Trao đổi với BBC ngày 22/11, một hôm sau khi chính quyền TP Hà Nội cưỡng chế giải tán biểu tình và bắt đi khoảng 50 người phản đối Trung Quốc, cựu thiếu tướng nói:
"Tôi thấy không có lý do gì để bắt người ta, bắt những người thanh niên mà hình như hôm nay vẫn chưa thả."
Tướng Vĩnh nhấn mạnh "Theo Hiến pháp, người dân được nhiều quyền, quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình" và ông cũng nhắc lại việc không tán thành với bản Thông báo của Chính quyền Hà Nội hôm 18/8 cấm đoán các cuộc biểu tình, tuần hành yêu nước trên địa bàn thủ đô.
Vị lão thành cách mạng năm nay 96 tuổi cho rằng các cuộc biểu tình của quần chúng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong suốt 11 tuần lễ qua '"là một nhân tố cộng hưởng với chính quyền, tăng thêm sức mạnh" và "lấy làm lạ" trước can thiệp của an ninh và chính quyền.
Ông khẳng định: "Trung Quốc còn xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, còn làm những việc tai ác với Việt Nam, thì nhân dân Việt Nam phẫn nộ, mà phẫn nộ thì sau này người ta sẽ biểu tình phản đối."
Phản bác lại quan điểm của một số báo chí Hà Nội hai hôm qua vốn cho rằng các cuộc biểu tình bị "kẻ xấu" hay "thế lực thù địch" xúi giục "kích động, lợi dụng" tướng Vĩnh cho hay:
"Trong 11 cuộc biểu tình cho đến nay, tôi không thấy có kẻ nào xấu hay ai là thù địch xen vào lợi dụng cả. Mà tôi thấy tất cả đều là đàng hoàng. Thứ hai nữa là nếu nói là bị kẻ xấu lợi dụng, thì đánh giá những nhà trí thức tên tuổi của chúng tôi thấp quá,"
"Bởi vì các cuộc biểu tình ấy có nhiều giáo sư, tiến sỹ tham gia, và họ đều là những người có tên tuổi cả. Thế mà lại bảo là bị kẻ xấu lợi dụng thì đánh giá những nhà trí thức ấy rất là thấp, sai quá đấy."
"Làm sao kích động?"
Hôm 22/10, tờ Hà Nội Mới online đưa ra nhận định về đích danh một số nhân sỹ, trí thức tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành, và đặc biệt đưa ra bình luận về một trong số các vị này đó là Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện.
Tờ báo viết:
"Vẫn còn một bộ phận các cá nhân, thậm chí cả những người được xem là trí thức, vẫn cố tình vi phạm, không chấp hành yêu cẩu của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Xuân Diện (sinh năm 1970) - Phó Giám đốc Trung tâm Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm."
"Trong suốt thời gian qua, ông Diện vừa trực tiếp tham gia tuần hành, vừa lập trang web cá nhân để kêu gọi, kích động và hướng dẫn việc tham gia biểu tình..."
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh phản bác lại các bình luận này, và nói với BBC:
"Tôi không đồng ý, tôi cũng theo dõi các mạng. Tôi thấy ông ấy không có kêu gọi người ta biểu
tình. Mà tôi cũng không thấy kích động. Ông ấy làm sao kích động nổi.
"Đến loại người kỳ cựu như chúng tôi mà cũng không kích động nổi, nữa là ông Nguyễn Xuân Diện làm sao kích động nổi các trí thức có danh tiếng ấy."
Tướng Vĩnh không loại trừ khả năng có một sức ép nào đó từ phía Trung Quốc đặt lên chính quyền Việt Nam, vốn có thể dẫn tới các hành động can thiệp cứng rắn với các cuộc biểu tình, như các sự kiện đã thấy trong ngày Chủ Nhật 21/8 và hai lần biểu tình trước đó.
Tuy nhiên, ông không chắc chắn liệu Nhà nước và chính quyền Việt Nam có quan ngại các cuộc biểu tình, tuần hành có thể phát triển thành những phong trào chính trị, xã hội rộng lớn hơn, đòi các quyền cơ bản, dẫn tới thách thức trực tiếp vị thế và quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản cầm quyền.
"Tôi đã từng nói: con run xéo lắm phải quằn. Càng đàn áp thì phẫn nộ càng tăng và càng lan rộng. Có thể đến một lúc là không kiểm soát được."
Cho đến tối ngày 22/08 theo giờ Hà Ṇôi chưa thấy lãnh đạo cao cấp nào trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở Việt Nam lên tiếng chính thức về các vụ việc vừa qua.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/08/110822_gen_nguyentrongvinh_protest.shtml
***
Biểu tình hôm Chủ nhật ở Hà Nội: Ý kiến của người nước ngoài
Marianne Brown | Hà Nội
Thông tín viên VOA Marianne Brown ở Hà Nội ghi nhận cuộc biểu tình hôm Chủ nhật lần thứ 11 ở thành phố này, và ý kiến của một số người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.
Người dân và khách nước ngoài đứng xem trong lúc cảnh sát bắt người biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, 21/8/2011 |
Khi 50 người tụ tập tại hồ Hoàn Kiếm hôm Chủ nhật, người ta biết ngay đó là chuyện xảy ra thường xuyên từ mấy tháng qua ở thủ đô Việt Nam.
Tuần hành ngang qua những nhóm đông công an đồng phục và thường phục, nhóm người này trương các biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Người biểu tình tụ tập ở Hà Nội mỗi Chủ nhật từ độ hơn 10 tuần qua để phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Chính quyền Việt Nam nói các tàu Trung Quốc cố tình xen vào hoạt động thăm dầu trong vùng biển có tranh chấp ở ngoài khơi Việt Nam.
Tại các cuộc biểu tình trước, không khí giống như lễ hội, người biểu tình ca hát và tán gẫu với bạn bè. Nhưng lần này không khí có vẻ đe dọa hơn.
Chỉ sau vài phút có người tụ tập, một chiếc xe buýt trống đậu cặp kè vào đoàn biểu tình. Một nhóm đàn ông mặc thường phục túm lấy một số người biểu tình và lôi họ lên chiếc xe buýt. Chẳng mấy chốc chiếc xe đông chật nhưng nhiều người vẫn hát.
Cuộc trấn áp diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ủy ban Nhân dân Hà Nội yêu cầu ngưng biểu tình, nếu không sẽ có những biện pháp cần thiết đối với những ai không tuân hành.
Ủy ban này nói trong những ngày vừa qua, các lực lượng chống đối trong và ngoài nước các đã xúi dục và chỉ đạo các cuộc biểu tình, vì thế cần phải ngưng tụ tập biểu tình trong thành phố.
Nhưng ông Phil Robertson của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch cho rằng lập luận này không đúng:
“Trong nhiều trường hợp, chỉ là những người dân bình thường có tình cảm yêu nước và không vui trước những gì Trung Quốc đang làm, và họ đã tham gia. Bôi nhọ họ bằng cách nói rằng họ là những người chống phá cách mạng thì chẳng có bằng chứng nào ủng hộ cho lập luận này cả.”
Hôm thứ Sáu, một nhóm 25 trí thức có uy tín, trong đó có một anh hùng trong chiến tranh đã nghỉ hưu, gửi kiến nghị lên ủy ban để thách thức lệnh cấm biểu tình.
Kiến nghị bác bỏ lập luận cho rằng các cuộc biểu tình có liên hệ với các thế lực bên ngoài, và khẳng định biểu tình này chỉ là một hình ảnh tốt nói lên lòng yêu nước của nhân dân.
Theo ông Robertson, chính nội bộ chính quyền cũng chia rẽ về cách đối phó với người biểu tình:
“Điều thú vị là lệnh chính thức có con dấu chính thức nhưng không có ai ký vào đó. Điều này phải chăng ở mức độ nào đó, đã có sự thiếu nhất trí trong chính quyền Việt Nam khi bỏ tù những người nêu lên các quan tâm về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam.”
Vụ bắt giữ hôm Chủ nhật tương tự như vụ trấn áp hôm 17 tháng 7, có 40 người biểu tình bị dồn lên các xe lớn để về đồn công an và bị giữ lại đây trong vài tiếng.
Vụ trấn áp hôm Chủ nhật diễn ra sau khi có đàm phán sơ bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ, qua đó, cả hai phía đều đồng ý là cần phải “lái dư luận đi đúng hướng.”
Tuy nhiên, biểu tình vẫn tiếp tục sau khi trên Internet có đoạn video cho thấy một công an đánh đập một người biểu tình, khiến quần chúng lên án rộng khắp.
Giáo sư Carl Thayer của Úc nói các vụ trấn áp tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới hai tuần sau cũng gặp phản ứng tiêu cực của báo chí:
“Cuộc trấn áp mạnh tạy tại thành phố Hồ Chí Minh gây tác dụng ngược cho chính quyền, nhiều người dân rất bực tức trước vụ này.”
Nhưng cuộc trấn áp ở miền nam thành công vì người dân ở đây ngưng tổ chức các cuộc biểu tình.
Trong lúc bà con và bạn bè của những người bị giam ở Hà Nội còn chờ tin tức của người thân, vẫn chưa rõ cuộc trấn áp hôm Chủ nhật có chấm dứt được những cuộc biểu tình thường lệ hiếm thấy tại xứ cộng sản này hay không.
Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-protests-08-21-11-128150888.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét