2015/12/14

Chủ tịch nước có buồn và xấu hổ thật không?

Phạm Nhật Bình


Làm chủ tịch nước gần hết nhiệm kỳ, bỗng dưng ông Trương Tấn Sang lên giọng than thở giống như một kép chánh hết thời trên sân khấu về chiều: Buồn, xấu hổ lắm!

Nhưng chủ tịch nước buồn về chuyện gì và tại sao ông xấu hổ?

Mới đây, khi tiếp xúc với cử tri của mình, ông Trương Tấn Sang thú nhận rằng “Một trong những điều buồn nhất là coi người ta xếp Việt Nam đứng thứ mấy trong bản đồ chống tham nhũng. Thụy Sỹ đứng đầu, thứ nhì là Singapore. Nước mình được xếp hạng trên dưới 100. Buồn, xấu hổ lắm!”

Nỗi xấu hổ của người đứng đầu nhà nước đã chỉ ra vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam như con ngựa bất kham, không dừng lại ở một mức độ nào “coi được”. Tham nhũng còn được mô tả như quốc nạn đe dọa sự sống còn của đảng, nhưng trong suốt một thời gian dài tham nhũng vẫn hiên ngang tồn tại, bất chấp sự chống lại nó. Trước đây, Ủy ban Phòng chống Tham nhũng được ông Nguyễn Tấn Dũng rình rang lập ra từ trung ương đến địa phương với đầy đủ ban bệ. Nhưng cũng chính trong thời kỳ này, tham nhũng nở rộ như nấm gặp mưa.

Tình trạng tham nhũng trong các cấp chính quyền của đảng Cộng sản cứ gia tăng chóng mặt. Hối lộ, đút lót từ dưới lên trên, xà xẻo tiền đầu tư dự án, móc ngoặc ăn chia với nước ngoài, công khai rút ruột công trình. Từ PMU 18, đề án 112, vụ PCI Nhật hối lộ viên chức đường sắt Việt Nam, sụp đổ tài chánh của “quả đấm thép” Vinashin đến Vinalines lôi nhau ra tòa, vụ tiền Polymer…như bảng phong thần càng lúc càng dài ra. Đến nổi năm 2013, Tổng bí thư đảng phải ra tay giành lại Ủy ban này bằng cách lập ra Ban chỉ đạo để chỉ đạo việc phòng chống tham nhũng mà không có Nguyễn Tấn Dũng.

Việc giành giật qua lại thật ra không nhằm mục đích chống tham nhũng cho hiệu quả hơn mà chỉ thể hiện một cuộc đấu đá thường xuyên trong nội bộ đảng để ăn chia quyền lợi. Ngay sau khi đã thành lập Ủy ban chỉ đạo, tình trạng tham nhũng càng diễn ra phức tạp với hàng loạt vụ bắt giữ như bắt Bầu Kiên, Trần Xuân Giá và một số lãnh đạo ngành ngân hàng. Rồi chống tham nhũng xẹp xuống sau cái chết của Trưởng ban nội chính Nguyễn Bá Thanh như một chiếc lốp xì hơi.

Thế nhưng điều đáng kinh ngạc và khó hiểu khi trong một buổi tọa đàm mang tên “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” diễn ra vào đầu tháng 12 năm 2014 vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu: “Trong 3 năm qua, chỉ số cảm nhận tham nhũng không tụt, không tăng có nghĩa là có tính ổn định.” Tham nhũng ổn định ngay lập tức trở thành một cơn bão chế nhạo trên các trang mạng xã hội và đi vào danh sách các câu nói khôi hài rẻ tiền nhất. Nó cũng cho thấy tình trạng bao che, lấp liếm trong việc chống lại các hành vi đục khoét của công, lãng phí ngân sách quốc gia ngay trong cơ quan thanh tra của chính phủ.

Cũng chính ông Tranh này hôm 9/12 nói về công tác phòng chống tham nhũng đã cho biết, Việt Nam “có công thức riêng của mình và được quốc tế đánh giá cao”. Công thức này có lẽ không ngoài cách phòng chống tham nhũng sao cho tham nhũng vững mạnh hơn và có tính ổn định lâu dài. Không hẹn mà ngành thanh tra của hai Tp. Hà Nội và Tp. HCM mới đây cùng lên tiếng không tìm thấy tham nhũng nữa. Vậy tham nhũng trốn nơi đâu mà làm cho chủ tịch nước buồn và xấu hổ?

Nhưng mãi đến nay chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới buồn và xấu hổ cũng đúng thôi. Vì trong suốt nhiệm kỳ, ông đã sống chung cùng tham nhũng, tích cực chia xẻ ngọt bùi với nó. Cho dù có lúc ông cũng than thở, ví von tham nhũng như bầy sâu “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ’chết’ cái đất nước này". Đất nước dù có chết, ông cũng chẳng làm được gì hơn là bất lực nhìn cái nồi canh đầy sâu ấy để thở than.

Nhưng Việt Nam ngày nay không chỉ có tham nhũng từ trung ương đến địa phương như bầy sâu hay lũ chuột bám quanh chiếc bình quý của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn là bài toán nợ nần.
Trong nhiều năm liền nợ công nợ tư chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng cao. Trong tình hình đó, mới đây Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cố trấn an quốc hội “Nợ công năm 2016 sẽ tăng lên mức 62,3% GDP, con số này chưa vượt ngưỡng an toàn (65%)”. Cứ tạm tin lời ông thứ trưởng là “chưa vượt”, nhưng nợ đáo hạn trong nước lẫn ngoài nước vẫn phải thanh toán. Và các nhà hoạch định chính sách tài chính vẫn tin vào 3 tỷ trái phiếu hoặc số đô-la sắp đi vay còn nằm đâu đó trên bàn giấy.

Bên cạnh đó ngân sách quốc gia cạn kiệt ngay trong những tháng cuối năm càng làm bức tranh kinh tế đã ảm đạm càng thêm u ám. Tình trạng thu không đủ bù chi từ năm này qua năm khác đặt ra một bài toán nan giải cho các nhà điều hành kinh tế tỉnh lẻ vốn quen thói chi tiêu hoang phí. Những dự án tượng đài, khu hành chánh “hoành tráng” dành cho cán bộ đảng làm việc được tiếp tục vẽ vời với con số đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng làm người dân ngao ngán.

Họ giải quyết thế nào để có tiền chi cho các dự án hàng trăm triệu đô-la, thậm chí hàng tỷ đó? Đối với trung ương, biện pháp vay nợ để tiêu xài và chữa cháy trước mắt vẫn là biện pháp dễ dàng nhất.
Ngoài ra các địa phương ra sức tận thu, tha hồ đặt thêm thuế và vô số phí và lệ phí đánh vào túi tiền vốn đã trống rỗng của người nghèo. Cả hai cách bù đắp ấy tựu chung chỉ làm nghèo đất nước, nhưng làm giàu các quan tham.

Là chủ tịch nước, không phải ông Sang không biết vấn nạn tham nhũng do đảng ông chủ trương và dung dưỡng. Cũng không phải ông không biết tình trạng công nợ ngập đầu, ngân sách thâm hụt là do cán bộ đảng các cấp chi tiêu hoang phí, trục lợi cá nhân mà chính bản thân ông cũng có dự vào. Nhưng biết cũng chỉ để thỏa hiệp lẫn nhau, cùng nhau chia phần một miếng bánh ngon.

Theo thông lệ của các lãnh đạo cao cấp lúc biết mình sắp cầm sổ hưu vào… năm 2016, ông Sang cũng tỏ ra mủi lòng trước tình trạng đất nước đi vào con đường bế tắc. Phải nói đôi lời tỏ ra biết điều sau nhiều năm đóng góp làm đất nước tan hoang. Phải giả vờ biết buồn, biết xấu hổ cho mọi người thấy mình cũng còn chút sĩ diện sót lại lúc cuối đời.

Nhưng nếu ông biết hiện nay người dân Việt chẳng những buồn, xấu hổ mà còn nhục nhã vì sự hèn hạ của đảng CSVN trước giặc Tàu thì ông sẽ nghĩ sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét