Trần Hùng
Như thế là tầu Vinalines Queen đã thật sự bị chìm. Khi thủy thủ Đậu Ngọc Hùng được tầu London Courage cứu sống sau khi trôi dạt 5 ngày trên biển Thái Bình và kể lại những giây phút cuối cùng của con tầu Queen, thì không còn ai hồ nghi gì về số phận bi thảm của nó nữa. Trong những ngày qua, đề tài này đã được dư luận chú ý và được loan tải rộng rãi trên cả báo đảng lẫn báo chí tự do. Dư luận càng thông cảm với tâm tư của gia đình 22 thủy thủ còn chưa rõ tung tích, thì lại càng bất bình về năng lực yếu kém và thái độ vô trách nhiệm của những người lãnh đạo Tổng công ty hàng hải Vinalines. Thực ra, đó không phải là trường hợp cá biệt mà là hình ảnh chung được nhìn thấy trên khắp mọi lãnh vực tại Việt Nam hiện nay.
Tầu Queen phát đi tín hiệu báo động lúc 7 giờ sáng ngày 25/12, cho biết tầu bị nghiêng 18 độ trong vùng biển đang có bão lớn cấp 8, cấp 9. Dù nói là tầu bị nghiêng 18 độ, nhưng cộng thêm độ lắc do sóng gió tạo thêm, nên độ nghiêng có thể trên dưới 40 độ, đó là độ nghiêng rất lớn có thể làm chìm tầu. Thêm vào đó, tầu đang chở quặng Nikel rời, là một loại quặng dễ trở nên nhão, lỏng khi gặp độ ẩm cao, đã được các công ty hàng hải quốc tế cảnh báo là loại hàng rất nguy hiểm khi chuyên chở rời. Tuy thế, dù ngay sau đó việc liên lạc đã bị gián đoạn, Vinalines vẫn hoàn toàn không có một động thái nào hết, ngoài việc tiếp tục ngồi... chờ tin! Những giờ phút quan trọng, rất qúy báu trong việc cứu nạn đã bị mất đi, do khả năng đánh giá tình hình yếu kém hay tinh thần trách nhiệm thiếu vắng nơi những người lãnh đạo của Vinalines?
Sau này, trong một buổi họp báo, Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt còn loay hoay chống chế, cho rằng việc "mất liên lạc 8 đến 10 giờ đối với tàu biển không quá bất thường". Ông ta không có khả năng phân biệt giữa việc gián đoạn liên lạc trong hoàn cảnh bình thường, với việc gián đoạn trong hoàn cảnh ngặt nghèo của tầu Queen khác nhau như thế nào. Một thuyền trưởng từng có nhiều năm kinh nghiệm vận hành tàu chở quặng nickel, căn cứ theo những thông điệp được Vinalines Queen phát đi trước đó, cũng phải phát biểu trong cuộc họp báo nói trên rằng "không thể nhận định đây là một trường hợp mất liên lạc thông thường".Để bào chữa cho việc "án binh bất động" khi đã biết là tầu Queen đang thực sự gặp nguy cơ bị chìm, ông Việt đưa ra thêm những lý lẽ thật khó chấp nhận: "trong điều kiện vẫn còn liên lạc được và sẵn sàng rời tàu trước thời điểm 7 giờ sáng 25/12 nói trên, việc Vinalines Queen không phát tín hiệu cấp cứu là điều khó hiểu". Hẳn ông cho rằng vì không nhận được tín hiệu cấp cứu nên Vinalines đã không thể tiến hành biện pháp cứu nạn. Thái độ này mới thực sự là "điều khó hiểu", vì theo quan niệm bình thường, cứu nạn là việc phải làm ngay, khi đã có đầy đủ những yếu tố cho thấy con tầu bị hiểm nguy. Việc tìm hiểu bất cứ nguyên nhân nào khác sẽ được thực hiện sau đó, chứ không phải là trước khi cứu nạn!
Vinalines đã không hành động như thế, nên mãi đến trưa ngày 25/12, sự việc mới được báo cáo đến "Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải" (Việt Nam MRCC). Từ nơi đây một số biện pháp tìm kiếm mới được thực hiện, nhưng cũng thật thụ động và thiếu chuyên nghiệp. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Philippines và Đài Loan được "đề nghị" cho tầu tiếp cứu, họ đã đáp ứng nhưng phải đình hoãn ngay sau đó vì thời tiết xấu. Ngày 27/12, phi cơ của Nhật Bản tìm thấy vết dầu loang trên biển tại tọa độ tìm kiếm. Nhưng vì không tìm thấy "vật thể trôi dạt", nên Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa kết luận là tầu đã chìm mà chỉ cho là "mất tích", có thể là bị cướp biển! Lúc đó, tầu Vinalines Queen đã chìm dưới đáy biển hơn 2 ngày rồi. Các hoạt động tìm kiếm chỉ được tiếp nối bằng 3 tiếng bay trực thăng rồi lại bị đình chỉ!
- Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng
Mãi đến ngày 30/12, khi chiếc tầu London Courage cứu được thủy thủ Đậu Ngọc Hùng sau khi anh trôi dạt 350 cây số trên Thái Bình Dương, Vinalines mới chính thức chấp nhận kịch bản "tầu chìm". Người ta không thể quả quyết là trong 5 ngày trước đó, nếu thực sự đánh giá chính xác được tình hình và tận tình thực hiện công tác cứu nạn, thì đã có thêm bao nhiêu trường hợp may mắn như thủy thủ Đậu Ngọc Hùng? Cho dù không là tất cả 23 người, nhưng chỉ hơn con số 1 như hiện nay cũng là điều qúy báu. Bây giờ, khi Vinalines đã công bố số tiền bảo hiểm, đền bù cho mỗi thủy thủ tử nạn, người ta chỉ còn biết ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau của các gia đình nạn nhân, và vẫn tiếp tục cầu nguyện để mong phép lạ xẩy đến với 22 thủy thủ còn lại của tầu Vinalines Queen.
Những tai nạn gây thương vong về nhân mạng, ai cũng biết đây không phải là lần đầu. Việc tầu Queen bị chìm thực ra không phải là điều khó hiểu như Vinalines đang tìm cách che dấu sự thật. Với tình trạng kỹ thuật tồi tệ và khả năng vận hành yếu kém của nghành hàng hải Việt Nam, chuyến hải hành nào cũng có thể là lần cuối. Thông tin cho biết trong những tháng cuối năm 2011, có đến 126 tầu hàng Việt Nam đã bị giữ tại các hải cảng quốc tế. Nguyên do: trục trặc về kỹ thuật và yếu kém về vận hành. Tầu đóng ở trong nước thì sai lỗi thiết kế, tầu mua ở nước ngoài thì kém về bảo trì, và thuyền trưởng thì "không nắm vững quy trình vận hành". Chính tầu Vinalines Queen vào tháng 8/2011 cũng đã bị giữ tại một hải cảng của Trung Cộng vì những lỗi nói trên! Với tình trạng như thế, chúng ta liệu có tiếp tục để cho Vinalines "rút kinh nghiệm" bằng sinh mạng của những người thủy thủ hay không?
Trường hợp con tầu Queen bị chìm khiến người ta liên tưởng đến tình hình đất nước hiện nay. CSVN vẫn thường ví cả nước như một con tầu, và họ chiếm đoạt vai trò cầm lái để hô hào "tiến ra biển lớn". Liệu một con tầu có thiết kế lạc hậu, máy móc cũ kỹ hư hỏng, và người cầm lái vô tâm kém tầm, có thể tồn tại trên đại dương nhiều sóng dữ hay không? Câu trả lời đã được người dân Việt Nam trả lời bằng những phong trào phản kháng từ nhiều thập niên qua.
Hàng năm, Việt Nam đạt tổng sản lượng quốc gia khoảng 100 tỷ đô la. Thực tế không phải là bài toán chia đơn giản để tính thu nhập bình quân mỗi đầu người là 1.100 đô la. Con số thống kê vào giữa năm 2011 cho biết cả nước có hơn 5 triệu hộ nghèo, đói, tức khoảng 20 triệu người có thu nhập hàng năm dưới 200 đô la. Cuộc sống cơ cực khiến tử suất của người Việt Nam từ 10 năm nay gia tăng liên tục, từ 5,1% năm 2001 lên đến 6,8% năm 2010, đặc biệt ở nông thôn tử suất rất cao, năm 2010 là 7,3%.
Trong khi đó, ngân sách y tế hàng năm theo con số của tổng cục thống kê nhà nước, chỉ khoảng 1,5 tỷ đô la, thật vô nghĩa nếu so với số tiền 10 tỷ đô la mà Việt Nam bỏ ra trong năm 2010 để mua hàng xa xỉ phẩm như xe hơi, xe máy "khủng", đồ trang sức, đá qúy, rượu mạnh, quần áo loại sang....
Chưa nói đến lãnh vực tinh thần, chỉ với tình trạng vật chất như trên, không ai tin rằng chế độ cộng sản có thể mang lại điều gì tốt đẹp cho người dân Việt Nam. Vì thế, Việt Nam vẫn "tiến ra biển lớn", nhưng không phải trên con tầu xã nghĩa hiện nay, mà với thể chế dân chủ, với những người lãnh đạo thực tài do chính người dân bầu lên. Chỉ trong hoàn cảnh đó, con tầu Việt Nam mới không sợ bị chìm.
Nguồn: DienDanCTM.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét