Nguyễn Thanh Văn
Trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân, và người dân sẽ chuyển sự nhất trí của mình thành quyền lực của nhà nước qua những cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch.
Một cách cụ thể thì “bầu cử là một quá trình đưa ra quyết định của người dân để chọn ra một cá nhân nắm giữ các chức vụ thuộc chính quyền. Đây là cơ chế thông thường mà các nền dân chủ hiện dùng để phân bổ chức vụ trong bộ máy lập pháp, thỉnh thoảng ở bộ máy hành pháp, tư pháp, và ở chính quyền địa phương. Bầu cử là một trong những chế định quan trọng trong ngành Luật Hiến pháp, là cơ sở pháp lý cho việc hình thành ra các cơ quan đại diện cho quyền lực của Nhà nước” (1)
Khái niệm về bầu cử không xa lạ gì đối với người Việt Nam. Trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư (xuất bản năm 1948) dùng để dạy học sinh tiểu học đã có bài học nói về khái niệm này. Trước năm 1975, các học sinh từ bậc tiểu học ở miền Nam đã rất quen thuộc với sinh hoạt bầu cử qua việc bầu trưởng nhóm, trưởng lớp,... Các học sinh miền Bắc cũng không xa lạ gì với những cuộc bình bầu. Thế nhưng, với thói quen coi thường nhân dân, từ mấy chục năm qua đảng Cộng Sản Việt Nam đã biến sinh hoạt dân chủ quen thuộc đó thành một trò hề từ khâu đầu cho đến khâu cuối qua những cuộc bầu cử quốc hội, nhằm tạo ra cái mặt nạ dân chủ cho sự lãnh đạo độc tôn của đảng.
Ngay ở khâu đầu của bầu cử là khâu ứng cử viên, đảng đã đạo diễn trò hề này bằng danh sách “ứng cử viên”, là những người do đảng lựa chọn để được hợp thức hoá qua màn bầu cử. Những người trong danh sách có người ở đâu đâu, chẳng liên hệ gì đến cư dân sẽ đi bỏ phiếu cho họ. Còn ứng cử viên độc lập, không là người được đảng lựa chọn, thì bị sàng lọc loại bỏ bằng các vòng gọi là “hiệp thương” qua cơ chế Mặt Trận Tổ Quốc tại các địa phương. Theo hiến pháp thì Mặt Trận Tổ Quốc “là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị của nước ta hiện nay”, mà “Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận”; vì vậy, những vòng “hiệp thương” này chỉ làm công việc thực hiện “sự lãnh đạo của đảng” chứ chẳng liên hệ gì với người dân cả. Trò hề “hiệp thương” này khó coi đến độ chính một ủy viên lâu năm của Mặt Trận Tổ Quốc là giáo sư Tương Lai đã nhận định rằng: “trong vấn đề danh sách bầu cử ứng cử, việc hiểu cho đúng nghĩa của chữ ’hiệp thương’ như thế nào, bản thân tôi cũng thấy nó lờ mờ. Bởi vì, như thế là Mặt trận lại áp đặt cái ý chí chủ quan của mình vào cho dân rồi” (2).Từ trò hề danh sách “ứng cử viên” như vậy, đến ngày bầu cử công an và dân phòng lùa dân đi bầu (kể cả đi bầu dùm), hoặc đưa thùng phiếu đến tận nhà, để đạt chỉ tiêu “100% người đi bầu”. Dù lá phiếu có bầu cho ai đi nữa thì đương nhiên khâu kiểm phiếu vẫn là khâu độc quyền của đảng để trước sau gì cũng có những “đại biểu quốc hội trúng cử” với số phiếu ngất ngưởng từ 90 đến 100 phần trăm, làm thành một quốc hội bù nhìn rất đúng nghĩa của đảng.
Nói quốc hội là cơ chế bù nhìn của đảng là vì, với thành phần hơn 90% các ông, bà nghị đều là đảng viên đảng CSVN (dù đảng viên đảng cộng sản chỉ chiếm hơn 3% dân số Việt Nam), mà theo điều lệ đảng thì đảng viên phải :“Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.” (3). Vì vậy, nhiệm vụ chính của các ông, bà nghị đảng viên là ngồi làm kiểng, và gật đầu với các chủ trương và đường lối của đảng đề ra. Do đó chẳng có gì là lạ khi “quốc hội” làm cái gì cũng phải trình lên cho bộ chính trị. Chẳng hạn về đề nghị sửa đổi hiến pháp, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Đầu nhiệm kỳ Quốc hội, Đảng đoàn đã có tờ trình với Bộ Chính trị về vấn đề sửa hiến pháp. Tháng 2-2008, Bộ Chính trị đã làm việc với Đảng đoàn Quốc hội và trả lời là phải thông qua cương lĩnh mới. Sửa hiến pháp cái gì thì phải khớp với cương lĩnh. Cho nên mới thôi không đặt vấn đề nữa.” (4)
Tính chất bù nhìn của cơ chế quốc hội nó lộ liễu như vậy, nhưng điều 83 hiến pháp của nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn viết rằng: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận xét về tính chất bù nhìn của quốc hội và sự dối gạt của điều 83 hiến pháp như sau: “Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu ạ mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế rồi Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước.”(5)
Như đã đề cập ở trên, để hợp thức hoá cho cơ chế bù nhìn này, đảng Cộng Sản Việt Nam đã tìm mọi cách để người dân đi bầu quốc hội qua khẩu hiệu: “Đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân”. Khi quy định “đi bầu cử là quyền lợi” thì việc hành xử cái quyền đó tuỳ thuộc vào người dân, đi bầu hay không cũng chẳng vi phạm điều gì. Trên thực tế nhiều người đã không dùng đến cái “quyền” đó (tức là không đi bầu), dù rằng họ biết có thể bị chính quyền địa phương làm khó dễ trong một số vấn đề. Tuy nhiên, khẩu hiệu này lại nêu thêm một quy định khác trái ngược. Đó là “nghĩa vụ”, tức là điều bắt buộc phải thực hiện. Đến nay dù thời bao cấp đã đi qua, đảng không còn “vũ khí bao cấp” để ban phát miếng cơm manh áo hay đồ tiêu dùng như là phương tiện để trói buộc người dân nữa. Tuy nhiên đảng vẫn nắm trong tay “vũ khí giấy tờ hành chánh” để bắt người dân phải làm “nghĩa vụ đi bầu”, với chiêu “con dấu” trên thẻ cử tri bắt chẹt người dân. Ai không chịu đi bầu thì sẽ bị khó khăn trong việc chứng nhận giấy tờ, hoặc có việc phải đến cửa công quyền.…
Đến nay người dân đã quá quen thuộc với trò hề bầu cử nhàm chán, cũng như chẳng lạ gì với những trò gây khó dễ của chính quyền đối với những ai không đi bầu. Đối với người dân thì tuy rằng sự doạ dẫm của nhà cầm quyền vẫn tạo nên sự sợ hãi ở một chừng mực nào đó, nhưng xem ra sự sợ hãi này đã ngày càng giảm đi. Đặc biệt khi người dân thừa biết, ngoài những hoạnh hoẹ, gây khó dễ, thì nhà cầm quyền cũng chẳng làm gì hơn được, nhất là khi đông đảo người dân ý thức được rằng chẳng việc gì họ phải tiếp tay để tạo ra một cơ chế vô tích sự và “đáng xấu hổ” (như nhận định đã đề cập ở trên của bà Dương Thu Hương). Bởi vậy khuynh hướng tẩy chay cuộc bầu cử trong dân chúng đã ngày càng lên cao và lan rộng. Trong những ngày qua đã có nhiều hô hào tẩy chay bằng cách này hay cách khác, đồng thời truyền đơn tẩy chay bầu cử cũng đã được dán, rải ở nhiều nơi. Đây chỉ là sự bất tín nhiệm đối với đảng Cộng Sản Việt Nam đã có từ lâu, thay vì chỉ “bất tín nhiệm” trong tâm tư như trước đây thì bây giờ được bộc lộ ra ngoài.
Lần này để biểu lộ sự bất tín nhiệm đến mạnh mẽ hơn, người dân có thể bằng cách này hay cách khác, trong tinh thần đấu tranh bất bạo động, tích cực tham gia việc tẩy chay cuộc bầu cử quôc hội vào ngày 22.5.2011 sắp tới.
Tích cực nhất vẫn là không đi bầu và bất cần có con dấu bắt chẹt của đảng. Tuy nhiên nếu vẫn còn chút ít e sợ thì có thể vẫn tới phòng bầu cử để bỏ phiếu nhưng hãy bỏ phiếu đúng như nhận thức của riêng mình. Thời buổi này đảng không thể dở trò cho người đứng trước phòng kín nơi điền phiếu nhắc nhở bỏ cho ai gạch tên ai, hay thậm chí bắt viết tên cử tri vào lá phiếu như đã từng diễn ra ở nhiều nơi trên miền Nam trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1976. Vì vậy, nếu cùng cực phải đi bỏ phiếu thì những việc làm có ý nghĩa mà người dân có thể làm được mà không sợ một hậu quả nào là:
- Hãy gạch bỏ tên của những ứng cử viên bất xứng.
- Hãy gạch bỏ tên của những ứng cử viên dâng nhượng lãnh thổ, bán nước bán rừng cho ngoại bang;
- Hãy gạch bỏ tên của những ứng cử viên có thành tích tham nhũng, và nhất là những tên có dính máu nhân dân trên tay.
- Hãy gạch bỏ tên những kẻ quá thiếu khả năng điều hành đất nước,
- Hãy gạch bỏ tên hết cả nhóm lãnh đạo CSVN hiện nay.
- Hãy viết thêm vào lá phiếu tên của những người không có trong danh sách đảng cử hoặc những người tự ứng cử nhưng đảng đã gạt ra vì không hài long, những người thật sự vì nước vì dân hiện đang bị đảng bỏ tù hoặc quản thúc như Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Vi Đức Hồi, Lê Trần Luật, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Anh Kim, Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Văn Hải (Blogger Điếu Cày), Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Ngọc Đa (lãnh tu dân oan miền tay Nam Bộ), Đỗ Nam Hải, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Phong,…
Tuy vẫn biết khi đến phòng đầu phiếu tức là đã giúp nhà nước CSVN những hình ảnh để quay phim, chụp ảnh tuyên truyền, và thực ra nhà nước cũng chỉ cần như vậy, vì kiểm phiếu và đặc biệt là kết quả bầu cử thì nhà nước hẳn đã có sẵn trước khi phòng đầu phiếu mở cửa, để báo, đài sẵn sàng công bố rùm beng “cuộc bầu cử thắng lợi, thành công rực rỡ” như họ đã làm từ mấy chục năm nay. Tuy biết vậy, nhưng điều quan trọng là, mọi người hãy kể cho ít ra là một vài người thân quen rằng mình đã làm những điều nêu trên tại phong bỏ phiếu. Chỉ khi lan truyền cho nhau biết như vậy một cách rộng rãi mới tạo nên dư luận và mới có thể cùng đánh giá kết quả đếm phiếu kiểu 99% một cách lố bịch và bịp bợm của nhà nước. Đây cũng là bước đầu để có thể cùng làm những việc lớn hơn trong tương lai hầu chấm dứt những cuộc bỏ phiếu giả dối như hiện nay.
Mọi người hãy bắt đầu bằng hành động tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn cho việc thể hiện quyền dân chủ của mình mà ai cũng có thể làm được trong tầm tay, không phải ưu tư về mức độ rủi ro.
Đây cũng là một thông điệp gửi đến lãnh đạo đảng CSVN: Hãy trả lại quyền tự do dân chủ cho người dân!
Tóm lại, tuy bản chất quốc hội là của dân, vì nước nào cũng có quốc hội. Nhưng trong thực tế tại Việt Nam thì quốc hội là của đảng CSVN. Do đó, việc bầu cử quốc hội sắp tới chỉ là chuyện của đảng, chẳng liên quan gì đến nhân dân cả. Không lý do gì mà người dân lại phải cùng với đảng trình diễn cái trò hề tốn kém chính tiền đóng thuế của mình một cách vô lý như vậy.
(1) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-congres-elec-is-it-necessary-04212011070229.html
(2) http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110301-chuan-bi-bau-cu-quoc-hoi-tai-viet-nam-cho-den-nay-chua-co-dau-hieu-dan-chu-thuc-su
(3) Điều lệ đảng Cộng Sản Việt Nam, điều 2, nhiệm vụ đảng viên.
(4) Bài “Sửa đổi Hiến pháp 1992 – yêu cầu cấp bách”, www.Phapluattp.vn ngày18/04/2009.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-congres-elec-is-it-necessary-04212011070229.html
(2) http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110301-chuan-bi-bau-cu-quoc-hoi-tai-viet-nam-cho-den-nay-chua-co-dau-hieu-dan-chu-thuc-su
(3) Điều lệ đảng Cộng Sản Việt Nam, điều 2, nhiệm vụ đảng viên.
(4) Bài “Sửa đổi Hiến pháp 1992 – yêu cầu cấp bách”, www.Phapluattp.vn ngày18/04/2009.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-congres-elec-is-it-necessary-04212011070229.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét