy lều ở phía sau, nào kiểm tra chăn màn, quần áo giày dép...tất cả cứ phải nhét kỹ, nhốt chặt, không được để xót bất kỳ một thứ gì trên dây phơi, dù chỉ là khăn mặt, mắc áo... nơ buộc tóc. Cả phòng 61 chỗ nằm là 61 túi nội vụ gọn gàng nơi đầu giường, còn lại dép guốc, ca cốc, đồ dùng phải...chuẩn bị tinh thần đi sơ tán vào các ngóc ngách xó xỉnh trong cùng của cả dãy lều lán đựng hòm xiểng phía sau... Trái ngược với tâm trạng nặng nề căng thẳng của cánh chị em tù, chỉ mong đoàn vào cho nhanh rồi biến đi cho sớm, em loan tin toàn trại: “Có giỏi thì vào gặp ba chị em chúng tôi đây này, đừng có đeo mặt nạ, đẽo lưỡi gỗ mà báo cáo láo nhé”.
Dĩ nhiên là chẳng có ma nào dám dẫn đoàn vào để chường mặt chị em mình (vì sợ bị bóc vở, lòi ra những cái sai, xấu trong trại). Không phải cảnh “xấu trại thì hổ... trung ương” mà càng xấu thì càng đồng nghĩa với việc phong bao nhiều hơn, càng tốn kém thêm. Nên cách duy nhất của cai tù là: “Với con hổ cách ba bước, với người say cách 7 bước, còn với chị em mình phải cách 10 bước”. Chúng sợ chị em mình như người dân sợ hổ, sợ kẻ say rượu, cho dù chị em mình chỉ là những kẻ say sự thực, dân chủ nhân quyền và tự do, nhưng phương châm của lãnh đạo trại là: “Cùn, cùn nữa, cùn mãi theo gương bác Hồ vĩ đại.”
Thay vì để chúng phải chủ động né tránh, hễ nghe tin có đoàn đến là em “xăm xăm băng nẻo... sân chung một mình”, đứng chặn đường để hỏi, để hạch... Cái bóng dáng bé nhỏ của em ngồi giữa sân chờ đoàn đến, thu hút bao nhiêu sự tò mò chú ý đầy thích thú của cánh chị em tù...Một lần, không ngờ tới tình huống oái oăm này, trưởng trại Lường văn Tuyến phải lập tức dẫn đoàn đi ngả khác, tránh xa cái dáng ngồi hừng hực bất động của em giữa sân chung, trong khi cả đoàn, kẻ trước, người sau đang vui vẻ nói cười giả lả chợt khựng lại trước cặp mắt thách thức nảy lửa, cười cợt, coi thường của em và ngậm chặt...cầu dao miệng, quay đi đầu không ngoảnh lại, mặc sau lưng bao khúc khích vui đùa của cánh chị em toàn trại.
Quá quen với việc tước đoạt quyền tự do của tù, nên một lần vừa thấy cái bóng dáng bé nhỏ của em chênh chao bước vào khu vực khám chữa bệnh, cán bộ y tá (mới) hất hàm:
- Chị kia, muốn gì? Lại cáo ốm để trốn cải tạo hả, đi về, về ngay.
Khựng lại trước thái độ có một không hai của cái gọi là “mẹ hiền, từ mẫu, em đáp gọn lọn, khó nhoc:
- Tôi bị đau họng, ho, uống thuốc 5 ngày liền chưa khỏi, cần phải tiêm.
- Tiêm chích gì, có tiền không mà đòi tiêm? Ra khỏi phòng đi cho người khác vào!
Sự chịu đựng nào cũng chỉ có giới hạn, sẵn cái ghế ở cạnh tường, em nhấc bổng lên, đập mạnh vào tường :
- Này thì không khám này, này thì hạch sách này... này.
Lần đầu tiên chứng kiến sự phản ứng của tù nhân, những con người khốn khổ, mà phương châm hành xử duy nhất chỉ là kể lể, nài xin, đặt mình vào mối quan hệ con người cầu xin con người, nay bỗng dưng thấy một kẻ dám chống mắt nhìn đầy thách thức lại còn thể hiện sự tức giận bằng hành động nữa, cán bộ trợn tròn mắt, tưởng nổ tung cả con người ra ngoài, tay cầm ống nghe run lật bật.
Quày quả bước đi, em còn nghe rõ tiếng của chị em tù láo nháo phía sau:
- Phạm Thanh Nghiên, tù chính trị đấy bà ạ, đến ông Tuyến còn phải ngại vì hiểu biết lý lẽ luật pháp rõ lắm, không ngô ngọng dốt nát như cánh chị em ma túy, lừa lọc bọn cháu đâu.
Thế là không cần phải chờ, phải đợi, phải gặp lãnh đạo trại, ngay lập tức có bạn tù ra chèo kéo em vào theo lời mời vồn vã nồng nàn của cán bộ y tế, và trong khi chờ tiêm những câu thăm hỏi chân tình của cán bộ nổ như ngô rang gặp cát nóng:
- Ôi chị Nghiên trẻ thật, đã 34 rồi cơ à, chồng con gì chưa, chưa à? Ngày mai chị lại chịu khó lên nữa nhé, cố gắng tiêm đủ 5 mũi thuốc mới có tác dụng, mà gắng ăn cho nhiều vào kẻo tiêm kháng sinh rộc người lắm, chị ạ.
Vốn nhỏ bé, từ lẫm chẫm biết đi em đã có biệt hiệu là “Nấm”, cao 1m47, nặng 39 ký, nhưng từ ngày về trại em trở thành biểu tượng đấu tranh cho chị em, thành chỗ dựa,niềm tin vững chắc của cánh chị em xấu số bất hạnh:
- Hết nước rồi Nghiên ơi, ai đời cả phòng 70 người mà cho được hai gánh nước sôi, bảo ai ăn ai đừng?
- Đúng rồi đấy. Mang tiếng là chủ nhật mà điểm buồng từ 5 giờ sáng, bắt chị em nhịn đến 9 giờ mới cho nước để dội cháo, dội mỳ. Mà nước có sôi đâu hả giời? Làm gì chả chóng hết, chả người nọ ăn thì người kia nhịn?
Thế là em quẩy quả lên phòng thi đua gặp cán bộ quản giáo yêu cầu nhà bếp cho thêm nước... Tất nhiên là lời qua tiếng lại, nhưng từ chối một người can đảm có lý luận như em thì thật là không tiện mà mắng át rồi đuổi đi như những tù thường phạm khác càng không dám, cho nên, dù bị em “bắt bí” khó chịu lắm nhưng cũng đành phải...chịu khó vậy. Một gánh nước sôi sùng sục lại được trưởng buồng quảy về trong tiếng reo hò của chị em.
Đêm lạnh, đang trong chăn ấm mà bị tù réo thì dù có như dùi trống đánh bên tai, lũ cán bộ trực trại cũng lờ đi để dỗ giấc ngủ của mình, thế là cả buồng gần trăm con người tha hồ gào, hét:
- Thưa cán bộ, buồng 26 có người cấp cứu.
Mặc dù không dám trả lời như cánh bạn tù vẫn đùa: - “Ừ, mai cứu nhé” nhưng chúng cứ giả chết không chịu lên tiếng, không chịu làm nhiệm vụ...
Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, một người bị ốm lên cơn nôn ọe co giật hay rên rỉ, cả phòng mất ngủ theo, vì thế không chịu nổi thói “giả câm giả điếc” của chúng, em cúi người, dùng dép, tập trung nội lực vào cổ tay ra sức đập, cổ họng sôi réo nỗi căm hờn:
- Công an đâu, đến ngay buồng 26 làm nhiệm vụ đưa người đi cấp cứu!
Nghe chất giọng sắc lẹm đanh thép, khẩu khí vượt trội so với đám tù hèn kém, bố chúng cũng không dám nằm ì hoặc giả câm giả điếc nữa, lục sục vén màn tung chăn ngồi dạy, chân thấp chân cao chạy xuống, miệng thơn thớt nheo nhéo:
- Có ngay! có ngay!
Cửa vừa bật mở, nhóm bạn tù người thở phào một hơi nhẹ nhõm, người láu tháu mách:
- Thưa bà, sao bà bắt chúng cháu đợi lâu thế, chị Hiền chị ấy...
Em gạt phắt đi:
- Không bà cháu, xin xỏ gì ở đây hết, Chị Hồng trưởng buồng đâu, lấy giấy bút ra lập biên bản vì sao gọi cấp cứu cả nửa tiếng không xuống, điều lệ quy định nào cho phép như vậy? Mạng người rẻ rúng đến vậy sao?
Tên cán bộ tái mặt vì sợ, vôi vàng gọi điện thoại cho đồng bọn xuống tiếp ứng, gọi bác sĩ từ nhà riêng đến khám... không dám mở miệng nói một câu, còn người tù nôn ra mật xanh mật vàng không nói được nhưng cứ nắm chặt tay em, cặp mắt nhòa nước vì cảm động.
Từ đó không thành luật lệ quy định, nhưng hễ gọi cai ngục đến lần thứ hai không có tiếng đáp là phòng nọ lại nhắn sang phòng kia nhờ em gọi giúp, và cánh cai ngục cũng sợ giọng em hơn mệnh lệnh của thủ trưởng, cứ là răm rắp tuân theo. Tù thoát cảnh nằm kề cửa mả, tuy không nói ra miệng nhưng thầm coi em như một vị cứu tinh, một người tù chính trị hiểu biết giàu lòng nhân ái thương người.
Năm 1917, Lê Nin, ông tổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nói: “Nếu muốn chế độ Nga Hoàng chóng sụp đổ, hãy đẩy nó đến chỗ tận cùng của sự khốn nạn”. Sau 81 năm tồn tại, chế độ độc tài cộng sản cũng tự đẩy mình tới chỗ tận cùng của sự khốn nạn rồi em ạ. Hy vọng ngày em ra khỏi cổng nhà tù trại 5 (14-8-2012) cũng là ngày cáo chung của cộng sản. Chị em mình không những tay bắt mặt mừng chào đón em ra tù mà còn có thể nâng cốc chúc mừng cho đảng cộng sản “mồ yên mả đẹp” nữa. Tự nhiên luôn trừng trị những gì đi quá giới hạn được phép, phải không em?
Sacramento 19-12-2011
TKTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét