Kim Châm – Radio CTM
Trong những ngày vừa qua, trên các diễn đàn, các trang báo mạng trong nước liên tiếp đưa các tin liên quan đến việc tìm giải pháp cho biển Đông. Trong đó, giải pháp quốc tế hóa tranh chấp trên biển Đông được Vietnamnet và VnExpress đưa tin như một sự thắng lợi trong việc dành lại chủ quyền của Việt Nam.
Hơn ba thập niên qua, từ khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn trên biển Đông, để tránh sự kết hợp giữa các quốc gia liên hệ, nước này đã luôn luôn bác bỏ giải pháp điều đình đa phương cho vùng biển Đông và nhất định chỉ giải quyết song phương với từng nước một. Mặc dù đã có nhiều kêu gọi từ giới trí thức rằng nhà nước Việt Nam hãy quốc tế hoá vấn đề này, đặc biệt là vào khoảng thời gian Việt Nam giữ vị trí chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng các lãnh đạo Hà Nội làm ngơ và tuyên bố tiếp tục chủ trương đối thoại song phương với Trung Quốc. Một cơ hội khác là hội nghị an ninh Shangri-la ở Singapore vào đầu tháng 6 vừa qua. Tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng CSVN, phát biểu về vấn đề “Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực”, nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến vấn đề tranh chấp biển Đông. Trước những căng thẳng do Trung Quốc gây ra trên vùng biển này, ông Phùng Quang Thanh vẫn cho biết quan điểm của Hà Nội là “đàm phán trên cơ sở tinh thần láng giềng hữu nghị anh em”; và “GIỮ NGUYÊN TRẠNG, không làm phức tạp tình hình”. Đối với Trung Quốc, tác nhân gây ra những căng thẳng, ông Phùng Quang Thanh còn nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi - tức CSVN - và Trung Quốc ngoài ra còn có tinh thần đồng chí nữa”.
Chỉ đến khi ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, tuyên bố trong hội nghị an ninh khối ASEAN vào hạ tuần tháng 7, là không chấp nhận cách hành sử bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, thì báo đài lề phải mới được phép ào lên, tuyên bố Việt Nam đã đạt được thắng lợi qua giải pháp quốc tế hóa biển Đông. Trong khi đó, toàn bộ giới lãnh đạo Hà Nội hoàn toàn im lặng (đến độ khó hiểu), ngoại trừ những lên tiếng dồn dập về thái độ không thần phục Trung Quốc đầy nghi vấn của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, một nhân vật mà trên nguyên tắc không đủ thẩm quyền để đưa ra quan điểm ngoại giao chính thức của nhà nước.Trở lại vấn đề Quốc tế hóa biển Đông, thì đây là một giải pháp đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì chủ nhân chính thức của vùng biển này là dân tộc Việt Nam thì lại không được phép có mặt trong giải pháp này. Trong khi đó các nước có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, tất cả đều dùng sự hậu thuẫn của quần chúng làm nền tảng để lớn tiếng đòi phần hơn. Không những thế, họ còn dùng “sự hậu thuẫn của dân” như là một cách để hăm doạ Việt Nam. Trang báo mạng Sina của Trung Quốc viết: "Môi trường xung quanh đã thuận lợi để Trung Quốc tiến hành chiến tranh lớn trừng phạt để Việt Nam không bao giờ quên và các nước Đông Nam Á khác không dám xâm phạm lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông" [1]. Báo chí và người dân Trung Quốc tha hồ đưa tin về quyết định hành chính thành lập "Huyện Tam Sa" như một cách khẳng định chủ quyền công khai của Trung Quốc đối với quần đảo đang tranh chấp.
Còn Việt Nam thì sao? Nhà cầm quyền Việt Nam là chính phủ duy nhất sợ dân mình bày tỏ tình yêu đối với đất nước. Cuối năm 2007, chỉ cần một lời “nhắc nhở nhẹ” của ngoại trưởng Trung Quốc, các cuộc biểu tình phản đối sự bành trướng xâm lược của Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn đã bị dập tắt. Nhiều sinh viên bị đuổi học vì tham gia biểu tình yêu nước. Nhiều nhà trí thức bị xách nhiễu, thậm chí những người yêu nước như blogger Điếu Cày bị bắt và bị kết án 4 năm tù giam. Cuối tháng tư năm 2008, khi giới trẻ Việt Nam phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh tại Sài Gòn, nhiều người đã bị an ninh làm khó dễ. Năm 2009, blogger Người Buôn Gió, blogger Mẹ Nấm và nhà báo Đoan Trang cũng đã bị câu lưu, bị giam giữ vì có những bài viết liên quan đến chủ quyền biển đảo và mặc áo thun nhắc nhớ "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam". Cuộc hội thảo về biển Đông cũng bị theo dõi và xách nhiễu. Chị Pham Thanh Nghiên và các nhà dân chủ ở Hải Phòng bị tù đày vì khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và trường Sa. Nhiều học giả, như tiến sỹ Nguyễn Nhã, lên tiếng nhắc nhở bài học của tổ tiên rằng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, không có cách nào khác ngoài sự đồng thuận của toàn dân. Vì thế, thật khó hiểu khi nhà nước Việt Nam miệng thì nói quyết tâm giữ nước nhưng tay lại liên tục vung lên cố đánh bẹp lòng yêu nước của nhân dân với đủ loại thủ đoạn và toàn bộ guồng máy bạo hành.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhiều lần rằng chính sức mạnh của dân tộc đã giúp nước Việt nhỏ bé đánh bại những đoàn quân xâm lược phương Bắc mạnh mẽ hơn mình gấp nhiều lần. Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng bậc nhất của người dân Việt khi sơn hà nguy biến. Hơn thế nữa, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời đã chạy trong máu của mỗi người, chứ không hề bị điều kiện hóa bởi ý thức hệ. Dân tộc Việt không thể dựa vào quan niệm yêu nước của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng CSVN, vốn thay đổi theo từng thời kỳ tùy theo quyền lợi của nhóm lãnh đạo Đảng. Những kiểu định nghĩa "yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, hoặc kiểu hành xử tự bịt miệng không dám công khai phản đối khi kẻ xâm lược là "người anh em xã hội chủ nghĩa", đều là những ràng buộc vô nghĩa, vô lý, và đáng xấu hổ đối với dân tộc Việt Nam, như cố trung tướng Trần Độ từng chứng minh: Tổ quốc Việt Nam là của dân tộc Việt Nam. Chấm hết!
Giải pháp quốc tế hóa biển Đông được đưa ra vào giữa lúc Hà Nội buộc phải đối mặt với áp lực bành trướng của Trung Quốc và sự phản kháng của người dân trước thái độ nhu nhược để mất dần chủ quyền đất nước. Đặc biệt là gần đây tinh thần này càng dâng cao với phong trào viết 6 chữ HS-TS-VN rộng khắp trên mọi nẻo đường đất nước. Hệ quả tổng hợp đầu tiên là làm bật ra sự nghịch lý: một mặt lãnh đạo đảng CSVN mời các nước trong khu vực và Mỹ cùng tham gia vào giải pháp bảo vệ biển Đông; mặt khác, lãnh đạo đảng cũng gia tăng bắt bớ, trù dập những người công khai bày tỏ lòng yêu nước, chống bá quyền Bắc Kinh — nghĩa là họ khẳng định dân tộc Việt Nam, sở hữu chủ của biển Đông, không được được phép có mặt trong giải pháp này.
Đây không chỉ là là điều vô cùng nghịch lý, mà còn là nền tảng dẫn đến thất bại của chính sách ngoại giao không dựa vào dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét