2015/10/25

Tin đồn đảo chánh gây khó chịu cho chuyến về của họ Tập

Michael Sheridan - The Sunday Times

25/10/2015

Bất đồng ý kiến trong tầng lớp quân đội Giải Phóng Nhân Dân được thừa nhận (EPA)

Sau chuyến viếng thăm Anh Quốc được đón tiếp với các lễ nghi của hoàng gia, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trở về nhà để đối diện với sự tranh chấp nội bộ ở thượng tầng đảng Cộng sản và sự chống đối thẩm quyền của ông từ phía Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân (PLA).

Chính quyền Anh đánh cuộc lớn vào họ Tập, 62 tuổi, qua việc đón tiếp linh đình tuần rồi và cho rằng đây là “thời đại vàng son” của giao thương và hữu nghị. Dân Trung Quốc được xem hình ảnh lãnh tụ Trung Quốc ngồi chung xe ngựa mạ vàng với Nữ Hoàng Anh.

Tuy nhiên chứng cớ cho thấy họ Tập - lãnh tụ của cả nhà nước, đảng và quân đội - có thể đang gặp khó khăn chính trị. Lại còn có tin về một âm mưu không thành hồi tháng Ba vừa rồi để đảo chánh khiến phải hoãn chuyến viếng thăm Pakistan.

Tin tức đến từ nguồn tin nội bộ có liên hệ đến giới cao cấp trong đảng, được khuyếch đại qua các nguồn tin xì ra cho báo chí tiếng Trung tại Hồng Kông.

Mối đe dọa cho uy tín của họ Tập gia tăng gấp bội sau khi thị trường chứng khoán sụp độ hồi hè vừa qua, kinh tế chậm lại và cả ngàn viên chức và sĩ quan quân đội bị thanh trừng vì tham nhũng.

Vào đầu tháng, nhật báo chính thức của Quân Đội thừa nhận có bất đồng chính kiến trong hàng ngũ khi lên án “sự chống đối ngăn cản việc cải tổ bổ nhiệm sĩ quan quân đội”. Tin đồn đảo chánh xảy ra sau khi họ Tập thanh trừng hai vị tướng cao cấp, Xu Caihou và Guo Boxiong, vì tham nhũng. Xu chết vì ung thư trước khi bị đem ra xét xử.

Một vị tướng hồi hưu trong một cuộc phỏng vấn với báo Qianshao tại Hồng Kông, cho biết là họ Tập ngủ không yên giấc vào mỗi tối trong dinh thự lãnh tụ ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Vị tướng giấu tên nói, “Ông ta lo lắng chuyện gì? Thứ nhất, về quyền lực quân đội mà mạng sống ông ta dựa vào đó.”
Trước đó, một nhóm 14 vị tướng, bao gồm tất cả tư lệnh của bảy vùng chiến thuật, lên tiếng công khai trung thành với họ Tập, một điều chưa từng thấy.

Theo ông Roderick MacFarquhar của trường Harvard, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc cho biết, “điều đó cho thấy Quân đội vừa là chỉ dấu của sức mạnh cũng như yếu điểm”.

Vấn đề của họ Tập là 134 vị tướng của Trung Quốc được thăng chức bởi hai người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Cả hai người vẫn còn là đối thủ của họ Tập và dẫn đầu các nhóm chống lại nhóm “thái tử đảng” của họ Tập, tức các con cái của các lãnh tụ cách mạng Trung Quốc 1949. Chiến dịch chống tham nhũng do Wang Qishan điều khiển đã gặp chống đối mãnh liệt.

Theo ông MacFarquhar, “điều nguy hiểm cho họ Tập là ông đối đầu với hàng chục gia đình mà họ cho rằng đã đóng góp vào việc xây dựng Trung Quốc và giờ đây lại có cơ nguy mất hết của cải, điạ vị, và vị trí trong lịch sử.”

Công việc nhà nước chậm lại hoặc khựng lại vì các viên chức trung cấp lo lắng về việc lấy quyết định và bực tức vì không tiếp tục ăn hối lộ được nữa. Một số phân tích gia tin rằng nếu chiến dịch bài trừ tham nhũng tiếp tục đà trên, tinh thần trong đảng sẽ vỡ nát, cùng với sức mạnh tổ chức. Báo Hồng Kông Mingjing nhận định trong số mới nhất: “Mối nguy lớn nhất là Tập Cận Bình và Wang Qishan sẽ bị giết.”

Họ Tập vừa trở về lại hôm qua thì ngày mai sẽ có cuộc họp khó khăn về kinh tế với thủ tướng Lý Khắc Cường. Phiên họp thứ năm của Đại Hội Đảng thứ 18 trên danh nghĩa là bàn về kế hoạch 5 năm. Trên thực tế trong giới lãnh đạo cãi nhau dữ dội về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và hệ quả của nó. Phiên họp bị hoãn lại cũng vì quá căng thẳng.

Trong lúc cơn khủng hoảng xảy ra, tin cho biết là họ Tập đập bàn và hét ra lệnh cho thủ tướng phải điều chỉnh lại thị trường bằng không thì đem đầu về nộp mạng. Rồi ông ta ra lệnh cho nhà nước can thiệp để đẩy giá cổ phần chứng khoán lên nhằm bảo vệ cho hàng triệu các nhà đầu tư con không bị mất tiền. Viên chức thì hăm dọa phạt các công ty tài chính. Phe thủ tướng trả đũa bằng cách xì tin cho báo giới Hồng Kông là “cải tổ kinh tế đã đi vào ngõ cụt.”

Quần chúng Trung Quốc không đọc được những chuyện nêu trên trên báo nhà nước, mà chỉ thấy toàn là tiến triển vẻ vang của họ Tập thăm viếng Anh Quốc. Báo Trung Quốc không nhắc gì đến việc Nữ Hoàng Anh trong bài diễn văn trong buổi tiệc, né tránh không đề cập đến cụm từ “thời đại vàng son”.

Chính quyền Hoa Kỳ không thể tin được trước việc Anh Quốc ôm chầm lấy họ Tập. Ông MacFarquhar cho biết, “Họ sẽ suy nghĩ lại cách nhìn về nước Anh.”

Radio Chân Trời Mới - Hoàng Thuyên lược dịch

Nguồn: The Sunday Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét