Lưu Hiểu Ba
Phạm Thị Hoài dịch
Đặc điểm quan trọng nhất của thời hậu toàn trị là: một mặt, trong sự
khủng hoảng tính chính danh của mình, giới thống trị tìm mọi cách bám
chặt lấy nền chuyên chế, nhưng hiệu quả của sự cai trị ấy suy giảm từng
ngày; mặt khác, dân chúng không còn tự đồng nhất với các hệ thống
chuyên chế nữa, một xã hội dân sự bột phát lan rộng, tuy trước mắt chưa
đủ sức thay đổi những guồng máy hiện tồn tại, nhưng với sự đa nguyên hóa
xã hội mỗi ngày một mạnh trong kinh tế và trong các quan niệm về giá
trị đang như những giọt nước không ngừng xói ruỗng sự trơ cứng vôi đá
của hệ đồng phục chính trị.
Cụ thể về tinh thần, Trung Quốc hậu toàn trị đã bước vào “thời đại vô
liêm sỉ”: không còn một đức tin nào nữa, lời nói một đằng hành động một
ngả, trái tim và cửa miệng không cùng một ngôn ngữ. Mọi người (kể cả
cán bộ cao cấp và đảng viên) không còn tin vào những văn bản quy định
chính thức, người ta hết mình cho lợi nhuận thay vì cho sự trung thành
và lí tưởng; nguyền rủa, phê phán và nhạo báng “Đảng vĩ đại, quang vinh
và tốt đẹp“ từ lâu đã trở thành mốt trong những buổi tiệc tùng và giải
trí của xã hội dân sự, để rồi trước cám dỗ và áp lực của lợi nhuận đại
đa số lại đồng thanh ca ngợi theo đúng giọng Nhân dân Nhật báo khi chính
thức xuất hiện trước công luận. Dường như hết lời tụng ca trước mặt và
hùng hồn chửi bới sau lưng từ lâu đã biến thành một phản ứng theo tập
quán của người Trung Quốc.
Giới tinh hoa trong hệ thống thì phân liệt. Họ là lớp người thế hệ
trung niên, thành công trong hệ thống và bề ngoài gây ấn tượng là những
kẻ hoạt động trong “hậu trường”. Trước công luận họ trả bài như vẹt, họ
không bỏ qua dịp nào để tiến thân, nhưng ở chốn tiệc tùng riêng tư thì
họ lại dùng một ngôn ngữ hoàn toàn khác, đại loại: “Mình trong guồng,
cậu ngoài guồng, nhưng đều nghĩ như nhau cả thôi, chỉ hình thức là khác.
Ở ngoài thì cậu hô hoán, còn mình thì xắn tay giải quyết việc bên
trong…” Họ có thể rỉ tai ta vài ba tin tức, gọi là tin nội bộ, và phân
tích tình hình chính trị cũng như các hậu quả; họ có thể miêu tả cá tính
của từng vị trên thượng tầng quyền lực và tiết lộ ai là người nhiều
triển vọng nhất để trở thành một Tưởng Kinh Quốc [1] ở Đại lục; đúng
thế, họ thậm chí có thể giải thích về diễn biến hòa bình khiến ta phải
ngỡ ngàng. Họ tin rằng động lực mạnh nhất cho thắng lợi của diễn biến
hòa bình bắt nguồn từ phe cấp tiến của họ trong guồng máy, gồm những
người “tuy ở trong hệ thống nhưng trái tim đặt ra ngoài”; hơn nữa càng
lên cao thì mặt nạ càng tinh xảo, những động thái trong bóng tối càng
gây tác dụng và tỉ suất thành công của đòn tấn công kép, từ trong ra và
từ ngoài vào, càng cao. Câu mà tất cả bọn họ hay nói nhất là: Có rất
nhiều người tốt trong hệ thống đang tìm cách thay đổi và đang làm những
điều quan trọng cho cải cách chính trị hơn hẳn những mũi tấn công từ bên
ngoài. Mỗi lần trò chuyện với họ ta đều có ấn tượng rằng người nào cũng
kiên định theo đuổi những lí tưởng cao đẹp, cũng đầy khả năng kháng cự,
cũng bền bỉ và cũng đủ khôn ngoan chính trị như Gorbachev. Có lẽ thuở
bé tôi đã xem hơi quá nhiều phim về các lãnh tụ cách mạng, có lẽ tôi đã
quá bị đầu độc để thỉnh thoảng có thể thực sự hình dung họ như những nhà
hoạt động hậu trường khôn ngoan và sành sỏi đang lặn sâu vào hang ổ kẻ
thù.
Không chỉ trong giới công chức nhà nước, ở mọi lĩnh vực khác: trong
giới truyền thông, giáo dục, văn hóa, kinh tế… ở đâu ta cũng gặp những
hiện tượng như trên. Một người quen của tôi, sau sự kiện Thiên An Môn
xoay sang làm kinh tế và phất mạnh, thỉnh thoảng thể nào cũng mời bạn
đến ăn uống linh đình, lần nào anh ta cũng hăng say luận tình hình thế
giới và lấy cả lương tâm lẫn danh dự ra mà thề rằng mình làm kinh tế và
kiếm tiền hoàn toàn không phải vì đồng tiền, mà vì những dự định lớn lao
sẽ thực hiện một ngày nào đó trong tương lai.
Họ liệt kê những ý nghĩa của bước đi này: Thứ nhất, rằng việc tham dự
trực tiếp vào tiến trình định hướng thị trường và tư hữu hóa sẽ cung
cấp những nền tảng kinh tế quan trọng nhất cho tiến trình dân chủ hóa
chính trị. Thứ hai, rằng trong tương lai, những người bạn có thể lâm nạn
vì rời bỏ guồng máy để quay về với giới đối lập chính trị bên ngoài hệ
thống sẽ được dựa vào nguồn kinh tế mà họ thâu tóm được. Câu mà họ ưa
nói nhất là: Không có tiền thì không thể làm cách mạng, càng muốn thắng
lợi nhiều trong tương lai thì hiện tại càng phải làm ra nhiều tiền để
đảm bảo một nền tảng kinh tế vững chắc. Thứ ba và quan trọng hơn, họ tin
rằng một cuộc cách mạng do những người có tiền thực hiện sẽ là một cuộc
cách mạng ít tốn kém nhất, vì thị trường đã dạy họ rằng với một dự toán
chính xác về chi phí và lợi ích thì sẽ không thể xảy ra một cuộc cách
mạng giá thành quá cao mà chẳng mang lại điều gì. Nếu những người có
tiền có chân trong chính phủ thì xác suất xảy ra một cuộc cách mạng bạo
lực sẽ nhỏ nhất và ngược lại, cơ hội cho một cuộc cách mạng hòa bình,
từng bước, sẽ rất lớn.
Vì thế họ không ủng hộ mà cũng không phê phán Học thuyết Ba Đại diện
[2] và Chủ nghĩa Tam dân Mới [3]. Họ cho rằng tuy những thứ đó luôn mạnh
hơn thuyết cách mạng của Mao Trạch Đông và cũng mạnh hơn thuyết bốn
nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình [4], thậm chí một số người còn tin rằng
chúng là bước mở đầu, đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ thù địch
nhân tính của chính quyền cộng sản, giống như việc dùng bông xốp của văn
hóa đại chúng bọc giai điệu rực lửa cách mạng, nhưng so với lưỡi dao
lạnh lùng của khẩu hiệu thì như thế vẫn tốt hơn.
Điều đáng tiếc nhất trong tình trạng bỏ bễ cả một thế hệ những người
trẻ tuổi là họ cũng bị sự vô liêm sỉ hóa cuộc sống này nuốt chửng.
Hậu quả của những cuộc thanh trừng sau Sự kiện Lục Tứ là hàng loạt vụ
khai trừ Đảng, nhưng những người tự động ra khỏi Đảng còn nhiều hơn, và
mỗi năm số lượng đảng viên mới kết nạp cứ giảm dần. Tuy nhiên, sau một
thập niên theo lệnh chôn vùi kí ức cùng những cám dỗ của đặc quyền đặc
lợi, ngày nay số người trẻ làm đơn xin gia nhập Đảng lại tăng dần. Những
năm gần đây, để minh họa sự hấp dẫn của Đảng Cộng sản đối với giới trẻ,
cứ đến dịp kỉ niệm ngày thành lập Đảng mồng 1 tháng Bảy chính quyền lại
công khai nhấn mạnh số đơn xin gia nhập Đảng của giới trẻ, đặc biệt là
trong giới sinh viên. Theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc, số sinh
viên xin gia nhập Đảng tăng lên đến 60 %. Thông tin này cũng khớp với
một số liệu khác mà truyền thông nhà nước loan báo: 65 % giới trẻ đánh
giá cao Đảng Cộng sản Trung Quốc. Về động cơ xin gia nhập Đảng và thái
độ ủng hộ Đảng thì những bản tin này chuyển trọng tâm từ lí tưởng sang
thực dụng: Không ai nhắc đến cương lĩnh, mục tiêu của Đảng hay những lí
tưởng cộng sản cao đẹp, tinh thần chiến đấu của Đảng lại càng không.
Người ta tránh xa những thứ ấy và chỉ nhấn mạnh những thành tích vinh
quang của những người cộng sản Trung Quốc, từ tuyên ngôn “nhân dân Trung
Quốc đã vùng lên” của Mao Trạch Đông đến khẩu hiệu “nhân dân Trung Quốc
đã giàu lên” dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, để rốt cuộc là áp
dụng Ba Đại diện và Tam dân Mới. Phương thức tuyên truyền ấy nhằm truyền
đi thông điệp: Từ khi có chính sách mở cửa và cải cách, những người
cộng sản Trung Quốc đã đạt được những thành công đập ngay vào mắt: một
quốc gia hùng cường với uy tín lớn mạnh và phồn vinh cho tất cả mọi
người – và vì thế Đảng Cộng sản sẽ ngày càng hấp dẫn trong mắt giới trẻ.
Người đứng ngoài quan sát có thể ngờ vực những con số chính thức nêu
trên, nhưng chỉ cần hiểu chút ít về giới trẻ ngày nay là có lẽ không ai
còn hoài nghi nữa. Thế hệ sau 1989, bạc nhược bởi phồn vinh và thực
dụng, quan tâm chủ yếu đến những điều chẳng liên quan gì đến dấn thân xã
hội, nhân văn cao cả, suy tư sâu lắng, chính trị tỉnh táo và những giá
trị siêu hình. Đối diện với cuộc sống, thái độ của họ là thực dụng và cơ
hội; những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời họ là một biên chế công
chức, tiền bạc hay xuất ngoại; những sở thích chính của họ là thời
trang, tiêu thụ, phong cách sành điệu của các ngôi sao điện ảnh, trò
chơi điện tử và những cuộc tình chớp nhoáng. Bởi lẽ trước khi một thế hệ
thanh niên kịp trưởng thành thì nó đã bị môi trường nhỏ là gia đình và
môi trường lớn là xã hội nhấn vào cái vạc nhuộm của ranh mãnh và ý thức
đặc quyền.
(Còn tiếp)
Nguồn: Dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die geistige Landschaft in posttotalitärer Zeit”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 34-45. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Các chú thích đều của người dịch.
- - -
[1] Tưởng Kinh Quốc (1910-1988), con trai Tưởng Giới Thạch, Tổng
thống Đài Loan 1978-1988, mở đường cho tiến trình dân chủ hóa Đài Loan.
[2] Học thuyết Ba Đại diện do Giang Trạch Dân đề xướng năm 2002 (Đảng
Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện
nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung
Quốc) được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 2004.
[3] Chủ nghĩa Tam dân Mới do Mao Trạch Đông đề xướng năm 1940 (Dựa
vào Liên Xô, dựa vào chủ nghĩa cộng sản, dựa vào nông dân) thay thế Chủ
nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (dân tộc, dân quyền, dân sinh).
[4] Bốn nguyên tắc do Đặng Tiểu Bình đề xướng sau Cách mạng Văn hóa:
Trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, trung thành với Đảng, trung thành
với lãnh đạo, trung thành với tư tưởng Mao Trạch Đông.
Nguồn: pro&contra
2013/08/22
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét