Hồng Thuận
Vào đúng 9 giờ sáng như mọi khi, chúng tôi lại lên xe buýt để bắt đầu
cho ngày thứ 3, và cũng là ngày cuối cùng của chuyến đi học hỏi tại
Miến Điện. Chúng tôi bắt đầu ngày mới với buổi trao đổi cùng tổ chức 88
Generation (Thế Hệ 88). Thế Hệ 88 được thành lập bởi những người đã lãnh
đạo hàng chục ngàn sinh viên xuống đường vào năm 1988 tại Miến Điện. Sự
kiện xảy ra vào ngày 8 tháng 8 năm 1988 này đã đi vào lịch sử Miến Điện
với hơn ba ngàn sinh viên bị chế độ quân phiệt giết hại.
Người tiếp chúng tôi là ông Ko Ko Gyi, người đứng đầu Thế Hệ 88. Vào
năm 1988, ông là sinh viên và cũng là một trong những lãnh đạo giới sinh
viên đấu tranh chống độc tài quân phiệt. Sau sự kiện năm 1988, ông bị
bắt bỏ tù tổng cộng 17 năm qua nhiều lần khác nhau, và là một trong
những nhà đấu tranh được kính nể nhất tại Miến Điện hiện nay.
Khi bước vào văn phòng của Thế Hệ 88, chúng tôi được hướng dẫn vào
một phòng trển lãm nhỏ, nơi trưng bày hình ảnh cuộc xuống đường của các
sinh viên Miến Điện vào năm 1988. Những hình ảnh của sinh viên nổi dậy,
bị đàn áp dã man đã làm cả phái đoàn sững sờ. Chúng tôi lặng người để
cảm nhận tinh thần yêu nước và phản kháng mạnh mẽ của giới trẻ Miến Điện
vào thập niên 80.
Thế Hệ 88 hiện giờ không còn là những người trẻ, họ đều ở tuổi ngũ
tuần, lục tuần, có người đã ngã xuống vì lý tưởng chống độc tài, có
người trải qua hàng chục năm tù đày, nhưng nhiều người trong số họ vẫn
đang tiếp tục tiến bước trên con đường dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên,
Thế Hệ 88 cũng không còn là tổ chức của những người sinh viên năm xưa,
mà còn có sự tham gia của nhiều sinh viên hiện nay mong muốn tiếp nối
thế hệ cha anh.
Nói về sự kiện lịch sử năm 1988, ông Ko Ko Gyi cho biết vào thời điểm
đó, tình trạng bất ổn xã hội do sự quản lý kinh tế kém cỏi và sự áp bức
của chính quyền đã tạo nên làn sóng bất mãn trong giới sinh viên. Cuối
cùng, bắt đầu với sinh viên trường đại học Yangon, và sau đó lan rộng ra
cả nước, giới sinh viên cùng nhau chọn ngày 8/8/88 để làm một cuộc tổng
xuống đường đòi hỏi chấm dứt sự cai trị độc đảng của chế độ quân phiệt.
Theo ông, sinh viên Miến Điện không gan dạ hơn ai hết. Khi bắt đầu
kéo nhau xuống đường, ai ai cũng rất sợ hãi và che mặt lại. Nhưng rồi,
từ từ khi số đông được nhân lên thì sự sợ hãi cũng bớt dần. Đỉnh điểm
cuộc biểu tình đã lan rộng ra đến nhiều tầng lớp quần chúng khác nhau và
kéo được cả triệu người tham gia.
Chia sẻ của ông Ko Ko Gyi một lần nữa giúp chúng tôi khẳng định rằng
mấu chốt quan trọng nhất trong bất cứ phong trào đấu tranh bất bạo động
nào trên thế giới là số đông. Khi phong trào đấu tranh có thể huy động
được một số đông nhất định, thì quần chúng sẽ bớt sợ hãi và kéo nhau
xuống đường tham gia, tạo nên một lực lượng đối đầu đáng kể để đặt chế
độ vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, và trong nhiều trường hợp, đã
giúp dứt điểm chế độ độc tài.
Qua câu chuyện với những người một thời là lãnh đạo giới sinh viên
trong Thế Hệ 88, chúng tôi cũng học được sự thành công của họ trong việc
chuyển lửa cho các thế hệ tiếp nối. Các thế hệ sinh viên đi sau thế hệ
88 cũng thành công khai dụng những thành quả đạt được từ các thế hệ
trước để tiếp tục đấu tranh cho những nguyện vọng của mình, và điều quan
trọng, theo ông Ko Ko Gyi, là họ "không bao giờ bỏ cuộc."
Sau giờ ăn trưa, chúng tôi tiếp tục lên xe buýt để đến buổi gặp cuối
cùng của chuyến đi với tổ chức Myanmar Egress (Khởi Hành Miến Điện).
Khởi Hành Miến Điện là một tổ chức chuyên về giáo dục quần chúng. Được
thành lập vào năm 2006, từ đó đến nay, Khởi Hành Miến Điện đã tổ chức
hàng ngàn khóa huấn luyện để hướng dẫn người dân cũng như các quan chức
chính quyền cách đối phó thiên tai, cách thức bầu cử, những khóa học về
truyền thông, dân chủ…Trong phần trao đổi, tổ chức này cho biết họ làm
việc với cả phía chính quyền và phía đối lập, điều này làm cả phái đoàn
cảm thấy thú vị khi được có một góc nhìn khác.
Có một số người nhìn Myanmar Egress như một tổ chức khôn khéo, khi họ
có thể vận hành dưới thể chế độc tài và bây giờ lại có thể làm việc
được với hai phía đối lập và chính quyền. Tuy nhiên, cũng có một số
người không thích họ vì cho rằng tổ chức này quá thân thiện với chính
quyền.
Trong phần trao đổi, người đại diện Myanmar Egress đã chia sẻ một ý
niệm giúp cho họ tiếp tục làm những việc mình đang làm, mặc dù cũng có
những tranh cãi về phương cách làm việc của họ. "Chúng tôi chú trọng vào
việc xây dựng năng lực của người dân. Khi chính quyền có khả năng cao
hơn người dân thì người dân sẽ bị cai trị, nhưng nếu người dân có khả
năng cao hơn chính quyền thì người dân có thể làm chủ đất nước mình."
Tối hôm đó, chúng tôi ngồi lại với nhau và chia sẻ về những gì mà
chúng tôi học được trong những ngày qua, trước khi chia tay nhau vào
sáng hôm sau. Mỗi người một bài học, một cảm nhận khác nhau về chuyến
đi. Trước khi sang đây, tất cả chúng tôi đều chỉ biết về Miến Điện qua
báo chí, và đặc biệt qua hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng sau ba
ngày, chúng tôi mới hiểu ra được một điều rằng, sự thành công của phong
trào Miến Điện không chỉ đến từ một Aung San Suu Kyi, mà đến từ một
phong trào với vô số những con người không chỉ có lý tưởng nhưng có tính
tổ chức cao, biết hy sinh, và sẵn sàng đoàn kết vì mục tiêu chung.
Xin chào tạm biệt Miến Điện, chào tạm biệt vô số những Aung San Suu
Kyi mà chúng tôi có dịp quen biết và trao đổi. Xin chúc Miến Điện càng
mạnh mẽ hơn nữa trước những khó khăn, thử thách còn to tát hơn trước
mắt, đó là xây dựng lại con người, xã hội, và đặt được một nền tảng dân
chủ lâu dài.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét