Ngô Thiện Khải
Câu Chuyện Kinh Tế
Tháng 5 Năm 2010
Trong giai đoạn được coi như hậu khủng hoảng hiện nay, khuynh hướng chung của các quốc gia đã phát triển là tìm cách giảm chi tiêu để cắt bớt thâm thủng ngân sách. Lý do là vì các nguồn đầu tư từ các quốc gia có thặng dư dự trữ ngoại tệ đang trên đà giảm đi, và trong nước, nguồn tiền kiếm được do xuất khẩu cũng giảm, chưa kể thuế nhập khẩu khó tăng do những ràng buộc đã ký kết với WTO. Thật vậy chỉ riêng kinh tế nước Mỹ, nơi có truyền thống thâm thủng ngân sách cao nhất trong các quốc gia phát triển, thì mức thâm thủng cũng đã giảm đi phân nửa, từ hơn 750 tỷ Mỹ kim, do ảnh hưởng chung của làn sóng phá sản về phía tư nhân, sự nghiêm ngặt hơn trong điều lệ cho vay về phía ngân hàng, và các biện pháp tiết kiệm tối đa về phía các công ty.
Ở phía ngược lại, vì nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển có chủ lực dựa vào xuất khẩu, các biện pháp nêu trên tại các nước tiên tiến cũng có nghĩa là mức nhập khẩu trên phạm vi toàn cầu có cơ giảm đi trong những tháng sắp tới, tạo áp lực làm hạ giá thêm các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt từ các nước nghèo. Tuy giá cả đi xuống làm chậm mức tăng trưởng lại dẫn đến nguy cơ kinh tế toàn cầu có thể lại co cụm, nhưng mặt tích cực của tình trạng này là lạm phát sẽ không tăng, nếu mọi biến số khác vẫn giữ nguyên không đổi — nghĩa là không có sự can thiệp một chiều của các chính quyền hay các ngân hàng trung ương.
Riêng cho trường hợp Việt Nam, ước tính lạm phát sẽ ở mức hơn 9% cho suốt năm 2010 tới khoảng đầu năm 2011, tức khoảng 2% cao hơn năm trước. Về mực độ tăng trưởng đang có chiều hướng giảm xuống vào khoảng 5% trong cùng thời kỳ, cũng 2% thấp hơn dự đoán lạc quan đưa ra năm trước. Mức này tương đương với những năm cuối thập niên 80 đầu 90, giai đoạn Việt Nam bắt đầu mở cửa giao thương để cứu vãn nền kinh tế kiệt quệ sau khi Liên Xô cắt viện trợ.
Trở lại bối cảnh kinh tế thế giới, cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 tới của khối G-20 có thể sẽ chuyển sang đề tài nên hay không nên giảm chi để cân bằng ngân sách. Chủ đề trong kỳ họp đầu năm là nỗ lực kích cầu chung, và trong kỳ họp sau đó là biện pháp chấn chỉnh ngân hàng và hệ thống tín dụng. Như đã nêu, khuynh hướng giảm chi toàn cầu có thể lại dẫn đến khủng hoảng chung, bắt đầu từ sự suy sụp ở Mỹ như đã xảy ra năm ngoái, và lần này khu Âu châu còn có cơ nguy Hy Lạp bị phá sản và ảnh hưởng nặng lên cả khối Euro. Do đó, chủ đề cuộc họp G-20 lần này còn có nhiều xác suất sẽ xoay quanh những vấn đề liên quan đến đồng Euro, và những tranh chấp liên quan đến tỷ số hối đoái giữa đồng đô la Mỹ, vốn là đơn vị tiền tệ của giao thương, và đồng tiền của các quốc gia khác, đặc biệt là nhân dân tệ của Trung quốc.
Hiện tượng đáng ghi nhận cho cuộc họp lần này là sự chờ đợi những quốc gia đã vượt qua cuộc khủng hoảng vừa rồi khá thành công như Nam Dương, Brazil, Ấn độ, Úc, và đứng đầu là Canada, sẽ đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực chung nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế dù còn yếu ớt như hiện nay; đóng góp những sáng kiến mới hay chia xẻ những kinh nghiệm vừa qua. Những nước chủ đạo này có thể cũng sẽ được mời đóng vai trò trọng tài hay ít ra là điều hợp viên cho các thảo luận nhằm giải quyết tranh chấp hối đoái mà không gây ảnh hưởng xấu cho giao thương và kinh tế của cả thế giới. Do đó không phải ngẫu nhiên mà cuộc họp sắp tới lại được tổ chức ở Toronto, một thành phố được xem là đầu tàu của nền kinh tế Canada. Nếu không có đề nghị mới mẻ nào, và cũng không đạt được thỏa thuận chung nào đáng kể, thì sau hội nghị lần này sẽ lại tái diễn thảm trạng hồn ai nấy giữ, điều mà chẳng nước nào dù đã hay đang phát triển mong muốn.
Điều này chỉ càng bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, hiện còn đang đối phó với nguy cơ lạm phát bằng những biện pháp chấp vá của kiểm soát giá cả và hạn chế nhập khẩu. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phá giá đồng bạc hai lần mà không đạt mấy kết quả. Họ cũng đã tăng lãi suất cho vay của ngân hàng trung ương.
Những khó khăn hiện tại chồng trên viễn ảnh không có gì sáng sủa do nhận thức trong thời gian gần đây của các nhà đầu tư. Theo đó, thị trường Việt Nam vẫn chỉ là sự hứa hẹn chứ chưa đạt mức trưởng thành như những tuyên bố lạc quan hồi đầu năm của Chủ tịch nước. Những câu sáo ngữ này nay hiện rõ là không có căn bản trên thực tế. Về mặt xã hội, những bắt bớ nhằm củng cố độc tài chính trị trong suốt năm qua, sau bao năm cải cách rình rang, lại càng khiến các nhà đầu tư nước ngoài nghi ngờ thiện chí xây dựng "nhà nước pháp quyền" của giới lãnh đạo và càng tìm đường rút lui sớm.
Trong bối cảnh hiện tại, với thái độ tiếp tục không tin, không dùng, và thậm chí bịt miệng giới trí thức Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế độc lập, giới lãnh đạo Đảng và nhà nước không có nhiều chọn lựa. Họ sẽ phải bổn củ soạn lại các sách lược lỗi thời như xuất khẩu lao động rẻ mạt và tháo bán nhiều chủ quyền quốc gia hơn; hay phải nhượng bộ tên láng giềng hung hãn phía Bắc nhiều hơn nữa để xin tiền cứu nguy đợt 2; hay lại kéo nhau khăn gói lên đường ngửa nón ăn xin các nước dân chủ tiên tiến.
Điều đáng nói là giữa những thiệt hại khủng khiếp và nhục nhã cho cả nước như vậy, ngày nào còn xoay trở được để nắm quyền, giới lãnh đạo hiện nay còn xem đó là sự thành công và khôn ngoan của "đảng quang vinh".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét