2011/05/14

(Báo) Công An Nhân Dân viết bài bôi xấu Đảng?

Lưu Mạnh Anh

Với văn phong khá chải chuốt, ngôn từ có phần gạn lọc, ý mạch xem ra khá tuôn trào tựa… nham thạch từ ngọn núi lửa nào đấy tưởng chừng mãi ngủ vùi trong quên lãng, bỗng chốc “nổ banh” đến tận trời cao nhằm mục tiêu lan tỏa sức nóng hừng hực tưởng đến cả ngàn độ bách phân của một sự dày vò nhiều ngày chất chứa uất ức, nay được dịp xổ tràn cho dịu lại, Quý Thanh định đưa người đọc đi vào tâm thức u minh trong vụ án TS. Cù Huy Hà Vũ “được dựng lên như một biểu tượng” bằng việc nhấn nhá về: trí tuệ, anh hùng, lấp lánh, long lanh… qua cách vừa khen tặng tài năng của Ngô Bảo Châu vừa chê trách Ngô Giáo sư đã tự biến thành ngọn gió để cho nhiều kẻ “mượn gió mà bẻ măng” như Quý Thanh viết: “Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng.”
Cứ nhẹ nhàng mà chấp nhận nội dung bài viết mang hơi hướm:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
(Tố Hữu)
của Quý Thanh để cùng nhau đi vào vài nội dung của bài viết xem sao nhé!
Quý Thanh viết:

“Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác.”
Chỉ một khoảnh khắc ngã xuống của chàng Hector đã trở thành huyền thoại!
Dường như “hình tượng khoảnh khắc” người ta đã bắt gặp đâu đó trong dòng văn học “lãng mạn cách mạng” mà một nhà thơ “nổi tiếng” của Việt Nam đã từng “tụng ca” (chữ của Quý Thanh) rằng:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
Quả là hay, khi Quý Thanh ca ngợi Hector mà không chắc nhiều người dân đã có thời gian để đọc hết câu chuyện của chàng dũng sĩ này. Vậy tại sao không góp lời cảm ơn đến tác giả Quý Thanh đã đưa quan điểm thật rõ ràng khi minh định Hector: “chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khao khát quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình”.
Ngô Bảo Châu chỉ nhắc đến tên Hector, Kinh Kha… và Quý Thanh đã “tiếp tay” để làm đậm đà bản sắc anh hùng vì dân vì nước của Hector.
Chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Phải chăng chàng Hà Vũ đang làm điều đấy?
Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình: chống khai thác bauxite, bởi khai thác bauxite dẫn đến nguy cơ ngoại bang có thể vào Quê hương mà thao túng.
Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính gia đình mình: khi “người ta” đến đập phá hàng rào ngôi nhà, nơi đang thờ phụng hai Nhà thơ lớn (Cù Huy Cận & Ngô Xuân Diệu) của Việt Nam cũng là cha và bác ruột của Hà Vũ và có nguy cơ đe dọa sự an toàn vợ con chàng, Hà Vũ đã dùng Luật pháp và quyền tự do ngôn luận để chiến đấu bảo vệ an toàn tổ ấm.
Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính nhân dân mình: kiến nghị trả tự do cho quân-cán-chính của chế độ VNCH, để thực hiện hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù. Hình như đây là một trong các mục tiêu tối quan trọng của Đảng và Nhà nước (?).
Chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực. Còn gì để bàn cãi“trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác” bên vợ con đầm ấm, thong dong xách giá vẽ đi họa chân dung cho cụ Võ Nguyên Giáp và tận hưởng những buổi trà dư tửu hậu đàm đạo sự đời với bạn hữu… Đời người lý tưởng đến thế còn gì bằng! Liệu Quý Thanh (và bất kỳ ai) có sẵn sàng đánh đổi 10 năm (tù giam + tù nhà) để thỏa “khao khát quyền lực” và “danh vọng”?
Hóa ra, nếu Ngô Bảo Châu “có tội một” thì Quý Thanh “có tội mười” vì bỗng dưng, chính Quý Thanh làm người đọc xoay ra so sánh những việc làm của chàng Hà Vũ qua hình tượng chàng Hector!
Quý Thanh viết tiếp:
“Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.”
Ô hay! “từ trước đến nay”, mấy ai biết chàng Hà Vũ là cái ông nào, mãi cho đến khi hai cái bao cao su đã qua sử dụng được trây đầy mặt các trang báo (có cả báo CAND). Dân mình lại vốn tính tò mò, đặc biệt hay tò mò mấy cái vụ liên quan đến bao cao su đã qua sử dụng, vì thế chàng Hà Vũ bỗng nổi danh từ đấy. Hãy nghe Huy Đức nói:
“Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, complet, caravat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.”
Xem ra Huy Đức thuyết phục người dân, trong khi Quý Thanh “lý giải rất thú vị” rằng: chàng Hà Vũ nổi tiếng từ con đường “cái bóng” và con đường “đánh bóng”. Ai làm cho chàng Hà Vũ nổi tiếng? Ai dại? Ai khôn?
Thoắt cái, Quý Thanh bỗng trở nên tiểu nhân với đoạn văn sau:
“Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: “Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?”. Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều.”
“Bỏ qua” mà lại chẳng bỏ qua (!). Một chiêu thức của kẻ tiểu nhân nhưng luôn tỏ ra người quân tử! Lịch lãm và trí tuệ hơn, Quý Thanh nên đề cập việc làm của chàng Hà Vũ có sai về lý, có phạm về luật không, hơn là bộc lộ tánh khí tủn mủn, vặt vãnh của tên hạ tiện, đấy là chưa kể đến Quý Thanh phạm “tội làm nhục người khác” theo điều 121 Luật hình sự!
Tiếp tục, Quý Thanh tự phơi bày tư tưởng chống Đảng và sai cơ bản về lý luận:
Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ.
Những cá nhân nào “THẬT SỰ MUỐN DÂN CHỦ”? Nói như thế hóa ra “đất nước tươi đẹp” này chưa có dân chủ ư? Không đời nào! Nên nhớ “dân chủ XHCN được coi là nền dân chủ kiểu mới – dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư sản”. Quý Thanh viết thế có khác nào tát thẳng vào bản mặt “nền dân chủ trăm lần hơn của Đảng ta”? Dân chủ đi đôi với trí tuệ ư? Chính xác hơn, dân chủ đi đôi với tự do. Quý Thanh ghép dân chủ đi đôi với trí tuệ hóa ra xem thường giai cấp công nhân (nghèo khó) và giai cấp nông dân (khốn khổ), hai giai cấp cho đến nay trên “giấy tờ” vẫn là đội tiên phong của “đảng ta”! Ai khôn? Ai dại?
Quý Thanh chuyển qua “dạy khôn” (hay “dạy dại”?) Ngô Giáo sư và thấp thoáng trong lời dạy bảo này là sự đố kỵ, khi lời nhận xét từ phía Ngô Giáo sư về chàng Hà Vũ có vẻ làm ai đó mang danh “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, Giáo sư – Tiến sĩ”… cảm thấy họ bị “quýnh giá thấp” mà Quý Thanh lên tiếng hộ:
“Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.
Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.”
Cao thượng nhỉ?! “Phải sống trên chính đất nước của mình” mới “thấu hiểu”?! Không sống trên chính đất nước của mình thì không thấu hiểu?! Lý luận gì đây trời?! Hình như Quý Thanh quên mất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba lặn lội ở nước ngoài những 30 năm (từ 1911 – 1941) cũng chỉ vì “thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người”?
Quý Thanh cho rằng:
“Việt Nam rất cần những anh hùng.”
Không! Chắc chắn là không! Việt Nam cần: tự do dân chủ, Tổ quốc vẹn toàn, thượng tôn pháp luật và “…Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật” (trích điều 12 Hiến pháp).
Quý Thanh kết:
“Ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”. Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng.”
Mặc dù cả bài viết có nhiều điều kém thuyết phục, một số chi tiết vụn vặt, tủn mủn bên cạnh những nội dung “tự phản đề”, nhưng kết thúc của Quý Thanh lại rất có lý: “Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng”
Câu ca dao quen thuộc ai cũng nhớ:
Tháp Mười đẹp nhất bông Sen
Việt Nam đẹp nhất có tên…
Hầu như mọi người đều công nhận hoa Sen là biểu tượng gắn liền với Đức Phật và nay “ngẫu nhiên” gắn liền với tên ai đó…!
Phải chăng từ lâu “người ta” đã biến một nhân vật nổi tiếng trở thành biểu tượng để lợi dụng?
… nhưng đến giờ, nhờ có Quý Thanh nói hộ thay?
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
(Tố Hữu)
Một biểu tượng thanh cao, giản dị và đẹp lồng lộng!
Phải không ông Hữu Ước – Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân?
L. M. A.
Nguồn: http://danluan.org/node/8764

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét