Lý Thái Hùng
Sức sống của một đảng hay một lực lượng chính trị thường dựa trên ba nền tảng: Thứ nhất là cơ sở lý luận hay còn gọi là hệ tư tưởng phải đi gần với thực tiễn đời sống của người dân. Thứ hai là hệ thống tổ chức đảng không cho phép bất kỳ một cá nhân nào, kể cả người đứng đầu các ngành lập pháp, tư pháp, hành pháp có thể đứng trên dân tộc, đứng trên luật pháp. Thứ ba là được quần chúng tin tưởng và ủng hộ qua phương thức bầu cử công khai và minh bạch.
Nếu dựa trên những nền tảng này, đảng Cộng sản Việt Nam không những không đáp ứng được bất cứ điều gì mà còn được sử dụng như một công cụ để duy trì quyền lực độc tôn cho một thiểu số quyền lực. Họ dùng đảng như một cái khiên để núp vào đó thao túng quyền lực và ban phát đặc quyền đặc lợi cho những ai cùng phe nhóm hầu bảo vệ lẫn nhau. Họ sẵn sàng đạp trên công luận, nền tảng đạo đức và ngay cả luật pháp của chính họ để thỏa mãn tham vọng cá nhân.
Những ai lên tiếng phê bình, chỉ trích các sai phạm của đảng Cộng sản thì bị quy chụp là tuyên truyền chống phá đảng, nhà nước (Điều 88 Luật Hình Sự) với án tù từ 3 đến 15 năm. Và nhất là những ai tham gia vào các đoàn thể, đảng phái cổ võ cho thể chế tự do dân chủ và đa nguyên thì bị quy chụp là có âm mưu lật đổ chế độ (Điều 79 Luật Hình Sự) với án tù từ 12 năm đến chung thân.Núp dưới cái gọi là “có dân chủ sẽ làm rối loạn xã hội”, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chủ trương rằng họ không bao giờ chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Tức là không bao giờ họ chấp nhận bất cứ ai hay bất cứ đoàn thể nào ở vị trí đối lập, có chủ trương khác với đảng Cộng sản. Chính tư duy “độc quyền” này đã đe dọa sự tồn vong của đảng nên trong kỳ họp vào cuối tháng 12 năm 2011, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đưa ra thảo luận: Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay.
Theo ông Nguyễn Phú Trọng thì đảng Cộng sản Việt Nam đang đối diện với một số vấn đề sinh tử, trong đó có hai điểm khá nghiêm trọng:
Thứ nhất là “cấp thời ngăn chận, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ và đảng viên. Tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại…”
Thứ hai là “cảnh giác các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc, vu cáo đảng và đánh thẳng vào hệ tư tưởng, đường lối chính trị của đảng nhằm chia rẽ đảng, nhà nước với nhân dân hòng làm tan rã đảng, chế độ, từ gốc, từ bên trong.”
Ông Trọng và 200 ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã định rất đúng “căn bệnh” trầm kha kéo dài nhiều thập niên của đảng; nhưng bài thuốc chữa bệnh mà Thông Báo của Hội nghị Trung ương đảng 4 đưa ra, quả thật là “hết thuốc chữa” vì nó cũng chỉ loay hoay ở những lời kêu gọi mang tính khẩn thiết… rồi thôi.
Thông Báo đã viết như sau: “Muốn có được sức mạnh và uy tín đảng thì phải tự rèn luyện, tự củng cố, tự đổi mới, chỉnh đốn, không ai có thể làm thay được… Do đó, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng ủy viên Trung ương đảng, ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư phải tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình… Muốn tự phê và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là thật sự phát huy dân chủ trong đảng và phải có những hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên, và phải nghiêm túc tiếp thụ ý kiến phê bình đúng đắn… Công tác chỉnh đốn đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người.”
Trong Thông báo, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng chỉnh đốn đảng chính là công tác con người,nhưng con người sẽ không thể hoàn thiện và thay đổi nếu họ vẫn tiếp tục sống trong môi trường đầy rẫy những cám dỗ về danh lợi, tham nhũng, lãng phí, vụ lợi mà chính đảng Cộng sản cố tình dung dưỡng vì nhu cầu cộng sinh của các phe nhóm.
Con người cần phải phê bình để thay đổi, nhưng phương thức này không còn phù hợp nữa vì chính ông Nguyễn Phú Trọng đã phải than rằng việc tự phê và phê bình ở trong đảng ngày nay đã biến thành nơi: Một là tâng bốc, vuốt ve và ca tụng để lấy lòng lẫn nhau; hai là đấu đá, hạ bệ nhau với những động cơ không trong sáng.
Rõ ràng là những kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng và Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam về sự tự giác của đảng viên, về sự gương mẫu của cán bộ cao và trung cấp và nhất là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng… để đổi mới đảng Cộng sản sẽ không có kết quả.
Một là ông Trọng và lãnh đạo Hà Nội chưa nhìn ra sự tai hại của tư duy “độc quyền” đã làm băng hoại và tan rã đảng ra sao. Ngày nào mà đảng Cộng sản còn độc quyền, thì cán bộ và đảng viên sẽ không thấy có nhu cầu phải sống gương mẫu khi không có ai thách đố quyền lực của họ.
Hai là ông Trọng và lãnh đạo Hà Nội không nhìn ra hai vế của mọi nỗ lực cải cách: Con người và Môi trường xã hội. Môi trường xã hội không có dân chủ, luật pháp xét xử không công minh thì con người, nhất là những con người có quyền lực, luôn luôn bị tha hóa.
Trong các xã hội dân chủ, các đảng phái hay lực lượng chính trị chỉ là những đại diện của một số thành phần quần chúng. Nếu đảng phái đó cầm quyền thì đảng đó cũng chỉ là một công cụ thi hành sách lược phục vụ người dân và đất nước, được lựa chọn cho một giai đoạn nhất định bằng phương pháp bầu cử dân chủ, công bằng và tự do.
Ngoài ra, trong thể chế dân chủ, phải có sự phân biệt giữa người phụ trách và cơ chế quốc gia. Cơ chế quốc gia phải được tôn trọng và bảo vệ. Những người được cắt cử vào các trách vụ lãnh đạo guồng máy nhà nước nếu vi phạm những qui định luật pháp như tham nhũng, hối mại quyền thế, thì sẽ phải chịu chế tài đúng mức chứ không thể châm chước theo “quá trình phục vụ đảng”.
Ông Nguyễn Phú Trọng và Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam cần phải đánh giá lại những thay đổi của xu thế dân chủ hóa toàn cầu từ cuộc cách Màu ở Trung Á vào đầu thập niên 2000 và cuộc cách mạng Hoa Lài đang xảy ra ở Bắc Phi vào thập niên 2011. Động lực tạo ra những cuộc cách mạng dân chủ này đa số đến từ sự can đảm vùng dậy của quần chúng và từ chính sự ung thối của đảng cầm quyền.
Khác với trước đây, sự xuất hiện của các trang mạng xã hội ngày nay đã hình thành một thế giới ảo rất quan trọng, vừa xóa bức màn bưng bít, vừa tập trung lực lượng mà chế độ độc tài không thể phát hiện hay ngăn chận. Khi thời điểm chín mùi bùng vỡ, các trang mạng xã hội sẽ là nơi huy động làn sóng người phản đối một cách ào ạt và sẽ chuyển mình từ thế giới ảo thành những cuộc biểu tình khổng lồ trên đường phố mà công an hay bộ máy bạo lực không thể nào đàn áp nổi.
Tóm lại, ông Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Hà Nội nên nhìn lại “tư duy độc quyền” hiện nay. Nó không những cản trở công tác chỉnh đốn đảng mà đang hủy diệt đảng Cộng sản từ bên trong. Thảm kịch tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xảy ra 5 ngày sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 4 hôm 31 tháng 12 năm 2011, là một dấu hiệu mà Hà Nội cần thức tỉnh trước khi quá muộn.
Lý Thái Hùng
Ngày 10/1/2012
Ngày 10/1/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét