2011/03/19

Hội Nghị Thượng Đỉnh Geneva về Nhân Quyền, Bao Dung và Dân Chủ

Tuấn Sơn

Vào ngày 15 tháng 3 2011, cuộc họp thượng đỉnh hàng năm lần thứ ba tại Geneva về Nhân quyền và Dân chủ, đã diễn ra tại trung tâm Geneva International Conference Center, do 20 nhóm nhân quyền trên thế giới phối hợp tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tại Iran, Tibet và Zimbabwe, với sự hỗ trợ của chính quyền Geneva.
JPEG - 59.5 kb
Năm nay, Đảng Việt Tân là một phần của ban tổ chức Hội Nghị. Ông Elie Wiesel, người từng đoạt giải Nobel Hoà Bình được đề cử chủ tọa danh dự của hội nghị.
Hội nghị cũng bao gồm một ngày huấn luyện và những buổi họp ngoại giao dành cho các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến. Đây là cơ hội gặp gỡ giữa các nhà hoạt động với giới thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc. Chương trình huấn luyện bao gồm những bài thuyết trình nghiêng về mặt hoạt động và những lớp học đào tạo kỹ năng. Mục đích là để trang bị cho các nhà đối kháng những cách thức bất bạo động chống lại các trấn áp của nhà cầm quyền, kể cả việc bảo vệ quyền tự do internet.
Các diễn giả là những cựu tù nhân chính trị từ khắp nơi trên thế giới, như Jacqueline Kasha, Chủ Tịch và Đồng Sáng Lập Viên của tổ chức Freedom and Roam Uganda có trụ sở tại Kampala; Luis Enrique Ferrer Garcia, từng bị tù với bản án 28 năm vì đã làm việc trong kế hoạch Varela kêu gọi cải tổ dân chủ tại Cuba; Guang il Jung, một nhà đối kháng Bắc Hàn, đã từng bị tra tấn và vượt thoát khỏi trại tù; Farid Tukhbatullin, một nhà tranh đấu nhân quyền tại Turkmenistan, đã bị nhà cầm quyền bắt giam và dọa nạt tính mạng sau khi trả tự do. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, phóng viên Đài Chân Trời Mới và thành viên của Việt Tân, đã từng bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bắt giam vì vận động dân chủ tại Việt Nam.
Hơn 250 người đã tham dự hội nghị. Chương trình hội nghị năm nay xoáy vào 6 đề tài:
1/ Tình hình nhân quyền tại Sudan sau cuộc trưng cầu dân ý
2/ Bảo vệ tự do báo chí và tự do trên mạng
3/ Phi Châu và quyền sinh sống của những người đồng tính
4/ Các cuộc cách mạng tại Tunisia, Ai Cập và Lybia.
5/ Luật pháp chống lại các cuộc bắt bớ tuỳ tiện
6/ Tình hình nhân quyền tại Trung Quốc sau giải thưởng Nobel Hòa Bình cho Liu Xaobo
1. Tình hình nhân quyền tại Sudan sau cuộc trưng cầu dân ý
Điều họp: ký giả Catherine Flankan-Bokonga
Các diễn giả:
- John Dau: ký giả người Sudan, tỵ nạn ở Mỹ từ 2001. Sáng lập viên John Dau Fondation, hoạt động trong lãnh vực y tế tại miền Nam Sudan.
- Bernard Schalsa: người Pháp, cựu ký giả, TTK của ONG “collectif urgence Darfour” (hiệp hội báo động cho Darfour).
- Juan Branco: làm việc nhiều năm tại International Penal Court (IPC) và chủ tịch nhóm think-tank “Jeune Répubique” (Young Republic).
John Dau kể lại cuộc sống của ông khi còn ở Nam Sudan, bị đàn áp dã man, làng bị ném bom v.v.. Các diễn giả lưu ý là tình hình chưa ổn định mặc dầu Tổng thống Sudan đã để tổ chức trưng cầu dân ý. Đây chỉ là một hành động nhằm chuộc tội vì nếu không thì trước sau cũng sẽ phải bị lôi ra IPC xử tội. Trường họp của El Bashir không khác gì Kadhafi. Cách đây vài năm, cộng đồng thế giới đã tiến bước để bắt tay với Kadhafi nhưng bản chất độc tài của người này không thay đổi, như mọi người đang chứng kiến với những gì đang xãy ra tại Lybia hiện nay.
2. Bảo vệ tự do báo chí và tự do trên mạng
Điều họp: luật sư Ilana Soskin
Các diễn giả:
- Nguyễn Thị Thanh Vân, ký giả Radio Chân Trời Mới và thành viên của Đảng Việt Tân.
- Miguel Angel Rodriguez, người Venezuela, ký giả của Radio TV Caracas và dân biểu phe đối lập.
- Grace Kwinjeh, người Zimbabwe, ký giả và một trong các sáng lập viên tổ chức Movement for Democratic Change,
Bà Thanh Vân khẳng định không có tự do báo chí tại Việt Nam và tự do trên mạng bị hạn chế nặng nề. Hiện tượng tường lửa, tấn công mạng, bắt bớ các bloggers như ông Phạm Minh Hoàng, v.v. là các bằng chứng không thể chối cãi. Bà Thanh Vân trình bày các nỗ lực của người Việt khắp nơi nhằm hổ trợ tự do trên mạng, đặc biệt qua chiến dịch No Firewall. Bà cũng kể lại kinh nghiệm cá nhân qua vụ nhà cầm quyền CSVN bắt các thành viên Đảng Việt Tân vào tháng 11/2007 để nói lên việc xử dụng luật pháp tuỳ tiện tại Việt Nam. Tệ hại nhất là việc công an dàn dựng nhét súng vào hành lý Việt Kiều từ Mỹ về để ghép tội cho Đảng Việt Tân. Từ năm 2007, CSVN đã dùng các điều 79, 84, 88 để xét xử và bỏ tù nhiều nhà dân chủ khác.
JPEG - 38.8 kb
JPEG - 40.4 kb
Ông Rodriguez cho biết: Đài Radio TV Caracas bị chính quyền ra lệnh đóng cửa năm 2007 vì “âm mưu chống lại nền dân chủ của Venezuela”. Trên thực tế, họ chỉ phổ biến tin tức độc lập, chống lại chính sách của Tổng Thống Hugo Chavez. Từ 5 năm nay, chính quyền Venezuela đã đóng cửa các cơ quan truyền thông độc lập: 6 đài truyền hình, 32 đài radio, hàng chục báo giấy. 5 ký giả đã bị ám sát, có lẻ vì liên quan với nghề nghiệp của họ. Chính quyền Venezuela đã mở cuộc điều tra về ông Miguel Rodriguez về tội “khuyến khích chống lại nhà nước”, một tội có thể bị án 30 năm tù nhưng họ phải ngưng cuộc điều tra vì ông Rodriguez đã may mắn đắc cử dân biểu vào tháng 11 2010.
Bà Kwinjeh đã phải tỵ nạn sang Bỉ từ 2007 sau khi bị bắt và tra tấn 3 tháng liên tiếp. Mặc dầu sự đàn áp dã man, phe dân chủ tại Zimbabwe quyết không dùng bạo lực để tranh đấu cho dân chủ và đây là một sự chọn lựa mang nhiều can đảm.
Trong phần trao đổi với cử toạ, ông Nguyễn Phương Đông thuộc Đảng Thăng Tiến có nêu lên trường họp của các ông Nguyễn Phong và Nguyễn Bình Thành, thành viên của Đảng Thăng Tiến, bị đối xử tàn tệ trong tù, và gia đình các vị này bị xã hội đen xách nhiễu. Các cô con gái của ông Nguyễn Bình Thành bị du côn tuột quần áo ngay giữa đường phố.
3. Phi Châu và quyền sinh sống của những người đồng tính
Diễn giả: Jacqueline Kasha, người Uganda. Sáng lập viên tổ chức Freedom and Roam Uganda (FARU), tranh đấu cho quyền sinh sống của những người đồng tính (LGBTI – Lesbian/Gay/Bi/Trans/Intersexuals).
Tại Phi Châu, có 53 quốc gia xem tình đồng tính là một sự vi phạm luật pháp. Jacqueline Kasha nêu lên những vi phạm nhân quyền nhắm vào những người đồng tính tại Uganda. Năm 2010, một tờ báo tại Uganda kêu gọi giết các người đồng tính và đăng các tên tuổi, điạ chỉ của nhiều người đồng tính và vài tuần sau đó, một thành viên của FARU bị đánh đập đến chết.
4. Các cuộc cách mạng tại Tunisia, Ai Cập và Lybia.
Các diễn giả:
- Lina Ben Mhenni, blogger người Tunisia (atunisiangirl.blogspot.com),
- Mahmoud Salem, một blogger rất nỗi tiếng ở Ai Cập (blog Rantings of Sandmonkey).
- Mohammed Eljahmi, người Lybia.
Cô Lina Ben Mhenni đã tích cực tham gia cuộc cách mạng hoa lài. Giống như nhiều blogger khác, có Lina Ben Mhenni cũng bị khủng bố tinh thần, tịch thu máy móc trước đây. Theo cô Lina Ben Mhenni, sự tự thiêu của Mohammed Bouazizi chưa đủ để làm bột phát cuộc cách mạng. Trước đây, năm 2008, đã có nhiều vụ xuống đường phản đối của giới công nhân đào mỏ. Vào tháng 5 2010, chính quyền mở đầu một cuộc đàn áp trên mạng, khiến nhiều ngàn người dân vượt khỏi sự sợ hãi xuống đường phản đối. Và vào cuối năm 2010, người dân Tunisia đã quen thuộc với Facebook, Twitter, và các dụng cụ vượt tường lửa. Internet chỉ là một công cụ giúp đỡ cuộc cách mạng. Cái chính vẫn là sự bất mãn và hết sợ hãi của người dân. Khi cuộc cách mạng diễn ra, cô Lina đăng tải bài vở, hình ảnh trên blog của mình để thông tin cho khắp thế giới. Khi cảnh sát bắn chết 5 người tại Sidi Bouzi, gia đình của các nạn nhân yêu cầu cô Lina đưa những hình ảnh của họ lên mạng để báo tin. Cô Lina khẳng định rằng người Tunisia đã tranh đấu cho dân chủ và họ sẽ không buông tay bây giờ. Thách thức sắp tới là việc xây dựng dân chủ. Có nhiều đảng phái đã ra đời. Giới trẻ rất quan tâm đến tình hình chính trị của Tunisia. Cô vui mừng khi thấy cuộc cách mạng Hoa Lài mang lại niềm tin cho dân tộc các nước khác và cô hy vọng họ cũng sẽ làm cách mạng tại nước họ như ở Trung Quốc.
Ông Mahmoud Salem cám ơn dân Tunisia đã chỉ đường cho dân Ai Cập. Ông đã tham dự nhiều cuộc biểu tình tại quảng trường Tahrir, hít hơi cay của cảnh sát, bị “dân” phe Mubarak đánh đập. Nhưng ông vui mừng vì cuộc cách mạng thành công. Trong cuộc cách mạng này, ngoài Facebook và Twitter, sự hiện diện của các smartphones là điều rất thuận tiện vì smartphones cho phép chụp hình, quay video, v.v…. Đối với Muslim Brothers, họ không giành quyền hiện nay vì họ nhận thấy dân Ai Cập sẽ không chấp nhận một thể chế chính trị như ở Iran. Thách thức bây giờ của dân Ai Cập là xây dựng dân chủ. Theo Salem, có một cuộc bầu cử tự do chưa phải là có dân chủ. Các đảng phái phải biết đắc cử cũng như thất cử. Một thách thức khác là tu chính hiến pháp để hạn chế quyền hạn của tổng thống. Sự xây dựng dân chủ là một tiến trình cần thời gian, cho nên Mahmoud Salem mong mọi người đừng nôn nóng quá, đừng mong chừng nhiều quá trong thời gian gần.
Anh của Mohammed, tức Fathi Eljahmi, bị giam cầm sau khi đòi dân chủ. Trong tù bị đối xử tề tội, thiếu thuốc men trong khi Fathi bệnh tiểu đường. Đến khi hấp hối, nhà cầm quyền Lybia đã chuyển Fathi sang Jordania để chữa bệnh nhưng đã quá trễ. Fathi chết vài ngày sau khi đến Jordania. Theo Mohammed Eljahmi, không có quốc gia tây phương nào có thể chơi với Kadhafi nữa. Vì vậy, họ nên ủng hộ thẳng thắng phe đối lập. Càng chần chờ thì sự tàn phá đất nước Lybia sẽ càng nhiều.
5. Luật pháp chống lại các cuộc bắt bớ tuỳ tiện
Các diễn giả:
- Luis E Ferrer Garcia, người Cuba, lãnh án 28 năm tù vì hoạt động trong Christian Liberation Movement.
- Guang-il Jung, Bắc Hàn.
- Farid Tukhbatullin, ký giả người Turkmenistan
Trong tù, Luis bị tra tấn dã man, bị còng tay rồi treo lên cao trong nhiều ngày liên tiếp. Nhiều tù nhân lương tâm chọn con đường tự tử vì không chịu đựng nổi các màn tra tấn. Có khi bị nhốt trong hầm ẩm thấp, ở trần truồng, chỉ được phát 1-2 lít nước để uống và làm vệ sinh. Theo Luis, lãnh tụ mới Raoul Castro không hơn gì Fidel Castro. Tình hình nhân quyền ở Cuba thậm chí còn tệ hơn với Raoul. Với sự can thiệp của quốc tế, Luis được trả tự do vào xuân 2010 và trục xuất sang Tây Ban Nha.
Ông Jung sang Trung Quốc làm việc và làm bạn với một người Nam Hàn. Khi trở về nước vào tháng 7 1999, ông bị công an bắt và tra tấn trong vòng 3 tháng liên tiếp về tội gián điệp. Khi ông bị bắt, ông nặng 70 kg. Sau 10 tháng tra tấn trong tù, ông chỉ còn 36 kg. Vì không chịu đựng nổi sự tra tấn, ông đã phải khai những gì công an bắt ông khai. Sau đó, ông được chuyển đi một trại tù chính trị. Trong tù, cai tù không cho tù nhân ăn uống đầy đủ. Thậm chí họ còn cố ý trộn bắp với đồ dơ rồi cho tù nhân ăn. Họ phải ăn vì quá đói. Năm 2003, ông thoát tù và trốn sang Trung Quốc rồi sang Nam Hàn.
Theo Farid thì tình hình nhân quyền ở Turkmenistan cũng như các nước độc tài khác, không có tự do báo chí, internet bị hạn chế trầm trọng.
6. Tình hình nhân quyền tại Trung Quốc sau giải thưởng Nobel Hòa Bình cho Liu Xaobo
Các diễn giả:
- Yang Jianli, người Trung Hoa, bạn của Liu Xaobo.
- Dechem Pemba, dân Tây Tạng, hoạt động cho trang web High Peaks Pure Earth,
- Bahtiyar Ömer, người Uyghur.
- Ti-Anna Wang, sinh viên người Hoa sinh ra và lớn lên ở Canada.
Ông Yang cho biết từ tháng 2 năm 2011, có hơn 20 nhà dân chủ bị bắt. Từ khi có giải Nobel Hoà Bình và những biến cố ở Tunisia, Ai Cập, nhà cầm quyền Trung Quốc trở thành “hoảng loạn”. Vợ của Liu Xaobo bị mất tích từ 5 tháng nay. Ông kêu gọi thế giới đừng thờ ơ trước tình hình nhân quyền ở Trung Quốc vì sự thờ ơ này đã dẫn đến biến cố Thiên An Môn năm 1989. Chế độ độc tài Trung Quốc làm cho một số chế độ độc tài khác tồn tại như ở Việt Nam, Miến Điện, Bắc Hàn.
Dechem Pemba chuyên dịch các trang blog người Tây Tạng sang anh ngữ. Dechem Pemba lên án chính sách giết văn hóa Tây Tạng của Trung Quốc. Gần đây, công an Trung Quốc ngăn chận các người Tây Tạng trẻ ngoài đường và nếu họ có một bản nhạc tiếng Tây Tạng trong máy mp3 hay điện thoại là họ sẽ bị bắt. Hiện nay, có 13 nhà văn Tây Tạng đang ở trong tù Trung Quốc hoặc bị mất tích.
Vợ của ông Bahtiyar bị kết án tù chung thân vào tháng 12 2010 vì tham gia cuộc biểu tình ôn hòa năm 2009. Cũng như trường hợp Tây Tạng, nhà cầm quyền Trung Quốc muốn diệt nền văn hóa người Uyghur. Thỉnh thoảng người Hán tràn vào nhà người Uyghur đánh đập, ăn cướp đồ đạc mà công an không bao giờ ngăn chận.
Từ mấy năm nay, cô Wang tranh đấu cho người cha của cô, bị tù chung thân ở Trung Quốc từ năm 2003. Ông là một nhà đối kháng từ năm 1989. Khi biến cố Thiên An Môn xảy ra, ông đang du học y khoa tại Canada. Sau đó, ông xin tỵ nạn và ở lại Canada. Tên của cô, Ti-Anna, là xuất phát từ biến cố Thiên An Môn (TienAnMen). Năm 2003, ông từ Canada đến Việt Nam để gặp một số người hoạt động công đoàn. Ông đã bị công an Trung Quốc bắt cóc tại Việt Nam rồi mang qua Trung Quốc để bỏ tù. Cô Ti-Anna nói rằng mặc dù có nhiều người thuộc chính giới Canada và Hoa Kỳ ủng hộ trường họp của cô, cha cô vẫn nằm trong tù với tình trạng sức khoẻ ngày càng yếu kém.
Hội nghị chấm dứt vào lúc 18g30 với tấm hình lưu niệm của các diễn giả và thành viên của các hội đoàn phi chính phủ (NGO).
JPEG - 57.6 kb
Liên Minh các Xã Hội Dân Sự Thế Giới tại Hội Nghị:
Collectif Urgence Darfour
Darfur Peace and Development Center
Directorio Democratico Cubano
Freedom House
Freedom Now
Human Rights Without Frontiers Int’l
IBUKA
Ingénieurs du monde
Initiatives for China
Inter-African Committee on Traditional Practices Affecting the Health of Women and Children
International Federation of Liberal Youth (IFLRY)
Ligue International Contre le Racisme
LINK
Respect Institut
Stop Child Executions
Tibetan Women’s Association
Ticino Tibet
Uighur American Congress
UN Watch
Viet Tan
Tuấn Sơn tường trình
(Nguồn: Geneva Summit for Human Rights, Tolerance and Democracy (http://www.genevasummit.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét