Trà Mi - VOA
Một nhà tranh đấu dân chủ trẻ vừa được trả tự do sau 4 năm tù giam về tội danh“ tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Phiên tòa phúc thẩm ngày 17/8/2006 giảm án từ 5 xuống còn 4 năm tù đối với bác sĩ bất đồng chính kiến Lê Nguyên Sang, người có những hoạt động mà giới cổ súy dân chủ cho là kêu gọi dân chủ và cổ võ đa nguyên đa đảng tại Việt Nam. Bác sĩ Sang từng theo chuyên khoa tâm thần, công tác tại Bệnh viện Tâm thần Hòa Khánh, Đà Nẵng, trước khi anh vào Sài Gòn học cao học về khoa Nội Tổng quát rồi tốt nghiệp và hành nghề tại Phòng khám Đa Khoa Thị Nghè.
4 năm trước, dư luận đột ngột hay tin bộ ba trí thức trẻ gồm bác sĩ-luật sư-doanh nhân là Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, và Huỳnh Nguyên Đạo bị phạt tù vì vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự, tức tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Vì sao các trí thức trẻ thành danh và có địa vị trong xã hội lại tham gia vào các hoạt động chính trị đối lập không được chính quyền hoan nghênh?
4 năm sau, ngay ngày ra tù, trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thanh Niên, bác sĩ Sang chia sẻ về niềm tin, lý tưởng, cũng như những hoạt động của anh dẫn tới bản án này.
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Từ năm 2000, tôi viết bài trên Câu lạc bộ Dân chủ Việt Nam, tiền thân của Đảng Dân chủ Nhân dân. Ngày 31/5/2005, tôi cùng với Đỗ Thành Công thành lập Đảng Dân chủ Nhân dân, kêu gọi đa đảng và đòi thả tù nhân chính trị. Sau đó, an ninh Việt Nam theo dõi và bắt tôi, xử tôi 4 năm tù giam. Đến nay đúng 4 năm ngày tôi bị bắt. Tôi được “tự do” ngày 17/8, “tự do” theo đúng nghĩa là ra khỏi bốn bức tường nhỏ. Còn đối với bốn bức tường lớn thì những ai đã từng sống trong chế độ cộng sản, họ sẽ hiểu được sự chèn ép như thế nào. Nhiều lúc đến mức chịu không nổi muốn tự sát chết. Khi vô tù, tôi thấy rằng sai lầm của tôi là đã không đi vượt biên mà trước đây bao nhiêu người đã cố tìm cách đi ra nước ngoài, thoát khỏi cái ngục tù lớn đó. Bản thân tôi vì nghĩ là đất nước sẽ ngày một thay đổi khác đi và sẽ tiến bộ hơn nên tôi ở lại để rồi cuối cùng tôi phải vào cái ngục tù nhỏ. Những việc tôi làm là đúng. Ra trước tòa, tôi chưa bao giờ nhận tội. Họ ép tội tôi, bảo là nhận tội tôi sẽ được khoan hồng, nhưng tôi dứt quyết không. Tôi cho rằng hành vi của tôi là cần thiết vì đảng cộng sản Việt Nam đã đánh mất lòng tin của dân chúng và để lại quá nhiều sai lầm trong sự lãnh đạo của họ. Thứ hai, xã hội Việt Nam đang xuống cấp. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải vực dậy cái xã hội đó, thức tỉnh nhiều người. Tôi là một trí thức. Tôi hiểu được trách nhiệm của mình đối với đất nước này thì tôi làm tròn nghĩa vụ của tôi thôi. Còn chuyện ở tù hay không đối với tôi không quan trọng lắm.
Trà Mi: Báo chí trong nước nói rằng tại tòa, anh công nhận đã sai lầm trong nhận thức dẫn tới việc làm sai trái.
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Điều đó không đúng. Tôi chưa bao giờ nhận mình sai. Trong tù, cứ ba tháng người ta kêu ra làm kiểm điểm một lần để mình nhận tội theo 4 tiêu chuẩn thi đua. Tiêu chuẩn đầu tiên gọi là “nhận rõ tội lỗi-thật thà hối cải”. Nhưng tôi dùng tất cả lý lẽ của tôi để bác bỏ rằng tòa đã bắt tội tôi sai, và tôi không có tội.
Trà Mi: Việt Nam nói là anh đã viết bài, in, và phát truyền đơn có nội dung nói xấu nhà nước. Thế nội dung các bài viết và những tờ truyền đơn đó như thế nào mà bị coi là “nói xấu nhà nước”, thưa anh?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Truyền đơn của tôi không nói xấu nhà nước. Thật ra, tôi kêu gọi thả tù nhân chính trị, đa đảng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, thay đổi điều 4 Hiến pháp. Tôi vạch trần ra những sai lầm của đảng cộng sản Việt Nam, và những sai lầm đó đã đưa đất nước, dân tộc này về vị trí nào. Tôi là người Việt Nam, phải có trách nhiệm đối với dân tộc tôi. Họ chụp mũ tôi đủ thứ chuyện trên đời. Cộng sản thật ra họ chẳng có pháp luật gì cả. Việc cai trị dân chúng tùy theo ông quan chức địa phương đó, ông ta muốn làm gì thì làm. Họ nói xây dựng nhà nước pháp quyền, thật ra không có gì hết, không có dân chủ gì hết.
Trà Mi: Chính quyền Việt Nam không chấp nhận đảng đối lập. Vì sao anh tham gia một đảng ở hải ngoại bị chính quyền coi là phản động và khủng bố?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Trước đây, những đảng đối lập khác đều bị bắt và bị trừng phạt rất nặng nề, chứ không phải 4-5 năm như tôi. Tôi nghĩ rằng hành động của mình là hành động dấn thân. Nếu mình không hành động thì chẳng có ai hành động hết. Cứ sợ ở tù hoài thì đất nước chẳng bao giờ có dân chủ. Do đó, đây là sự hy sinh, dấn thân của tôi để góp phần nhỏ bé của mình vào tiến trình dân chủ hóa đất nước. Cộng sản cũng muốn dân chủ, nhưng cái dân chủ cộng sản là theo kiểu của họ, họ muốn “nền dân chủ kiểm soát”, chứ không phải một nền dân chủ theo đời sống xã hội hay một nền dân chủ mà đại đa số nhân dân Việt Nam mong muốn.
Trà Mi: Nhưng đảng anh tham gia bị cho là “phản động và khủng bố”, phải không ạ?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Họ chưa bao giờ cho tôi là khủng bố hết. Nếu họ bắt tôi vì tội khủng bố thì họ sẽ giam tôi 15-20 năm. Còn tôi bị họ bắt về tội “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và tôi đã lý luận rằng không có cái tội gọi là “tuyên truyền”. Nếu tôi nói sai sự thật thì bắt tôi về tội vu khống, nhưng mà đây tôi đâu có vu khống? Nếu anh bắt người ta về tội “tuyên truyền” thì anh đã giết chết tư tưởng phản biện và bỏ tù một trí thức. Trí thức mà không nói được những suy nghĩ, tư tưởng, tư duy của mình đối với sự mất mát, tổn thất của đất nước thì đâu còn là trí thức. Tôi nói tiếng nói phản biện, sáng tạo thì người ta lại cho tôi tội “tuyên truyền”. Tôi bác bỏ chuyện “tuyên truyền” là không đúng sự thật. Tôi nói đúng sự thật, tôi không nói gì sai. Hỏi tôi có tội không? Tôi không có tội. Hành vi tôi có làm không? Tôi có làm, nhưng tôi không có tội.
Trà Mi: Việt Nam quy định tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” trong Bộ luật hình sự cũng như không chấp nhận đảng đối lập. Vậy khi viết bài, in truyền đơn, rồi tham gia Đảng Dân chủ Nhân dân, anh có nhận thức và lường trước được những hậu quả có thể xảy ra chăng?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Tôi đã nhận thức được là tôi sẽ bị bắt. Ngành y là một nghề rất căng thẳng vì luôn sống với sức khỏe và tính mạng bệnh nhân. Còn hoạt động chính trị thì luôn trong trạng thái sẽ bị bắt. Tôi phải làm hai công việc cùng một lúc, cả hai đều rủi ro cho bản thân tôi cả. Nếu tôi sơ suất khi chích thuốc, tôi sẽ làm bệnh nhân chết. Còn hoạt động chính trị thì chắc chắn sẽ ở tù.
Trà Mi: Là bác sĩ y khoa, một ngành hoàn toàn không dính líu tới chính trị và cũng là một nghề khá bận rộn, điều gì khiến anh quan tâm và tham gia vào các hoạt động chính trị mà nhà nước cho là chống đối?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Là bác sĩ chỉ cứu được một vài người thôi, mà cái dân tộc này đang bị hủy hoại, bị tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi nói vậy không quá vì tinh thần dân tộc và lòng tự trọng của mỗi người không còn nữa. Như Đỗ Tấn từng nói, làm bác sĩ chỉ cứu được một vài người, còn làm chính trị thì cứu được cả một dân tộc. Chính vì thế, tôi đi theo chính trị để làm thay đổi tư tưởng, tinh thần của con người, xóa bỏ đi sự sợ hãi.
Trà Mi: Báo ở Việt Nam nói rằng do anh bất mãn về việc không được nhập hộ khẩu cũng như việc kiện tụng đất đai cho nên…
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Đó là một phần thôi. Từ bức xúc bản thân cho tới chuyện xã hội chứ không phải chỉ có chuyện cá nhân tôi không thôi. Bao nhiêu người họ cũng mất đất đai, nhà cửa, hộ khẩu này khác, nhưng họ không làm hành động như tôi. Mất đất đai họ chỉ làm dân oan và đi kiện tụng thôi. Còn tôi, tôi làm một chuyện có thể giải quyết triệt để vấn đề của cá nhân và của hàng triệu người khác tại đất nước, dân tộc này.
Trà Mi: Sau 4 năm tù giam về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”, anh rút ra được điều gì cho bản thân?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Tôi cảm thấy rằng trong 4 năm qua, cái nhìn của đảng cộng sản Việt Nam này đối với tôi khác. Hôm nay, tôi nói với chị với tính cách mạnh mẽ, tự tin hơn. Trước đây, đài cũng phỏng vấn tôi, nhưng tôi phải nói lén lút, không dám nói trước mặt mọi người. Nhưng hôm nay, tôi tự tin đứng trước mọi người nói cho họ biết tôi là một lực lượng đối lập với đảng cộng sản Việt Nam. Nếu cộng sản không chấp nhận đối lập, đến một ngày nào đó, nó sụp đổ, nó sẽ đè chết hết, nhưng nếu có một lực lượng khác cùng gánh vác thì sự sụp đổ đó ít tổn hại hơn. Chúng tôi làm nhiệm vụ đó. Còn nếu cộng sản Việt Nam cho rằng chúng tôi “sai lầm, vu khống, xuyên tạc, nói xấu, tuyên truyền”…, họ có quyền bắt chúng tôi. Bắt là quyền của họ vì trong tay họ có công an, nhà tù, nhưng họ nên nhớ rằng họ bắt tôi cũng không làm thay đổi được cục diện của đất nước Việt Nam và sự sụp đổ của chính họ.
Trà Mi: Có ý kiến nhận xét rằng ở Việt Nam, đáp số thường thấy của bài toán tranh đấu là đi tù, thì những người tranh đấu liệu có đạt được những “giải pháp” mong đợi hay chỉ tự biến mình thành những thành phần bị coi là “phi pháp”? Câu trả lời của bác sĩ bất đồng chính kiến Lê Nguyên Sang như thế nào?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Bất cứ trong một chế độ độc tài nào, không riêng gì chế độ độc tài của đảng cộng sản Việt Nam, từ trước tới nay, những người chống độc tài đều đi ở tù, chứ không phải riêng chúng tôi. Chúng tôi chỉ là phần rất nhỏ thôi. Thậm chí trước năm 1975 ở chế độ ngoài Bắc cũng có những người đi tù như Nhân văn Giai phẩm chẳng hạn. Ở đây, tôi muốn nói rằng tôi thấy trách nhiệm mình phải làm, còn chuyện ở tù không quan trọng vì khi đã xác định rồi thì cứ việc làm thôi. Mặc dù con đường đi có thể chông gai, tù tội, đau đớn, mất mát, hy sinh, thậm chí dư luận người đời nhìn mình với ánh mắt không thiện cảm, nhưng tôi chấp nhận con đường đó. Bởi lẽ nó mang lại lợi ích cho đất nước này, cho dân tộc này một tương lai sáng sủa hơn, thì tôi cứ đi thôi. Bản thân tôi, tôi chỉ cần dư luận, dân chúng phán xét hành vi của tôi là đúng hay sai, vì không có sự ủng hộ của họ, chúng tôi thất bại. Khi chúng tôi hành động rồi, họ thấy rằng đúng là có những người gan lì, dám dấn thân đấu tranh, thì không có điều gì mình phải sợ. Bốn năm qua, tiến trình dân chủ của Việt Nam đã khác nhiều. Đảng và chính phủ Việt Nam đã nhìn những người chống đối một cách nhân nhượng hơn, chứ trước đây, như trường hợp của tôi, thậm chí họ đã đem bắn chứ không để cho ở tù đâu.
Trà Mi: Từ kinh nghiệm và bài học đấu tranh của một nhà bất đồng chính kiến, anh có điều gì muốn chia sẻ với các bạn trẻ?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Tôi vẫn là một người trẻ. Tôi đã từng cầm súng đi bộ đội chiến đấu. Một điều tôi muốn nói là giới trẻ phải chọn con đường lý tưởng mà đi. Khi đã chọn được rồi, thì phải quyết đi đến cùng và phải cương nghị, không bao giờ thay đổi. Tôi chọn con đường dân chủ là con đường đúng cho đất nước này, và tôi theo đuổi con đường đó. Tôi có thể gặp thất bại, bị ở tù lại, bị ngược đãi, hay bị hành hạ, nhưng tôi cho rằng con đường mình chọn là đúng, mang lại lợi ích cho 86 triệu dân Việt Nam thì tôi vẫn cứ làm.
Trà Mi: Bây giờ anh mường tượng về cuộc sống cũng như tương lai sắp tới của mình sẽ như thế nào, thưa anh?
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Tôi sẽ học thêm ngành y và kiếm nghề gì đó nuôi sống bản thân. Sau đó, tôi lại vô Sài Gòn làm phòng mạch với bạn bè tôi, mở phòng khám làm bác sĩ. Nếu có điều kiện, tôi sẽ trở thành một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ Sang đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này, và cầu chúc anh mọi điều tốt đẹp trong tương lai.
Bác sĩ Lê Nguyên Sang: Xin cảm ơn chị.
Đã tới giờ Tạp chí Thanh Niên phải nói lời chia tay với quý thính giả của đài VOA và xin hẹn tái ngộ trong một câu chuyện mới vào tuần sau. Trà Mi thân chào tạm biệt quý vị và các bạn.
Nguồn: VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét