Gia Minh - RFA
2012-01-24
Theo phong tục của người Việt đi thăm thân nhân, bạn bè trong ba ngày tết, nhân ngày mồng hai tết Gia Minh liên lạc một vài gia đình có người thân đang bị giam cầm và một cựu tù nhân chính trị mới mãn hạn trước tết.
Tết là dịp đoàn tụ gia đình của người Việt Nam. Thế nhưng do hoàn cảnh, nhiều người Việt phải ăn tết trong cảnh thiếu vắng người thân yêu của họ. Một trong những hoàn cảnh đó là những gia đình có người đang bị giam cầm, đặc biệt vì chính kiến của họ không giống quan điểm của nhà cầm quyền.
Những cái Tết buồn
Chính bởi thiếu vắng người thân nên trong lúc nhiều người khác vui đón xuân, thì những gia đình của tù nhân chính trị đều có những nỗi buồn giống nhau.
- Chị Dương Thị Tân và chồng Điếu Cày Nguyễn Văn Hải chụp năm 2007. RFA file
Bà Dương thị Tân, vợ của ông Nguyễn Văn Hải, tức blooger Điếu Cày, chia xẻ về chuyện ăn tết của gia đình và thông tin về tình hình ông Hải, người vẫn còn biệt vô âm tín cho đến lúc này:
Gia đình chúng tôi cũng như mọi người thôi, Tết đến xuân về cũng phải đón xuân, mặc dù đón xuân trong sự lo âu. Cho đến lúc này gia đình chúng tôi vẫn không có tin tức gì về ông Hải cả. Các con tôi cũng lo như tôi.
Hôm ngày 20 tức 27 tết, An ninh điều tra nói họ hết trách nhiệm, còn Viện Kiểm sát nói họ không làm việc khi chưa có giấy tờ gì. Chúng tôi chạy từ ngày 17 đến ngày 20 tháng giêng thì họ cứ đổ qua đổ lại như thế. Cuối cùng người chỗ Viện Kiểm sát nói sau Tết sẽ giải quyết
- Nhà báo Tạ Phong Tần
Hôm ngày 14, 15 gì đó tôi không nhớ rõ, tôi cùng một số các linh mục Nhà thờ (Dòng Chúa Cứu Thế) có xuống Bạc Liêu thăm gia đình cô Tần. Người em cô Tần là Tạ minh Tú. Cô này có đi gửi đồ nuôi nhưng họ không cho gặp. Họ nói cho gửi thêm một lần trước tết nhưng cô này nói xa xôi quá không đi được.
Vợ của một tù nhân lương tâm khác là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, bà Trần Thị Nga, cho biết về việc ăn tết và thông tin lý do ông này bị biệt giam thêm ba tháng trong trại tù Nam Hà:
Tết cổ truyền thì nhà nào cũng như nhà nào, tôi cũng chuẩn bị một cái tết chu đáo; nhưng vắng người thân thì không thể như nhà người khác được. Mẹ con ở nhà ăn những thức ăn ngày Tết lại chạnh lòng nhớ đến chồng, nhớ đến cha; nhất là biết đợt này bố cháu bị biệt giam thêm ba tháng nữa.
- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. RFA file
Lý do tôi được chị Trang vợ anh Trội cho biết là hôm xem TV về Quốc hội họp, anh Nghĩa có nói lại gì đó với họ; ngoài ra họ giữ cuốn sách học tiếng Anh của anh Nghĩa quá lâu anh đòi lại và nói nếu không trả anh sẽ tuyệt thực. Thế là họ biệt giam anh Nghĩa và chuyễn sang trại khác.
Trong ngày mồng hai tết, chúng tôi cũng gọi điện thoại đến chúc tết một cựu tù nhân chính trị mới mãn hạn 5 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXH chủ nghĩa VN và tội phá rối an ninh theo hai điều 88 và 89 Bộ Luật hình sự Việt Nam, hồi ngày 12 tháng giêng vừa qua, ông Trần Quốc Hiền. Ông cho biết tình hình ăn tết của gia đình như sau:
Thật sự đây là cái Tết đầu tiên sau khi ra khỏi tù nên gia đình có sự đầm ấm hơn trước đây khi vắng tôi. Nói chung như bao nhiêu gia đình khác ở Vn chúng tôi cũng lo một cái tết không đến nỗi nào. Tôi cũng biết có nhiều gia đình ở nơi khác cũng chật vật lắm, họ khó khăn khi tết đến. Đó là điều đáng buồn cho những gia đình không may mắn đó.
Chính quyền Việt Nam mỗi khi bị chất vấn về tình hình giam cầm những người bất đồng chính kiến đều một mực cho rằng tại Việt Nam không hề có tù nhân lương tâm- những người bị giam cầm vì chính kiến của họ. Tuy nhiên trong thực tế những người can đảm công khai những ý kiến của họ về tình hình đất nước như tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, bà Bùi thị Minh Hằng… đều bị nhà cầm quyền tìm mọi cách để giam tù họ, không cho phép họ tiếp tục bày tỏ chính kiến một cách công khai đến với nhiều người khác.
Cho đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức về số tù nhân chính trị tại Việt Nam. Có người cho là hằng trăm người đang bị giam giữ và chịu đối xử khắc nghiệt trong nhà tù vì lý do chính trị và niềm tin tôn giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét