2010/07/22

Lưới trời khó lọt

Văn Liêu

Manuel Noriega là nhà độc tài nước Panama. Gốc quân đội, năm 1983 Noriega tự phong cho mình chức Tướng và nắm quyền tại Panama trong hơn 6 năm trời. Cuối năm 1989, dân chúng Panama biểu tình chống độc tài dữ dội, Noriega lại gây nên xung đột với Hoa Kỳ, để rồi bị bắt mang về Mỹ và bị đem ra xử tại toà án Miami về 3 tội là buôn lậu bạch phiến, tống tiền và rửa tiền. Noriega bị kết án 30 năm tù. Sau một thời gian, nhờ hạnh kiểm tốt, án của Noriega được giảm xuống còn 17 năm và mãn hạn vào năm 2007. Panama yêu cầu Hoa Kỳ trục xuất Noriega về xứ họ để được xử về tội vi phạm nhân quyền. Pháp thì yêu cầu trục xuất Noriega về Pháp để xử về tội rửa một số tiền là 3 triệu mỹ kim. Cuối cùng thì Noriega bị trục xuất sang Pháp vào tháng tư vừa qua. Ngày 7/7/2010, toà án tại Pháp tuyên án Noriega 7 năm tù và tịch biên số tiền $2,9 triệu mỹ kim ký thác tại một ngân hàng Pháp mà trước đó đã bị Pháp đông lạnh.
Lược qua những tội ác mà Noriega đã gây ra trong thời gian cầm quyền, người ta thấy là chả thấm vào đâu so với những tội ác của vô số những nhà độc tài trên thế giới, đặc biệt là những lãnh tụ cộng sản, tuy Noriega cũng bị cáo buộc liên quan đến cái chết của một vài người trong thời gian cầm quyền. Ngay cả số tiền 3 triệu mỹ kim mà Noriega đã rửa cả chục năm trước đó, dẫn đến việc nước Pháp kết tội Noriega 7 năm tù, cũng không phải là một số tiền thật sự lớn ở cấp bậc lãnh tụ quốc gia.
Người ta không biết là Noriega đã nghĩ gì trong thời gian cầm quyền khi tống tiền, rửa tiền và buôn lậu bạch phiến và đem tiền bạc ký thác vào ngân hàng tại một quốc gia dân chủ như nước Pháp, là nước nổi tiếng là hay dung nạp những nhà độc tài thất thời lỡ vận? Phải chăng Noriega nghĩ rằng nếu chế độ của ông ta sụp đổ thì cá nhân ông chỉ việc chạy đến Pháp để sống huy hoàng tới cuối đời với những khoản tiền kếch xù đã ký thác trong khi cầm quyền? Có lẽ vì nghĩ như vậy nên Noriega đã sai lầm rất lớn. Ông ta không phải là người duy nhất, và chắc chắn cũng không phải là người cuối cùng đã nhầm.
Tương tự như Noriega, vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, những nhà độc tài trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Đông Âu và Liên Xô cũ, đã theo nhau đổ rạp như giàn domino. Vợ chồng nhà độc tài Nicolae Ceausescu của nước Romania bị đem ra xử trước một loại toà án nhân dân và sau đó bị đem ra xử bắn rất thê thảm. Nhà độc tài Slobodan Milosevic của xứ Serbia bị phong trào quần chúng lật đổ vào năm 2001, bị bắt, bị cầm tù và bị đem ra xét xử tại Toà Án Hình Sự Quốc Tế tại The Hague và chết trong tù 5 năm sau đó, trước khi vụ xử án kết thúc. Saddam Hussein của Iraq bị hạ bệ vào đầu năm 2003, bị bắt vào cuối năm đó, rồi bị toà án của nước Iraq, bị xử treo cổ vào cuối năm 2006. Trước đó, những tội phạm vốn là tay chân của Hitler cũng đã lần lượt bị đem ra xét xử về những tội ác mà họ đã gây ra nhiều chục năm trước đó.
Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, sự minh bạch, công khai ngày càng được thúc đẩy trên khắp thế giới. Người ta tin tưởng mãnh liệt là những kẻ phạm tội sớm muộn sẽ bị đem ra trước công lý và phải trả lời về những tội ác mà họ đã gây ra.
Chế độ Cộng Sản Việt Nam, với những sự tàn hại và dã man mà họ đã làm trên đất nước ta hơn nửa thế kỷ nay thì không biết phải bao nhiêu sách vở mới ghi chép hết được. Cố Trung Tướng Trần Độ đã tóm lược tất cả những sự tàn ác vô luân đó của đảng cộng sản Việt Nam và hệ quả của nó thật đầy đủ chỉ bằng một đoạn ngắn. Ông đã nhận định rằng: “Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ. Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống cuả con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc. Nó đang làm hại cả một nòi giống” (*).Cùng với các tội ác như nhận định vừa kể của cố Trung Tướng Trần Độ, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay còn tội buôn dân bán nước và đủ thứ tội liên quan đến cướp đoạt, biển thủ, thâm lạm, tham nhũng tài chính khác. Chính vì vậy mà nay họ đều trở thành tỷ phú mỹ kim,.... nếu so với mấy tội tham ô biển thủ vặt vãnh và vài triệu đô la mà Noriega tẩu tán, thì rõ ràng là trong mấy chục năm cầm quyền, ĐCSVN đã sản sinh ra hàng ngàn những bậc thầy của Noriega trong những lãnh vực mà Noriega đã phạm tội.
Những tội ác trong Cải Cách Ruộng Đất, trong cuộc tàn sát Tết Mậu Thân, những thảm cảnh do đảng cộng sản gây ra sau năm 1975 và vô số những tội ác khác đang được thế giới dần dần bạch hoá, và được người Việt tài liệu hoá cho các hồ sơ tội ác của đảng Cộng Sản Việt Nam. Chắc chắn một ngày rất gần, những người lãnh đạo ĐCSVN sẽ phải trả lời về tất cả những tội ác mà họ đã gây ra đó.
Những người lãnh đạo ĐCSVN nghĩ gì về tương lai của họ qua những tấm gương trước mắt như Ceausescu, Milosevic, Hussein, như Noriega? Họ nghĩ gì nếu biết rằng không có điều gì dấu kín mãi được dưới ánh mặt trời. Những chuyện tình thâm cung bí sử của ông Hồ Chí Minh tưởng như mãi mãi theo ông xuống mồ, nhưng nay đã và đang được nhân loại khơi quật lại. Những hình ảnh đấu tố rợn người trước đây chỉ nằm trong xó tối của văn khố Nga, nay đã phơi bày đầy trên các trang mạng....Về mặt tài chính thì huyền thoại về tính "bất khả xâm phạm" hay "bất khả tiết lộ" của những ngân hàng Thụy Sĩ hay ngân hàng tại các nước dân chủ khác đã bị phá vỡ trước những đòi hỏi về sự công khai, minh bạch của thế giới. Đặc biệt là của Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh này, giới lãnh đạo Hà Nội, những người đã gây ra bao tội ác để củng cố sự cai trị và để làm giàu cho họ, có lẽ chỉ còn trông cậy vào sự bảo bọc của người đàn anh Trung Cộng một khi có biến động xẩy ra. Nếu thế thì quả thật là một sai lầm lớn! Trước tiên là không chắc gì những "đàn anh" đó giữ được an toàn cho chính bản thân họ. Kế đến là chẳng có lý do gì để những "đàn anh" đó tiếp tục xả thân bảo vệ cho những "đàn em" đã ngã ngựa, đã trở thành hoàn toàn "vô tích sự" khi bị dân chúng đẩy ra khỏi những chiếc ghế quyền lực!
Quả thật là thế giới bây giờ không còn nơi nào là chỗ trú ẩn an toàn cho tội ác nữa!
Người Việt có câu "Lưới Trời Tuy Thưa Nhưng Khó Lọt". Lời răn này phát sinh từ thủa xa xưa, thủa con người chưa có máy bay, xe hơi tàu thủy, chưa có radio, chưa có truyền hình và nhất là chưa có điện thoại cầm tay, chưa có internet. Đất trời vào thời đó đối với con người còn rộng bát ngát bao la. Lưới trời lúc đó còn rất thưa thế mà cũng đã khó lọt. Ngày hôm nay, thế giới đã nhỏ lại như một ngôi làng (global village). Người ta đi đến những nơi xa nhất cũng chỉ mất một ngày. Tin tức truyền cho nhau chỉ tích tắc là đến nơi. Hệ thống tư pháp, cảnh sát của các quốc gia trên thế giới bắt tay nhau mà làm việc. Kẻ gian không còn đường dung thân. Lưới trời ngày một thắt lại!
Một lối thoát mà giới lãnh đạo vẫn nghĩ đến là “đừng để rơi vào tình trạng phải chạy trốn”. Có nghĩa là phải nắm chặt được quyền lực. Và họ đã bằng đủ mọi cách để giữ được sự “ổn định” bề mặt hiện nay. Nhưng, như đã được ông Nguyễn Trung, một nhà trí thức, một cán bộ cao cấp trong đảng CS phân tích, chế độ càng muốn ổn định sẽ càng phải mất dân chủ, càng phải trấn áp, tới một lúc nào đó sẽ khó tránh khỏi đổ vỡ, như đã diễn tại các nước Đông Âu và Liên Xô... Do đó lối thoát duy nhất còn lại cho những người đang ở trong một băng đảng tội phạm như đảng cộng sản Việt Nam là không gây tội ác cũng như không đồng loã với những tội ác của băng đảng này.
Người dân Việt có truyền thống bao dung và chắc chắn sẽ rộng lượng tha thứ cho những kẻ biết ăn năn hối lỗi nhưng cũng rất cương quyết gạt bỏ và trừng trị những kẻ ngoan cố tiếp tục hại nước hại dân. Lưới trời không còn thưa nữa nên không thể lọt!
(*)Nhật Ký Rồng Rắn ngày 07/12/2000 của cố Trung Tướng Trần Độ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét