2010/07/17

Hệ thống “tai mắt” và sức mạnh dư luận

Trần Quốc Tuân

Có thể nói Việt Nam ngày nay có rất nhiều “tai mắt” (ears & eyes). Dưới ách thống trị độc tài của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) thì nhiều “tai mắt” đã và đang được xử dụng để “quán lý” toàn diện xã hội nhằm bảo vệ chế độ. Cô bán nước mía, bà tổ trưởng khu phố, anh công an phường, hay nhân viên kiểm duyệt báo chí, v.v... có thể đều là “tai mắt” của chế độ. Mọi diễn biến trong xã hội, đặc biệt những bài viết phản biện trái chiều, có thể đều được thu thập rồi chuyển tiếp và báo cáo lên “cấp trên”. Vì thế, cho dù những tiếng nói trái chiều chỉ thật là nhỏ, thì cấp lãnh đạo từ hạ tầng đến thượng tầng đều có thể nghe thấy. Nhưng, những người lãnh đạo kia sẽ cố tình làm ngơ nếu tiếng nói đó không đủ mạnh. Từ làm ngơ, không đếm xỉa đến lợi ích chung của cộng đồng cũng như của những khác, họ trở nên lộng quyền và tranh thủ tư lợi về cho họ. Cho nên mới có những dự án treo, những công trình xây vớ vẩn, hoặc những thông lệ vô duyên để bòn rút xương máu của dân.
Nhưng, sự kiện 208 đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) “bấm nút” bác bỏ dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam (ĐSCT) ngày 19 tháng 6 vừa qua đã minh chứng rằng, sức ép dư luận đã có thể đẩy lùi nạn lộng quyền. Theo dự tính, tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam tốn đến gần 60 tỷ USD, tức khoảng gần 60% tổng sản lượng quốc gia. Xét về các khía cạnh tài lực, nhân lực, và hiệu quả kinh tế thì dự án này quá tốn kém và không cần thiết. Vì thế, ở các quốc gia dân chủ đa đảng, chuyện Quốc Hội (QH) bác một dự án như vậy là chuyện hợp lí, đúng trách nhiệm và cũng rất bình thường. Nhưng, ở Việt Nam thì khác. Vì QH, Chính Phủ, và nghành Tư Pháp đều là thân xác của ĐCSVN, chịu sự chỉ huy của đầu não ĐCSVN; cho nên mỗi khi chính phủ muốn làm việc gì thì chỉ cần trình QH thì QH gật đầu okay. Trong khi đó thì ngành Tư pháp, với trọng trách phân xử đúng sai, thì ngó lơ. Bởi vì các ban ngành đều vì “sự nghiệp chung của Đảng, của nhà nước” và đều do các đảng viên trong Đảng được phân nhiệm thi hành; tức là người nhà cả, cho nên cứ đồng lọạt chấp thuận là giữ được quyền, được lợi và được tình đồng chí.

Thế thì 208 ĐBQH kia là những ai mà dám to gan bác dự án? Hơn 90 phần trăm đại biểu QH là đảng viên đảng CS, tức là đồng chí của những người đệ trình và ủng hộ dự án. Có thể họ cũng muốn thông đồng để tư lợi đấy chứ, nhưng chắc chắn rằng sức ép dư luận đã phần nào đánh thức lương tâm, khiến họ thấy trách nhiệm thật của một đại biểu QH nên đã phải “bấm nút” nói “không”.
Trước khi QH biểu quyết dự án, hàng trăm bài viết trên các trang dân báo trong và ngoài nước, hàng chục bài báo trên các trang báo điện tử trong và ngoài nước đã hợp sức tạo nên một làn sóng dư luận phản kháng. Ví dụ, trang mạng xã hội Facebook đã có ngay “Hội Phản Đối ĐSCT khi GDP/người chỉ là 1,000 USD”. Trang dân báo của nhóm trẻ Lê Nguyễn Huy Trần có bài viết cảnh báo với tựa “Đường Sắt Cao Tốc: Con Đường Diệt Vong Nhanh Chóng”. Trang dân báo Sự Thật và Công Lý thì có bài viết “Đường Sắt Cao Tốc và Đường Nước Siêu Sáng Tạo.” Trang dân báo Free Le Cong Dinh, tác giả Trần Kỳ Trung bày tỏ ưu tư và kết luận, “…giá như bây giờ các vị lãnh đạo có những quyết sách đúng để dân tin, đưa được nền kinh tế Việt nam đi vào ổn định, thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo, giặc tham những, quan liêu, lãng phí… loại trừ, đoàn kết đồng lòng từ trên xuống dưới, bên ngoài lẫn bên trong, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ… Đó mới là ‘Đường sắt cao tốc’ mà nhân dân kỳ vọng, tin tưởng!”[1]
Trong khi đó, trên Diễn Đàn Sinh Viên Kinh Tế Đại Học T.P HCM, thì tác giả Sunflower bình luận, “Làm cái đường sắt này thì thế hệ sau lại nai lưng ra làm trả nợ. Mấy ông ngồi trên cao đâu biết dân mình nghèo như thế nào.”[2]
Quan trọng hơn hết, các trang tin tức điện tử trong nước đã tích cực có những bài viết phản biện rất thẳng thắng. Ví dụ, trên trang Bauxite Vietnam, tác giả Nguyễn Trung với bài “Đường Sắt cao tốc - dự án nhiều bất cập và những lạc quan tếu” phân tích rằng cho dù 30 năm nữa, khi thu nhập đầu người đã là 3.000USD/năm thì, “3.000USD chia cho 12 tháng thì một tháng nhận được 250USD. Chưa trừ thuế đóng cho Nhà nước hay thuế đóng cho vợ, hay cho mèo, đào, ghẹ, hay cave… và vũng chưa tính tiền ăn trưa… Dưới đây là bảng giá vé của hãng Hàng Không Việt Nam. Từ Nha Trang đi Sài Gòn là 650.000 đồng (36USD) – giá một chiều và là giá rẻ nhất. Nếu giá vé ĐSCT bằng 75% của giá vé máy bay thì giá vé ĐSCT từ Nha Trang đi Sài Gòn là 487.500 đồng (27USD). Đi về vị chi là 54USD. Một tháng làm 250USD mà tiền vé ĐSCT một ngày tốn hết 54USD (1.080USD/tháng) thì có mà đi khai phá sản!”[3]
Nhiều tờ báo trong luồng cũng đã hòa mình vào làn sóng dư luận này. Ví dụ, bài viết của TS Tô văn Trường trên tờ Tuần Việt Nam thì cảnh báo: “Nếu không bàn kỹ, và chuẩn bị kỹ thì rất có thể dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam sẽ biến thành ‘kim tự tháp’ mà chưa chắc đã được coi là di sản văn hóa thế giới như các kim tự tháp thật! Thậm chí sẽ bị các thế hệ mai sau oán trách, vì sự chơi ngông theo kiểu ‘con nhà lính, tính nhà quan’ mà cái giá phải trả cho sự chơi ngông này nhiều khi không đơn thuần chỉ còn là về kinh tế”[4]. Cũng trên Tuần Việt Nam, bài viết của tác giả Vũ Minh Khương qủa quyết rằng: “Mỗi nỗ lực và cố gắng hôm nay của chúng ta… phải đau đáu một ý chí hướng tới mục tiêu tối thượng: Đất nước hùng cường, dân tộc phồn vinh… Một người lãnh đạo có tầm vóc là người lãnh đạo thành tâm và biết lắng nghe những lời phản biện thẳng thắn trước mỗi quyết định hệ trọng của mình.”[5]
Thế rồi, hàng trăm bài viết, và hàng nghìn lời bình ủng hộ từ độc giả đã tạo nên một sức ép dư luận đủ mạnh khiến 208 ĐBQH phải “nhấn nút” nói “không” với dự án. Ngay cả chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phải công nhận rằng, “Kết quả của kỳ họp còn có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí”. Tất nhiên ông Trọng chỉ khen khi việc đã rồi, nhằm phần nào khỏi hổ thẹn trước dư luận. Bởi vì trước khi dự án đường sắt cao tốc kia hình thành và trình lên QH, thì chẳng có cơ quan nhà nước nào chính thức mời gọi sự phản biện từ dân chúng. Nhưng, tất cả các bài viết phản biện trên blog, trên các diễn đàn, trên các trang tin tức điện tử trong và ngoài nước cũng đã nhất loạt tự phát nêu lên những ý kiến phản biện vì quyền lợi chung. Và cuối cùng thì những tiếng nói tưởng đâu bé nhỏ và vô vọng cũng đã thành công làm nên việc lớn. Điều ấy chứng tỏ rằng dư luận quần chúng nếu đủ mạnh, có thể dễ dàng đánh bại quyền lực!
Người dân Việt, vốn phải im lặng mấy chục năm qua, nhưng qua đại dự án ĐSCT điên rồ, đã huy động được sức mạnh của dư luận để ngăn chặn một trong muôn vàn cái đại sai lầm của nhà nước. Vì vậy, xin đừng để nguồn dân lực này hao mòn theo năm tháng, mà hãy tiếp tục củng cố và xây dựng nó bằng sự đóng góp trí tuệ, công sức, để dư luận ngày càng thể hiện được sức mạnh của quần chúng. Qua hơn nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản, những sai lầm chồng chất của chế độ này đã khiến đất nước ta phải đối diện với vô số nan đề. Tuy nhiên, trước mắt và khẩn thiết nhất là cần phải tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, để:
1) Đòi QH và chính phủ phải mạnh mẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm lấn của ngoại bang phương bắc.
2) Phản đối dự án khai thác bauxite đầy hiểm hoạ trên Tây Nguyên.
3) Đòi hỏi trả lại nhân dân quyền làm chủ đất nước mình.
4) Đòi hỏi chấm dứt độc tài, bất công.
5) Đòi QH và chính phủ phải truy cứu trách nhiệm đối với những kẻ đã và đang hủy diệt môi sinh, môi trường.
6) Đẩy lùi tham nhũng, hối lộ, và những đại nạn khác trong guồng máy chính quyền.
Đòi QH phải truy cứu trách nhiệm đối với những người cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, thuê rừng đầu nguồn.
Tóm lại, ở Việt Nam có rất nhiều “tai và mắt”. Những “tai va mắt” này chỉ để rình mò dân chúng, hầu trù dập những tiếng nói yêu nước, những người dám lên tiếng vạch trần hay chống lại những sai trái của đảng CSVN. Đã bao năm qua, phần vì bị bưng bít, phần vì nỗi sợ hãi mà đảng cộng sản tạo nên trong xã hội, phần vì không có phương tiện để cất lên tiếng nói đồng nhất, người dân đã phải miễn cưỡng để mặc cho đảng cộng sản thao túng đất nước. Ngày nay, với xu thế dân chủ của nhân loại, bức màn bưng bít đã bị phá thủng, phương tiện để cất lên tiếng nói bênh vực cho sự thực, cho lẽ phải đã khá dồi dào; rất nhiều người đã vượt qua nỗi sợ hãi để góp tiếng nói tạo thành sức mạnh của dư luận. Qua việc dự án DSCT bị bác bỏ, chúng ta đã thành công lần đầu rồi, thi lần thứ hai, thứ ba, thứ tư, v.v sẽ dễ dàng hơn, vì với xu thế không thể đảo ngược được hiện nay, sức mạnh của dư luận để thể hiện nguyện vọng của nhân dân chắc chắn ngày sẽ càng mạnh mẽ hơn. Khi sức mạnh này được phát huy đúng mức và xử dụng đúng chỗ để tạo được hiệu quả tối đa, thì những người cầm đầu bộ máy chuyên chính hiện nay không thể coi thường được nữa. Vì họ biết rằng “nước nâng thuyền, nhưng nước cũng sẽ làm đắm thuyền”.
Nguồn:
1) http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/06/10/ban-v%E1%BB%81-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-s%E1%BA%AFt-cao-t%E1%BB%91c/
2) http://forum.ueh.vn/
3) http://boxitvn.wordpress.com/
4) http://tuanvietnam.net/2010-05-26-bon-cau-hoi-cho-cong-nghiep-duong-sat-viet-nam
5) http://www.tuanvietnam.net/2010-05-23-duong-sat-cao-toc-bac-nam-kim-tu-thap-cua-viet-nam-
6) http://tuanvietnam.net/2010-06-01-duong-sat-cao-toc-va-nhung-cau-hoi-ve-chat-luong-the-che:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét