Hồ Quang Huy
Ngày 18/8/2013, trên báo mạng Quân đội nhân dân, ở mục “Làm thất bại
chiến lược diễn biến hòa bình” có bài viết tiêu đề “Đôi điều với tác giả
“Viết trên giường bịnh” của tác giả Đức Trọng. Bài báo này đã công kích
quan điểm của Luật gia Lê Hiếu Đằng về việc lập đảng đối lập được thể
hiện trong bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh”.
Bài viết này cũng như rất nhiều bài viết khác của báo QĐND nhằm bảo
vệ chế độ nhưng luận điểm thiếu thuyết phục, bất chấp lẽ phải và sự
thật. Sự thật vẫn là sự thật và chỉ có một, người dân bây giờ có nhận
thức nên không phải lừa dễ như cách đây vài chục năm trước.
Bài viết cố tỏ ra chân thành và xây dựng, nhưng không thể che dấu tính chất ngụy biện.
1. Để biện minh cho việc không phân biệt đối xử với người bị tù, để nói chế độ này là tốt đẹp, tác giả viết: “Nhưng
với những người vi phạm pháp luật, bị phạt tù và đã chấp hành xong hình
phạt tù, pháp luật Việt Nam, cũng như hầu hết các nước trên thế giới,
Việt Nam không cấm họ dự thi đại học. Chàng trai Phan Hợi (sinh năm
1983, quê ở Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thi đỗ đại học sau khi ra tù
mà báo chí đã nhắc tới là ví dụ cụ thể nhất minh chứng cho điều này.”.
Nếu ai chưa biết Phan Hợi phạm tội gì thì dễ bị lừa, nhưng xin thưa,
anh ấy là tội trộm cướp, bảo kê, tội hình sự thông thường. Tội này thì
chỉ nguy hiểm cho người dân, chứ có đe dọa đến mấy cái ghế, bổng lộc của
lãnh đạo đâu, nên mới được như thế. Nếu nhà đấu tranh cho dân chủ, đấu
tranh với những việc làm sai trái của chế độ thì có được như thế không?
Cứ xem vụ LS Nguyễn Văn Đài hết hạn tù còn bị quấy rối, cấm đi gặp Đại
sứ Hoa Kỳ và nhiều lắm sự đe dọa, bắt cóc bị những người bất đồng chính
kiến tố cáo không kể hết trong một bài viết ngắn (chỉ nói những trường
hợp người tố cáo có địa chỉ, có hình ảnh, có gửi cơ quan chức năng). Sao
không thấy báo nhắc mà cố tình lờ đi.
2. Bài báo viết tiếp: “Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc
hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại
diện của mình trong Quốc hội.” Xin thưa, kiểu dân chủ này chính là
kiểu bonsai chính trị. Ai cũng biết trong 500 ĐBQH thì có khoảng 450 là
ĐV ĐCSVN và phần nhiều là lãnh đạo của bộ máy đảng hoặc hành pháp, tư
pháp. Như vậy thì tiếng nói của Quốc hội thực chất là tiếng nói của đảng
viên và vừa đá bóng vừa thổi còi. Thêm vào đó, 19 điều cấm của đảng lại
quy định, đảng viên không được nói, viết… trái với nghị quyết, quy
định, chỉ thị, đường lối… của đảng. Vậy nên đại biểu Quốc hội là đảng
viên khó mà nói khác với đảng. Ngoài ra muốn ứng cử thì phải qua Mặt
trận lựa chọn, mà Mặt trận lại dưới sự lãnh đạo của đảng, như vậy những
người không được lòng đảng liệu có được đưa vào danh sách ứng cử không?
Câu trả lời điển hình là trường hợp của LS Lê Quốc Quân. LS Lê Quốc Quân
từng ứng cử ĐBQH khóa 13 và bị “đánh” te tua. Theo ông thì đó là cuộc
đấu tố. Xưa nay đã có câu “đảng cử dân bầu” ai ai cũng biết rồi.
3. Để ngụy biện cho việc độc đảng ở Việt Nam hiện nay vẫn có dân chủ, bài báo viết: “Về
vấn đề “đa đảng và dân chủ”, báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về
lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ
độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục
vụ giai cấp nào”. Đồng ý là dân chủ phụ thuộc vào bản chất chế độ.
Nhưng cũng cần phải khẳng định rằng, muốn cho một chế độ có dân chủ thì
quyền lực phải được kiểm soát từ bên trong hệ thống chính trị và kiểm
soát từ bên ngoài đối với hệ thống chính trị đó (kiểm soát của nhân dân,
các tổ chức dân sự, báo chí độc lập, các đảng chính trị…), đồng thời
nhân dân có toàn quyền quyết định lực lượng nào lãnh đạo mình. Những yếu
tố đó chính là động lực làm cho đảng (nào) muốn lãnh đạo cũng phải phấn
đấu để được lòng dân (trong đó có yếu tố dân chủ). Còn độc đảng thì
không có các yếu tố đó (hoặc có nhưng rất yếu) nên không còn động lực để
phấn đấu, mà chỉ còn yếu tố tự giác. Một cá nhân tự giác, trong nhiều
trường hợp đã là khó, huống gì một chính đảng cầm quyền. Một cách khái
quát, muốn cho chế độ nào đó dân chủ thì có 2 yếu tố cần và đủ đó là kết
cấu (cấu trúc) của hệ thống chính trị và hệ thống Hiến pháp, Pháp luật
(vì đang bàn chế độ của cùng một quốc gia, nên các thành phần khác của
kết cấu thượng tầng và con người là các yếu tố mặc định nên không tính
đến). Như trên đã phân tích thì đa nguyên, đa đảng là điều kiện cần để
có dân chủ, mặt khác thì đó cũng là một biểu hiện của dân chủ. Cả lý
luận lẫn thực tiến đã chứng minh quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ
bị tha hóa. Chúng ta đều biết tham nhũng là những đối tượng nào, rõ ràng
là cán bộ, đảng viên chứ ai nữa! Ban đầu họ là những người tốt (cứ cho
là như thế) thì mới được vào đảng và làm lãnh đạo, nhưng rồi ở vị trí
đó, quyền lực và lợi ích kích thích lòng tham và họ trở thành tham
nhũng, hư hỏng. Đảng thì cũng là tập hợp một nhóm người, mà người (của
đảng) đã tha hóa thì đảng cũng tha hóa.
4. Bài báo viết: “Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang
lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ
của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và
toàn thể nhân dân lao động. Vậy tại sao ông phải hô hào thành lập đảng
đối lập vào lúc này?”. Xin hỏi, đất nước chúng ta vững mạnh thì tại
sao Trung Quốc làm mưa làm gió ở biển Đông, chúng ta không dám làm gì,
không có đối sách gì mạnh mẽ? Tại sao người dân lo sợ mất nước xuống
đường biểu tình lại đàn áp? Tại sao thanh niên yêu nước viết HS-TS-VN
lại bị bắt hoặc cấm đoán? Quốc hội đã cho phép Chính phủ ban hành Nghị
định 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 (theo lời TTg Nguyễn Tấn Dũng) về một
số biện pháp đảm bảo trật tự nơi công cộng một cách vi hiến. Bản thân
tôi đã yêu cầu Quốc hội bãi bỏ NĐ này nhưng không có hồi âm. Ngay ông
Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu chế độ mà lại đòi xử lý những người
dân thực thi quyền công dân. Việc làm này của ông ta vừa vi hiến lại phi
pháp, vi phạm 3 trong 5 tiêu chuẩn của người Đại biểu Quốc hội. Một
người đứng đầu đảng, đầu chế độ mà phản dân chủ như vậy thì nói lên cái
gì? Sửa đổi Hiến pháp là việc của toàn dân vậy mà những ý kiến trái quan
điểm của đảng cộng sản Việt Nam đều bị các phương tiện tuyên truyền của
đảng, nhà nước “đánh hội đồng” (chứ không phải tranh luận sòng phẳng,
tử tế), bị coi như kẻ thù của nhân dân cần đánh bại (“làm thất bại chiến
lược diễn biến hòa bình”!). Trong đó báo Quân đội nhân dân là một trong
hai tờ báo hung hăng nhất. Tại sao đảng cộng sản Việt Nam có quyền đưa
ra quan điểm của mình mà quan điểm nhân dân lại bị “đánh” hội đồng như
thế?
Hiện trạng Việt Nam: nạn tham nhũng được xếp vào loại cao của thế
giới, đạo đức xã hội xuống cấp đáng báo động, có những cán bộ cấp tỉnh
trưởng, thứ trưởng hiếp dâm hoặc mua dâm học sinh, trẻ em, bệnh viện
nhân bản hàng nghìn xét nghiệm, lừa đảo, vỡ nợ tín dụng chui nhiều trăm
tỷ đồng, giáo dục yếu kém, nạn chạy chức, chạy quyền, chạy việc làm đã
trở thành bệnh “di căn” (đến nỗi có vị PGS – TS có “sáng kiến” luật hóa
việc này), tai nạn giao thông ở mức rất nghiêm trọng, trộm cướp hoành
hành, hàng Trung quốc độc hại khắp nơi, thậm chí nhiều loại hàng hóa
người dân không có lựa chọn nào khác ngoài hàng độc hại của Trung Quốc,
tình trạng xâm phạm quyền công dân có hệ thống và không còn là sự kiện
hiếm, khiếu kiện đông người, kéo dài… tóm lại, như một số chuyên gia nói
là khủng hoảng toàn diện.
Về đối ngoại thì nguy cơ mất nước, nguy cơ nô lệ là rất lớn, không
thể xem nhẹ. Ngay ông Trung tướng Phạm Văn Dĩ cũng thừa nhận điều đó.
Từ những dữ liệu trên, mỗi người hãy tự đưa ra câu trả lời của mình
về sức mạnh của đất nước, về quyền cơ bản của con người, của công dân
Việt Nam ngày nay có đúng như bài báo nói hay không.
Kể cả xã hội ta mọi thứ đều như ý thì việc thành lập đảng mới cũng
chẳng có gì là xấu xa hay sai trái cả. Nếu đảng cộng sản Việt Nam làm
tốt nhiệm vụ của mình thì chẳng có gì phải bận tâm với đảng mới. Nếu
đảng cộng sản Việt Nam thật sự được lòng dân thì chẳng có gì phải bận
tâm nếu có đảng mới ra đời.
5. Bài báo cảnh báo và buộc tội về việc đa nguyên, đa đảng:“Hay
sẽ diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đổ vỡ nền kinh tế như đã từng
xảy ra ở một số nước mà người gánh chịu những hậu quả ấy, không ai khác
chính là nhân dân? Thực chất các lời khuyên “đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập” đưa ra gần đây một cách rất “tâm huyết”, chẳng qua chỉ
nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi”. Xin đừng hù dọa chúng tôi bằng cảnh đổ vỡ như thế, bởi chúng tôi cũng biết bản chất và cái giá của sự đổi thay này.
Thực ra có 2 con đường để thay đổi chế độ: con đường ôn hòa và con
đường bạo lực. Khi mâu thuẫn giữa chế độ độc tài với nhân dân thì sẽ
phát sinh đấu tranh, ban đầu là ôn hòa. Khi đấu tranh bằng con đường này
không giải quyết được và nếu mâu thuẫn tích tụ đến một mức độ nào đó,
bất đắc dĩ họ (nhân dân) mới dùng đến bạo lực lật đổ như ở một số nước
Trung Đông – Bắc Phi vừa qua. Nếu thay đổi chế độ từ độc tài sang dân
chủ bằng con đường từ trên xuống (như Myanmar chẳng hạn) thì đó là thắng
lợi của tất cả các bên, hoàn toàn không xảy ra đổ vỡ.
Thực trạng đất nước như đã nói trên chứng tỏ hệ thống chính trị nói
riêng, kiến trúc thượng tầng nói chung không phù hợp, không đáp ứng được
đòi hỏi của cuộc sống (cơ sở hạ tầng) thì phải thay đổi là điều hiển
nhiên. Đó là quy luật của sự tiến hóa không thể cưỡng lại. Ngoài ra, ông
Lê Hiếu Đằng nói rất rõ rằng, thành lập đảng Dân chủ xã hội để đối
trọng với đảng cộng sản Việt Nam, chứ có lật đổ đâu mà bài báo lại kết
tội cho ông ấy là tước bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, là gây
đổ vỡ? Bài báo nói mà không lý giải được, tức nói không có cơ sở.
6. Bài báo viết rằng lựa chọn tam quyền phân lập hay không “là quyền lựa chọn của mỗi quốc gia”.
Đúng là quyền lựa chọn của mối quốc gia mà cụ thể phải là quyền lựa
chọn của nhân dân bằng trưng cầu ý dân, tức nhân dân bỏ phiếu phúc quyết
Hiến pháp chứ không phải do đảng hay bất cứ tổ chức nào tự định đoạt.
Bài báo viết tiếp : “Việt Nam lựa chọn nguyên tắc thể hiện được cao
nhất quyền lực của nhân dân, nguyên tắc “tập trung quyền lực”. Theo đó, ở
Việt Nam, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Đây là lập luật
sai trái có tính ngụy biện, vì nói mọi quyền lực thuộc về nhân dân nhưng
dự thảo sửa đổi Hiến pháp về bản chất là một bản ủy quyền quyền lực của
nhân dân cho Nhà nước. Do đó hiển nhiên, trước khi có hiệu lực phải
được người chủ là nhân dân xác quyết, thế nhưng họ lại đánh tráo từ
quyền của nhân dân thành chỉ được khi Nhà nước cho phép, mà thực ra là
bị tước đoạt. Ngay Hiến pháp 1992, quy định công dân có rất nhiều quyền
nhưng người dân thực thi thì bị đàn áp, ví dụ biểu tình chẳng hạn. Hiến
pháp là khởi đầu của quyền lực Nhà nước, vậy mà nhân dân cũng bị “ra
rìa” (không được quyết định) thì làm sao nói mọi quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân?!
Tác giả thật liều lĩnh khi nói:” Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất của mình”. Không biết ban biên tập và tác giả Đức Trọng đã bao giờ đọc Hiến pháp 1992 hay chưa mà nói bừa như thế?
Trong Hiến pháp 1992 tuy có quy định đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo
nhưng không nói là duy nhất, hơn nữa như trên đã nói, hiến pháp là bản
ủy quyền quyền lực của nhân dân cho nhà nước, hệ thống chính trị nên
trước khi có hiệu lực phải được nhân dân xác quyết mới hợp pháp, hợp
logic. Bản hiến pháp 1992 không thực hiện việc này thì không thể nói
nhân dân lựa chọn đảng cộng sản Việt Nam làm lãnh đạo.
7. Bài báo viết tiếp: “Cũng phải nói thêm, điều đó không có
nghĩa hệ thống tư pháp, cụ thể là tòa án, không có quyền độc lập trong
phán quyết. Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, tòa án nhân dân Việt Nam
khi xét xử chỉ nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xét xử theo quy định
của pháp luật, không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.”Luật
quy định là một chuyện, có thực hiện như luật hay không lại là chuyện
khác. Các quan tòa đều là đảng viên, việc bổ nhiệm phải thông qua đảng,
như vậy chắc chắn rằng các quan tòa muốn tồn tại thì phải được lòng
đảng, mà không ai có thể dám khẳng định được lòng đảng thì đúng pháp
luật. Nhiều ví dụ tòa án xử người bất đồng chính kiến, kết tội họ rất
sai trái như vụ TS Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần…
Một ví dụ mới nhất là vụ Nguyễn Phương Uyên bị bắt từ ngày 14/10 vậy mà
tòa án xét xử cháu với cáo trạng nói bắt cháu ngày 19/10. Như vậy có
phải có sự đồng lõa của các cơ quan tố tụng không? Đó là chưa nói mẹ
cháu còn tố cáo Uyên bị nhốt 5 ngày trong khách sạn như xã hội đen để 12
an ninh ép cung.
Còn rất nhiều điều muốn nói nhưng có lẽ như vậy cũng đã quá đủ thấy bản chất của vấn đề.
Cuối cùng cũng cần nói thêm là việc một số công dân thành lập đảng là
quyền của họ, hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. Vậy thì có lý do gì để chụp
mũ là âm mưu tước bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam?
Là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam nhưng tôi ủng hộ ra đời các đảng
khác tồn tại song song cùng đảng cộng sản để đấu tranh ôn hòa với những
sai trái hoặc lệnh lạc của hệ thống chính trị, điều đó chỉ có lợi cho
nhân dân.
Nha Trang, ngày 21/8/2013
H.Q.H.
Nguồn: Bauxite Việt Nam
2013/08/22
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét