Nguyệt Quỳnh
Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
(Áo Trắng - Huy Cận)
Em duyên đôi má nắng hoe tròn
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.
(Áo Trắng - Huy Cận)
Tóc biếc hay gió biếc? Khi đọc những câu thơ của Huy Cận có lẽ sẽ chẳng ai buồn phân tích. Chỉ biết rằng nét đẹp của người thiếu nữ đã thổi xiêu bạt tâm hồn thi nhân. Có ai đó nói rằng người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất hành tinh, câu nói dường như của một người ngoại quốc. Tuy nhiên, có lẽ chỉ có người Việt mới thấy hết được nét đẹp của người phụ nữ Việt. Bởi cái đẹp không chỉ được thể hiện qua nhan sắc bên ngoài mà còn trong tâm hồn, trong những hy sinh, trong sự dũng cảm nội tâm.
2011 là năm đất nước Việt nam nở rộ quá nhiều những bông hoa đẹp tuyệt vời: Từ cô gái trẻ Trịnh Kim Tiến với chiếc áo dài trắng mang hàng chữ Trường Sa Hoàng Sa làm ngẩn ngơ ống kính của các phóng viên ngoại quốc; đến chị Lê thị Ngọc Đa với hai bàn tay lao động cằn cỗi luôn mở rộng để đùm bọc những người dân oan khốn khổ khác như chị. Và giữa 2 lằn mức tuổi tác đó là những bông hoa Bùi Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Trần thị Thuý, Đỗ thị Minh Hạnh, Lê thị Phú Dung, và còn nhiều, nhiều lắm những người phụ nữ Việt Nam với nét đẹp được gói trọn trong tâm hồn nhân hậu và trái tim rực sáng yêu nước, yêu người.
Tôi tin rằng chưa có một thi nhân, một hoạ sĩ nào vẽ được đầy đủ nét đẹp của một nàng chủ Thánh Thiên mới 16 tuổi đã lãnh đạo hào kiệt xứ Hải Đông hay nét đẹp của một Bát Nàn Đại tướng quân. Sử chép rằng Bát Nàn Đại tướng quân là người có khuôn mặt vừa rắn rỏi vừa rất xinh đẹp. Khi Trưng nữ vương dựng ngọn cờ nghĩa, bà thân cỡi một con ngựa đen, dẫn đầu đội quân gần một nghìn người trong đó có 23 người con gái ở làng Tiên La cùng theo về dưới trướng. Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng được coi là một sự kiện độc đáo trong lịch sử các sắc dân thế giới. Cả một dân tộc đã vùng dậy theo lời hiệu triệu của hai người phụ nữ trẻ tuổi; rồi tôn nhiều phụ nữ nữa lên nắm quyền lãnh đạo cuộc khởi nghĩa để giải phóng dân tộc. Khi đất nước nằm trong tay những tên thái thú hung bạo, số phận người phụ nữ đáng thương nhất. Và chính họ, một số các nữ tướng là những người phụ nữ bị ép duyên, bị bọn cường quyền hà hiếp, đã đứng lên xoay chuyển thời cuộc.Khi Thánh Thiên hô hào, chỉ huy dân chúng chống lại lịnh đòi khám muối và bắt trói viên Diêm quan từ huyện về, bà chỉ mới qua trăng tròn 1 tuổi. Bà đứng lên vì cuộc sống cơ cực, đói nghèo của dân làng vùng ven biển Đông Bắc. Tôi tự nhủ chắc phải có mối nhân duyên nào giữa hai người phụ nữ này, khi hơn 2000 năm sau Phạm Thanh Nghiêncũng tự mình tìm đến với những ngư dân lương thiện bị sát hại và bị lãng quên tại vùng biển Thanh Hoá. Bài báo “Uất Ức Biển Ta Ơi” của chị đã đem đến một trận đòn hội chợ; bốn kẻ côn đồ đã đánh đập người phụ nữ nhỏ nhắn này ngay giữa đường phố Hải Phòng. Tuy nhiên, trận đòn cảnh cáo đã không ngăn được Phạm Thanh Nghiên nói lên điều chị muốn nói: “Chúng ta không thể im lặng. Vì im lặng là đồng ý với hành động bán nước. Chúng ta không thể buông xuôi. Vì mọi sự thờ ơ và buông xuôi sẽ dẫn đến những hành động bán nước tiếp diễn trong tương lai.”Ngay tại nhà mình, chị đã toạ kháng để phản đối Trung quốc xâm lược trong những giờ phút mà tai hoạ đang phủ chụp xuống đầu những người dám lên tiếng bảo vệ chủ quyền đất nước. Năm vừa qua, đặc biệt là suốt 12 cuộc biểu tình đã diễn ra từ tháng 6/2011, khi nhắc đến Hoàng Sa - Trường Sa người ta không thể quên lời kêu gọi thống thiết của Phạm Thanh Nghiên trước ngày vào tù. Chị cũng chính là người đầu tiên đã đem được hình ảnh của tám sinh mạng ngư dân vô tội ra trước lương tâm Việt Nam, khi những tàu chiến Trung Quốc còn được kẻ cầm quyền ấp úng gọi bằng cái tên “tàu lạ”.
Trong một bài thơ kể về giấc mơ của mình, thi sĩ Bắc Phong bảo rằng ông nhìn thấy tiền thân của ông là một người lính, một viên quản tượng dưới thời hai bà Trưng. Giữa đất Mê Linh cũ, mỗi sáng mai ông là người dắt voi ra tắm trước giờ hai bà điều binh. Cùng những rung cảm như Bắc Phong, nhưng tôi lại thấy mình như đang được sống cùng thế kỷ của hai mươi nữ tướng dưới thời hai bà. Khi Phạm Thanh Nghiên ngồi tù, Bùi Minh Hằng, theo ý tôi, có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất của 12 cuộc biểu tình năm 2011. Chị đi biểu tình, rồi bị bắt, được thả ra chị lại đi biểu tình tiếp. Lần bị bắt cuối cùng là lần chị vào Sài Gòn với ước vọng đưa ngọn lửa của đoàn người yêu nước tại Hà Nội vào Nam. Chị có lẽ cũng là người đầu tiên biểu tình trên xe buýt, hô khẩu hiệu “độc đáo” đến độ những cậu đeo “băng đỏ” không dám ngẩng đầu lên. Và biến những chuyến xe bắt người của công an thành những chuyến xe biểu tình trên đường phố Hà Nội. Hình ảnh chị cương quyết giữ chặt chiếc nón mang hàng chữ HS-TS-VN là hình ảnh mà những kẻ lãnh đạo đất nước cần phải học nơi chị. Trớ trêu thay, nay những kẻ bán nước lại ném người yêu nước vào “cơ sở giáo dục” mà các thày dạy là những tay công an chỉ biết nhắm mắt xuống tay! Ai mới thật sự cần được giáo dục?
Trong những thời khắc đen tối, khắc nghiệt nhất của đất nước, người phụ nữ Việt Nam lại có mặt. Họ là những bông hoa không chỉ nở trong mùa xuân tươi đẹp, họ đến trong nhục nhằn và sẵn sàng ghé vai gánh chịu những tai ương cho người khác. Tôi vẫn hình dung trong bóng tối của một trại giam nào đó, có khuôn mặt với đôi mắt đen láy củaĐỗ Thị Minh Hạnh, có mảnh tâm hồn đẹp như câu dân ca Dáy "ai viết tên em bằng ánh sáng, ai vẽ hình em bằng ánh trăng". Chị là người phụ nữ đã đem đến nhiều thương cảm lẫn thán phục cho tất cả chúng ta. Chị bước vào tù ở lứa tuổi 20, lứa tuổi đẹp nhất của người con gái. Chị bị đánh đập, bị bỏ đói, bị tra khảo đến nỗi bị điếc một bên tai. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhìn thấy nụ cười nhân hậu trên khuôn mặt xinh đẹp ấy. Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt sau khi cùng hai bạn Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương hỗ trợ cuộc đình công của công nhân nhà máy Mỹ Phong ở Trà Vinh. Nhà máy này là nơi đã xảy ra liên tục những trường hợp các chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan chửi bới, đánh đập người lao động Việt Nam. Thậm chí, một số công nhân nữ bị những chuyên gia này ném giày vào mặt gây thương tích. Hạnh bảo với mẹ: "Làm sao để cho mọi người hiểu rằng, trước hết là phải bảo vệ danh dự của dân tộc... Họ đánh đập công nhân, lấy giầy ném vào mặt công nhân, làm sao con có thể chịu đựng được, rồi sỉ nhục dân tộc, phụ nữ Việt Nam đi làm đĩ… mà tại sao Nhà nước không bảo vệ công nhân mà lại đi bảo vệ chủ??? Để cho họ có quyền chà đạp, bắt giam cầm những người công nhân đó... không để người Trung Quốc xúc phạm đến danh dự của mình." . Gia đình chị là “gia đình cách mạng”. Nhưng Hạnh nói với mẹ nếu nhờ điều đó mà chị được thả về thì: “Nếu con ra tù một mình, con cũng không thể sống được. Nếu các bạn con còn bị giam giữ, con sẽ không ra về, sống thì cùng sống, chết thì cùng chết.”
Nếu nhà văn Victor Hugo ví tâm hồn phụ nữ huyền bí như ánh sáng lung linh của những vì sao thì tôi lại thích thấy người phụ nữ Việt Nam qua những dải lụa. Những dải lụa mềm mại, đầy sắc màu nhưng lại bền chặt, thích nghi, và bảo bọc. Những dải lụa dưới thời hai bà Trưng không chỉ để lại những tên tuổi như Xuân Nương, Bát Nàn, Đàm Ngọc… mà còn trao tặng cho chúng ta những rung động và những kỷ vật quí giá khi rời khỏi cuộc đời này. Và lạ lùng thay, tôi lại được thấy những tâm hồn đó qua những dải lụa Phạm Thanh Nghiên, Bùi Minh Hằng, Đỗ thị Minh Hạnh của hôm nay. Xin cám ơn những kỷ vật và những tâm hồn.
Tường thành cũ phiến bia xưa
Hồn dâu biển gọi trong cờ lau bay
Chiều xanh vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha
(Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng - Phạm Thiên Thư)
Hồn dâu biển gọi trong cờ lau bay
Chiều xanh vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha
(Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng - Phạm Thiên Thư)
Nếu năm 2011 thế giới có Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee, Tawakkul Ka — ba nhà tranh đấu nữ lãnh giải Nobel Hoà Bình, thì dân tộc Việt Nam hãnh diện có Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên và Bùi Minh Hằng. Từ 3 độ tuổi hai mươi, ba mươi và bốn mươi, các chị đại diện cho cả thế hệ con cháu Hai Bà ở thế kỷ 21. Các chị chính là những bông hoa báo hiệu cho mùa xuân sắp đến của dân tộc. Chắc chắn mùa xuân đó sẽ rực rỡ không khác gì mùa Xuân Ả Rập đầu năm 2011.
Nguyệt Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét