Quang Tường
Trong Thế Chiến Thứ Hai, Phát-xít Đức xâm chiếm các quốc gia Âu châu như Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Tiệp Khắc, Ba Lan, Na-Uy, v.v.... Tại các quốc gia bị chiếm đóng, các chính phủ bù nhìn hợp tác với quân đội Phát-xít Đức ở nhiều mức độ khác nhau. Sử sách gọi chung các thành phần hợp tác này là Nazi collaborators.
Để thi hành những chính sách, luật lệ do quân xâm lược Phát-xít Đức đề ra, các chính phủ bù nhìn phải nhờ đến lực lượng cảnh sát, mật vụ bản xứ. Mức độ tuân hành của các lực lượng này có khác biệt nhau tùy theo quốc gia. Ở Na-Uy, lực lượng cảnh sát chọn thái độ thụ động, hững hờ, làm chiếu lệ. Nếu có lệnh của Phát-xít Đức bắt giữ những người tình nghi có liên hệ đến lực lượng kháng cự thì cảnh sát Na-Uy sẽ gọi điện thoại trước đến nhà những người này và thông báo là có lệnh bắt họ và yêu cầu họ có mặt ở nhà ngày mai để cảnh sát đến bắt. Dĩ nhiên là khi cảnh sát đến nhà họ thì các nhân sự liên hệ đã trốn vào rừng hay đã đi biệt tích!
Ở một thái cực hoàn toàn khác với cảnh sát Na-Uy là lực lượng cảnh sát (gendarme) và mật vụ Pháp của chính phủ bù nhìn Vichy dưới thời chiếm đóng của Phát-xít Đức từ 1940-1945. Sự tuân lệnh, tận tụy, cần mẫn của lực lượng cảnh sát và mật vụ Pháp vượt quá sự mong đợi của chính các viên chức Phát-xít Đức. Cảnh sát Pháp rất sốt sắng để lùng sục, lùa bắt dân Pháp gốc Do Thái và những người dân Âu châu gốc Do Thái đang tỵ nạn tại Pháp để đưa vào các trại tập trung trước khi chuyển giao cho Phát-xít Đức. Sau đó, số mệnh những người gốc Do Thái đáng thương này ra sao thì cả thế giới đã biết. Trong thời gian chiếm đóng nước Pháp của Phát-xít Đức, có gần 100 ngàn người gốc Do Thái bị lùa vào các trại diệt chủng. Cảnh sát Pháp hưởng hoàn toàn “công trạng” này.
- Cảnh sát Pháp canh gác trại tập trung dân Do Thái ở Drancy, ngoại ô Paris.