Trần Khải
Tại sao trong khi các chính phủ Miến Điện và Việt Nam đang tưng bừng giở trò Chí Phèo quậy phá các nhà hoạt động dân chủ ở hai nước này, thì đột nhiên giới lãnh đạo Miến Điện hồi tâm tỉnh ngộ, nhất định buông dao đồ tể để thành Phật, bỏ mặc cho Việt Nam tiếp tục giữ vai trò quốc gia duy nhất trong Khối ASEAN còn vùi dập dân chủ.
Như thế là Miến Điện đã và đang có những bước nhảy vọt dân chủ bất ngờ, trong khi VN vẫn còn đứng trong liên minh thần thánh với Trung Quốc, Bắc Hàn và Cuba.
Không ai có thể hình dung Miến Điện đã nhanh chóng có sự nhượng bộ dân chủ, hay nói đúng ra, nên gọi là tỉnh thức dân chủ, hay cũng có thể gọi là giác ngộ dân chủ... như thế.
Chắc chắn không phải thuần túy vì áp lực của Mỹ và Châu Âu, vì độc tài quân phiệt cả nhiều thập niên rồi, Miến Điện có thể kéo dài cho chậm rãi thêm vài năm cũng chẳng sao. Cũng không phải thuần túy vì Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb đã tới Miến Điện từ năm ngoái và trổ tài du thuyết mấy phen. Và chắc chắn cũng không phải vì các tướng lãnh Miến Điện bất ngờ từ bi với 59 triệu dân hay với nhà lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi, người đã bị quản thúc tại gia trong 14 năm chỉ trong vòng 20 năm qua. Vì có thật là các tướng cầm quyền đã mở lòng từ bi, trong khi họ là những người đã từng ra lệnh bắn thẳng vào hàng trăm ngàn vị sư xuống đường xin chính phủ bao cấp một phần nhằm giảm giá xăng dầu cho dân năm 2007.
Như thế, tại sao Miến Điện đột nhiên chấp nhận dân chủ hóa? Có phải vì gặp nạn TQ lấn đất, lấn biển như VN? Trong khi trí nhớ của hàng tướng lãnh MĐ chắc chắn vẫn còn nhớ rằng, giữa lúc Mỹ và Liên Âu xiết cấm vận Miến Điện, chính TQ và Nga đã phủ quyết nghị quyết trừng phạt của LHQ.Tại sao Miến Điện xoay sang với Ấn Độ, trong khi TQ đã từ lâu bảo kê với nhiều hợp đồng thương mại đầy lợi ích, như đã mở rộng hải cảng khổng lồ Sittwe của Miến, viện trợ kinh tế, bơm tiền cho vay, đầu tư vào xây cất đập nước, cầu, đường, hải cảng... xây cả những dự án khổng lồ như các con đường chiến lược dọc sông Irrawaddy River để nối tỉnh Yunnan (của TQ) với vịnh Bengal. Chính các hãng TQ đã xây các ống dẫn dầu và khí đốt dài 2,380 km (1,480 dặm) từ bờ biển Arakan của Miến Điện tới tỉnh Yunnan của TQ. Chắc chắn rằng TQ đã giúp cho Miến Điện có thể là nhiều hơn TQ đã giúp cho VN.
Thế nhưng tại sao Miến Điện lạnh nhạt với tình bạn TQ để sang kết thân với Ấn Độ (và hiểu là với Mỹ)? Hãy nhớ rằng, TQ là nguồn cung cấp quan trọng nhất về viện trợ quân sự và hợp tác quân sự cho Miến Điện: từ năm 1989 (năm Liên Xô bắt đầu sụp đổ, là năm có biểu tình Thiên An Môn của sinh viên TQ, và là năm TQ la làng về chiến dịch diễn biến hòa bình của Hoa Kỳ) TQ cung cấp cho Miến Điện các chiến đấu cơ, xe tăng và tàu hải quân, huấn luyện quân lực Miến Điện ở cả 3 binh chủng hải, lục, không quân. Cũng chính TQ xây cảng nước sâu Kyaukpyu cho Miến Điện tại vịnh Bengal, và để Hải quân TQ có ảnh hưởng chiến lược ở vịnh này, dòm ra Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Và hỗ trợ nhiều nữa.
Chính phủ VN cần phải suy nghĩ: Tại sao Miến Điện lạnh nhạt với TQ để níu áo thế giới tư bản đang giẫy chết”?
Xin hãy nhớ rằng diện tích Miến Điện gấp đôi Việt Nam, nhưng dân số chỉ hơn phân nửa VN.
Miến Điện có diện tích rộng 676,578 km2 (261,227 dặm vuông), với 58.8 triệu dân. Việt Nam (không kể Hoàng Sa và Trường Sa) diện tích rộng 331,688 km2 (128,065 dặm vuông), với 90.5 triệu dân.
Có nghĩa là Miến Điện đất rộng người thưa, và đặc biệt có đường biên giới với riêng Trung Quốc trải dài ven 2 tỉnh Tây Tạng và Yunnan là 2,185 kilometres (1,358 dặm), nghĩa là dài kinh khủng. Nên nhớ rằng bờ biển Việt Nam (không kể 2 đảo trên) dài 3,444 km (2,140 dặm). Như thế, biên giới Miến Điện - Trung Quốc dài bằng 2/3 đường ven biển VN.
Như thế, với dân số thưa vắng, không cách nào Miến Điện canh gác nổi, nếu TQ chơi trò khiêng cột mốc biên giới để cắm lại, hay là đưa quân vào lấy vài ngọn núi kiểu như vụ Lão Sơn của VN bị TQ chiếm mất. Hay là phải dùng tới phi cơ robot của Mỹ, hay vệ tinh Ấn Độ dòm ngó biên giới giùm? Chắc chắn Miến Điện đã nghĩ tới chuyện như thế, khi TQ lộ ra vài dã tâm kiểu như đã từng làm ở VN đối với Núi Lão Sơn, Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Bãi Tục Lãm... đó là chưa kể Hoàng Sa, Trường Sa. Chắc chắn Miến Điện không chịu tiếp tục bắt chước VN để nhượng bộ TQ, để tiếp tục đóng vai Chí Phèo, Thị Nở trong ngôi làng LHQ.
Thế rồi, ào một cái, mọi chuyện y hệt như giấc mơ xảy ra. Tuy rằng Miến Điện còn giam nhiều tù chính trị, nhưng khi TT Thein Sein ký ân xá để trả tự do cho 200 tù chính trị, không có nhà phân tích quốc tế nào trước đó nghĩ tới như thế.
Thaung Tun - hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore, và bản thân là cựu đại sứ Miến Điện tại Bỉ Quốc, Hòa Lan và Liên Âu - viết bài phân tích trên trang web của viện này, nói rằng Miến Điện đang tiến vào những bước đổi mới kinh tế và chính trị sâu sắc nhất kể từ thập niên 1960s, khi quân đội Miến Điện lên nắm quyền.”
Tác giả nói rằng khó mà tiên đoán những chuyển biến này có bắt rễ hay không và có đẩy đất nước lên sự phát triển kế tiếp hay không, nhưng cộng đồng quốc tế cần nắm cơ hội này để làm tác nhân cho biến đổi lâu dài.”
Tun nói: từ khi TT Thein Sein nắm quyền từ 6 tháng trước, ông nhanh chóng đưa ra nhiều bước đổi mới. Trong bài diễn văn ngày 17-8-2011, ông kêu gọi hòa giải, đoàn kết dân tộc, thúc giục dân Miến Điện lưu vong hãy về nước góp tay xây dựng, và hai ngày sau ông họp với bà Aung San Suu Kyi tại thủ đô Naypyidaw.
Tháng trước, chính phủ cho bà Suu Kyi in bài đầu tiên trong vòng 23 năm trên truyền thông Miến Điện. Gỡ tường lửa các trang web quốc tế, cho dân Miến Điện vào đọc cả các trang web đối lập với nhà nước, thí dụ trang Democratic Voice of Burma (ở Oslo), trang The Irrawaddy (ở Chiangmai) và trang Mizzima (ở New Delhi).
Ngày 5-9-2011, Tổng thống Miến Điện lập ủy ban nhân quyền quốc gia, gồm cựu viên chức cao cấp, học giả, bác sĩ và luật sư. Tuần trước, ân xá 6,300 tù nhân, trong đó có 200 tù chính trị, và thả cả Zarganar nghệ sĩ hài diễn nổi tiếng về các màn trình diễn chống chính phủ.
Nhưng quyết định chấn động thế giới là ngày 30-9-2011, khi Tổng thống gác lại dự án xây đập Myitsome (dự kiến tốn 3.6 tỉ đôla), mà đầu tư chính yếu là hãng quốc doanh TQ có tên là China Power Investment Corporation (CPIC).
Myitsone là đập lớn nhất trong chuỗi 7 đập dự kiến thực hiện bởi CPIC, với tổng chi phí 20 tỉ đôla, nơi thượng lưu sông Irrawaddy. Nhiều nhà môi sinh và nhà dân chủ đã chống các dự án xây đập naỳ, vì sẽ buộc dân di dời quá nhiều trong khi sẽ làm tràn nước tác hại cho ngư nghiệp và môi sinh.
Chỉ trong vòng 8 tuần lễ qua, Miến Điện đã đi những bước cởi mở bất ngờ. Và lạnh nhạt với TQ thấy rõ. Có phải vì Miến Điện cũng từng bị mất nửa Thác Bản Giốc nào đó, hay trọn một quả Núi Lão Sơn nào đó? Nhưng điều chúng ta đang thấy rằng, tại sao nhà nước Hà Nội vẫn chưa buông dao đồ tể? Hay phải chăng, cái gọi là bạn tình chủ nghĩa xã hội ”vẫn mạnh hơn lòng yêu nước"?
Nguồn: http://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-181603/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét