2011/12/22

Bắc Triều Tiên thời hậu Kim Chính Nhật?

Lý Thái Hùng

Cái chết của Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) lãnh đạo Bắc Triều Tiên hôm Thứ Bảy ngày 18 tháng 12 vừa qua đã thu hút hầu hết sự chú ý của dư luận. Chú ý vì bản chất sự ra đi của một lãnh tụ đã để lại quá nhiều dấu hỏi về tương lai của một đất nước có nhiều điều bí ẩn.
Câu hỏi đầu tiên, ai là người thực sự nắm quyền lực hiện nay tại Bắc Triều Tiên? Người đó, chắc chắn chưa phải là Kim Chính Ân (Kim Jong Un), người con thứ ba của Kim Chính Nhật đã được sắp xếp kế vị từ năm ngoái. Trong những ngày qua, Kim Chính Ân đã được đưa lên đóng vai “lãnh đạo” để tiếp đón các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế và được xưng tụng là “lãnh đạo xuất chúng của đảng, quân đội và người dân” và là “ngọn hải đăng” của Bắc Triều Tiên. Nhưng tình hình hãy còn quá sớm để biết rõ là Kim Chính Ân sẽ nắm giữ bao nhiêu quyền hành và nhất là khả năng ứng phó trước những xung đột quyền lực của đám cận thận từng phò lãnh tụ Kim Chính Nhật.
Kim Chính Ân năm nay 29 tuổi. Sau cuộc giải phẫu để giống ông nội là lãnh tụ Kim Nhật Thành, Kim Chính Ân đã được cho xuất hiện bên cạnh cha là Kim Chính Nhật trong các chuyến công du Trung Quốc và Nga. Tháng 9 năm 2010, Kim Chính Ân được đưa lên làm Thường vụ Bộ chính trị trung ương đảng Lao Động Triều Tiên, Phó chủ tịch quân ủy. Phải nói là thời gian chuẩn bị kế vị của Kim Chính Ân quá ngắn so với cha mình. Sự ra đi bất ngờ của Kim Chính Nhật cũng là yếu tố quan trọng có thể làm ảnh hưởng đến uy quyền của Kim Chính Ân khi bị coi là “thiếu kinh nghiệm”.
Cha của Kim Chính Ân đã được chuẩn bị kế vị ông nội là Kim Nhật Thành từ năm 1980, lúc 38 tuổi. Lúc đó Kim Chính Nhật được đưa vào làm Thường vụ Bộ chính trị đảng Lao Động Triều Tiên, Phó chủ tịch quân ủy. Năm 1994 Kim Nhật Thành qua đời thì mãi đến 3 năm sau, năm 1997, Kim Chính Nhật mới được bầu là Tổng bí thư đảng Lao Động Triều Tiên và Chủ tịch quân ủy. Như vậy thời gian chuẩn bị để Kim Chính Nhật lên làm lãnh đạo tối cao Triều Tiên dài tới 17 năm.
JPEG - 25.7 kb
Từ trái sang phải: Trương Thành Huống, Kim Chính Ân và Kim Yong Nam
Sau khi Kim Chính Nhật chết, Bắc Triều Tiên công bố một danh sách 28 người nằm trong Ban tang lễ trung ương. Trong chế độ độc tài, việc liệt kê tên của những nhân vật lãnh đạo đảng và nhà nước vào trong những danh sách như thế này rất quan trọng, chứng tỏ khả năng quyền lực của họ sẽ đi lên hay xuống. Trong danh sách ban tang lễ 28 người, đương nhiên đứng đầu là Kim Chính Ân, kế đến là Kim Vĩnh Nam (Kim Yong Nam), Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao, phụ trách Quốc hội; Đại tướng Vy Vương Hồ (Yi Yung Ho) phụ trách quốc phòng; Trương Thành Huống (Chang Sung Taek), Bộ trưởng hành chánh, phụ trách công tác đảng và là phó chủ tịch quân ủy.
Ba nhân vật gồm Kim Vĩnh Nam, Vy Vương Hồ, và Trương Thành Huống được coi là những cận thần của lãnh tụ Kim Chính Nhật và có rất nhiều quyền lực trong đảng, quân đội và guồng máy nhà nước. Do đó, quyền lực của Bắc Triều Tiên hiện nay không chỉ nằm ở Kim Chính Ân, mà là ở trong tay bộ ba nói trên ít nhất là vài năm nữa, cho đến khi Kim Chính Ân học được “kinh nghiệm” và lên nắm ghế Tổng bí thư và Chủ tịch quân ủy tại Bắc Triều Tiên.
Trong bộ ba này, Trương Thành Huống là có quan hệ huyết thống với Kim Chính Ân vì lấy Kim Kính Cơ (Kim Kyung Hee) hiện là Đại Tướng, em gái của lãnh tụ Kim Chính Nhật. Trong khi đó Kim Vĩnh Nam và Vy Vương Hồ chỉ là những “cận thần” của lãnh tụ Kim Chính Nhật nên người ta rất quan ngại những xung đột ở thượng tầng khi ba người này tìm cách ảnh hưởng lên Kim Chính Ân.
Câu hỏi kế tiếp là liệu Bắc Triều Tiên dưới thời Kim Chính Ân có còn tiếp tục chính sách ngông cuồng của lãnh tụ Kim Chính Nhật khi bỏ đói dân chúng, chế tạo vũ khí hạt nhân để “dọa nạt” thế giới hầu làm tiền hay không?
Khi nghe tin Kim Chính Nhật chết, Bắc Kinh đã bày tỏ sự hối tiếc rằng họ Kim đi quá sớm chưa có thời giờ đủ để chuẩn bị cho Kim Chính Âu, ít nhất là vài năm nữa. Tuy nhiên, dư luận tại Nhật Bản và Nam Hàn thì cho rằng sự ra đi bất ngờ của Kim Chính Nhật là yếu tố tốt, để Bắc Hàn quay về giải quyết chuyện nội bộ, tránh những gây hấn với thế giới trong vài năm trước mặt.
Những thái độ ngông cuồng của Kim Chính Nhật đã làm cho thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, xác định rõ rệt rằng Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong tay. Người ta không rõ số lượng đầu đạn nguyên tử nhiều hay ít, nhưng chắc chắn là Bắc Triều Tiên đang sở hữu một số đầu đạn và kỹ thuật chế bom nguyên tử. Có hai viễn cảnh có thể xảy ra trong những ngày tới.
Thứ nhất là Bắc Triều Tiên bận tâm giải quyết vấn đề kế vị của Kim Chính Ân mà không có những gây hấn trên mặt nổi như không thử phóng hỏa tiễn đạn đạo để “uy hiếp” Nhật hay Nam Hàn. Trong chiều hướng đó, Bắc Hàn sẽ chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị 6 bên (Hoa Kỳ, Nhật, Nam Hàn, Bắc Hàn, Trung Quốc, Nga) để tiếp tục bàn thảo về tình hình an ninh Bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai là Bắc Triều Tiên sẽ che giấu những lủng củng sắp xếp bên trong bằng những đòn “hù dọa” và “hiếu chiến” đối với bên ngoài. Nghĩa là Bắc Triều Tiên sẽ mạnh miệng tấn công Hoa Kỳ, Nhật Bản và cho thí nghiệm lại đầu đạn nguyên tử, để thế giới chú tâm vào mối nguy này mà không nhảy vào khích động thêm những phức tạp về sự chuyển quyền của Kim Chính Ân.
Tình hình hiện có nhiều xác xuất xảy ra viễn cảnh thứ hai. Dựa theo những diễn biến của quá khứ, hai cận thần Kim Vĩnh Nam và Vy Vương Hồ cùng với đám tướng lãnh Bắc Triều Tiên rất cao ngạo và hiếu chiến. Họ ỷ có vũ khí nguyên tử ở trong tay nên luôn luôn tìm cách khuấy lên những đe dọa an ninh đối với Nhật và Nam Hàn. Ngoài ra, chỉ có cách khuấy lên những đe dọa như vậy họ mới có lý cớ để thắt chặt sự kiểm soát ở trong nước một cách tàn ác như Kim Chính Nhật đã làm. Nói cách khác, Kim Chính Nhật tuy chết đi nhưng đám cận thần hung hiểm vẫn còn tiếp tục nắm quyền và chắc chắn sẽ khuynh loát Kim Chính Ân theo họ trong thời gian trước mặt.
Tóm lại, tình hình Bắc Triều không những không tốt đẹp sau khi Kim Chính Nhật chết mà có thể tồi tệ hơn khi mà quyền lực hiện nay tập trung vào Kim Vĩnh Nam, Vy Vương Hồ. Họ sẽ che giấu sự lãnh đạo “thiếu kinh nghiệm” của Kim Chính Ân để tiếp tục dùng vũ khí nguyên tử đe dọa các quốc gia trong vùng và nhận chìm 24 triệu dân Bắc Hàn trong đói nghèo và lạc hậu.
Lý Thái Hùng
Ngày 22/12/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét