2011/12/27

Việt Nam — 300 triệu: Hảo giá, Hảo nô!

Nhật Bình

Những hành động ngang ngược, diệu võ dương oai trên Biển Đông trong vài năm gần đây đã khiến cho các nước Á Châu, nhất là các quốc gia nhỏ vùng Đông Nam Á, phải khôn khéo tìm cách tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc để tự bảo vệ. Trong bối cảnh Hoa Kỳ công khai tuyên bố trở lại Á Châu để khẳng định vị thế siêu cường Thái Bình Dương của mình, những phản ứng tích cực của Philippines, Australia, India và nhất là Myanmar đã khiến Bắc Kinh nhìn lại giấc mộng bá chủ của mình một cách chua chát. Chiến thuật tranh thủ ngoại giao của Bắc Kinh thể hiện rõ rệt qua hai chuyến đi của hai lãnh đạo cấp cao của đảng và chính phủ Trung Quốc; Ủy viên Quốc Vụ Viện Đới Bỉnh Quốc đi thăm Myanmar và gặp bà Aung San Suu Kyi - một điều chưa từng xảy ra – và Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam.
Vì thế, trước ngày Tập Cận Bình đến Việt Nam đã có nhiều lời thì thầm bàn tán rằng phen này Bắc Kinh phải o bế Việt Nam, nếu không lại sẽ có thêm một đàn em lìa bỏ quỹ đạo Trung Quốc như Myanmar. Nhưng ý nghĩ đó nhanh chóng tan thành mây khói với hàng ngàn cây cờ 6 sao của trẻ em Việt Nam đón chào Phó chủ tịch Trung Quốc. Một thông điệp không còn gì rõ ràng hơn: “Nước chúng em đã là của anh rồi!”.
Rồi như thông lệ, sau mỗi lần quỳ lạy bày tỏ lòng trung với mẫu quốc giữa ban ngày và trước ống kính của cả thế giới, lãnh đạo Hà Nội chỉ cần đổ lỗi cho cô thư ký, cho cậu đánh máy, cho lỗi kỹ thuật là đủ để gạt sự phẫn nộ của dân tộc Việt Nam xuống gầm giường như bụi đất. Lần này Bộ Ngoại Giao Việt Nam, dưới quyền Phạm Bình Minh, chỉ đơn giản quét sự phẫn nộ của dân tộc qua bên với vài lời vắn tắt cho biết đã gọi xin lỗi... Sứ quán Trung Quốc. Các cơ quan truyền thông quốc tế gọi cho sứ quán Tàu thì được cho biết không hề có chuyện đó. Và tại sao Trung Quốc lại cảm thấy bị xúc phạm hay đòi xin lỗi khi chính phủ một nước khác tình nguyện xin làm thuộc quốc của họ? Còn dân tộc Việt thì chẳng đáng để lãnh đạo Hà Nội phải xin lỗi, đó đã là quy luật xưa nay!
Thật vậy, cách giải thích của Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ tô đậm thêm sự khinh thường dân chúng tới mức cực kỳ của lãnh đạo Hà Nội. Đây không phải là lần đầu tiên và cũng không phải cách công khai quỳ lạy bày tỏ lòng trung với mẫu quốc duy nhất. Từ vụ treo cờ “6 sao” tại Liên Hoan Ẩm Thực Thế Giới tổ chức tại Vũng Tàu tháng 7/2010 trên lầu của một nhà hàng mang chữ “China”; đến cờ “6 sao” trên đài truyền hình quốc gia VTV1 trong chương trình thời sự ngày 14/10/2011; đến các trang mạng của nhà nước Việt Nam do Trung Quốc quản lý; đến việc xuất bản các cuốn sách ca ngợi các “Liệt sĩ Trung Quốc” đã xâm lấn Việt Nam thời 1979-1989;...
Một sự thật hiển nhiên khác, loại “lỗi kỹ thuật” này KHÔNG thấy xảy ra trong suốt hơn 80 NĂM quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong giai đoạn 1979-1989. Nhưng loại cờ “6 sao” này chỉ xuất hiện trong mấy năm gần đây, sau khi có hàng loạt các hiệp ước nhượng đất, nhượng biển, cho thuê đất rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản và cho lập công khai các khu riêng biệt của người Tàu trên đất Việt, điển hình là khu Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương.
Rõ ràng hiện tượng “thêm sao” ngày càng xảy ra thường xuyên hơn bởi các cấp ban ngành cao hơn và sâu vào tầng trung ương hơn. Ngay cả trong ngày đón tiếp Tập Cẩn Bình, 20/12/2011, mọi người có thể thấy rõ là các báo đài “lề phải” đều đã nhận lệnh từ trước: KHÔNG chụp hình cảnh đón rước trên đường phố. Bằng chứng là các hình đón rước được phổ biến trên tất cả báo đài Việt Nam, dù có hay không có cờ 6 sao, đều là những hình đăng lại từ các hãng thông tấn Tây Phương như Reuters, AFP, AP.
Có luồng “bán chính thức” đã cố cãi rằng 4 sao nhỏ trên lá cờ Trung Quốc chỉ đại diện cho 4 giai cấp Công – Nông – Trí thức và Thương gia mà thôi nên có lộn thêm sao thứ 5 cũng chẳng sao, chắc đó để chỉ Quân đội hay Công an mà thôi chứ không phải thêm vào một nước khác! Đây là cách giải thích lươn lẹo, dựa theo bài bản của Ban Tuyên Giáo thời nay của Bắc Kinh. Vì lá cờ này đã có từ thời Mao Trạch Đông, sau khi đảng CSTQ nắm quyền năm 1949. Cả thế giới đều biết Mao nghĩ gì và đã làm gì đối với giai cấp trí thức Trung Quốc qua các chiến dịch Cách mạng Văn hóa suốt 10 năm. Thậm chí có thời cán bộ đảng viên Việt Nam thường xuyên khẳng định lập trường giai cấp của mình qua lời bác Mao: “Trí thức là cục c…”. Còn số phận giai cấp thương gia thì còn rõ ràng hơn nữa dưới thòi bác Mao. Sau khi bị lên án hàng loạt về tội “bóc lột nhân dân theo chân tư bản đế quốc”, chính bác Mao tuyên bố chiến thắng nhiều lần đã xóa sạch giai cấp này khỏi xã hội Trung Quốc. Do đó, khó mà Ban Tuyên Giáo có thể tẩy xóa ý nghĩa thật của 5 ngôi sao trên cờ Trung Quốc: Dân Hán là ngôi sao lớn ở giữa và 4 dân tộc thiểu số Mãn - Mông - Hồi - Tạng là 4 sao nhỏ thống thuộc ở chung quanh.
Các lãnh đạo Hà Nội biết rõ giới lãnh đạo Bắc Kinh cũng hiểu ý nghĩa lá cờ như trên. Chính vì thế mà họ mới cố tình (như đã chứng minh bên trên) tặng món quà “6 sao” lên vị hoàng đế sắp lên ngôi Tập Cận Bình và qua Tập Cận Bình, lên các lãnh tụ Trung Quốc.
Cũng có người cho rằng cái sập lạy công khai qua ngôi sao thứ sáu này đơn thuần là hành động biết ơn và đáp lễ gói quà 300 triệu đô la Tập Cận Bình đem theo cho giới lãnh đạo Việt Nam. Thật vậy, qua kinh nghiệm hàng nhiều năm qua, hàng chữ “dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng” chỉ mang nghĩa “quà cho cả quan chức trung ưong và địa phương”. Còn 8 “văn kiện quan trọng” đều chỉ là những thứ ráng rặn gấp rút ra cho có mà thôi, nên chẳng mang giá trị gì quan trọng, mà còn đầy những điểm nghịch lý và bất thường, cụ thể như:
- Ký kết hợp tác y tế. Cả thế giới biết tình trạng y tế và môi sinh của người dân Trung Quốc tồi tệ tới mức nào và khả năng cung cấy y tế của Bắc Kinh cho chính dân họ được tới đâu. Phải chăng đây là ký kết để Việt Nam đem thuốc qua cho Trung Quốc?
- Thỏa thuận hợp tác thông tin báo chí. Đây là sự sỉ nhục đối với Việt Nam khi ban ngành cấp “Bộ” như Bộ Thông tin- Truyền thông Việt Nam chỉ được “hợp tác” với phòng báo chí dưới quyền Thủ tướng Trung Quốc. Loại “hợp tác” này chỉ có thể mang ý nghĩa thi hành lệnh từ trên đưa xuống.
Không cần có mặt ở Bắc Kinh, người Việt Nam vẫn có thể thấy rõ cảnh Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gật gù khi đón Tập Cận Bình trở về: “Việt Nam – 300 triệu. Hảo giá, hảo nô!”
- Thỏa thuận hợp tác giữa Đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc “giai đoạn 2012-2013”. Sự hợp tác này, chỉ cho đúng 2 năm, có phải là chuyện của quốc gia không?
- “Bản ghi nhớ hợp tác toàn diện” giữa Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam với Ngân Hàng Khai Thác và Phát Triển Trung Quốc. Đây là loại ký kết gì? Một bản tụng niệm hàng ngày cho các nhân viên NHNTVN?
- Còn lại là 4 cam kết cho vay thuộc loại tư doanh và ở cấp quá nhỏ để đưa lên hàng “lễ ký kết” cấp quốc gia.
Từ những dữ kiện nêu trên, có lẽ chỉ có thể rút ra 3 điều từ cốt lõi chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình:
1. Việc lãnh đạo đảng CSVN bán trọn đất nước đã xảy ra suốt 3 đời Bộ Chính Trị, từ thời Lê Khả Phiêu. Và nay lãnh đạo đảng đã sang khâu thứ hai, đó là từng bước làm cho người dân Việt Nam quen dần và chấp nhận như chuyện đã rồi. Lá cờ “6 sao” chỉ là một trong những dụng cụ cho mục tiêu này. Cứ để người dân bực tức trong những lần đầu, rồi sẽ quen và cuối cùng chấp nhận.
2. Số tiền 300 triệu là món quà riêng cho các quan chức thượng tầng của đảng CSVN là chính và hệ thống đảng viên cao cấp ở tỉnh là phụ, chứ không phải cho dân chúng Việt Nam. Và để đổi lại, kinh nghiệm quá khứ cho thấy chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều khoản lời khác qua các thỏa thuận ngầm trong bóng tối chứ không qua 8 văn kiện vụng về đã được công khai.
3. Tập Cận Bình là nhân vật đang được chau chuốt để lên nối ngôi Hồ Cẩm Đào vào năm 2012, vì vậy món quà “6 sao” này là một trong những nỗ lực xây dựng uy tín và hào quang cho Tập Cận Bình trước khi lên ngôi. Chính Hồ Cẩm Đào, trước khi lên nối ngôi Giang Trạch Dân, cũng đã có chuyến đi tương tự đến Việt Nam vào năm 2001, trước đại hội đảng CSVN sắp xếp lại nhân sự. Các “Thái tử Trung Quốc” ngày nay đều phải chứng minh với quần thần tại triều đình về khả năng thuần hóa và bình định các chư hầu của Bắc Triều. Và xem ra Việt Nam vừa là chư hầu loại lớn vừa sẵn sàng quỳ lạy, chứ không khó bảo như Bắc Hàn hay Myanmar.
Không cần có mặt ở Bắc Kinh, người Việt Nam vẫn có thể thấy rõ cảnh Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gật gù khi đón Tập Cận Bình trở về: “Việt Nam – 300 triệu. Hảo giá, hảo nô!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét