Hoàng Hà
Hoàng Hà: Kính chào quý thính giả, xin mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Trước hết, xin mời Mục sư Nguyễn Hồng Quang lên tiếng chào quý thính giả của Đài.
Ms. Nguyễn Hồng Quang: Dạ tôi là Mục sư Nguyễn Hồng Quang từ Thủ Thiêm, Sài Gòn, có lời chào quý thính giả của Đài Chân Trời Mới.
Hoàng Hà: Vâng, xin cám ơn Mục sư Nguyễn Hồng Quang. Thưa quý thính giả, với một số sự việc trong những ngày qua, chúng ta cũng đã nghe khá nhiều về sự bắt bớ 4 đảng viên Việt Tân. Thưa Mục sư, qua sự theo dõi của Mục sư, Mục sư có nhận định gì về việc 4 đảng viên Việt Tân bị bắt trong thời gian vừa qua, thưa Mục sư?
Ms. Nguyễn Hồng Quang: Tôi thì chỉ được nghe một chiều thôi. Thứ nhất về mặt chính quyền, tôi có nghiên cứu hồ sơ của anh Nguyễn Thành Tâm ở Bến Tre và anh Trần Văn Thông ở Bến Tre. Những lệnh thông báo bắt ban đầu là liên quan đến đảng Việt Tân; và thông báo lần thứ 2 sau đó 10 ngày thì nói rằng đây là hành vi "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân".
Riêng Ms. Dương Kim Khải, giờ này thì chưa có lệnh bắt, chưa có thông báo bắt, chưa có thông báo với gia đình biết là [Ms. Khải] bị bắt. Công an chỉ cho biết là [Ms. Khải] đi truyền giáo thôi. Sau đó họ lại mời em Dương Mạnh Hồng, con Ms. Khải chỉ mới có 17 tuổi, cho biết ba có liên quan đến đảng Việt Tân. Sau đó tôi nghe ông Hoàng Tứ Duy trên đài RFA nhận đây là 4 thành viên đảng Việt Tân.
Cho đến giờ này, anh Nguyễn Thành Tâm, một tín đồ tin lành Mennonite, Ms. Dương Kim Khải là người tôi bổ nhiệm, thủ phong, ký chứng thư sắc phong cùng với Á Châu vụ của Mennonite Hoa Kỳ. Riêng anh Hoàng là một giảng viên đại học, việc anh là đảng viên đảng Việt Tân hay không thì tôi không có chứng cứ, chỉ nghe thông tin trên phương tiện truyền thông mà thôi. Tuy nhiên, nếu họ vì là đảng viên Việt Tân mà bị bắt thì điều này trái với hiến pháp, trái với chính sách của những người cộng sản, là không cấm những hoạt động của đảng phái. Riêng tôi nghĩ rằng, nếu bắt những người đảng viên khác với đảng cộng sản vì lý do họ tham gia vào một đảng phái chính trị khác với đảng cộng sản, là một sự vi hiến. Hiến pháp không có điều khoản nào cấm các đảng phái khác tồn tại trên đất nước Việt Nam. Việc tham gia một đảng phái chính trị là tốt. Nếu không tốt thì ông Hồ Chí Minh cũng không tham gia vào một đảng phái chính trị có liên hệ với Nga hay Trung Quốc, thì ông Hồ Chí Minh cũng không thành lập đảng Lao Động Việt Nam.
Trong thời đại ông Hồ Chí Minh cũng có đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội; cho dù không có hoạt động tự do hay có đủ quyền của một chính đảng trong một xã hội, nhưng về mặt nào đó nó có tồn tại. Và ngay trong điều 4 hiến pháp năm 1992 của CSVN chỉ giao cho đảng cộng sản, chỉ cho phép đảng cộng sản cầm quyền, chứ không cấm các đảng phái khác tồn tại. Cho nên việc bắt những đảng viên khác thì đó là một sự vi hiến. Về mặt pháp luật là một sự vi hiến, về mặt đạo lý là một sự vô lương tâm vì một mình đảng cổng sạn đi bắt một đảng phái chính trị, trong khi những đảng viên của họ không có một hành vi gây nguy hại cho đất nước, cho lợi ích của dân chúng. Đảng đó [CS] không thừa nhận đảng khác tham gia hoạt động, xây dựng đất nước theo cương lĩnh đảng của họ, thì đây là một sự không công bằng, không sòng phẳng. Đây là sinh hoạt chính trị hết sức kém cõi, trong giai đoạn thế giới văn minh như vậy thật là quá kém cõi và xử sự không công bằng.Còn một điều nữa là Ms. Dương Kim Khải và anh Nguyễn Thành Tâm là những người dân oan. Tôi rõ Ms. Dương Kim Khải hơn ai hết từ mười mấy năm về trước. Cách đây hơn 10 năm Ms. Dương Kim Khải có cộng tác với Giáo hội Mennonite để mở mang Hội thánh tại phường 26 quận Bình Thạnh, bên cạnh đường Đinh Bộ Lĩnh, và tại đây thì có hàng trăm thiếu nhi bị chính quyền ủi đất, cướp đất. Trong Hội thánh này toàn bộ tín đồ tản lạc khắp nơi vì nhà cửa bị ủi. Ms. Khải khiếu nại, kiện ông chủ tịch quận Bình Thạnh vì lý do ông ra quyết định thu hồi đất của dân, thì Ms. Dương Kim Khải bị ở tù 2 năm. Trong thời gian ở tù thì con ông còn nhỏ, vợ ông bị liệt khi bị bệnh..., khi nhà nước ủi nhà ông và nhà tín đồ, ủi luôn Hội thánh. Bàn ghế và cơ sở của Hội thánh Mennonite cũng bị chính quyền ủi luôn và đem quăng ra ngoài đường. Tài sản của Hội thánh do tổng hội mua để mà cho nhóm lại, cho nhà của chấp sự Hồng, cho trong nhà của truyền đạo Nguyễn Trí Thành, hay là trong nhà của Ms. Khải; nơi có Hội thánh nhóm lại, nơi có dạy hàng trăm thiếu nhi của Hội thánh thì chính quyền ủi hết, ủi sạch nhà cửa và tín đồ tản lạc.
Ms. Khải bị đi tù, vợ Ms. Khải bị đột quỵ, bị liệt luôn từ đó đến nay và bị rối loạn thần kinh. Cho nên Ms. Khải sau khi ra tù đã kiên trì khiếu nại. Nhà không có, phải chuyển hội thánh đến ở một chuồng bò của một người dân bên cạnh bờ sông Sài Gòn để thờ phượng Chúa và nuôi vợ. Tôi đã đến nơi này nhiều lần để chia sẻ Lời Chúa thì thấy lội nước bì bõm, nhà cửa trống hoác hết. Cho nên một con người sống trong một gia cảnh như vậy, bị đàn áp như vậy, bị ngược đãi như vậy thì ăn nằm dầm dề khiếu nại, khiếu kiện trước Võ Thị Sáu, trước cơ quan 194 Hoàng Văn Thụ năm 2007... Ms. Khải và tín đồ ăn dầm nằm dề khiếu kiện hoài nhiều năm nay, đến nỗi nhà cửa khánh kiệt hết, không còn gì để sống. Và là một vị Mục sư nữa, và vì hoàn cảnh đưa đẩy họ, thì tôi nghĩ không riêng gì đảng Việt Tân - khi mà khiếu nại, khiếu kiện như vậy – thì các đảng phái, cá nhân ở hải ngoại giúp cho bà con dân oan khiếu nại, khiếu kiện về chai nước suối hay về ăn uống. Thấy tình đồng bào hay thấy họ đau khổ nằm ngoài trời như vậy... và giúp đỡ như vậy... Cho nên việc hoàn cảnh đưa đẩy - người công dân bị ngược đãi, bị cướp sạch tài sản, bị đẩy ra ngoài cuộc sống - ra ngoài xã hội làm công dân hạng 5, hạng 2, hạng bét của một xã hội quá giàu sang, người cán bộ quá giàu sang, có thế lực. Nếu một người dân oan như vậy tham gia một tổ chức hay tham gia, tuyên thệ vào một đảng phái để đấu tranh đòi quyền lợi, thì chuyện đó hết sức bình thường, cũng hết sức nhân văn. Cái sinh hoạt chính trị của người ta để tìm ra một lối thoát, bảo vệ quyền lợi của người ta cũng là chuyện hợp lý. Thành ra tôi nghĩ rằng về mặt công dân thì ông có quyền chọn lựa. Ông là người có hoàn cảnh khá đặc biệt, một người tận cùng dưới đáy xã hội, bị bỏ rơi, bị ngược đãi, bị đẩy vào con đường cùng, vào sự bế tắc tột cùng. Mục sư Khải nghĩ là ông có sự hợp lý của ông thôi.
Hoàng Hà: Thưa Mục sư, xuyên qua 4 người bị bắt, Mục sư thấy hành động của họ có làm gì để nhà cầm quyền CSVN cho rằng có thể nguy hại đến tiền đồ của dân tộc hay sự an ninh của quốc gia không thưa Mục sư?
Ms. Nguyễn Hồng Quang: Cái này là một chuyện hết sức khôi hài. Sự thật là tôi mắc cỡ cho nền tư pháp Việt Nam. Hành vi giấu giếm khi bắt người, luật pháp của một quốc gia bình thường, chứ chưa nói những quốc gia văn minh lắm, là phải công bố cho gia đình họ biết họ phạm tội gì, lý do tại sao bị bắt? Cái điều này, ngay cả luật tố tụng hình sự Việt Nam thì cũng phải cho phép luật sư tham gia vào tiến trình tố tụng ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, hay ngay từ khi bắt giữ và hỏi cung. Cho đến ngày nay, sau 70 năm đảng cộng sản tồn tại và họ nói là họ xây dựng, hoàn kiện nhà nước pháp quyền, được những quốc gia Âu Châu giúp đỡ, hỗ trợ cải cách tư pháp. Diễn đàn nào họ cũng to mồm, bảo là hoàn thiện hệ thống pháp luật mà cho đến giờ này mà luật sư vẫn chưa được gặp mặt thân chủ. Người luật sư cũng không được ngồi xem xét những bản cung, hay tình trạng của người bị giam đó trong lúc hỏi cung có bị ép cung, mớm cung, có bị tráo cung, tâm lý có bình thường hay không? Hay có bị giam cầm trong nơi thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng; rồi khủng hoảng, cài những người nhảy sô, những người ăng-ten vào để gây khủng hoảng cho họ; hay cúp không được thăm nuôi; ăn uống kham khổ mà ra hỏi cung trong trạng thái tâm lý, sức khỏe như vậy mà không được có luật sư, không được thân nhân thăm viếng là quá lạc hậu. Rồi hành vi của họ, dù họ có khai ra đi nữa cũng không có giá trị. Cho nên vẫn lấp liếm; nếu những người đó có hành vi xâm hại an ninh quốc gia, xâm hại lợi ích của người dân thì công khai ra, đem ra xử cho mọi người biết. Tại sao lấp liếm? Nghĩa là những người này chưa có hành vi, hoặc không có những hành vi gây hại an ninh cho quốc gia. Có chẳng qua là nhà nước cộng sản này trấn áp những người không thuộc đảng cộng sản, trấn áp những người dân nào đấu tranh cho sự thật, cho quyền lợi chánh đáng theo pháp luật bảo vệ mà người dân kiên trì đấu tranh,... thì thể chế chính trị này họ phạm pháp, họ không làm theo luật pháp; họ làm theo lệ, làm theo qui định dưới luật để làm thiệt hại quyền lợi của người dân. Cho nên tôi nghĩ những người này không có làm gì xâm hại đến an ninh quốc gia cả. Có khi những hành vi của họ đấu tranh cho công bằng xã hội, cho lợi ích của công dân, hay cho đất nước Việt Nam mình văn minh, toàn dân đoàn kết trong việc chống ngoại xâm, hay là toàn dân đoàn kết chống tập đoàn tham nhũng, chống giặc nội xâm, hay chống những kẻ chà đạp, bẻ cong luật pháp... Những hành động này là có công củng cố an ninh quốc gia chứ không phải xâm phạm an ninh quốc gia. Mình nói công bằng thôi, chứ không nói theo một quan điểm nào hết.
Hoàng Hà: Dạ vâng, thưa Mục sư, có lẽ chúng ta sẽ tạm dừng chương trình này ở đây. Trước khi rời làn sóng, xin mời Mục sư có câu cuối, trước khi chúng ta chia tay cùng quý thính giả.
Ms. Nguyễn Hồng Quang: Chúng tôi nghĩ là Việt Nam đã được các quốc gia Tây Phương và Bắc Mỹ có nền dân chủ, nhân quyền và nền luật pháp tương đối minh bạch, đã ủng hộ Việt Nam về khoa học kỹ thuật, về thành tựu về mặt tài chánh. Về ngoại giao cũng ủng hộ Việt Nam, ngay cả về mặt quân sự, về mặt luật pháp, về mặt giao thương, về nhiều các phương tiện để giúp cho Việt Nam phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam về mặt kinh tế có cải thiện hơn trước, nhưng so sánh mức độ cần phải có so với các quốc gia lân bang thì vẫn còn kém, quá kém cho nền kinh tế nói chung. Mặc dù về mặt giàu nghèo và sự phân bố lợi ích, những sản phẩm xã hội hay thành tựu của sự cải cách kinh tế này là chỉ nhằm vào các nhóm lợi ích, những nhóm có thế lực, chứ còn dân, công nhân và nông dân, dân nghèo nông thôn, các sắc tộc thiểu số vẫn không hưởng được những thành tựu.
Về mặt chính trị thì Việt Nam cho đến bây giờ, quyền tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng, tự do phát biểu, hay đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình theo pháp luật cũng quá khó khăn. Cho nên việc cải cách về xã hội, về luật pháp... bây giờ cái nhà của người dân, luật pháp qui định là không đập khi người dân còn khiếu nại vì nó là tài sản, thuộc điều chỉnh của tòa án; vậy mà cuối cùng người ta vẫn đập, bất chấp luật pháp. Cho nên Việt Nam, về mặt nhân quyền và phẩm giá con người cho đến nay vẫn chưa được tôn trọng,... và chưa nói đến việc cải cách chính trị.
Dường như việc hoạt động chính trị, đời sống chính trị, sự hoạt động và nhiệm vụ chính trị của mỗi công dân là quan trọng nhất, nhân văn nhất. Nó là tinh hoa của các hoạt động xây dựng xã hội của con người, của nhân loại mà bị chà đạp nhiều hơn hết. Mặc dù kinh tế có phát triển, có cải cách; nhưng về mặt chính trị vẫn chưa cải cách. Mọi quyền chính trị của công dân vẫn không bảo đảm, cho nên những sinh hoạt bình thường thì bị chụp mũ, bị vu khống, bị mờ mờ ảo ảo, bị coi như bí mật quốc gia rồi tha hồ nhốt công dân, nhốt người dân trong ngục tối, rồi bôi nhọ, rồi chụp mũ. Tôi nghĩ những hoạt động chính trị, thậm chí tham gia một đảng phái chính trị cũng là một chuyện văn minh, một chuyện bình thường. Đó cũng là một nhu cầu của con người, là hoạt động văn hóa sống của con người. Thế mà cũng bị cấm, cho nên mong rằng đồng bào hải ngoại lên tiếng nói mạnh mẽ, phản ảnh, kiến nghị lên các chính phủ để giúp Việt Nam có một nền chính trị dân chủ, tôn trọng nhân quyền, theo thể chế đa nguyên, sinh động để đất nước Việt Nam mới có cơ hội phát triển vững mạnh thật sự.
Hoàng Hà: Xin cám ơn những chia sẻ của Mục sư trong ngày hôm nay. Kính chào Mục sư và xin hẹn gặp lại Mục sư trong lần thảo luận kỳ sau. Một lần nữa kính chào Mục sư và kính chào quý thính giả.
Ms. Nguyễn Hồng Quang: Dạ cảm ơn anh Hoàng Hà cũng như quý thính giả.
Nguồn: http://radiochantroimoi.wordpress.com/2010/09/29/ms-nguyen-hong-quang-nhan-dinh-csvn-bat-giam-thanh-vien-viet-tan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét