2015/11/18

Terror in Little Saigon: Một phim với những thông điệp nghe quen quen

Văn Chu


Ngày mùng 3 tháng 11, phim truyền hình với tựa đề Terror In Little Saigon do nhóm phóng viên Frontline gồm 2 ký giả chính A.C. Thompson và Richard Rowley của tổ chức ProPublica thực hiện đã ra mắt quần chúng Mỹ trên đài truyền hình PBS. Trước đó 2 tuần Frontline/ProPublica đã quảng cáo đầy ấn tượng khoe rằng cuốn phim đã giải mã được hồ sơ các vụ 5 nhà báo Việt Nam đã bị sát hại tại Mỹ trong thập niên 80 và tìm được thủ phạm không ai khác hơn là Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MT) do Cố Đô Đốc Hoàng Cơ Minh lãnh đạo.

Người xem đã háo hức chờ đợi xem phóng viên A.C. Thompson, vai chính trong phim, phá án như thế nào, những bằng chứng mới đầy thuyết phục ra làm sao. Nhưng sau khi xem xong, cảm giác của người viết là: Đúng là Pháo Đại bị lép!

Cuốn phim nói chung chỉ kịch tính hoá những cáo buộc quen thuộc, vô căn cứ, từ trước đến nay đối với Mặt Trận về vụ giết người.

Kẻ ác cảm với MT đã từng gửi những bản cáo trạng về MT đến cơ quan FBI và cơ quan này đã điều tra trong 15 năm trời, phỏng vấn rất nhiều người từ các khuôn mặt nổi trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn cho đến các đoàn viên MT và thân hữu và đã không thấy có bằng chứng nào kết tội MT.
Bài viết này không phân tích những điểm phi lý và những lỗ hổng trong tiến trình lập luận điều tra của A.C. Thompson và đồng nghiệp vì đã có rất nhiều những bài phản biện, những cuộc phỏng vấn những người được liên hệ đến trong phim đã bàn rồi. Người viết muốn xem những thông điệp nào mà cuốn phim mang danh phim tài liệu điều tra này muốn gửi đến người xem.

Phim và bài viết kèm trên mạng của A.C. Thompson đầu tiên muốn nhắm đến MT:

Thứ nhất tạo một hình ảnh khủng bố bao trùm những nơi có người Việt trên đất Mỹ từ California, Houston, DC nhắm vào các nhà làm báo do MT thực hiện.

Mặc dù nạn nhân Dương Trọng Lâm bị giết năm 1981 trước khi MT ra mắt năm 1982, và nạn nhân Đỗ Trọng Nhân chỉ là một chuyên viên sắp chữ cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong, Phim và phóng sự đính kèm của A.C Thompson đã gom hai người này vào thành phần những người bị MT sát hại vì đối kháng với MT.

A.C. Thompson đã khéo léo thòng câu chưa thể kết luận ai là thủ phạm như là câu phòng ngừa cho khỏi bị kiện là vu cáo, nhưng trong phần kết đã nói một cách khẳng định với con của nạn nhân Đạm Phong: tất cả những bằng chứng đều hướng về MT, MT đã giết cha em!... Như một phán quyết của quan toà!

Thứ hai tạo một hình ảnh MT được chính phủ Mỹ bao che sử dụng như một con bài. Cũng có ghi cựu sĩ quan hải quân Armitage có khẳng định chính phủ Mỹ không giúp và đồng ý với MT nhưng chỉ trích FBI, gây ấn tượng FBI đã lơ là điều tra lấy lệ vì giới chức bên trên đã bao che và muốn làm ngơ và tạo điều kiện dễ dàng cho tướng Hoàng Cơ Minh thành lập MT và chiến khu.

Thành phần thứ hai phim muốn nhắm là các cựu quân nhân QLVNCH. Hình ảnh tập thể này được gắn liền với MT, một tổ chức muốn tiếp tục chiến tranh và xâm lăng Việt Nam. Để ý Thompson chọn từ invade Việt Nam có nghĩa là người nước ngoài xâm lăng một nước khác, để tạo ấn tượng đây là sự nối tiếp cuộc chiến tranh xâm lược.

Hình ảnh cựu quân nhân QLVNCH mặc quân phục cũ hiền hoà diễn hành, hay nghiêm trang chào cờ trong các dịp kỷ niệm bình thường như bao cựu quân nhân các nước khác đã bị thu hình ở góc độ cận ảnh, xoáy vào các khuôn mặt phong trần cằn cỗi với thời gian và các vũ khí giả trên tay với lời bình đây là hình ảnh siêu thực, tạo ấn tượng đây là những thành phần hoang tưởng muốn đi ngược thời gian, mang chiến tranh cũ sang tận nơi đất mới, như tựa đề phụ của phim đã ghi.

Thành phần thứ ba phim muốn nhắm là cộng đồng người Việt tỵ nạn. Phim mở đầu với cái tựa rất kêu: Khủng Bố tại Little Saigon, cái danh xưng thân thương của hai thủ đô thương mại, văn hoá và chính trị của cộng đồng người Việt chống cộng tại Mỹ là Nam California và San Jose, Bắc Cali.
Khơi lại những vụ ám sát hơn 30 năm về trước, trước khi có danh xưng chính thức Little Saigon, những vụ ám sát mà không có ai ra làm nhân chứng vì sợ, đã tạo ra ấn tượng cộng đồng tỵ nạn Việt là nơi bất an, đầy bạo lực và sợ hãi, cố tình lờ đi những hình ảnh tốt đẹp hiền hoà đóng góp vào sự phồn vinh chung của Little Saigon.

Tóm lại nhóm làm phim đã sử dụng khéo léo những xảo thuật tuyên truyền như lựa chọn cách đề tựa và góc độ quay phim, sắp xếp bố cục, lắp ghép các hình ảnh và dữ kiện lẫn lộn nhập nhằng trong không gian và thời gian, sao cho phù hợp với chủ đích của mình để đưa ra những thông điệp ấn tượng sau:

1- Mặt Trận/ Việt Tân là một tổ chức khủng bố, được sự hỗ trợ của thế lực nước ngoài để đe dọa người Việt hải ngoại và xâm lược Việt Nam.
2- Thành phần cựu quân nhânVNCH chống cộng là những người hoang tưởng bám vào quá khứ đang tiếp tục mang cuộc chiến tranh xâm lược xưa cũ chống CS vào xã hội mới là Mỹ.
3- Cộng đồng người Việt chống cộng tại Mỹ là cộng đồng bất an, nơi mà bạo lực và sự sợ hãi ngự trị.
4- Sự chống phá muốn lật đổ chế độ CS tại Việt Nam là hành vi bất hợp pháp tại Mỹ theo đạo luật Neutrality Act (trong phim có đề cập đến).

Ngoài điều số 4, 3 điều trên là những thông điệp quen thuộc từ bộ máy tuyên truyền của CSVN từ bấy lâu nay.

Và ta không ngạc nhiên khi chính A.C. Thompson cho biết người đồng sản xuất và cố vấn cho cuốn phim là Tony Nguyễn, một người đã công khai phản đối các nghị quyết chống CS tại Little Saigon, chủ trương hoà hợp hoà giải với chế độ CSVN, và đã từng lên các đài truyền hình trong nước để được phỏng vấn một cách thân thiện.

Cũng chả ngạc nhiên khi thấy truyền thông trong nước đã phóng đi bản dịch nội dung chi tiết của phim cả giờ trước khi phim được công chiếu trên truyền hình PBS.

Chợt nhớ đến Nghị Quyết 36 trong đó có chủ trương dùng truyền thông để ảnh hưởng và tác động lâu dài lên cộng đồng người Việt. Quả thế từ năm 2009, CSVN đã đầu tư rất nhiều để đưa nhiều đài phát trên vệ tinh và xây dựng một số đài truyền hình ở một số tiểu bang Hoa Kỳ. Những đài này đã không ảnh hưởng nhiều để làm giảm đi tinh thần chống cộng của người Việt hải ngoại.

Nay liệu một cuốn phim do người Mỹ làm trên 1 đài truyền hình Mỹ có giúp nâng cấp hiệu quả của Nghị Quyết 36 không? Phản ứng phẫn nộ của đa số khán thính giả người Việt tại Mỹ khi xem phim đang là câu trả lời!

Văn Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét