2015/12/13

Nhân sự Đại hội đảng XII còn khó khăn

Radio Chân Trời Mới - Thanh Thảo


Thanh Thảo: Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội vào ngày 7 tháng 12 năm 2015 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết là Đại hội đảng CSVN lần thứ XII sẽ triệu tập vào tháng 1 năm 2016, đúng theo dự kiến chung của dư luận. Tuy nhiên trong buổi tiếp xúc này, ông Nguyễn Phú Trọng đã cho cử tri biết là vấn đề sắp xếp nhân sự còn “rất khó khăn”. 



So với sự chuẩn bị của các kỳ đại hội đảng CSVN trước đây, giờ này vấn đề nhân sự thượng tầng, đặc biệt là bộ tứ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội đã phải được sắp xếp xong. Nhưng hiện nay các vị trí này cho nhiệm kỳ 5 năm tới vẫn còn bao trùm một sự bí mật. Để tìm hiểu về tình hình nhân sự và hướng đi của đảng CSVN xuyên qua đại hội đảng lần thứ XII sắp tới, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.

Thanh Thảo: Trả lời câu hỏi của cử tri ở Hà Nội liên quan đến vấn đề chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng XII, ông Trọng nói là việc chuẩn bị diễn ra “bài bản,chặt chẽ” nhưng lại “rất khó khăn”. Ông nhận định ra sao về phát biểu này?

Lý Thái Hùng: Trong phần trả lời của ông Nguyễn Phú Trọng chúng ta cần hiểu cả hai vế của một vấn đề.

Vế thứ nhất là việc chuẩn bị nhân sự lần này không còn mang tính “tự tung tự tác” của Tổng bí thư và Trưởng ban tổ chức Trung ương đảng như các kỳ đại hội trước đây, mà tất cả phải nằm dưới sự thảo luận và thông qua của Ban chấp hành trung ương đương nhiệm. Nói cách khác là mọi tuyển chọn nhân sự kể cả quy trình ứng cử, bầu cử đều phải đi theo một khuôn mẫu chung của Bộ chính trị. Điều này cho thấy là vai trò của Tổng bí thư hay Trưởng ban tổ chức trong việc sắp xếp nhân sự suy giảm rất nhiều.

Vế thứ hai là các cá nhân không có quyền ứng cử hay đề cử vào Trung ương đảng ở đại hội đảng, nếu không nằm trong danh sách đề cử ngay từ đầu của Bộ chính trị đương nhiệm. Đây là quy định mới theo Chỉ thị 244 vào đầu năm 2014 để tránh tình trạng các phe nhóm dựa trên số đại biểu có thể ảnh hưởng nhằm đưa người của phe nhóm mình ra tranh cử vào phút cuối ở đại hội đảng. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ và đặc biệt diễn ra ở đại hội XI khi phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng đề bạt nhân sự của mình vào trung ương đảng ở phút thứ 25.

Chính vì dựa vào những ràng buộc nói trên mà ông Trọng trong vai trò chủ tịch của Tiểu ban nhân sự đã phải làm theo “bài bản” đã quy định không thể xé rào như trong quá khứ. Nhưng do tình trạng cá mè một lứa của tình hình nhân sự kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ, các phe đã tìm cách khai thác kẽ hở của những chỉ thị để kéo dài tiến trình biểu quyết vấn đề nhân sự.

Do đó mà vào lúc này, chỉ còn non một tháng đại hội đảng lần thứ XII sẽ khai diễn mà Bộ chính trị CSVN chưa có thể chung quyết về danh sách tân Ủy viên trung ương, kể cả thành phần Tứ trụ cho 5 năm tới. Cái khó khăn mà ông Trọng nêu ra, chính là Bộ chính trị chưa đồng thuận những ai sẽ ngồi vào ghế của 4 chức danh: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội.

Hơn thế nữa, trong lần thay đổi nhân sự này, hai chức danh Bí thư Thành ủy Sài Gòn và Hà Nội lại không cho đảng bộ Sài Gòn và Hà Nội bầu trực tiếp như trước đây, mà lại do Bộ chính trị chỉ định sau khi bầu xong nhân sự Bộ chính trị đại hội XII.

Sự thay đổi này đã nói lên một lo ngại của lãnh đạo CSVN là trong kỳ bầu chọn tân ủy viên Bộ chính trị sắp tới, hai Bí thư Sài gòn và Hà Nội có thể không được chọn, nên phải để cho Bộ chính trị phân công sau khi đã bầu xong bộ chính trị. Điều này đã nói lên một điều là CSVN không còn khả năng kiểm soát chặt chẽ việc tuyển chọn nhân sự lãnh đạo như nhiều năm qua.

Nói tóm lại, ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị đang ở vào vị thế rất yếu, do đó mà tình trạng tuyển chọn nhân sự gặp nhiều khó khăn là vì vậy.

Thanh Thảo: Đại hội đảng là dịp để đảng CSVN sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo thượng tầng và hướng đi của đảng trong 5 năm sắp tới. Nhìn thì đơn giản nhưng thực tế rất khó khăn khi mà thượng tầng lãnh đạo không nhìn cùng một hướng, vậy thì ông có thể cho biết các vấn đề nổi bật nhất trong kỳ tổ chức đại hội đảng CSVN kỳ này, thưa ông?

Lý Thái Hùng: Đại hội đảng CSVN lần thứ XII diễn ra trong khung cảnh đối đầu gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về biển Đông, dẫn đến sự xuất hiện liên minh chống Trung Quốc do Hoa Kỳ và Nhật Bản lãnh đạo, khiến cho Hà Nội phải sửa đổi đường lối đối ngoại và đối nội để thích ứng trong tình hình mới.

Tuy nhiên, do mối quan hệ gắn bó quá lâu với Bắc Kinh từ năm 1990 đến nay, CSVN không dễ dàng thay đổi đường lối một cách nhanh chóng, không chỉ vì sợ Bắc Kinh khó chịu mà chính là không biết rõ tương lai sẽ đi về đâu. Chính vì thế, trong đại hội đảng lần này, có 3 vấn đề nổi bật nhất như sau:
Một là tiếp tục loay hoay với bài toán cải tổ cơ chế kinh tế vì không thoát ra được cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà chính ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói là chưa chắc đã tìm thấy vào cuối thế kỷ 21. Khi không nhìn thấy được tương lai của xã hội chủ nghĩa mà cứ buộc cả nước phải đeo vòng kim cô này cho thấy sự bế tắc đầu tiên.

Hai là chưa bao giờ người ta thấy sự xung đột quyền lực giữa phe Tổng bí thư và phe Thủ tướng đã trở nên gay gắt tới như vậy, khiến cho việc tuyển chọn nhân sự của đại hội rơi vào tình trạng “thả nổi”. Đó là lý do vì sao giờ này chỉ còn ba tuần lễ đến đại hội đảng mà Bộ chính trị đương nhiệm chưa thể đúc kết danh sách tân trung ương đảng và bộ tứ lãnh đạo đảng trong 5 năm tới.

Ba là không một ai dám khẳng định đường lối thân Mỹ, kể cả tiếp tục bám Trung vì đang sợ bị dán nhãn thân Hoa Kỳ hay thân Trung Quốc trong tình hình hiện nay. Chính vì sự ngần ngại này mà lãnh đạo CSVN đã không dám có những lựa chọn dứt khoát trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nên tiếp tục phải núp sau chiêu bài ba không để tránh né đối mặt với tình hình phức tạp trên biển Đông.

Nói tóm lại, 3 vấn đề nói trên không phải là vấn đề mới nhưng là những vấn đề đang làm cho tiềm lực của đảng CSVN ngày một soi mòn, và có thể dẫn đến tan rã nếu họ không nhìn thấy đã đến lúc phải cắt bỏ những ung thư mãn tính này.

Thanh Thảo: Nhiều dư luận đánh giá rằng ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều triển vọng là Tổng Bí Thư đảng cho 5 năm sắp tới. Nếu điều này xảy ra thì ông có dự kiến ra sao về tình hình của đảng CSVN trong giai đoạn tới?

Lý Thái Hùng: Điều kiện để được đề cử làm Tổng bí thư đảng, ứng viên phải là nhân sự nắm 1 trong ghế tứ trụ của nhiệm kỳ đã qua và nhất là được Trung ương đảng cho gia hạn độ tuổi để ở lại vị trí lãnh đạo. Hiện nay, ông Nguyễn Tấn Dũng là một trong vài người - như ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng - có nhiều triển vọng được đề cử vào trách vụ Tổng bí thư, mà không chỉ thỏa mãn hai điều kiện nói trên mà đang là người có nhiều ảnh hưởng nhất trong bộ máy nhà nước nhờ nắm cả hai: tiền và quyền.

Khi ở vị trí Tổng bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể làm hai điều.

Một là có nhiều ưu thế vượt trội hơn những người khác hầu gom quyền lực vào trong tay và có thể chấm dứt thời kỳ “cá mè một lứa” như hiện nay. Nói cách khác là uy quyền của Tổng bí thư có thể mạnh hơn so với các thời kỳ tổng bí thư của Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Hai là các nhóm lợi ích cấu kết với gia đình Nguyễn Tấn Dũng, núp dưới dù cải cách bộ máy kinh tế nhà nước, nhưng thực tế là tìm cách sang đoạt quyền lực vào cho gia đình và phe nhóm một cách mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, vị trí Tổng bí thư của Nguyễn Tấn Dũng sẽ rất mong manh vì hai lý do:

Thứ nhất là các phe phái khác sẽ hợp lực để ngăn cản, phá thối các chính sách đưa ra có lợi cho phe Dũng, nếu ông Dũng không chấp nhận sự thỏa hiệp; mà thỏa hiệp thì sẽ không làm gì được, cuối cùng sẽ đi khập khễnh như ông Mạnh, ông Trọng.

Thứ hai là Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục đường lối đu dây với Trung Quốc, nhưng chọn gần hơn với Mỹ - Nhật vì nhu cầu buôn bán và trao đổi thương mại của gia đình. Nói cách khác, phe ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục giữ nguyên trạng nhưng tìm cách mở rộng buôn bán nhiều hơn với Hoa Kỳ và đó là điều mà phe thân Trung Quốc tìm cách ngán cẳng.

Nói tóm lại, sự lên nắm vị trí Tổng bí thư của ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ là tiếp tục duy trì quyền của phe nhóm mình, khai thác tài nguyên quốc gia bỏ vào túi riêng, và vì thế Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra tay đàn áp mạnh mẽ phong trào dân chủ khi Dũng tóm thu quyền lực nắm trong tay.

Thanh Thảo: Sự tụt giá dầu thô đã khiến cho tình hình ngân sách của CSVN hiện đang gặp khó khăn, dẫn đến việc phá sản và hết tiền hoạt động của một số thành phố như Cà Mau, Bạc Liêu, theo ông tình hình này sẽ khiến cho đảng CSVN như thế nào trong thời gian tới?

Lý Thái Hùng: Đây là hai vấn đề cần phải tách bạch để sự lượng định của chúng ta có phần chính xác hơn. Việc dầu thô bị tụt giá đã được nhà cầm quyền CSVN dự kiến từ năm 2014.

Theo như số liệu thu ngân sách nhà nước từ sản xuất dầu thô thì năm 2012 – 2014, Bộ tài chánh đã thu vào khoảng 107 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến năm 2015, Bộ tài chánh ước tính sẽ thu khoảng 83 ngàn tỷ đồng. Nhưng hiện nay thì chỉ mới thu vào khoảng 63 ngàn tỷ đồng vào thời điểm tháng 10/2015.

Điều này cho thấy là sự tụt giá dầu thô tuy có ảnh hưởng vào thu ngân sách nhà nước, nhưng tỷ lệ đóng góp của dầu thô vào toàn bộ ngân sách không phải là con số lớn, do đó không ảnh hưởng gì to lớn.

Còn việc phá sản của hai thành phố Cà Mau, Bạc Liêu và có thể nhiều thành phố khác là do chính sách thu chi tùy tiện của bộ máy hành chánh từ trung ương đến địa phương trong hàng chục năm qua.
Dưới chế độ cộng sản, đảng chi phối toàn bộ nên dù có chia ra ngân sách hàng năm, các địa phương cứ chi tiêu thoải mái và nếu thiếu thì xin trung ương. Trung ương cũng không từ chối vì tất cả tiền là của đảng.

Với lối chi tiêu này, các địa phương thi đua nhau vẽ ra những công trình xây dựng, đầu tư kinh tế để xin trung ương cấp. Trong khi trung ương chưa có đủ tiền gửi thì họ vận động ngân hàng địa phương hay vay nợ ứng ra trước rồi ngân sách trả sau. Cứ thế chồng chất năm này qua năm nọ như trường hợp Cà Mau nợ đến 300 tỷ đồng.

Đến khi Trung ương không còn tiền và buộc các địa phương phải cắt giảm chi tiêu thì hầu hết các địa phương không những không có ngân sách để trả nợ mà thiếu cả ngân sách hoạt động, trả lương công nhân viên.

So với các quốc gia khác, ngân sách của Việt Nam chi cho bộ máy hành chánh từ trung ương xuống địa phương chiếm 60%. Khi các doanh nghiệp không còn khả năng sản xuất, dầu thô xuống giá, dân không đóng thuế nổi vì kinh tế khó khăn… chắc chắn dẫn đến hệ quả là nhà nước không thu được ngân sách thì làm sao có thể nuôi nổi bộ máy hành chánh cồng kềnh.

Đây không phải là điều mới xảy ra mà đã có từ lâu nhưng CSVN khó có thể làm khác hơn vì đó là “lỗi hệ thống” với hình thức bao cấp, bao che và tham nhũng. Hệ thống này chỉ còn chờ ngày tự nó sụp đổ hoặc bị toàn dân kéo xuống mà thôi.

Thanh Thảo: Xin cảm ông Lý Thái Hùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét