2011/05/17

Thanh Hoá chưa no

Hà Sĩ Phu

(Bài thơ Cha con người lính,ghi theo lời kể của Tần, Thanh Hóa sau vụ đói 1986-87)
Kính gửi GS Nguyễn Huệ Chi cùng BBT Bauxite Việt Nam
Thanh Hoá lưu lại trong trí óc tôi với hai chữ “Anh hùng”, Thanh Hoá anh hùng, sông Mã anh hùng, quê hương của Lê Lợi, Hữu Loan…
Nhưng Thanh Hoá cũng trăn trở trong tôi thêm một chữ “Đói”.
Khoảng năm 1987, một anh bạn, bộ đội xuất ngũ người Thanh Hoá kể tôi nghe một câu chuyện thương tâm, chồng đi bộ đội giúp nước bạn, vợ con ở nhà đói quá, người vợ phải phải đem con đi bán… Đoạn cuối câu chuyện càng khiến tôi xúc động và đau, tôi ghi lại bằng bài thơ “Cha con người lính” (1988), cha con người lính chuộc nhau về, với khẩu súng ngắn trên tay băng qua cánh đồng khô quạnh…
Tưởng Đói chỉ là cơn đau nhất thời của Thanh Hoá, nên tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng ngờ mấy hôm nay, đọc bài Thanh Hoá thiếu đói… trên trang Boxitvn tôi mới biết rằng Thanh Hoá vẫn đói kinh niên.
Tôi xin gửi lên trang Boxitvn bài thơ này như tấm lòng gửi về một miền quê rất mực anh hùng nhưng nay vẫn chưa no.
Kính thư
Hà Sĩ Phu
Anh bộ đội ấy người Thanh Hóa
Từ Cămpuchia về thăm nhà.
Ba-lô bết bụi đường xa
Dừng bên một quán nước trà nghỉ chân.
Mới ba năm
xa nhà
Quê hương anh
sao mà
đổi khác
Cơn gió lạnh thổi về
xao xác
Đàn trẻ gầy
nhao nhác
quanh sân.
Chợt anh bộ đội đăm đăm
Nhìn đứa bé đang cầm chổi quét.
Sao mà giống con anh y hệt
*
Gọi chủ quán ra sau nhà, anh hỏi:
- Thằng bé quét nhà, con ông đấy ư?
Chủ quán trước còn ậm ừ
Sau phải nhận… đã mua ngoài chợ!
“Tôi, hôm ấy, thương tình người mẹ
Nách bốn con, gánh mớ dây lang.
Dây bán trăm đồng, mà cân gạo tám trăm
Sao đủ cháo ăn cầm hơi được?
Phải bán con, chị như đứt ruột
Tôi nhận đứa bé con, đưa trước hai nghìn
Hẹn bao giờ có, sẽ cho thêm…”
*
Anh xin chuộc đứa con
Nhưng túi không đủ tiền.
Người chủ quán không cho
Bảo đã tốn công phu nuôi nấng.
Cực chẳng đã, người cha
Rút súng…
Rồi, … dắt con đi về hướng… làng bên.
*
Người lính hôn con
Lệ cha chảy xuống.
Con đòi khẩu súng
Đeo lệch ngang hông
Cha con người lính
Đi qua cánh đồng…
H. S. P. 1988

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét