2015/11/18
Chiến thắng của Aung San Suu Kyi nêu gương dân chủ cho các xứ láng giềng
Michael Peel - Financial Times
17/11/2015
Chiến thắng lớn của đảng của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử tại Miến Điện đánh dấu một bước đảo lộn nổi bật trong vùng. Nước Miến Điện từng bị khinh rẻ nay lại có dân chủ trong khi các xứ láng giềng Đông Nam Á có dân chủ trên danh nghĩa lại đàn áp đối kháng.
Chỉ vài ngày sau khi đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ thắng lớn tại Miến Điện, ông Sam Rainsy, lãnh tụ của phe đối lập tại Cam Bốt, có nguy cơ bị bắt giữ khi ông trở về lại xứ.
Việc giới hạn tự do ngôn luận và các hoạt động chống chính quyền tại Thái Lan và Mã Lai là những nhắc nhở về các bước thoái lui của dân chủ trong khối 10 thành viên của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong lúc họ chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Obama đến dự buổi họp thượng đỉnh hàng năm.
Theo ông Ambika Ahuja, tư vấn về rủi ro chính trị của Eurasia Group, “Bầu cử tại Miến Điện chắc chắn làm thay đổi tình huống tại ASEAN. Trường hợp Miến Điện làm nổi bật sự chênh lệch về phát triển trong vùng. Nhưng hiện tại thì các nền kinh tế lớn trong vùng như Thái và Mã Lai ngày càng bị lún vào những tranh chấp chính trị nội bộ.”
Chỉ mới cách đây 5 năm, xác suất Miến Điện trở thành biểu tượng hy vọng của cải tổ chính trị còn rất mỏng manh, ngay cả khi có những quốc gia khác trong vùng, đặc biệt là Việt Nam, Lào, Brunei dưới chế độ toàn trị đã lâu. Nhưng chiến thắng của đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ đã làm bật dậy những khát khao từ các quốc gia đang trên đà chuyên chế.
Cuộc đụng độ gần đây nhất tại Cam Bốt phát xuất từ tuyên bố của lãnh tụ phe đối lập, “ngọn gió tự do thổi qua thế giới sẽ đến Cam Bốt trong tương lai gần”. Sau đó có lệnh bắt giữ ông Sam Rainsy khi ông đặt chân trở lại Cam Bốt sau chuyến xuất ngoại.
Lệnh này làm đình trệ tình trạng hòa hoãn giữa hai bên chính quyền và phe đối lập đã đồng ý với nhau. Hồi năm ngoái ông Sam Rainsy, lãnh tụ đảng Cứu Quốc Cam Bốt đồng ý là sẽ ngừng các cuộc biểu tình chống chính quyền và không tẩy chay quốc hội vì họ cho là có gian lận trong cuộc bầu cử 2013. Lãnh tụ phe đối lập bất chấp lệnh bắt giữ, và thề sẽ trở lại Cam Bốt, tuy chưa biết khi nào.
Chiến thắng lịch sử tại Miến Điện diễn ra trong khi có những chuyện rối rắm tại Thái Lan. Có hai người chết trong khi bị giam giữ trong cuộc đàn áp sâu rộng đối với những ai xúc phạm đến hoàng gia Thái. Giới chức trách cho biết là một người treo cổ tự tử còn người kia thì chết vì bị nhiễm độc máu. Tuy nhiên có nhiều nghi vấn xoay quanh vụ này vì hai người này được chôn cất thật lẹ và không được giảo nghiệm tử thi chính thức.
Những sự kiện gần đây là một phần của cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với phe chống hoàng gia và đối kháng chính trị kể từ khi quân đội Thái cướp chính quyền hồi tháng 5 năm ngoái. Bà Sanitsuda Ekachia của báo Bangkok Post đã tóm gọn không khí sợ hãi tại một quốc gia từng là ngọn đèn dân chủ trong vùng khi bà viết, “Không ai chịu bày tỏ chính kiến với người lạ nữa. Việc đó nguy hiểm quá.”
Trong khi những người lạc quan có thể chỉ cho thấy cuộc tranh cử tổng thống sôi nổi tại Inđônêxia hồi năm ngoái và tại Phi Luật Tân năm tới, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Mã Lai là một nhắc nhở về mặt trái của chính trị bầu cử trong vùng Đông Nam Á. Ông Anwar Ibrahim, lãnh tụ phe đối lập bị giam cầm lần thứ hai và sức khoẻ ông ngày càng tệ. Giới ủng hộ ông cho rằng tội cáo buộc ông kê gian là có động cơ chính trị thúc đẩy.
Giới chức trách Mã Lai còn đàn áp giới chỉ trích và những người điều tra thủ tướng Najib Razak vì có tin tài khoản ngân hàng của ông nhận được 680 triệu đô la một cách bí ẩn. Thủ tướng Najib phủ nhận các sai trái và cho biết là tiền đến từ một người Trung Đông ẩn danh biếu tặng.
Bà Moe Thuzar, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận định là việc chuyển hóa tại Miến Điện vẫn chưa ngã ngũ, trong khi các nước có nền dân chủ vững hơn như Thái Lan và Mã Lai “có thể chịu đựng vài cú sốc vào hệ thống”. Bà cũng nói thêm là việc quân đội Miến Điện chấp nhận kết quả bầu cử là “một tấm gương đặc biệt” trong thời điểm giới lãnh đạo của các quốc gia trong vùng có những bước thoái lui về dân chủ thay vì cổ xúy cho dân chủ.
Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên lược dịch
Nguồn: Financial Times
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét