2011/03/19

Lưới trời lồng lộng

Đỗ Đăng Liêu

Mới hai tháng trước đây, Ben Ali, Mubarak là những hình ảnh của uy quyền tuyệt đối, tương tự như Gaddafi, Kim Chính Nhật, Fidel Castro,... những bạo chúa đúng nghiã, ở ngay Thế Kỷ 21, với quyền hành tuyệt đối, giống Tần Thủy Hoàng mơ chuyện vạn thế, như Đế Quốc La Mã. Không ai nghĩ có cái gì có thể đe dọa sự tồn vong của họ. Và chắc chắn họ cũng tin như vậy.
Nhưng cái mà họ tưởng là vững chắc kiên cố đó thật ra lại rất mong manh. Chỉ một cơn gió cách mạng thổi qua là cả thành trì của họ bị sụp đổ thật nhanh chóng.
Người ta tự hỏi Ben Ali, Mubarak bây giờ ở đâu? số phận của họ sẽ ra sao? gia tài của cải ăn cướp của dân mà họ mang theo sẽ đi về đâu?
Chỉ 5 ngày sau khi Ben Ali bỏ trốn, Tổng Thống Thụy Sĩ đã ra lệnh phong tỏa mọi tài sản tại Thụy Sĩ của Ben Ali và tất cả những người liên hệ như vợ con, cùng những cộng sự viên của ông ta. Họ còn những tài sản nào khác ngoài Thụy Sĩ thì chưa được biết. Và từ đó đến nay đã liên tiếp có những đòi hỏi trục xuất ông Ben Ali về Tunisie để bị xử theo luật pháp. Như vậy, không những Ben Ali khó lòng nuốt trôi tài sản vài tỉ đô la, mà ngay cả sự an toàn cá nhân, thậm chí mạng sống cũng không có gì bảo đảm.
Tình trạng của Mubarak còn tệ hơn. Ngoài việc tài sản cũng đã bị nước Thụy Sĩ tuyên bố đông lạnh, số phận của Mubarak cũng bấp bênh hơn, vì ông ta vẫn còn ở trong nội địa nước Ai Cập. So với Ben Ali đã thoát được sang Vương Quốc Ả Rập, mà việc trục xuất ông ta về không phải là chuyện đơn giản, thì việc một ngày nào đó dân Ai Cập lôi ông Mubarak ra toà đơn giản hơn nhiều. Có nhiều xác xuất để cả hai ông cựu bạo chúa này sẽ bị dân nước họ đem ra xét xử; ít ra là vì các tội tham nhũng, ắn cắp của công, và tội ra lệnh bắn giết người dân trong những cuộc biểu tình ôn hoà đòi tự do dân chủ. Dù xét theo khía cạnh nào đi nữa thì tương lai của hai cựu bạo chúa đã hết thời cũng đều không sáng sủa.
Nhìn qua nước Libya thì người ta thấy ở ông Gaddafi hình ảnh dẫy dụa của một bạo chúa sắp hết thời. Lòng tham lam cùng cực, nỗi lo sợ tiêu tan quyền lực và đặc biệt là bản chất tàn bạo của mà Gaddafi từng thể hiện trong nhiều vụ khủng bố trước đây (*) đã khiến ông ta không ngần ngại dội bom và nã đại pháo vào người dân của mình. Sức mạnh của bạo lực có thể đang trì hoãn tiến độ của cuộc cách mạng tại Liby, và sẽ còn bao nhiêu sinh mạng người dân nữa bị uổng phí thì chưa rõ, nhưng không ai còn ngờ vực về sự sụp đổ sẽ phải đến của tên bạo chúa này. Đặc biệt là cộng đồng nhân loại đã không dửng dưng trước sự bạo tàn của Gaddafi. Việc một số quốc gia tây phương xúc tiến thành lập “vùng cấm bay” để ngăn chặn bớt bàn tay đẫm máu của Gaddafi chắc chắn gia tăng động lực cho cuộc cách mạng tại xứ Bắc Phi này.
Trường hợp của Gaddafi thì không cần phải đợi đến khi bị lật đổ, vì ngay từ bây giờ toà án quốc tế đã chính thức mở hồ sơ điều tra và xét xử Gaddafi về tội diệt chủng.
Trong mấy thập niên vừa qua, việc cất giấu tài sản của những nhà độc tài trên thế giới đã có nhiều thay đổi. Ký thác tiền tại các ngân hàng Thụy Sĩ trước đây nổi tiếng là bất khả xâm phạm, thì nay không còn là bí mật và an toàn nữa. Ngân hàng tại Thụy Sĩ và các quốc gia Tây phương đã không ngừng đông lạnh tài sản của các nhà độc tài hết thời, cũng như đã từng trục xuất họ về nguyên quán. Vì vậy, chính bản thân những nhà độc tài cũng không còn đất dung thân. Đi đến các nước Tây phương chẳng khác nào đến thẳng các toà án quốc tế. Trốn đến các nước Ả Rập ư? Các nhà độc tài còn sót lại của vùng này hiện nay cũng đang lo âu thấp thỏm cho sự tồn tại của họ. Chỗ nương thân của họ, nếu có, thì chỉ còn lại vài ba nước như Cuba Bắc Hàn, Venezuela, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Miến Điện, tức là những chế độ tuy không “đồng hội” nhưng “đồng thuyền” độc tài. Đến những nước đó thì khác gì vác một túi tiền đi vào nhà những anh trùm du đãng để nhờ giữ giùm và xin tá túc? Hơn nữa, có gì bảo đảm rằng các chế độ ở những nước vừa kể sẽ bền vững? Mà cũng chẳng biết thế nào là bền vững, vì cách đây chỉ mấy tháng có nhà độc tài nào ở Bắc Phi và Ả Rập cảm thấy chế độ của họ bị bấp bênh đâu! Nhưng nay thì hẳn là họ đều lo sợ, không biết quyền lực độc tôn của họ sẽ bị gẫy đổ lúc nào.
Một điểm chung nhất của các chế độ độc tài là: không đặt trên nền tảng “quyền lực của nhân dân”, mà chỉ tồn tại được nhờ vào bạo lực. Và vì vậy tất yếu là sẽ phải sụp đổ khi nhân dân vùng dậy đòi lại quyền lực. Đó cũng là lý do mà các quốc gia “đồng thuyền độc tài” như Cu Ba, Bắc Hàn, Việt Nam, Trung Quốc,.... đều được liệt kê trong danh sách những nước có nguy cơ sẽ có những cuộc cách mạng như đang diễn ra tại Bắc Phi và Ả Rập.
Nếu số phận các nhà độc tài Ben Ali, Mubarak (và sắp tới Gaddafi) không sáng sủa như đã nêu ở trên, thì số phận các nhà độc tài cộng sản tại Việt Nam cũng sẽ không khác mấy, nếu họ cứ tiếp tục cái đà trấn áp dân chúng như hiện nay. Nếu có quan chức nào nghĩ đến chuyện mai này sẽ trốn sang Tàu thì hãy nhớ đọc lại sách sử để biết vua tôi Lê Chiêu Thống đã sống những ngày cuối đời như thế nào trên đất Tàu. Con đường thoát duy nhất là hãy ngưng ngay những hành động tạo thêm máu, nước mắt, và đau khổ lên quần chúng; và từng bước trả lại những gì thuộc về nhân dân.
GIF - 65.9 kb
Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Minh Triết, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang.
Với những phương tiện thông tin tiên tiến hiện nay, những hành vi tàn ác của các quan chức đều được dễ dàng ghi nhận, phổ biến và lưu trữ trên nhiều diễn đàn (*). Ngoài ra, cũng đang có phong trào thu thập và tài liệu hoá hồ sơ tham nhũng, hồ sơ tội ác của các quan chức Cộng Sản Việt Nam. Đây là những điều cần làm, vì trong tương lai cả dân tộc và thế giới đều cần những bằng chứng này để tái lập lại công lý cho Việt Nam.
Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt!
Đỗ Đăng Liêu
(*) Các trang mạng Nó Kìa, Dân Làm Báo, Dân Luận, Dân Lên Tiếng, v.v.... là những trang mạng có nhiều hình ảnh, tài liệu thuộc loại này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét