2011/12/19

Nguyễn Ái Quốc và "Bản án chế độ thực dân Pháp"

Blogger Hoa Mặt Trời

Đọc trên trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thấy tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" một tác phẩm chính luận của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) bằng pháp ngữ, ấn bản năm 1925-1926 trên tờ báo của Quốc tế cộng sản có tên là Imprékor. Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục xoay quanh nội dung tố cáo tội ác khốc liệt của thực dân Pháp trên các vùng thuộc địa trong đó có Việt Nam. Dĩ nhiên là những tố cáo này phơi bày những thủ đoạn tàn khốc của chủ nghĩa thực dân vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, tính thời sự của tác phẩm không hề dừng lại ở một quá khứ tởm lợm của lịch sử nhân loại đã qua, nhưng nó có hình hài trong thế kỷ XXI này tại một quốc gia cộng sản vốn tự phong là "dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản". Quý vị đừng vội đánh giá nhận định của HMT là cực đoan. HMT xin trích dịch một chương trong tác phẩm này nguyên văn trích dẫn bằng font chữ màu xanh, với những so sánh với font chữ màu đỏ, cùng những trích dẫn báo chí truyền thông (màu vàng). Quý Vị hãy đọc, và câu trả lời xin dành cho chính Quý Vị:
— -

Nguyễn Ái Quốc
Bản án chế độ thực dân Pháp
CHƯƠNG IX
CHÍNH SÁCH NGU DÂN

Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để.
Cho nên, theo sắc lệnh năm 1898, báo chí bản xứ phải chịu kiểm duyệt trước khi in.

Sắc lệnh đó viết: "Việc lưu hành báo chí bất cứ bằng thứ tiếng gì, đều có thể bị cấm do nghị định của quan toàn quyền. (ở Việt Nam, không có báo chí tư nhân: điều này được ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng bộ 4T xác nhận).
"Báo tiếng Việt không được xuất bản, nếu không được phép của quan toàn quyền. Giấy phép chỉ cấp với điều kiện là các bài báo phải được quan thống đốc duyệt trước. Giấy phép ấy có thể rút lúc nào cũng được. (Giống như bài báo đăng lên rồi rút xuống, điều này xin phép không có trích dẫn vì nếu trích dẫn hết thì không đủ trang báo để chứa vì quá nhiều).
"Mọi cuộc trưng bày hoặc phổ biến những bài hát, biếm hoạ hoặc tranh ảnh làm thương tổn đến sự tôn kính đối với các nhà cầm quyền đều bị trừng trị". (Bố đứa nào đám đụng đến Bác, đến Đảng, đến Trung Quốc quan thầy. Dân chưa quên chuyện Blogger Cô Gái Đồ Long bị bắt khi đụng đến tướng công an Toàn.)
Đấy, bạn thấy bà kiểm duyệt ở thuộc địa cầm kéo khéo đến mức nào! Với biện pháp đó, chính quyền Đông Dương có thể ỉm được tất cả mọi vụ nhơ nhớp và tha hồ mà lạm quyền. (Giống giờ quá)
Trong một cuộc bầu cử hội đồng thành phố Sài Gòn, viên thống đốc cấm ba ông chủ nhiệm báo tiếng Việt không được đăng lên báo của họ bản sắc lệnh quy định thể lệ bầu cử hội đồng thành phố ở Nam Kỳ. Họ là ứng cử viên, thế mà báo của họ bị cấm tuyệt không được đăng một cái gì dính dáng, dù xa hay gần, đến chương trình của họ! Vì người An Nam không có quyền hội họp quá số 20 người, nên ứng cử viên phải gặp 3.000 cử tri lần lượt từng người một. (Hồi xưa không cho hội họp quá 20 người, giờ nghị định cấm tụ tập trên 5 người, trên số này phải xin phép, mà xin chưa chắc được cho). Cũng trong lúc ấy, ông thống đốc còn thông tri cho các tờ báo tiếng Việt khác biết là sở kiểm duyệt sẽ thẳng tay cắt những bài báo, cột báo, đầu đề hoặc bất cứ một lời bóng gió nào nói đến các cuộc bầu cử thuộc địa hoặc thành phố. Một tờ báo tiếng Việt dịch đăng đạo luật nói về việc trừng trị những hành động hối lộ trong bầu cử, bài ấy đã bị cắt. Trong lúc đó thì quan thống đốc trắng trợn cho đòi những người đứng đầu các tập đoàn cử tri đến văn phòng và truyền cho họ phải bỏ phiếu và cổ động bỏ phiếu cho danh sách được ngài có cảm tình nhất (Giống cái thông báo về "quán triệt trúng cử" của trường đại học Vinh)
...
Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng. Mỗi năm, vào kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, chạy chọt mọi nơi thần thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú, nhưng vẫn không tìm được chỗ cho con học. Và hàng ngàn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường. (Mỗi năm lo chạy trường toát mồ hôi… Không cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục, trừ một vài trường mẫu giáo, số trẻ em bỏ học vì nghèo đói tăng nhanh, báo Dân Trí, cả nước có 86.000 em bỏ học).
Tôi còn nhớ một người anh em họ tôi muốn được vào một trong những "thiên đàng trường học" kia, đã phải chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan khâm sứ, cho quan công sứ, cho quan đốc trường quốc học và quan đốc trường tiểu học. Tất nhiên, chẳng ai thèm trả lời anh. Một hôm, anh đánh bạo mang đơn đến xin quan đốc, một người Pháp, phụ trách cái trường mà tôi đã được đặc ân vào học trước đó ít lâu.
"Quan đốc" thấy anh cả gan như thế, nổi khùng quát tháo: "Ai cho phép mày đến đây?" rồi xé vụn lá đơn trước những cặp mắt ngơ ngác của cả lớp học.
Người ta bảo ngân sách không cho phép chính phủ mở trường mới. Không hẳn thế đâu. Trong số 12 triệu đồng của ngân sách Nam Kỳ, thì l0 triệu đã tìm đường chui sâu vào túi các ngài viên chức rồi. (nạn tham nhũng hiện giờ ở Việt nam còn ghê gớm hơn, trở thành quốc nạn, thậm chí đến cả dân nghèo đói, tiền cứu trợ còn bị ăn chặn, xà xẻo...)
Ngoài ra, chính phủ thuộc địa lại tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho thanh niên An Nam sang du học bên Pháp, vì sợ nhiễm phải chủ nghĩa cộng sản. Điều 500 (bis) trong nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1921 về học chính ở Đông Dương quy định:
"Người bản xứ nào, vô luận là dân thuộc địa Pháp hoặc dân do Pháp bảo hộ muốn sang chính quốc du học đều phải được quan toàn quyền cho phép. Quan toàn quyền sẽ quyết định, sau khi hỏi ý kiến quan thủ hiến kỳ và quan giám đốc nha học chính.
"Trước khi lên đường, người đó phải đến nha học chính xin một quyển học bạ có dán ảnh và ghi rõ căn cước lý lịch của mình, địa chỉ cha mẹ, những trường đã học, những học bổng hoặc trợ cấp đã hưởng, những bằng cấp đã có, và địa chỉ của người bảo lãnh tại Pháp. Học bạ ấy phải được quan toàn quyền chứng thực.
"Hồ sơ của người bản xứ theo học bên Pháp phải lưu trữ tại nha học chính". (Cái này không khác gì bên Công An làm hết.)
"Làm cho dân ngu để dễ trị", đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.
Báo L’ Humanité đã thuật lại việc kiểm duyệt thư tín vẫn còn tiến hành nghiêm ngặt như thế nào ở Mađagátxca khi cuộc chiến tranh vì công lý đã kết thúc bốn năm rồi.
Đông Dương cũng vậy, chẳng có gì đáng phân bì với Mađagátxca cả.
Chúng tôi đã nêu lên trường hợp tờ báo Le Paria.
Như là tình cờ xui nên, việc lạm quyền ấy xảy ra đúng lúc ông thống đốc gian lận Bôđoanh đến Sài Gòn, cùng với người phụ tá xuất sắc của ông là con rể ông Anbe Xarô đồng thời là trùm mật thám.
Mặt khác, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục chặn lại và lục soát thư tín của tư nhân. (các blogger bị hacker, bị lấy cắp mật khẩu bởi Sinh Tử Lệnh, tướng CA Vũ Hải Triều khoe đánh sập mấy trăm trang mạng…)
Trong khi người ta tàn sát người bản xứ, cướp đoạt tài sản của họ một cách ngang nhiên, không hề bị trừng trị, thì ngay đến cả cái quyền sơ đẳng là viết thư cho nhau họ cũng không được hưởng! Sự vi phạm quyền tự do cá nhân ấy lại ghi thêm một thành tích cho cái chế độ lạm quyền, cái chế độ mật thám bỉ ổi đương hoành hành ở các thuộc địa.

* * *

Chính phủ Đông Dương tổ chức phá hoại tờ báo Le Paria; Chính phủ Tây Phi thuộc Pháp cấm nhập các báo của người da đen châu Mỹ; Chính phủ Tuynidi trục xuất chủ nhiệm tờ L’Avenir social, ông Liôtây đuổi chủ nhiệm tờ La Guêpe Marocaine ra khỏi Marốc. (Người ta chỉ cho nhà báo một giờ để thu xếp hành lý).

* * *

Giữa lúc khai mạc hội chợ Hà Nội, và trong khi ông Bôđoanh, quyền toàn quyền Đông Dương, đang đi thăm các gian hàng, thì bọn cảnh binh xông vào một gian nọ tịch thu các tập tranh biếm hoạ do báo L’Argus Indochinois trưng bày, vì tờ báo này có những lối phê bình và châm biếm không hợp khẩu vị của những nhà đương quyền. (Giờ thì chỉ cầm biểu ngữ "Hoàng Sa-Trường Sa của VN" còn bị bắt, huống gì nói tranh…)
Ông Clêmăngti, chủ nhiệm tờ báo, đã bị bắt và tống giam
(hết trích)
Lời bàn:
Những tố cáo của Nguyễn Ái Quốc vào đầu thế kỷ XX về tội trạng của chế độ thực dân cho thấy dù đã qua gần 100 năm, người Việt Nam thực sự vẫn chưa bao giờ có một "tự do thực sự"... Thương, rất đáng thương...
Nguồn: http://hoamattroi309.multiply.com/journal/item/185/185

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét