2015/08/05

Sức khoẻ hay lo hạ cánh an toàn trước khi bùng nổ đấu đá?

Tư Thẳng


Kể từ ngày ông Nguyễn Sự, Bí thư tỉnh ủy Hội An làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, ông trở thành một hiện tượng được dư luận bàn tán xôn xao. Vì đây là lần đầu tiên một cán bộ đảng cao cấp đương quyền tự nguyện rời bỏ chức vụ thay vì bám ghế quyền lực đến giây phút cuối cùng như người ta thường thấy.

Những lời tán tụng ông Sự vừa ráo mực thì hiện tượng các cấp ủy đảng xin nghỉ hưu hay nghỉ chờ hưu lại tiếp diễn. Gần đây nhất, theo nguồn tin các báo trong nước ngày 30/7/2015, ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác nhận việc ông vừa có đơn gửi Bộ chính trị xin được nghỉ hưu trước tuổi vì vấn đề sức khỏe. Vì sao một bí thư đang mạnh khỏe được bầu với tỷ lệ cao, chỉ sau 5 tháng giữ chức vụ này đã phải bỏ chạy?

Có lẽ chỉ có ông Lê Phước Thanh là người trả lời được cho câu hỏi này. Trước đó vào đầu tháng 7/2015, tại một buổi họp của Ban thường vụ tỉnh ủy, ông Phạm Thế Tập, Bí thư thành ủy Thành phố Hải Dương bất ngờ gửi đơn xin được thôi giữ chức Bí thư và nghỉ công tác từ ngày 6/7 chờ nghỉ hưu. Lý do ông đưa ra là một tỉnh ủy viên khác, ông Đoàn Việt Hùng đã được “quy hoạch” chức danh Bí thư Thành ủy Hải Dương và đã được Ban tổ chức trung ương chấp thuận.

Thật ra từ đầu năm 2015, không chỉ có những cuộc từ chức ngoạn mục, mà người ta còn nghe thấy rất nhiều tin tức về sự thay đổi trong bộ máy đảng và chính quyền. Nó diễn ra dưới các hình thức có vẻ bình thường như bổ nhiệm chức vụ mới, cho nghỉ chờ hưu hay bị kỷ luật.

Đáng lưu ý hơn nữa, hôm 21/07 tại Hà Nội, báo chí đưa tin ’hàng loạt quan chức huyện xin nghỉ hưu sớm’. Lại thêm một lô viên chức cấp huyện của thành ủy thành phố Hà Nội được đưa ra làm dê tế thần. Rõ ràng Ban tổ chức trung ương đang ráo riết dẫn dầu phong trào dọn đường cho những người cùng phe cánh, khiến người không khỏi nhớ đến từ “rèn cán” năm xưa trước khi tung ra những cuộc đấu đá ở cấp cao nhất.

Không riêng ngành hành chánh, cánh quân đội cũng xuất hiện sự kiện một số sĩ quan, cán bộ của ngành công an và quân đội, bị đề nghị "tiến hành kiểm điểm" trong Quân khu 9 nhưng không nêu tên những nhân vật này và số phận của họ sau đó ra sao.

Sự kiện Phùng Quang Thanh một sớm một chiều trở thành bệnh nhân ở Pháp, rồi được đưa trở về, cuối cùng bị quản thúc trong trụ sở Bộ Quốc phòng nói lên chiều hướng gay gắt nhất đang nổi lên trong nội bộ đảng. Nó còn lôi kéo theo hai tướng Phí Quốc Tuấn, Lê Hùng Mạnh, tư lệnh và chính ủy của Bộ Tư lệnh Thủ đô, đều được cho về nghỉ hưu, dù chưa đến tuổi quy định.

Dù muốn dù không, hiện tượng rời bỏ chức vụ của nhiều viên chức đảng như hiện nay không thể coi như một hiện tượng bình thường. Sức khỏe chỉ là một lý do để che đậy nhiều sóng gió bên trong khi sự sắp xếp nhân sự trung ương đang diễn ra trước kỳ Đại hội đảng.

Phải chăng vì để bảo tồn sinh mạng trước các cuộc đấu đá diễn ra càng ngày càng gay gắt mà một số người đã tìm cách chạy trốn trước. Có thể đó là những người khôn ngoan, nhưng về lâu dài cũng chưa chắc mua được sự an toàn vì họ đã từng gắn bó với chế độ quá nhiều.

Trước tình hình dư luận đầy xao động, báo chí quốc doanh được lệnh hạ thấp tầm quan trọng hoặc cho đó là những sự kiện bình thường với những lý do đầy cao đẹp như “vì sự đi lên cho cán bộ trẻ”. Nhưng bên trong ai cũng thấy một điều rõ ràng: thiên hạ đang bảo nhau bỏ chức chạy lấy thân. Vì không ai biết đến lúc nào mình trở thành Nguyễn Bá Thanh hay Phùng Quang Thanh khi cuộc đấu đá bùng nổ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét